Làng xuất khẩu… cô dâu sang Hàn Quốc

Thứ Tư, 21/05/2014, 14:07

Ở nước ta, chuyện phụ nữ đẻ con trai dường như là một điều tối quan trọng đối với nhiều gia đình còn nặng quan điểm trọng nam khinh nữ. Thế nhưng, tại thôn My Sơn (xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), việc đẻ con trai với nhiều gia đình lại không được coi trọng cho lắm, bởi đối với họ, đẻ được con gái mới là một niềm vui lớn khi họ biết chắc chắn rằng, chỉ 18, 20 năm sau, những đứa con gái có thể lấy chồng nước ngoài và gửi tiền về cho bố mẹ…

Chỉ thích đẻ con gái

Chuyện lấy chồng Hàn Quốc ở thôn My Sơn đã trở thành phong trào từ gần chục năm nay. Số lượng gia đình có con gái đi lấy chồng Hàn Quốc ở trong thôn dường như phải chiếm đến 1/3 và có những gia đình có tới 3 người con gái đều đi lấy chồng Hàn. Nhưng khi nói về việc ai là người "khởi xướng" phong trào này thì chẳng mấy ai biết. Một vài người thì cho rằng người đầu tiên lấy chồng Hàn là cô gái tên Hương ở đội 9, thôn My Sơn. Theo đó, khi ngoài 20 tuổi, chị Hương đã làm quen được một người Hàn Quốc qua Internet. Người đàn ông này từng có thời gian dài làm việc tại Việt Nam nên anh cũng biết chút ít tiếng Việt. Sau khi quen biết một thời gian, cả hai quyết định đi tới hôn nhân và cả thôn My Sơn bắt đầu biết đến chuyện lấy chồng nước ngoài từ đó.

Do là người "đi đầu" trong việc lấy chồng ngoại nên chị Hương bị gia đình ngăn cản rất nhiều, nhưng chàng rể ngoại đã rất tâm lý khi lặn lội từ Hàn Quốc sang tận nhà chị để thuyết phục bố mẹ vợ. Điều đáng nói là sau khi chị Hương xuất ngoại theo chồng được 2 năm thì kinh tế gia đình trở nên khá giả. Ở Hàn Quốc, chị cũng có công việc văn phòng ổn định, gia đình nhà chồng lại khá giả nên thường xuyên gửi tiền về nhà cho bố mẹ đẻ. Chuyện phất lên của gia đình chị Hương đã lan xa đến mức mỗi khi về nước, các cô gái trong xóm lại túm tụm đến hỏi thăm để nhờ "dắt mối". Và từ đó, phong trào lấy chồng Hàn Quốc lan rộng ra khắp My Sơn và các thôn lân cận. Cuộc sống của những gia đình có con đi lấy chồng Hàn cũng khấm khá hơn, nhiều người đã dựa dẫm vào chuyện lấy chồng ngoại như vậy để đổi đời.

Ảnh cưới của chị Bùi Thị Hiễn.

Và chuyện lấy chồng Hàn Quốc ở My Sơn không dừng lại ở chuyện trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng như những đám cưới thường thấy. Nhiều người lấy chồng Hàn,  chỉ với một mục đích để làm kinh tế, để có thể đưa người nhà sang cùng làm việc tay chân kiếm thêm thu nhập.

Có mặt tại nhà chị Bùi Thị Hiễn (sinh năm 1986) đã lấy chồng Hàn được 5 năm, dì chị Hiễn cho biết, do mẹ bị tâm thần, gia đình khó khăn nên mới đây chị đã đưa bố sang chơi, tiện thể làm thêm để kiếm tiền. Chị Hiễn cũng tìm được chồng Hàn nhờ lời giới thiệu của một người "đi trước". Còn với gia đình bà Hà Thị Xộp, cách đây một năm, nhà bà Xộp còn là căn nhà cấp bốn xập xệ, nhưng sau khi lấy chồng Hàn được 2 năm, con gái bà là chị Đỗ Thị Lan đã gửi tiền về để mẹ sửa sang lại căn nhà. Chồng mất, giờ đây một mình bà Xộp ở trong căn nhà hai tầng khang trang rộng rãi. Khi được hỏi về vấn đề lấy chồng Hàn, bà Xộp cho biết: "Ở đây con gái đi lấy chồng Hàn nhiều lắm nhưng chưa thấy ai không có tiền gửi về. Nhưng chuyện lấy chồng tốt hay không cũng là may mắn, con tôi kể có một số người ở bên đó lấy phải chồng rượu chè, cờ bạc nên phải làm việc cật lực mới có tiền gửi về. Nhưng đa phần đều có cuộc sống ổn định…".

