Lặng lẽ một Đồng Lộc, Truông Bồn… bên đường Trường Sơn

Thứ Ba, 24/07/2018, 15:37
Chiều tháng 7 linh thiêng, tôi rong ruổi theo đường Hồ Chí Minh huyền thoại qua đất Quảng Bình. Quảng Bình, địa phương duy nhất của cả nước có đến 3 nghĩa trang Thanh niên xung phong (TNXP).

Nơi đây có những bản, làng từng được coi là “làng một đêm” bởi trong chiến tranh, bộ đội vào Nam ra Bắc đều ít nhất ở lại một đêm trên mảnh đất này. 

Chúng tôi đến Khe Thui khi chiều muộn, lòng mọi người chùng xuống bởi tại đây đúng 50 năm về trước, 12 TNXP tuổi mười tám đôi mươi đã nằm lại sau các trận bom hủy diệt của kẻ thù. Sự hy sinh anh dũng của những TNXP nơi đây có khác chi ở Ngã ba Đồng Lộc, ở Truông Bồn, ở hang Lèn Hà, hang Tám Cô… có điều câu chuyện bi tráng ở Khe Thui rất ít người biết đến. 

Bởi vậy, cầm nén nhang thắp cho người ở lại giữa rừng hoang, sương lạnh, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Chỉ mong sao những con chữ làm cầu nối giữa Khe Thui, người đã mất, người ở lại và vạn tấm lòng, để khi thiên lý trên đường Hồ Chí Minh qua đây, nhiều người được biết có một Khe Thui từng như thế.

Huyền thoại tuổi 20

Dọc theo đường Hồ Chí Minh đến Ngã ba Khe Ve, theo đường 15A chúng tôi tìm đến Khe Thui thuộc xã Hóa Thanh, Minh Hóa, Quảng Bình. Đây là địa danh một thời hoa lửa mà bộ đội, TNXP về đây để “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trong đó có đơn vị TNXP C758 bám trụ suốt ngày đêm trên cung đường độc đạo này để thực hiện nhiệm vụ “xe chưa qua không tiếc máu xương”. 

Năm 1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hàng vạn TNXP lên đường và Trường Sơn là nơi họ đến. Tại Quảng Bình, có 2 đơn vị TNXP được phân công mở đường và bảo vệ giao thông thông suốt cho tuyến đường 12A và 15A giữa rừng già Trường Sơn huyền thoại. 

Chỉ với dụng cụ cuốc, thuổng thô sơ và lòng quyết tâm quả cảm, TNXP đã mở những con đường dài hàng trăm km xuyên qua núi rừng hiểm trở để nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn.

Lần hồi những trang nhật ký tuổi 20 của các nữ TNXP đơn vị C758 bám trụ ở cung đường 15A của 50 năm về trước, người đọc cảm thấy nghẹn ngào. 

“Đêm đầu tiên đến đường Trường Sơn, nghe tiếng bom đạn rùng rợn, chúng tôi không sao ngủ được. Lần đầu tiên xa quê hương, đi đánh Mỹ, phần nhớ nhà, nhớ bạn bè thân thuộc, phần vì tiếng bom đạn vang cả núi rừng. Nhiều người nghĩ: Cái ngày trở lại thăm quê hương có khi có có khi không. Cứ thế thao thức, nước mắt chảy dài…”;“Đêm nay, không biết răng mà máy địch nó ít đánh phá, chị em được ôm gối ngồi bên nhau kể chuyện quê hương. Ai cũng nói lên ước mơ của mình, người ước hết chiến tranh tiếp tục được đi học, người ước người yêu và bản thân trở về được lành lặn, làm ruộng sinh những đứa con ngoan ngoãn, con Hường nó ước được ra Hà Nội một lần cho biết, còn mình chỉ ước hòa bình không còn bom đạn ra cổng nhà mắc cái võng mà ngủ một giấc cho sướng…”. 

Những ước mơ tưởng như giản đơn đó của các nữ TNXP ghi trong nhật ký đã vĩnh viễn không trở thành hiện thực bởi một chiều đau thương vào ngày 20/7/1968.

