Ô nhiễm nước khu vực nghĩa trang Thanh Tước:

"Làng ung thư" cạnh nghĩa trang đang tự cứu mình

Thứ Ba, 03/02/2015, 15:19
Chẳng phải tự nhiên người ta gắn cho khu dân cư đường 23 (xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội) cái tên "Làng ung thư". Mỗi năm có cả chục người dân ở đây mất mạng vì căn bệnh quái ác này. Ai nấy cũng nơm nớp lo sợ: "khi nào thần chết gõ cửa nhà mình". Không chỉ vậy, đến thu nhập của người dân cũng bị đe dọa bởi những rau, củ họ trồng đang bị tẩy chay vì tưới nước ô nhiễm. Hàng ngày, hàng giờ người dân đang phải gồng lên để tự cứu mình.

Người dân kêu cứu

Bắt đầu từ năm 1964, nghĩa trang Thanh Tước (xã Thanh Lâm, Mê Linh) đi vào hoạt động, đây là nơi cát táng của những gia đình có thân nhân an nghỉ tại khu vực sân bay Bạch Mai. Đến năm 1993, nghĩa trang này được mở rộng thêm 2 héc ta. Tuy nhiên hiện nay mật độ hung táng ngày càng nhiều, nghĩa trang tọa lạc trên khu vực đồi dốc lại không có hệ thống xử lý nước thải.

Chúng tôi có một buổi thực tế tại các hộ dân quanh khu vực nghĩa trang Thanh Tước mà không khỏi giật mình. Hầu hết giếng nước sinh hoạt của người dân đều có một màu đen kịt, váng mỡ nổi lên mặt và có mùi hôi rất khó chịu.

Bơm nước tại giếng nhà mình lên, ông Đỗ Văn Điền (tổ 3, đường 23) ngao ngán: "Chúng tôi không thể chịu được nữa rồi. Anh chị bảo nước thế này rửa cũng còn không được nói gì đến ăn uống". Mặc dù nước tại đây đã rơi vào tình trạng ô nhiễm nặng nhưng hầu hết các hộ dân vẫn cắn răng sử dụng. Gia đình có điều kiện có thể mua máy lọc nước, nhà không có sẽ bơm nước đen kịt đó chờ thời gian cho lắng cặn, sau đó dùng để sinh hoạt ăn uống.

Ông Điền bức xúc: "Rõ ràng nước ô nhiễm là từ nghĩa trang. Xung quanh đây làm gì có nhà máy xí nghiệp hay làng nghề gì mà bảo xả thải ra sông ngòi. Nhà dân chúng tôi cách nghĩa trang có vài trăm mét, thậm chí có nhà mồ mả ngay sát vách". Chỉ tay về phía nhà bà Nguyễn Thị Điểm, ông Điền nói: "Nhà bà Điểm đấy cũng phải dùng nước ô nhiễm nặng. Ông chồng vừa mất vì ung thư phổi. Chuyện chết vì ung thư ở đây chúng tôi quen như cơm bữa rồi".

Nước từ hồ bán nguyệt của nghĩa trang thoát qua hệ thống kênh mương dân sinh.

Chứng kiến gia cảnh bà Nguyễn Thị Giá (71 tuổi) mà chúng tôi không khỏi đau lòng. Bà cụ lập cập đưa chúng tôi thăm giếng nước mà gia đình đã sử dụng hơn 30 năm nay. Theo bà, đây chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của chồng bà.

Tay run run cố múc lên những gầu nước ngầu đục, bà Giá nói: "Nước thế này đây. Thế mà vẫn phải dùng đấy cô chú ơi, nhà làm gì có tiền, có quan hệ mà dùng được nước máy?". Chồng bà Giá, ông Vũ Huy Quả vừa giỗ đầu, ông chết vì ung thư dạ dày. Đau đớn hơn nữa cách đây không lâu, con trai bà cũng nhận được tin sét đánh "mắc bệnh ung thư máu".

