Kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2015)

Lặng lẽ cống hiến, lặng lẽ tỏa hương

Chủ Nhật, 26/07/2015, 08:00
Trong danh sách những gương mặt được Bộ Công an vinh danh nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân, 10 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8), tôi đặc biệt chú ý tới Trung tá, Thầy thuốc ưu tú, Thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa II Trần Thị Quyên, Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an.

Không chỉ được chọn là gương mặt dự buổi giao lưu do Báo Nhân Dân phối hợp với Bộ Công an tổ chức, tới đây, chị còn là 1 trong những cá nhân vinh dự được giao lưu, gặp mặt điển hình tiên tiến tại Phủ Chủ tịch. Là con liệt sỹ, sinh ra trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, bố hy sinh khi mới 2 tuổi, vượt qua bao sóng gió cuộc đời, phấn đấu vươn lên, Trần Thị Quyên đã trở thành một thầy thuốc mà lẽ sống gắn với chữa bệnh, cứu người, lặng lẽ cống hiến và tỏa hương.

Bước ngoặt cuộc đời người thầy thuốc

Trong cái oi nồng của một ngày tháng 7, tôi có mặt tại Phòng Khám bệnh - Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an - 278 Lương Thế Vinh, Hà Nội, nơi đang triển khai và duy trì "Phòng Khám thân thiện". Mỗi buổi sáng, phòng khám đón tiếp khoảng 80 bệnh nhân, nhưng bác sĩ Quyên vẫn luôn tươi cười, niềm nở, dù sắc mặt có vẻ xanh xao.

Thiếu tướng, Thầy thuốc nhân dân Đỗ Thế Lộc, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an thăm hỏi, tặng quà bệnh nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/2015).

Các bác sĩ ở khoa cho biết, chị Quyên vừa mới trải qua một trận ốm, tiêm 10 ngày thuốc kháng sinh, nhưng vừa mới dứt bệnh, chị đã ngay lập tức về phòng khám, lao vào công việc, tiếp đón, phân loại bệnh nhân để chuyển tới các khoa cho phù hợp với việc chữa bệnh của từng cán bộ, chiến sỹ Công an và người dân. Dường như công việc quen thuộc ấy đã ngấm vào chị như một tình yêu bền chặt.

Chỉ có thể là tình yêu mới đủ lý lẽ để níu chân người phụ nữ xinh xắn với nụ cười thân thiện ấy gắn bó với công việc của người thầy thuốc Đông y trong sắc phục Công an. Phải đợi chị khá lâu, khi tạm thời sắp xếp xong bệnh nhân, chúng tôi mới được ngồi trò chuyện cùng chị ngay tại phòng làm việc.

Cuộc nói chuyện giữa chị và chúng tôi đôi lúc bị ngắt quãng bởi mỗi khi nhắc nhớ lại kỷ niệm với gia đình, với nghề, chị lại không ngăn được cảm xúc. Khi mới tròn 2 tuổi, chưa cảm nhận được hết tình yêu thương của người cha thì cha chị đã hy sinh ở mặt trận phía Nam. "Một mình mẹ đã tảo tần làm ruộng nuôi tôi khôn lớn, nuôi giấc mơ trở thành bác sĩ, trở thành người sống có trách nhiệm, là tâm nguyện mà mẹ luôn nhắc tôi phải khắc ghi", chị Quyên tâm sự.

Nhân duyên đến với nghề Y của chị chính là hồi nhỏ, khi còn ở quê nhà, được chứng kiến các anh chị sinh viên trường y áo trắng đến khám bệnh tình nguyện cho bà con thôn, xóm, cô bé Quyên đã rất ngưỡng mộ và ước mơ trở thành sinh viên trường y ấp ủ từ đó. Ước mơ trở thành bác sỹ đến khám bệnh tại các vùng quê nghèo luôn thôi thúc, là động lực để chị vượt qua nhiều khó khăn để học hành với mong muốn được đặt chân vào trường y học tập.

Năm 1986, Quyên bắt đầu bước chân vào Trường Đại học Y Thái Bình, năm 1990 học chuyên khoa Y học cổ truyền tại Đại học Y Hà Nội và đến năm 1992 thì tốt nghiệp ra trường.