Cựu TNXP Đinh Minh Đức thắp hương cho đồng đội ở Khe Thui.

Thắp một nén nhang trong bảng lảng khói chiều cho những người đã khuất, chúng tôi như được đưa về quá khứ bi thương: Đêm 19, rạng sáng 20-7-1968, máy bay địch lại đánh phá ác liệt trọng điểm Khe Ve, Khe Thui. 

Pháo sáng ngợp trời, chúng bắn tới tấp nhằm cắt đường tiến của ta. Hàng trăm chiếc xe vận tải chở đầy vũ khí, lương thực từ miền Bắc vào Nam bị kẹt lại ở Khe Thui. 

Nếu không sớm thông đường, rất có thể hàng trăm chiếc xe vận tải là con mồi của kẻ thù bắn phá. Chiến trường miền Nam đang chờ đợi những chiếc xe kia. Đại đội TNXP C758 do ông Trương Thanh Hân (ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hoá, Quảng Bình) làm Đại đội trưởng giao nhiệm vụ cho Tiểu đội 1 do đồng chí Đinh Xuân Đào phụ trách gồm 11 đồng chí phải gạt hết số đất đá trên mặt đường. 

Còn cả đơn vị C758 dồn sức mở một đoạn cua làm đường tránh để thông xe. Cả đơn vị vừa làm vừa tránh máy bay Mỹ ập đến oanh tạc... 

"Khoảng ba giờ chiều, khi chúng tôi đang mở cua đường tránh cách đó không xa thì thót người bởi một tiếng nổ đinh tai nhức óc ở phía 11 đồng chí đang làm nhiệm vụ gạt mặt đường. Cả đơn vị chạy ào đến, thì cảnh tượng kinh hoàng ập đến. 

Một hố bom sâu hoắm ngay trên mặt đường, 11 TNXP nằm trên vũng máu. Có bốn người bị thương được đưa đi cấp cứu ở Trạm Quân y 14 (thuộc Binh trạm 12) đóng ở xã Hóa Tiến, huyện Minh Hoá. 

Còn lại 7 người hy sinh tại chỗ, trong đó có 5 phụ nữ xác không còn nguyên vẹn. Chúng tôi gom nhặt từng miếng thịt, mớ tóc, manh áo của các anh, các chị vương vãi khắp nơi rồi đem tất cả đi mai táng. 

Đồng chí Đinh Xuân Tùng, quê xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa làm nhiệm vụ đứng gác đếm bom trên một quả đồi cạnh Khe Thui bị máy bay Mỹ đến oanh tạc, một quả bom đã rơi trúng chỗ anh đứng và phát nổ làm anh Tùng hy sinh, đơn vị tìm đến chỗ anh nhưng không hề thấy một chút gì thân thể”, cựu binh Đinh Minh Đức lau nước mắt, kể với chúng tôi… 

Ông Nguyễn Bắc Việt - Chủ tịch HĐND huyện Minh Hóa cho biết: “Sự kiện Khe Thui đã xảy ra đúng 50 năm, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” Đảng bộ và nhân dân địa phương, đồng đội luôn đau đáu một nỗi niềm tiếc thiêng muốn làm một chút gì đó để tri ân những người đã ngã xuống trên quê hương mình. 

Huyện đang có chủ trương xây dựng Khu nhà bia tưởng niệm để đáp ứng nguyện vọng tri ân sâu sắc của người dân địa phương cũng như thức tỉnh và khắc sâu tính truyền thống cách mạng, hy sinh cao cả của thế hệ đi trước… 

Nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của nhân dân về việc xây dựng Khu tưởng niệm vì huyện quá khó khăn”.

Từ ngã ba Khe Ve trên đường Hồ Chí Minh nối đường nhánh Đông-Tây Trường Sơn dẫn đến Khe Thui chỉ khoảng 100m.

