Lão ngư cùng bí kíp câu cá 'tiến vua' trên thượng nguồn sông Mã

Thứ Sáu, 19/06/2015, 10:00
Ẩn náu nơi thượng nguồn sông Mã hiện vẫn còn nhiều loài "thủy quái" nặng đến cả tạ như cá chiên, cá lăng. Xưa kia các giống cá này được người dân đem vào cung cho các bậc vua chúa chiêm ngưỡng và thưởng thức. Nhằm tìm hiểu bí kíp câu cá quý, chúng tôi quyết định gặp ông Hà Ngọc Dư (58 tuổi) ở làng Đỏ, xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) để hỏi chuyện. Bởi qua những kinh nghiệm thực tế, nay ông vẫn câu được nhiều loài cá có giá trị kinh tế.

Khám phá bí kíp câu cá tiến vua

Ven hai bờ sông Mã, thuộc huyện (Quan Hóa - Thanh Hóa) là các ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái. Với ngư dân nơi đây, sông Mã luôn chứa đựng nước mắt và đau thương. Bởi có nhiều người lái thuyền đã từng mất mạng vì những xoáy nước sâu đến hàng chục mét. Song với ngư dân nơi đây họ vẫn bám sông để sinh sống. Một trong những nghề mưu sinh độc đáo là câu cá "tiến vua" trên sông.

Từ lâu nhiều người đã biết đến thượng nguồn sông Mã vì nó đã đi vào những trường ca lịch sử của dân tộc. Hò sông Mã còn có câu "Nhất Chiếng nhì Cả, ba Long... Lòng còn ái ngại Ngốc Cùng mà thôi", đó là những địa danh nguy hiểm nơi mà "thủy quái" ẩn náu. Trên nhiều khúc sông hung dữ, suốt hơn 20 năm nay, ông Hà Ngọc Dư vẫn giữ được bí kíp câu cá "tiến vua". Do là người có kinh nghiệm lâu năm, nên ông Dư vẫn thường xuyên câu được rất nhiều loài cá quý nặng hơn 10kg.

Ông Dư nói về sự linh hoạt của chiếc lưỡi câu.

Khi chúng tôi tìm đến nhà, ông Dư đang ngồi cạnh của sổ để uốn lưỡi câu. Thấy có khách bước lên nhà, ông liền dừng tay để tiếp chuyện. Khi chúng tôi hỏi về những bí kíp câu cá trên sông, ông Dư cao giọng bảo: "Thật ra tôi cũng chẳng có bí kíp gì cả, quan trọng là mình phải biết đường đi của các loài cá. Mặc dù tôi không dùng mồi nhưng cá vẫn dính câu, đây là nghề của cha ông truyền lại".

Theo ông Dư, hằng năm mùa câu cá là từ tháng hai đến tháng bảy (âm lịch), vì thời gian này cá thường đi nhiều. Cứ chiều tối ông Dư lại lái thuyền ba lá lựa theo những lạch nước hai bên bờ sông để thả câu. Cũng vì đam mê nên nhiều hôm ông không kịp ăn cơm ở nhà, bởi thả câu về đêm thường trúng nhiều cá hơn ban ngày. Ông Dư bất mí: "Có hôm tôi chưa kịp thả xong thì chuông đã rung rồi, được cái vui". Để nhận biết được cá mắc câu, ông Dư thường buộc chuông vào mỗi đầu cọc rồi cắm vào bờ. Chỉ cần chuông kêu lên leng keng dồn dập y như rằng cá đã dính câu.

Cũng theo ông Dư, khoảng cách giữa các lưỡi câu trên cùng một đoạn dây là từ 10 đến 15cm. Khi thả phải buộc chì thì các lưỡi câu mới nổi chìm được, (chì là các hòn đá được lấy ở bờ sông). Nguyên tắc thả là phải cả chì và phao chìm lơ lửng ở dưới đáy sông thì cá mới dính câu. Thấy chúng tôi chăm chú lắng nghe, ông Dư liền cầm lưỡi câu lên và giải thích: "Những lưỡi câu này là tự tay tôi uốn nên rất sắc, cá chỉ cần chạm vào là dính ngay. Cũng vì nó được thiết kế linh hoạt nên cá càng quẫy mạnh thì các lưỡi câu càng móc vào nhiều, lắm con nặng đến hàng yến".  

Các lưỡi câu được ông Dư treo ở trong nhà.
Ông Hà Ngọc Dư cùng các chùm lưỡi câu của mình.

Thông thường mỗi một đoạn dây được ông giăng từ 5 đến 15 chiếc lưỡi câu sắc lẹm. Vào mùa này nước sông êm ả, gần bờ có nhiều phù du cho các loài cá kiếm ăn, nên mỗi ngày ông Dư cũng câu được vài cân. Nếu may mắn câu trúng cá "tiến vua" như cá chiên, cá lăng thì khách họ đến tận nhà mua. Bởi cá chiên hiện đang được bán với mức giá là 370.000/kg, còn cá lăng cao gấp đôi từ 7 đến 8 trăm nghìn đồng.