Theo như bà Giá phản ánh thì nước thải từ nghĩa trang Thanh Tước chảy thẳng qua cổng. Mỗi khi mùa mưa, nước dâng lênh láng khắp đường đi, sân nhà. Những lúc như vậy mọi người trong nhà chắc chắn sẽ bị mẩn ngứa chân tay.

Nguồn nước quanh khu vực nghĩa trang Thanh Tước bị ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, nó còn ảnh hưởng trầm trọng đến thu nhập. Thôn Phú Hữu là địa bàn ảnh hưởng lớn nhất từ việc này. Hầu hết các hộ dân tại đây làm nông nghiệp, thế nhưng vài năm gần đây, các sản phẩm như rau, bí, dưa, hoa quả… đều không bán được. Người tiêu dùng cho rằng, rau tại Phú Hữu được tưới bằng nước ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, tất nhiên rau cũng không được đảm bảo.

Ông Quý Trọng (thôn Phú Hữu) bức xúc: "Chúng tôi không những chết vì bệnh tật mà còn chết đói nữa. Rau ở đây đã thành "thương hiệu" rồi, cứ bảo rau ở Phú Hữu là người ta không mua. Chúng tôi biết sống sao đây!".

Để chứng minh việc nước thải của nghĩa trang Thanh Tước được xả thẳng ra môi trường, bà Đỗ Thị Bản (76 tuổi) đưa chúng tôi ra khu vực ven Hồ 79 (khu di tích Đồi 79 mùa xuân thờ). Bà Bản bức xúc: "Chúng tôi già rồi, sống ô nhiễm có bệnh tật chết cũng không sao. Nhưng còn đời con đời cháu nữa, chúng nó phải được sống trong lành. Hồ nước này trước đây rất sạch, giờ ô nhiễm nặng quá rồi, thỉnh thoảng cá chết nổi đầy, đi tập thể dục mà không chịu nổi mùi bốc lên".

Bà Bản chỉ cho phóng viên khu vực ô nhiễm nặng do nước thải ra từ hồ nghĩa trang Thanh Tước.

Theo "báo cáo quan trắc, đợt 1 năm 2014" của chủ đầu tư là Ban phục vụ lễ tang Hà Nội với sự tư vấn của Công ty TNHH Môi trường và Xây dựng Hà Nội - ECO, khẳng định: "Nước mặt được lấy tại hồ nghĩa trang có một số chỉ tiêu như amoni, nitrit và phosphate vượt giá trị giới hạn cho phép của QCVN 08:2008/BTNMT".

Mặc dù báo cáo có ghi rõ, nước trong hồ nghĩa trang không phục vụ cho mục đích sinh hoạt, tưới tiêu hay giao thông thủy nhưng chỉ cần quan sát bằng mắt thường cũng thấy nước trong hồ xả qua đường QL 23B. Theo hệ thống cống thoát dân sinh, nước chảy vào hồ 79 ra kênh tiêu Tam Báo. Kênh Tam Báo sẽ chia thành hai dòng khác nhau. Một dòng về đồng Chằm của thôn Văn Lôi (xã Tam Đồng), thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng), sau đó ngược lên sông Cà Lồ tưới tiêu cho các xã Tự Lập, Tiền Châu…

Dòng còn lại xuôi theo kênh Tam Báo, tưới tiêu cho các thôn Nội Đồng (xã Đại Thịnh), Ngự Tiền, Yên Vinh (xã Thanh Lâm), rồi các xã Quang Minh sang xã Nam Hồng, xã Bắc Hồng (huyện Đông Anh, xã Mai Đình, xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn). Cuối cùng đổ ra sông Hồng.

Với số lượng người đã chết vì ung thư, những người đang mắc bệnh và điều trị rõ ràng ở đây đang hình thành những "làng ung thư". Ông Nguyễn Đức Nhi (69 tuổi), chi hội trưởng chi hội Người cao tuổi cho biết: "Từ năm 2005 đến nay đã có 64 người ở khu đường 23 chết vì ung thư. Hiện còn nhiều người vừa phát hiện bệnh và đang điều trị, đơn cử như ông Nguyễn Đình Quý ung thư vòm họng, ông Trần Văn Sơ ung thư hạch, ông Bùi Giang Nho ung thư gan".

