Lính hình sự nơi "thủ đô kháng chiến"

Thứ Ba, 15/03/2016, 08:24
Xứ Tuyên - "miền đất của nhan sắc" hiện dần ra theo đà xe chạy, bừng sáng óng ả dưới nắng đầu xuân. Đến thăm đồng đội, dẫu "tay bắt mặt mừng" nhưng lòng tôi vẫn canh cánh nỗi "lo" thường nhật của dân cầm bút, rằng khó tìm được chuyện hay để viết. Chỉ vì so với nhiều nơi, Tuyên Quang là dải đất khá yên bình, ít tội phạm…


Thế nhưng chỉ sau tuần trà, đã thấy nỗi lo lắng kia là thừa. Bởi sự bình yên nơi đây không tự đến, mà được đổi bằng bao vất vả, nhọc nhằn của lính đêm ngày phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm. Rồi khi có án xảy ra, họ lại vào cuộc với toàn tâm sức, trí lực để tìm câu trả lời trước dân. Say chuyện với cánh hình sự xứ Tuyên, màn đêm sơn cước buông xuống lúc nào chẳng hay...

­

1.Thiếu tá Nguyễn Văn Mậu - Phó trưởng Phòng CSHS, Công an tỉnh Tuyên Quang, thoạt nhìn cứ tưởng như anh chủ vườn cam xứ này, bởi cái vẻ ngoài xuề xòa, mộc mạc từ trang phục đến lời ăn tiếng nói. Vì vậy khi nghe giới thiệu anh là đại biểu Công an địa phương được cử đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc năm 2015, thì chúng tôi chợt nhận ra, lính điều tra hình sự không nhất thiết phải có dáng vẻ... "hầm hố"!.

Điều quan trọng là thẳm sâu trong họ, ẩn chứa một năng lực tư duy nhạy bén, lô gic cùng trình độ nghiệp vụ sắc sảo. Thiếu tá Mậu là vị chỉ huy phòng trẻ tuổi, phụ trách trực tiếp Đội hướng dẫn điều tra án hình sự. Thời gian qua, bản thân anh đã chủ trì điều tra khám phá thành công 32 vụ án, chủ yếu là án đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp xác lập và khám phá 5 chuyên án lớn.

CBCS Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Tuyên Quang họp án.

Cũng tại Phòng CSHS - đơn vị chủ công trong trấn áp tội phạm ở miền đất "thủ đô kháng chiến", chúng tôi còn gặp nhiều vị chỉ huy tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đã kịp "định danh" mình trong "làng hình sự" bằng những chiến công. Đó là Đại úy Hứa Tuấn Dũng (Phó trưởng phòng); Trung tá Ninh Thế Cường (Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm trên tuyến, địa bàn); Trung tá Nguyễn Đức Đông (Đội trưởng Đội phòng chống tệ nạn xã hội và mua bán người); Thiếu tá Phạm Đức Trọng (Đội trưởng Đội nghiệp vụ cơ bản)...

Nghe chuyện về họ, trong tôi cái "định kiến" mơ hồ về sự chênh lệch "đẳng cấp" giữa lính hình sự miền xuôi với miền núi mờ nhạt dần. Bởi tư duy đánh án bài bản, chiến thuật điều tra của anh em nơi này hiện lên cũng sắc sảo, độc đáo, đâu có thua kém gì đồng nghiệp ở những "thương hiệu" nổi tiếng như CSHS Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định hay Thanh Hóa, Nghệ An...

2. Chia sẻ về kinh nghiệm nghề nghiệp, Thiếu tá Mậu nói anh rất tâm đắc phương châm tỷ mỷ, thận trọng, không bỏ sót bất kỳ chi tiết nào trong điều tra trọng án. Vụ án "giết người - cướp tài sản" tại thôn Tân Minh, xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn là một ví dụ điển hình về độ khó.

Án "ra" là hoàn toàn nhờ vào óc suy đoán nhạy bén và lô gic của họ. Anh kể: "Giữa đêm 1-7-2015, cả thôn Tân Minh náo động bởi tiếng kêu góc thảm thiết vọng ra từ nhà bà Nguyễn Thị B. Khi mọi người chạy đến thì anh Nguyễn Ánh Ng. (con trai bà) đã bất động trong vũng máu lênh láng khắp ngôi nhà đang xây chưa hoàn thiện. Bản thân bà B. cũng đã bị chém xả vai, máu vung vãi khắp nơi. Do thương tích quá nặng tại vùng cổ nên anh Ng. đã tử vong trên đường đưa đi cấp cứu.