Nói thì đơn giản như thế, nhưng để trở thành một bác sỹ, sinh viên ngành Y cũng chịu rất nhiều áp lực. Khi mới vào trường còn nhiều bỡ ngỡ, Quyên cũng như nhiều sinh viên trẻ đã phải vượt qua chính mình. Chị kể: "Lo lắng nhất là thực hành giải phẫu người, có hôm trực gặp bệnh nhân cấp cứu tử vong, trực ca cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn máu me khắp người, kêu la, người yếu bóng vía thấy sợ, nhưng tôi phải cùng đồng nghiệp vượt qua sự sợ hãi, lúc đó chỉ nghĩ cứu người là trên hết, lao vào công việc.

Những ngày đầu mới thực hành, trực tại các bệnh viện, tôi và nhiều bạn vẫn bị ám ảnh bởi những ca cấp cứu, chuyển các bệnh nhân tử vong, thực hành giải phẫu trên xác ướp... và mất ngủ, thậm chí không ăn được cơm, cứ bê bát lên là nôn thốc nôn tháo. Thế nhưng, khi vào làm việc, sự say nghề lại làm tôi quên đi nỗi sợ, đúc rút cho mình nhiều kinh nghiệm để có thể thực hiện nhiệm vụ nặng nề nhưng vinh quang của người thầy thuốc áo trắng".   

Nói về những bước ngoặt cuộc đời, chị bùi ngùi kể: "Năm 1992, sau khi tốt nghiệp, một sự cố xảy ra ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống và sự nghiệp của tôi sau này. Đó là thời điểm năm 1993, tôi kết hôn với chồng là Công an - giáo viên Trường Trung cấp An ninh 2, đóng tại Long Thành, Đồng Nai. Đúng lúc tôi có thai đứa con đầu lòng thì chồng mắc trọng bệnh. Khi ấy, do sức khỏe yếu nên tôi ở lại quê Thái Bình. Đến năm 1994, khi con gái nhỏ của chúng tôi gần tròn 1 tuổi thì chồng tôi mất. Gia cảnh khó khăn, chưa xin được việc làm, tôi ở nhà với mẹ để nương tựa vào bà, vượt qua nỗi khó khăn nuôi con. Mẹ tôi luôn động viên rằng, nhất định không thể để phí thời gian, không được để mai một kiến thức đã học, nhất định phải đi thoát ly, đem kiến thức đã học để thực hiện ước mơ của người thầy thuốc và tôi đã quyết tâm vượt khó để thực hiện ước mơ giản dị của bà".

Năm 1996, khi xin được vào làm việc tại Sở Y tế Yên Bái, một nách bế con thơ, chị Quyên quyết tâm xây dựng một cuộc đời mới. Nhiều bạn bè thấy chị hoàn cảnh đã đóng góp tiền cho hai mẹ con đi lên Yên Bái. Lạ nước, lạ cái, có những chuyến công tác tại vùng sâu, vùng xa, chị đành để con gửi lại đồng nghiệp ở khu tập thể để đi công tác. Những đêm đông lạnh miền rừng, nghe tiếng gió rít ngoài cửa sổ căn nhà nhỏ tập thể, ôm con thơ, nước mắt chị lại tràn mi nhưng rồi sáng mai ra, nghĩ đến những người già, em thơ như mẹ mình, con mình đang cần thầy thuốc, chị lại cất bước lên đường xuống bản khám bệnh. Hơn một năm sau, chị được nhận công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an.

Không gian như ngừng lại khi câu chuyện bị gián đoạn bởi sự im lặng của chị vì quá xúc động khi nói đến những giai đoạn khó khăn của cuộc sống. "Về Thủ đô, cuộc đời tôi bước sang trang mới và trưởng thành được là nhờ sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của Đảng uỷ - Ban Giám đốc, sự  ủng hộ của các đồng nghiệp đã giúp đỡ tôi vượt qua mọi khó khăn về vật chất cũng như tinh thần.