Cũng vì chuyện cho con gái lấy chồng Hàn khiến nhiều nhà đổi đời nên người dân nơi đây chuộng con gái hơn con trai, khác hẳn với tâm lý chung của người Việt. Như bà N.T.L - đội 1, thôn My Sơn cho biết: "Tôi có hai cô con gái, một đứa lấy chồng Việt nhưng cuộc sống cũng rất vất vả, chỉ đủ lo toan cho gia đình nó. Còn đứa con bé sinh năm 1989 mới lấy chồng bên Hàn Quốc được 3 năm, sang đó một năm thì nó sinh được một cháu trai nên nhà chồng rất quý. Bây giờ nó cũng đi làm thêm rồi, cứ vài ba tháng lại gửi tiền cho tôi một lần. Căn nhà tôi xây này cũng là tiền chồng nó cho…".

Theo như một số người cho biết, chuyện đẻ con trai rồi mắc các tệ nạn xã hội, hư hỏng, nghiện ngập ở nơi đây đã khiến nhiều bà mẹ rất "ngán". Vì thế, khi đẻ được con gái, nhiều nhà mừng ra mặt, thậm chí còn đùa rằng: "Cũng may đẻ con gái, sau này cho lấy chồng nước ngoài còn gỡ được chút vốn". Vì lí do đó, ở My Sơn hay một số thôn lân cận có phong trào thi nhau "đẻ con gái" và cũng có nhiều trường hợp dở khóc dở cười từ phong trào "độc" và "lạ" ấy.

Bà Xộp và ngôi nhà do con gái mới xây cho.

Phong trào lấy chồng ngoại không chỉ dừng lại ở những cô gái trẻ mà ngay cả những người "quá lứa lỡ thì" hay đã có 1 đời chồng cũng có cơ hội để đổi đời. Câu chuyện của anh N.V.T đòi tự tử chỉ vì người yêu đi lấy chồng Hàn cũng khiến nhiều người lắc đầu ngán ngẩm. Được biết anh T. và người yêu tên Lan đã quen nhau được 4 năm. Cho tới khi anh T. chuẩn bị hỏi cưới chị Lan thì chị này lại nghe theo người chị họ đã lấy chồng Hàn Quốc trước đó, đi xem mặt một người Hàn đang muốn tìm vợ Việt. Cuộc ra mắt diễn ra tốt đẹp, anh T mất người yêu, còn chị Lan hoàn thành thủ tục và xuất ngoại như bao cô gái khác ở My Sơn với ước mơ làm giàu mà gia đình gửi gắm. Cũng từ đó mà anh T đã thề rằng quyết không bao giờ lấy con gái My Sơn làm vợ.

Theo ông Đỗ Mạnh Cương - trưởng xóm 4 - thôn My Sơn cho biết: "Những gia đình có con gái đi lấy chồng Hàn ở đây thì nhiều lắm. Cũng có một số trường hợp không phải vì tiền mà chỉ vì muốn có một gia đình tử tế nên mới chọn lấy chồng Hàn. Bởi từ trước đến nay, ở My Sơn chưa có trường hợp cô dâu Việt nào đi lấy chồng ngoại bị đối xử tàn tệ cả. Hầu hết mọi người sang đó đều gửi tiền về nên chuyện lấy chồng Hàn vẫn còn được nhiều người chuộng lắm. Vì thế mà không chỉ tại xóm tôi mà các xóm khác cũng xảy ra những câu chuyện trái ngang về việc bỏ trai Việt để lấy trai Hàn…".

