Lẳng lơ à !Lẳng lơ ơi!

Thứ Bảy, 05/09/2020, 18:56
Thế nào là lẳng lơ? Theo định nghĩa trong từ điển thì ấy là phẩm tính xấu, chỉ những người có biểu hiện không đứng đắn, tỏ ý khêu gợi trong quan hệ, tiếp xúc nam nữ. Trong ý niệm dân gian, người lẳng lơ là người bị phê phán, bởi nó trái với luân thường đạo lý, ẩn chứa nguy cơ vượt ra khỏi vòng phép tắc, chuẩn mực của quan hệ xã hội, thậm chí, đe dọa đến hạnh phúc gia đình, sự tôn nghiêm của lễ giáo.

Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, cần nhìn rõ hơn vào biểu hiện lẳng lơ, để đánh giá đúng bản chất của nó trong tương quan với các tình huống cụ thể và trong các phối cảnh văn hóa rộng mà nó hiện diện. Ngạc nhiên chưa, câu chuyện không đơn giản chỉ là sự lẳng lơ, ve vãn trai gái, bất chính, đĩ thõa hay dâm đãng.

Trước hết, chúng ta dễ dàng nhận ra ngay thái độ phê phán của cộng đồng đối với người lẳng lơ. Có khá nhiều dẫn chứng từ ca dao, tục ngữ Việt Nam bày tỏ sự phê phán ấy: "Chỉ đâu mà buộc ngang trời/ Thuốc đâu mà chữa con người lẳng lơ"; "Bước lên xe kiếng đi viếng mộ chồng/ Mả chưa cỏ mọc trong lòng thọ thai"; "Đàn bà cặp mắt lá khoai/ Liếc chồng thì ít, liếc trai thì nhiều…". 

Ở khía cạnh này, rõ ràng người lẳng lơ bị xem là kẻ thiếu đứng đắn, không đoan chính, vi phạm đạo đức gia đình, xã hội. Dân gian xưa đã vậy, ngay nay, quan sát cuộc sống xung quanh, khái niệm lẳng lơ vẫn còn nguyên ý nghĩa, thái độ đối với những người có biểu hiện này. Cụ thể là, chỉ cần một câu nói, "nó lẳng lơ lắm", lập tức các hình dung có tính phê phán được triệu tập, đẩy kẻ lẳng lơ về phía xấu. 

Quyền uy của định tính này rất lớn, chi phối đến tất cả mọi người trong việc xác lập các mối quan hệ giao tiếp xã hội hay bạn bè, hoặc tìm hiểu tiến tới hôn nhân. Một anh chàng - cô nàng nào đó sẽ chẳng lấy làm vui thích, tự hào, thậm chí còn lo lắng, đến mức từ bỏ mối quan hệ, nếu đối phương bị đánh giá là lẳng lơ. Lẳng lơ bị đặt trong thế đối lập với chính chuyên, đoan chính.

Nhân vật Phan Kim Liên trong truyện “Thủy Hử” được mệnh danh là “Đệ nhất dâm phụ”, lẳng lơ.

Người lẳng lơ biểu hiện thế nào? Liếc mắt đưa tình khi gặp người khác, lắt lẻo mình xà (là người tà dâm), ăn mặc hở hang khêu gợi, nói năng ỡm ờ, bày tỏ thái độ ve vãn người khác bất chấp các mối quan hệ hay đạo lý cương thường. Ở khía cạnh này, lẳng lơ là xấu, gần nghĩa với sự dâm đãng, đĩ thõa.

Tuy nhiên, một khi lẳng lơ với các hệ quả gây nên là xấu, ảnh hưởng đến quan hệ gia đình, xã hội, đạo lý… thì dù có hiện ra nhân tướng, nhân hình, hay không, cũng đều như nhau. Bởi lẽ, cái hiện ra chỉ là hình tướng, còn bản chất thuộc về chân tướng thì không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhìn thấy được (Họa hổ, họa bì, nan họa cốt/ Tri nhân, tri diện, bất tri tâm). Đàn bà lẳng lơ, đàn ông trăng hoa, ngưu tầm ngưu, mã tầm mã chính là khi các đối tượng này gặp nhau. Một câu nói khá thú vị hiện nay đó là, nếu tất cả phụ nữ chung thủy, thì đàn ông ngoại tình với ai? Câu này tuy không triệt để, nhưng cũng có lí lẽ của nó, khiến chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách biện chứng hơn.