Tự cứu mình!

Đơn từ kêu cứu gửi đi khắp các cơ quan, ban, ngành của người dân xã Thanh Lâm đếm không hết. Thế nhưng thực trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí xung quanh nghĩa trang Thanh Tước vẫn chưa được giải quyết. Vì thế người dân ở đây đang gồng lên tự cứu mình. Vì nhiều lý do, thành phố Hà Nội chưa thể triển khai đường nước sạch, người dân ở đây đã phải tìm cách "mua chui" nước từ Công ty cấp thoát nước Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).

Theo tiết lộ của người dân, chi phí để có được đường ống từ Phúc Yên thực sự không phải là nhỏ. Đó là đối với những hộ có điều kiện, còn những hộ khó khăn họ buộc phải nghĩ trăm nghìn kế để ứng phó. Người thì cho khoan sâu giếng mong chạm được vào mạch nước ngầm sạch. Người lại nhờ cả vào hệ thống lọc nước tự chế từ than củi, cát, sỏi. Nhiều gia đình bơm nước bẩn vào bể chứa sau đó chờ lắng cặn lấy ra dùng.

Bà Nguyễn Thị Bản chia sẻ: "Nhà tôi sống sát cạnh nghĩa trang, mở cửa ra là thấy mồ mả. Chỉ vì thế tôi chẳng dám dùng nước giếng nữa, mua nước bình để uống. Tốn kém một chút cũng phải chịu thôi". 

Ông Trần Nguyễn Ngọc, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mê Linh cho biết: Kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường (năm 2013) cho thấy việc nghĩa trang Thanh Tước xả thải không đúng quy định, chưa qua xử lý nước thải mà thẳng ra ngoài, nguồn nước mặt và nước ngầm bị ô nhiễm với những chỉ tiêu NH4+, NO2-, PO4 3-, mỡ động vật… vượt mức so với quy chuẩn Việt Nam cho phép. Kể từ khi có kết luận này, huyện Mê Linh cũng chưa tiến hành kiểm tra, đôn đốc nghĩa trang thực hiện các yêu cầu về xử lý môi trường theo yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường.


Dự án Công viên nghĩa trang vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân

Ngày 15/10/2012, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước, địa điểm tại xã Thanh Lâm (Mê Linh), với diện tích khoảng 6,4 héc ta.

Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội phê duyệt đã phân bổ 5.126m2 đất để xây dựng khu nhà hỏa táng. Đây là việc làm vi phạm quy định về môi trường.

Thực tế, dự kiến xây dựng nhà hỏa táng tại dự án Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước quá gần với nơi tập trung dân cư đông đúc, có vị trí chỉ khoảng 200 mét (quy chuẩn là trên 1.500 mét).

Chính vì vậy Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị UBND TP Hà Nội: "không xây dựng nhà hỏa táng tại nghĩa trang Thanh Tước; việc đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện nghĩa trang Thanh Tước phải theo hướng trở thành công viên nghĩa trang với thời hạn nhất định".

Ông Phan Quốc Cường (khu dân cư đường 23) bức xúc: Chúng tôi còn đang vật lộn với tình trạng ô nhiễm nước tại đây. Nay lại tiếp tục mở rộng, rồi xây lò hỏa táng. Người dân sẽ sống ra sao? Nhất định chúng tôi không đồng ý".


Ông Hà Huy Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết:

Nghĩa trang Thanh Tước do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố quản lý. Những vấn đề về môi trường chúng tôi sẽ yêu cầu Ban Quản lý nghĩa trang Thanh Tước có trả lời tới người dân. Chúng tôi chỉ có chức năng kiểm tra nên không thể thay cơ quan chuyên môn để trả lời.

Rõ ràng việc giải quyết vấn đề về môi trường không thể một sớm một chiều được. Huyện Mê Linh vốn là huyện nghèo, chủ yếu là nông nghiệp, cơ sở hạ tầng không tốt. Chúng tôi đã có những kế hoạch để kéo nước sạch về khu vực quanh nghĩa trang Thanh Tước.

Phong Anh
.
.
.