Cũng theo ông Dư, mùa lũ thường câu được nhiều cá hơn mùa cạn. Tuy nhiên do nước sông chảy lại có nhiều rác nên rất khó để đặt lưỡi câu. Cũng vì thế mà mỗi khi nghe rung chuông là ông Dư phải gỡ cá ngay, nếu không nhanh tay thì nước sông sẽ cuốn trôi. Hầu như các loại cá quý không có vảy lưỡi câu thường hay móc vào toàn thân. Dù nước trong hay đục đều không ảnh hưởng đến quá trình thả câu.

Những kỷ niệm săn "thủy quái"

Nơi thượng nguồn sông Mã có nhiều xoáy nước nên việc lái thuyền ba lá theo những lạch sông không hề đơn giản. Ông Dư nói: "Sợ nhất là những chỗ nước xoáy vì tôi vừa lái thuyền vừa thả câu nên phải kết hợp linh hoạt. Nếu mình không hiểu quy luật của từng khúc sông thì các xoáy nước sẽ hất tung cả thuyền và người vào vách đá ngay tức khắc".

Thông thường cá chiên, cá lăng thích sống ở những chỗ nước chảy, chúng chủ yếu ăn ngầm dưới đáy sông. Vì là người lái thuyền giỏi cộng với niềm đam mê nên ông không ngại chui vào các hang hốc kế bên những hố nước xoáy. Vì vậy mà sự sống và cái chết lúc nào cũng luôn rình rập. Nói về những vực sông nguy hiểm ông Dư kể: "Qua Chiếng có 3 dòng xoáy, dưới có nhiều hòn đá to nên phải đi bên phải. Qua ghềnh Long thì phải đi bên trái nếu không sẽ bị hất vào vách đá đoạn khúc khuỷu ngay bên dưới. Nhiều lần tôi đã thoát chết, cũng may là mình còn nhanh trí".

Nói về những kỷ niệm thả câu, ông Dư nhớ lại: "Cũng chẳng có kỷ niệm gì đâu, tuy nhiên đối với tôi câu cá là niềm đam mê, vì nó là nghề mưu sinh mà cha ông để lại. Có một hôm khi tôi đang ngồi ăn cơm ở trên thuyền bỗng chuông kêu dồn dập. Linh tính mách bảo, chắc chắn cá chiên đã dính, tôi liền buông bát cơm lái ngoặt thuyền về phía chuông reo. Theo phản xạ tôi bỏ thuyền nhảy lên bờ, hai tay giữ chắc dây. Sau một hồi vật lộn, cuối cùng tôi cũng bắt được cá, nó nặng đến hơn 20kg".

Cá chiên hay còn gọi là "thủy quái" nơi thượng nguồn sông Mã.
Chuông báo cá dính câu được ông Dư cắm trên bờ.

Mặc dù ngồi ở xa vị trí, tuy nhiên chỉ cần nghe tiếng chuông là ông Dư có thể đoán biết được cá lớn hay cá bé. Nếu cá trắm tiếng chuông kêu nhỏ hơn và không dồn dập. Với những loại cá này, ông chỉ cần dùng vợt vớt lên thuyền là được. Còn khi nghe tiếng kêu dồn dập, ông Dư thường lo vì cá giật đứt giây. Vì thế mà ông thường uốn rất nhiều kích cỡ lưỡi câu khác nhau để áp dụng cho từng vùng nước. Những chỗ nước sâu thì ông dùng lưỡi câu to còn những chỗ nông thì dùng lưỡi nhỏ.

Có nhiều lần chuông kêu dồn dập nhưng khi kiểm tra lại không thấy cá đâu cả. Theo như suy đoán, con cá này phải nặng trên 20kg thì mới giật đứt dây. Bởi xưa kia cứ vào mùa hè, ở khúc sông này thường xuất hiện một con cá chiên nặng chừng 50kg phơi nắng. Theo ông Dư, con cá này dài 3m, mình nó to như bao thóc. Tuy nhiên mấy năm gần đây do người dân thường xuyên đánh mìn, sử dụng xung điện nên nó không dám xuất hiện. Cũng có thể do người dân sử dụng thuyền máy để hút cát, khiến con cá này phải tìm đến những khúc sông khác yên tĩnh trú ẩn.

Thời trẻ trong quân đội, ông Dư từng là chiến sỹ đặc công. Ông bảo: "Làm nghề gì mình cũng phải chịu khó. Trong bộ đội chúng tôi được huấn luyện tư tưởng vững vàng thì mới chiến thắng được kẻ thù. Câu cá cũng vậy, mình phải kiên trì thì mới bắt được cá to". Theo ông, ngoài tư tưởng ông còn được huấn luyện cả về tâm lý. Cũng giống như lái thuyền, nếu tâm lý không chiến thắng được bản thân thì sẽ bị lật nhào ngay tức khắc.

Vợ chồng ông Dư sinh được ba người con trai nhưng họ đều đã thành lập gia đình. Ngôi nhà này chỉ có hai vợ chồng già chung sống. Ông nguyện chọn nghề này vì muốn rèn luyện sức khỏe và kiếm thức ăn tươi cho gia đình. Ngoài ra ông còn tự hào vì mình lưu giữ được nghề câu cá "tiến vua" mà cha ông truyền lại.

Minh Phượng
.
.
.