Những vận động của xã hội văn minh đang dần chiêu tuyết cho những biểu hiện có vẻ như lẳng lơ. Giờ đây, ăn mặc sexy một chút, gợi cảm, quyến rũ có lẽ không còn bị định kiến là lẳng lơ nữa. Thêm vào đó, sự tự do của con người cá nhân, với các biểu hiện thuộc về sở thích, thói quen trong ăn mặc, đi lại, nói cười, hành động… đã nới giãn đường biên của đạo lý, văn hóa. 

Khái niệm lẳng lơ bị thu hẹp lại, để chỉ những biểu hiện thực sự xấu, nguy hại, ảnh hưởng đến cộng đồng văn minh, giá trị văn hóa và các quan hệ chính đáng. Nhưng, hãy cẩn thận, khi phạm vi điều chỉnh càng hẹp, thì đối tượng càng cụ thể. Vì vậy, trong bối cảnh này, bị xem là lẳng lơ, nghe ra có vẻ như nhân phẩm càng đáng nghi ngờ hơn, và cũng không thoát khỏi sự dè chừng, kỳ thị, lườm nguýt hay chê bai, phê phán của cộng đồng.

Nhưng, như đã ướm mở ở trên, lẳng lơ nếu đặt trong những tương quan tình huống, văn cảnh cụ thể, sẽ thấy nó không đơn giản là câu chuyện nhân phẩm. Chúng ta có thể nói về một sự phản biện từ lẳng lơ không? Đương nhiên, lẳng lơ có quyền lên tiếng, và đã lên tiếng một cách rất đáng chú ý ngay từ trong ca dao, tục ngữ. 

Điểm lại trong kho tàng văn học dân gian, đã có những ý kiến phản biện từ sự lẳng lơ như: "Lẳng lơ chết cũng ra ma/ Chính chuyên chết cũng khiêng ra ngoài đồng"; "Chính chuyên chết phải đi không/ Lẳng lơ chết có tiếng cồng, tiếng chiêng"; "Lẳng lơ con bế con bồng/ Chính chuyên ai dễ cõng chồng đến cho"… Nếu đọc những câu ca dao này, hẳn chúng ta nhận ra thái độ của người bị xem là lẳng lơ. 

Ừ, thì tôi lẳng lơ đấy. Đã sao nào? Cứ chính chuyên đi, rồi cũng chết, cũng ra đồng, thậm chí còn bị thiệt thòi nữa. Lẳng lơ, trong nhận thức và thái độ của người nói, tỏ ra là một lời thách thức, một chất vấn đối với quan niệm về sự chính chuyên, nhưng quan trọng hơn là bày tỏ sự không đồng tình với những ràng buộc, soi mói một cách khắt khe từ lễ giáo.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tâm (tamvvh@gmail.com).

Ở đây diễn ra sự xung đột thuộc về văn hóa, quan niệm về giá trị của các lựa chọn. Rõ ràng, nếu đặt vào bối cảnh lễ giáo phong kiến, những câu trên là sự tấn công trực diện vào "tiết hạnh khả phong", vào quan niệm chính chuyên của xã hội. Nó không khác gì là một sự phản kháng, một sự tung hê, lật nhào "khuôn vàng thước ngọc" của lễ giáo. Điều gì đã xảy ra ở đây? 

