Lão nông hơn 50 năm "vác loa" về làng

Thứ Ba, 26/08/2014, 20:00

Dù tuổi đã cao nhưng ông Lê Đình Vận (72 tuổi, trú tại xã Trung Lương, huyện Bình Lục, Hà Nam) hơn nửa thế kỷ qua, hằng ngày ông vẫn đều đặn cập nhật tin tức thời sự, thời vụ, pháp luật, văn hóa, giao thông đến cho bà con nông dân sống trong thôn Mai Động.

"Ông Vận truyền thanh"

Suốt hơn 50 năm qua, người dân nơi đây đã quen thuộc với chất giọng đặc biệt của vị "giám đốc" nhà đài này. Họ vẫn gọi ông bằng cái tên nghe trìu mến là "PTV Đình Vận" hay "ông Vận truyền thanh".

Ông Vận sinh ra tại vùng quê lúa nghèo chiêm trũng tỉnh Hà Nam. Năm 1959, ông Vận được nhận công tác ở Ban Truyền thanh xã Trung Lương. Ông làm ở đó được ít lâu rồi chuyển về Ban Chủ nhiệm của hợp tác xã. Sau đó, ông đi học thêm nghề và sửa chữa điện. Nhưng 1 năm sau, ông đã xin nghỉ việc về nhà để xin xã cấp cho mình một bộ loa đài để tự nguyện phát thanh cho thôn.

Một lý do rất đơn giản đã khiến ông lão đặc biệt này gắn bó say mê với nghề. Có dịp trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà cấp 4 chật chội, ông Vận hai tay nhanh nhẹn châm điếu đóm rồi nhả hơi thuốc lào ra cửa miệng, cười tươi cho biết: "Giữa thời kỳ đất nước đang bị quân giặc xâm chiếm, ở trên mọi mặt trận, quân ta đều bị Mỹ ngụy đánh phá khắp nơi, vì vậy những bản tin thắng trận hay bị địch càn quét đều được người dân trong thôn quan tâm theo dõi hằng ngày. Cả xã tôi lúc ấy thì chỉ có duy nhất một loa phát thanh, thấy vậy tôi liền đặt vấn đề này ngay với xã và ngay sau đó tôi được chính quyền tin tưởng, giao cho trọng trách này". 

Ông Lê Đình Vận.

Kể từ những năm tháng ấy, ông Vận hằng ngày chăm chút với công tác truyền thanh này. Sự say mê, nhiệt tình của ông đã có nhiều đóng góp đáng kể, phát huy tốt vai trò là cầu nối truyền tải thông tin mang đầy ý nghĩa đến với người dân thôn Mai Động.

Những ngày đầu đưa đài vào vận hành thử, ông gặp phải rất nhiều khó khăn trong các khâu đấu nối hệ thống loa với dây điện. Thế nhưng, ông Vận vẫn không nản chí và sau bao nhiêu ngày vất vả, cuối cùng tín hiệu thử mic của nhà đài cũng đã được vang lên qua giọng nói hân hoan, vui sướng:  "Alô... alô, đây là đài truyền thanh của thôn Mai Động".

Kỷ niệm sâu sắc trong nghiệp

Công việc của một "giám đốc nhà đài" như ông có rất nhiều khó khăn, vất vả. Bất kể ngày nắng hay mưa, ngày lễ, ngày tết, khi mọi người đã hết giờ làm việc, nghỉ ngơi hoặc chưa thức dậy là ông Vận lại nhộn nhịp với công việc của mình. Năm 2009, thấy ông vất vả nên người dân đã đề nghị với xã hộ trợ cho ông được hưởng 90.000 đồng tiền phụ cấp hằng tháng, nhưng cũng không vì thế mà ông chán nản, lơ là nhiệm vụ cao cả này. Có lẽ chính niềm đam mê đã giúp ông hăng say công việc. Ông luôn coi công việc mình làm không phải là công nặng việc nhẹ, mà cốt phục vụ cho đời sống bà con trong thôn.

Trong suốt hơn 50 năm qua, thời kỳ những tin thắng trận của quân dân ta trên chiến trường miền Nam được ông thông báo đến bà con đều được ông xem là những kỉ niệm đẹp, khoảnh khắc khó quên nhất kể từ khi gắn bó với nghề. Nhưng cũng vì lăn lội với nghề, mắt trái của ông chỉ nhìn được 3/10.

"Hồi đó đám thanh niên trong làng còn nghịch quá, chúng nó leo trèo lên cột rồi làm đứt cả hệ thống dây loa. Thấy đài không hoạt động được nữa, dù đang ốm nhưng tôi cũng cố gắng leo lên để đấu lại đường dây để cho kịp giờ phát, rồi trong lúc làm việc đã sơ ý bị cành tre đâm vào giác mạc, phải vào viện chữa trị mất hơn tuần mới khỏe trở lại" - Ông Vận cười tươi chia sẻ.

Ngoài tiếp sóng đài truyền thanh huyện, tỉnh, ông Vận còn mày mò tự sản xuất chương trình về tin tức, thời sự, ca nhạc, trong đó có cả những tiết mục văn nghệ do chính ông sáng tác. Ban ngày lao động mệt nhọc là vậy, nhưng nhiều đêm ông vẫn ngồi một mình viết lách, tự lên kịch bản hoàn chỉnh đến gần sáng, cảm thấy hài lòng mới thôi.

Bác Lê Trường Doanh, một người dân sống cùng thôn chia sẻ cảm xúc: "Nghe chương trình phát thanh của đài ông Vận ai cũng cảm thấy phấn khích, chương trình ông phát rất tổng hợp, đa dạng chuyên mục, thấy được chữ tâm trong công việc. Nhờ có ông mà người dân chúng tôi được biết thêm nhiều thông tin thiết thực, bổ ích; phản ánh kịp thời những sự việc, việc làm cụ thể diễn ra sinh động ở địa phương. Nói thật, hôm nào ông ấy ốm yếu quá, không phát đài được là dân chúng tôi lại cảm thấy thiếu đi, trống vắng một cái gì đó".

Và cứ như vậy, trong suốt hơn 50 năm qua, bên trong căn nhà tồi tàn cũ kĩ, bên cạnh bộ âm li, micro và vài cái loa nén, hằng ngày, 3 lần ông vẫn đều đặn phát, truyền tải thông tin cập nhật đến cho mọi người, khi thì là tin tức ôn lại về chiến sự, hay những bản tin về xã hội đều được ông lên kịch bản phát sóng. Còn mỗi sáng sớm, ông lại gửi tiết mục chào buổi sáng, đêm về thi thoảng ông đọc chuyện đêm khuya. Những kiến thức về sản xuất nông nghiệp, gương người tốt việc tốt cũng được ông cập nhật.

Trong thời gian này, ông còn tuyên truyền cho bà con biết về tình hình biển Đông hiện nay và phối hợp với chính quyền tuyên truyền để bà con không bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo và thể hiện lòng yêu nước đúng pháp luật

Thành Tuyển
.
.
.