Nhận tin báo, chúng tôi tức tốc hành quân lên hiện trường cách TP Tuyên Quang hơn 40 km. Án mạng xảy ra tại xã vùng cao thuần nông đã nhanh chóng gây xôn xao dư luận. Cái khó đánh giá nhất là tính chất của vụ án này.

Sau cơn nguy kịch, bà B. đã khai với chúng tôi rằng trong lúc giằng co với hung thủ, bà nhận ra y có cái đầu trọc, nhưng lại mặc quần áo phụ nữ. Chưa hết, vì nội bộ gia đình có những mâu thuẫn do tranh chấp đất đai, trước đó bà đã nhận được những lời đe dọa hành hung của người trong họ mạc. Thông tin này ngay lập tức đã hướng sự chú ý của chúng tôi vào mâu thuẫn bên trong, giả thuyết giết người do thù tức được đặt ra. Tuy nhiên, những người trong diện nghi vấn đều có chứng cứ ngoại phạm đáng tin cậy. Đành phải giải nghi. Vụ án có "cơ" lâm vào câu dầm bế tắc.

Thời gian trôi nhanh nên anh em rất sốt ruột. "Môn" điều tra trọng án có đặc điểm là cứ chậm một ngày, chứng cứ (dấu vết và trí nhớ của nhân chứng hiện trường) lại "mờ" đi một chút. Thành thử làm quyết liệt vài buổi mà "chưa có gì", khiến lòng ai cũng nóng như có lửa đốt. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình xung quanh vụ án, chúng tôi nhận được thông tin: Vào hôm đưa ma anh Ng., dân làng đến giúp rất đông, trong đó có Phương Văn Luân (ở cùng thôn).

"Hay" ở chỗ, lúc đó đang vào tiết hè trời nắng thiêu đốt mà Luân lại mặc đến 2 chiếc áo dài tay. Chi tiết này khiến chúng tôi chú ý và bật ra trong đầu những suy nghĩ liên tưởng. Phải chăng y mặc nhiều áo vì tâm lý sợ hãi, muốn che đi những dấu vết thương tích nào đó trên cơ thể mình?

Tính toán các phương án, một mặt chúng tôi "bốc" Phương lên xã để làm việc, mặt khác triển khai xác minh việc sử dụng thời gian của y trong đêm xảy ra vụ án. Kiểm tra, xem xét dấu vết trên thân thể Phương, thấy ở vùng mặt, đặc biệt ở cánh tay trái có vết cào xước hằn lên như những dấu tay.

Hỏi về những xây xát này, Phương khai do bị ngã khi đi thu hoạch chuối trên nương. Lúc này vẫn chưa có gì để "bác" lời trình bày của y. Chúng tôi khẩn trương truy nguyên nguồn gốc con dao sắc nhọn dính máu thu được tại hiện trường.

Đó là một con dao chuyên dụng của người dân làm nghề trồng chuối, mà vùng này là xứ sở của chuối. Vì vậy, có căn cứ nhận định hung thủ là người sinh sống trên địa bàn. Bản thân gia đình Phương trồng tới gần 1 nghìn hốc. Các trinh sát đã chụp ảnh con dao vật chứng rồi cầm lên nhà Phương, ra "câu đố" với mấy đứa con của y, thách "đoán được" con dao trong ảnh chụp là của ai. Một đứa trẻ nói ngay: "Đó là dao nhà cháu", vì những đặc điểm riêng có trên chuôi dao.

Manh mối là đây, niềm tin rằng Phương có liên quan đến vụ án được củng cố. Chúng tôi lập tức gọi hỏi và đấu tranh quyết liệt với tất cả thành viên trong gia đình Phương về những vấn đề có liên quan. Khoét sâu những mâu thuẫn giữa những lời khai, cuối cùng bản chất vụ án được làm rõ. Phương buộc phải khai nhận việc đến nhà bà B. cướp tài sản để trả nợ, vì nghĩ gia đình này đang xây nhà nên có tiền.