Có lẽ, sự khắt khe quá mức, đến hủ lậu hà khắc của lễ giáo, giam hãm, cầm tù con người trong mấy chữ đạo đức nho phong, đã khiến con người không thể chịu nổi. Họ lên tiếng! Người lên tiếng ấy, có khi đích thị là một nữ nhân lẳng lơ, những hãy hiểu sâu hơn, đó là sự lên tiếng của một hệ giá trị khác, một đòi hỏi sống khác, đáp ứng yêu cầu được sống tự do của con người. Lắm khi, đứng sau những phát ngôn ấy lại là một kẻ thực sự thấu hiểu thế nào là chính chuyên, thế nào là lẳng lơ, hoặc có khi là một tay trí thức náu mình trong dân cũng nên. Tiếng nói ấy, hẳn là đồng minh mạnh mẽ của những thái độ, quan niệm này: "Gió đưa cây trúc ngã quỳ/ Ba năm trực tiết còn gì là xuân" (Ca dao); "Năm thì mười họa hay chăng chớ/ Một tháng đôi lần có cũng không" (Hồ Xuân Hương)… 

Như thế, sự "lẳng lơ" này, hóa ra lại chẳng phải là lẳng lơ như ta đã nói ở trên. "Lẳng lơ", trong các phản biện vừa dẫn là thái độ, ứng xử của con người trước sự hà khắc, nghiệt ngã của lễ giáo, trói buộc con người trong những đòi hỏi có phần phi nhân (NTT nhấn mạnh). Con người cần được sống đúng với bản chất, nhân cách, cá tính của mình. Phản biện từ sự "lẳng lơ" ở đây cần được hiểu không phải là cổ vũ lối sống, nhân cách lẳng lơ, phản văn hóa, phi đạo đức, mà cổ vũ cho một quan niệm rộng mở hơn, hướng đến quyền được sống đủ đầy, tự do của con người. 

Cũng cần nói thêm, chính chuyên bị phê phán trong các diễn ngôn trên cũng được xác lập như là một cái vòng kim cô trên đầu biết bao người sống trong xã hội phong kiến. Vì chữ chính chuyên, vì cái danh tiết hạnh khả phong, lắm khi con người bị đọa đày trong địa ngục mà không biết, hoặc phải gồng mình chịu đựng, không dám lên tiếng, không dám phản kháng để tháo cũi sổ lồng. Biết bao cuộc đời, năm tháng thanh xuân tươi trẻ đã lặng lẽ chôn vùi theo các hủ tục hà khắc.

Ngày nay, cuộc sống tự do hơn, ý thức về giá trị cũng như sự lựa chọn của con người hướng đến hạnh phúc một cách đầy đủ, đã khiến cho những quan niệm cổ hủ không còn cơ hội thao túng. Lẳng lơ, với đúng nghĩa là sự nguy hại đến từ nhân cách, phẩm tính, gây bất ổn cho quan hệ gia đình, xã hội vẫn rất đáng bị phê phán. Tuy nhiên, như đã phân tích, lẳng lơ nếu là biểu hiện của thái độ, ứng xử có tính phản kháng với sự kiềm tỏa quyền được sống của con người, thì chúng ta cần phải nhận diện nó một cách nghiêm túc, cẩn trọng (lẳng lơ trở thành một phương cách, một công cụ, một dạng thức phản ứng). 

Thêm nữa, có những hiện diện đôi khi đánh lừa chính chúng ta, bởi vẻ ngoài chính chuyên không đảm bảo cho nhân cách và hành vi ứng xử chính chuyên. Trái lại, sự lẳng lơ bên ngoài chắc gì đã là minh chứng cho một kẻ lăng loàn, dâm đãng, đĩ thõa, vi phạm đạo đức, luân lý hay thuần phong mỹ tục. 

Thế nên, việc nhìn nhận, đánh giá một con người, cần có cái nhìn toàn diện, đa chiều, đồng thời lại cũng không được sao nhãng khi xem xét cá nhân, lời nói, hành vi trong các tình huống cụ thể. Thử một lần, chúng ta lắng nghe giới trẻ hiện nay thường nói: "Trai xăm trổ chưa hẳn là hổ báo/ Gái kín đáo chưa hẳn gái ngoan". Và như thi sĩ Bảo Sinh đã có lần viết: "Khi mê dâm chỉ là dâm/ Ngộ ra mới biết trong dâm có tình". Vậy đấy! Lẳng lơ à! Lẳng lơ ơi!

Nguyễn Thanh Tâm
.
.
.