Nên buồn hay vui

Nói qua thì cũng phải nói lại, không thể trách được những gia đình, những cô gái ở thôn My Sơn. Thực chất, nếu được đặt ra để chọn thì trong thời buổi con người sống ngày càng thực tế như hiện nay, người ta sẽ chọn một chú rể, con rể có thể làm ra tiền hay ít nhất cũng giúp vợ mình làm ra tiền.

Những ngôi nhà cao tầng do cô dâu Việt gửi tiền về xây là mơ ước của nhiều thôn nữ.

Có những cô gái chịu lấy chồng hơn 20 tuổi, có người thì nhà cũng khá giả nhưng vẫn thích lấy chồng ngoại. Lý do sâu xa cũng là bởi trên thực tế, chuyện những "tấm gương" về chị em lấy chồng địa phương phải chịu khổ vì chồng nghiện hút, cờ bạc, rượu chè đã ở ngay trước mắt. Còn lấy chồng Hàn khổ đâu chưa thấy, nhưng ít nhất cách cư xử với những cô gái sắp về làm vợ rất lịch sự và chuyện dâu Việt gửi tiền về xây nhà to cửa đẹp cho bố mẹ vẫn nhan nhản trong thôn. Như vậy, liệu có thể trách những cô dâu Việt thích lấy chồng ngoại?

Bên cạnh chuyện lấy chồng ngoại, lợi dụng tâm lý của những người dân nơi đây, nhiều kẻ đã tổ chức chuyện "làm quen, lấy chồng" như một cuộc tuyển chọn. Điều đó làm giá trị của những cô dâu Việt trở nên rẻ rúng hơn bao giờ hết. Chưa kể đến chuyện có những kẻ nhận tiền để "xuất khẩu" những cô dâu Việt cho những gã chồng không ra gì. Theo quan điểm cá nhân người viết, việc chọn vợ như vậy chả khác gì một món hàng, chắc chắn người chồng cũng không phải là kẻ tử tế. Và trong số những cô gái đó, liệu có chắc rằng không ai bị đối xử tàn tệ, bị ngược đãi như một số trường hợp chúng ta đã thấy được trên báo chí, truyền thông. Đó cũng là lẽ thường tình của cuộc sống.

Ngày 12/1/2014, tổ công tác của Phòng PC45 và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh CATP Hải Phòng đã phát hiện tại nhà hàng Thảo Viên, ở xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên, có một nhóm đối tượng đang tổ chức cho hai người nước ngoài "tuyển" phụ nữ Việt Nam để kết hôn, cầm đầu là: Hoàn Văn Kiên (39 tuổi,  Phả Lại, Chí Linh, tỉnh Hải Dương),  Nguyễn Đại Thắng (sinh năm 1973, phường Hải Tân, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương).

Theo như khai nhận Thắng cho biết mình từng sinh sống tại Hàn Quốc nên quen biết một số người mang quốc tịch nước này và nói được tiếng Hàn. Còn Hoàng Văn Kiên làm dịch vụ tại khu sân gold Sông Giá, huyện Thủy Nguyên nên cũng quen biết nhiều người Hàn Quốc. Thấy có một số người Hàn Quốc muốn kết hôn với phụ nữ Việt Nam nên hai đối tượng này đã bàn nhau tổ chức cho họ "xem mắt" những cô gái Việt Nam để kết hôn hoặc làm dịch vụ hôn thê nhằm đưa người sang Hàn Quốc nhập quốc tịch.

Kết quả, gần 30 phụ nữ ở hai địa phương trên đã có mặt tại nhà hàng Thảo Viên để "ra mắt" các chú rể nước Hàn. Căn cứ vào hành vi vi phạm của các đối tượng, vừa qua, Chủ tịch UBND TP đã ra quyết định xử phạt hành chính 25 triệu đồng/người đối với 5 đối tượng người Việt Nam trong đường dây môi giới kết hôn với người nước ngoài nêu trên (theo điểm 5, Điều 28 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP, ngày 24/9/2013 của Chính phủ).

.
.
.