Trước khi đi, y mặc quần, áo chống nắng của vợ, đội váy của con gái lên đầu, mục đích để không ai nhận ra mình, rồi cầm dao nhọn đi đến ngôi nhà đang xây của bà B. Gặp anh Ng. đang ngủ giữa nhà, y dùng dao đâm vào cổ nạn nhân, dẫn đến việc giằng co, vật lộn với mẹ con bà và gây ra những vết xây xát trên người. Như vậy, "chìa khóa" để mở ra vụ án này, chính là từ sự nhạy bén, khả năng liên tưởng, xâu chuỗi giữa các sự kiện tưởng chừng chẳng hề liên quan đến nhau của anh em làm án.

CBCS Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Tuyên Quang thực nghiệm điều tra một vụ án "giết người".

3. Cuối năm 2015, tại các xã Thái Sơn, Thành Long, Tân Thành, thuộc huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang liên tiếp xảy ra 3 vụ giết người - cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng. Nạn nhân là những phụ nữ địa phương đi chăn trâu hay làm nương có đeo khuyên vàng hoặc mang theo tiền, điện thoại di động. Đối tượng luôn tấn công từ phía sau bằng vật cứng vào vùng đầu, gáy khiến các nạn nhân đổ gục ngay, không kịp quan sát hung thủ là ai.

Ngoài việc bị "lột sạch" tài sản có giá trị mang theo, nhiều nạn nhân còn bị hôn mê sâu do chấn thương sọ não, tính mạng bị uy hiếp. Vụ án liên tiếp xảy ra đã gây xôn xao dư luận và tâm lý hoang mang, lo sợ trong nhân dân ở địa bàn huyện Hàm Yên. Trách nhiệm tìm ra kẻ thủ ác trong thời gian sớm nhất lập tức đè nặng lên vai CBCS Đội chống tội phạm trên tuyến-địa bàn.

Chuyên án truy xét được xác lập, do Đại úy Hứa Tuấn Dũng; Trung tá Ninh Thế Cường trực tiếp chỉ huy lực lượng phá án. Phối hợp với Công an huyện Hàm Yên, tổ làm án đã triển khai kế hoạch đấu tranh, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để rà soát, phân loại sàng lọc hơn 300 đối tượng tại nhiều địa bàn, phối kết hợp các biện pháp điều tra công khai với hoạt động nghiệp vụ bí mật.

Sau gần 2 tháng, nhiều địa bàn được rà soát, nhiều ổ nhóm đối tượng được dựng lên phục vụ đấu tranh chuyên án. Các trinh sát tỏa sang các tỉnh lân cận để xác minh, liên hệ với Cục CSHS để trao đổi thông tin về phương thức thủ đoạn của loại tội phạm này trong khu vực các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, dù mấy chục CBCS đã làm ngày làm đêm, nhưng bóng dáng kẻ thủ ác vẫn "mịt mù tăm cá".

Không nản lòng, họ kiên trì vận dụng các biện pháp điều tra chuyên sâu nhất. Đến cuối tháng 12-2015, đối tượng Trần Văn Giang (ở thôn 4 Việt Thành, Tân Thành, huyện Hàm Yên) lọt vào "tầm ngắm" vì có nhiều biểu hiện bất minh về kinh tế và hành vi. Bám sát mục tiêu này, Ban chuyên án đã dựng lên được quan hệ "bồ bịch" của y với 1 phụ nữ tại địa phương. Điều hết sức quan trọng là người này đang dùng một trong số những chiếc điện thoại của nạn nhân.

Triển khai trinh sát liên hoàn, Ban chuyên án đã lần ra nơi trốn của Giang tại huyện Gia Lâm, Hà Nội. Như linh cảm thấy "lưới trời" chuẩn bị chụp xuống, Giang định bước lên xe ô-tô đi Quảng Ninh để trốn sang Trung Quốc (là nơi đối tượng đã từng làm thuê trước đây), thì các trinh sát ập đến khiến y không kịp trở tay. Tại cơ quan điều tra, "bản lĩnh" của một kẻ từng "tù lâu, án dài" cũng không qua mắt được các điều tra viên thiện chiến nơi đây. Cuộc đấu tranh quyết liệt bằng các thủ thuật tác động tâm lý, chiến thuật lấy lời khai linh hoạt cuối cùng đã buộc Giang phải đầu hàng và khai báo ngọn ngành về tội ác của mình.

Đào Trung Hiếu
.
.
.