Lặng thầm trong rừng hoang, sương lạnh

Ngồi bên ly trà mới pha, khi nghe tôi nhắc đến Khe Thui, ông Bùi Anh Tuấn-Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa mặt đượm buồn nhìn xa xăm, nói: “Nói về lịch sử thì Khe Thui bi thương như Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, hang Tám cô, hang Lèn Hà… nhưng thực sự nơi đây chưa được quan tâm đúng mức. Hàng năm lễ, tết huyện có tổ chức lên Khe Thui thắp hương cho anh chị đã ngã xuống. 

Cách đây vài năm huyện đã quy hoạch Khe Thui là điểm di tích lịch sử tâm linh, quy hoạch vậy thôi chứ hầu như chưa làm được gì ở Khe Thui. Minh Hóa là huyện nghèo diện 30A nên chúng tôi muốn cũng lực bất tòng tâm…”.

Rời Khe Thui chúng tôi tìm đến những cựu TNXP của đơn vị C758, những đồng đội của các TNXP đã anh dũng hy sinh ngày 20/7/1968 ở Khe Thui. Những TNXP tuổi mười tám đôi mươi năm nào giờ đã đều ở tuổi gần đất xa trời, ai cũng có chung nỗi niềm đau đáu. 

Cựu binh Đinh Khen Ngợi bày tỏ "Đồng đội tui là TNXP hy sinh hàng trăm, hàng ngàn người ở tuyến đường Trường Sơn, riêng Khe Thui đã hy sinh và đau đớn nhất là một lúc cả 7 người, song đến giờ chỉ có một tấm bia tưởng niệm đơn sơ giữa rừng hoang, sương muối. Giờ nhà nước đầu tư đường sá đi lại thuận tiện, nên người dân vào đây trồng rừng làm kinh tế, chúng tôi chỉ sợ sau này ít người biết đến có một Khe Thui bi hùng như vậy”. 

Nhiều cựu chiến binh TNXP từng cống hiến tuổi thanh xung trên đường Trường Sơn huyền thoại cũng tỏ ra tâm tư: Khi nhiều địa danh trên tuyến đường này, nơi có những TNXP ngã xuống đã được công nhận di tích lịch sử, xây dựng đài bia khang trang để tưởng niệm như Hang Tám cô, Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc... còn ở Khe Thui tất cả dự định vẫn mãi nằm trên giấy.

Các cựu TNXP đến Khe Thui tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh.
Ông Phạm Hồng Sơn - Chủ tịch UBND xã Hoá Thanh khẳng định: “Với tư cách là địa phương có Khe Thui, nơi xảy ra sự kiện bi hùng năm 1968, từ lâu nhiều thế hệ lãnh đạo xã Hoá Thanh rất muốn làm một điều gì đó để tri ân những người đã ngã xuống trên quê hương mình nhưng do điều kiện khó khăn nên chúng tôi đành lực bất tòng tâm. Lãnh đạo xã đã nhiều lần đề xuất lên các cấp có thẩm quyền mong tìm được một sự đồng thuận nhưng chưa thấy gì”.  

* Danh sách các liệt sĩ TNXP hy sinh ở Khe Thui gồm có: Đinh Xuân Đào (sinh 1968) xã Tân Hóa; Trương Thị Trạch (sinh 1948), xã Tân Hóa; Trần Thị Huệ (sinh 1947), xã Hóa Thanh; Phạm Văn Ngũ (sinh 1940), xã Hóa Thanh; Đinh Thị Khuyên (sinh 1947), xã Yên Hóa; Đinh Thị Đến (sinh 1947), xã Trung Hóa; Đinh Thị Liệu (sinh 1948), xã Hồng Hóa; Đinh Xuân Tùng (sinh 1948), xã Yên Hóa; Đinh Thị Thể (sinh 1943), xã Yên Hóa; Nguyễn Văn Bản (sinh 1948), xã Xuân Hóa; Đinh Hữu Loan (sinh 1946) xã Xuân Hóa; Phan Đăng Cát (sinh 1942), xã Hóa Phúc. 


Sông Lam - Lam Hồng
.
.
.