Thấy mẹ con tôi phải đi thuê nhà, nhiều đồng nghiệp có bệnh nhân điều trị ngoại trú đã nhường việc kê đơn, bốc thuốc cho tôi để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Mẹ vì quá thương tôi đã bán nếp nhà ở quê Thái Bình, vay thêm tiền để mua một ngôi nhà cấp 4 nhỏ ở ngay gần bệnh viện, tạo thuận lợi cho tôi cho công tác".

Thầy thuốc ưu tú Trần Thị Quyên (người ngồi) khám bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an.

Vừa học thêm, làm thêm để trang trải trả nợ tiền mua nhà nhưng chị Quyên quyết tâm không để việc học hành bê trễ. Để nâng cao trình độ chuyên môn, năm 2003, chị tiếp tục học thạc sỹ tại Đại học Y Hà Nội. Chị Quyên bộc bạch: "Năm 2005, gia đình tôi đã có sự thay đổi, một họa sỹ, kiến trúc sư đã chia sẻ khó khăn với mẹ con tôi và từ đây chúng tôi đã có một gia đình mới.

Năm 2006, tôi sinh thêm một bé trai, chồng tôi dù không cùng nghề y nhưng luôn chia sẻ, động viên, là bờ vai cho tôi dựa mỗi khi gặp khó khăn. Những ca trực ngày càng đầy thêm, cùng với những bữa cơm ít khi được tôi tự tay chuẩn bị, rồi việc đưa đón con cái, chăm lo con học hành đã được bà ngoại và chồng tôi chia sẻ. Có hậu phương vững chắc, với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của bản thân, tôi đã được Đảng ủy - Ban Giám đốc bệnh viện tin tưởng giao cho nhiệm vụ làm Phó trưởng Khoa Nội I từ năm 2007 - 2009 và được bổ nhiệm Trưởng khoa Khám bệnh từ năm 2009 đến nay"...

Có chuyên môn tốt thì mới giúp được người bệnh

Đó là tâm sự của chị Quyên khi nói về việc học trong nghề y phải thực chất, có chuyên môn sâu mới chữa bệnh tốt, mà việc học hỏi, trau dồi kiến thức phải là quá trình không ngừng nghỉ. Sau gần 20 năm công tác tại Bệnh viện, nhờ sự phấn đấu, luôn trăn trở tìm tòi trong điều trị, đến nay Thầy thuốc ưu tú Trần Thị Quyên đã có một số công trình nghiên cứu  được đánh giá xuất sắc, có giá trị thực tiễn cao, được ứng dụng trong công tác điều trị bệnh nhân, góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn, tạo nên uy tín trong điều trị một số bệnh. Đó là đề tài: "Đánh giá phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân tai biến mạch máu não bằng điện châm và viên nén Bổ dương hoàn ngũ"; đề tài "Nghiên cứu tính an toàn và tác dụng điều trị huyết áp thấp thứ phát của viên hoàn Thăng áp dưỡng não".

Ngoài ra, chị Quyên còn bảo vệ xuất sắc hai luận văn Thạc sĩ và Bác sĩ chuyên khoa cấp II tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Nói về Thầy thuốc ưu tú Trần Thị Quyên, Thiếu tướng Đỗ Thế Lộc, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an nhận xét: "Là con liệt sỹ, luôn phấn đấu vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, dù ở cương vị nào, là lãnh đạo hay bác sỹ điều trị, Thầy thuốc ưu tú Trần Thị Quyên luôn hết lòng vì bệnh nhân. Với trách nhiệm của một Trưởng khoa Khám bệnh, được coi như là "cửa ngõ" của Bệnh viện, thầy thuốc Quyên và đồng nghiệp luôn sát sao, nắm vững và triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình kế hoạch khám chữa bệnh cho các bệnh nhân đến khám và điều trị  nội, ngoại trú tại phòng khám, hoàn thành và vượt chỉ tiêu Bệnh viện giao, xứng đáng là thầy thuốc áo trắng, vì nhân dân phục vụ"...

Hiện tại, Bệnh viện đã triển khai được 400 giường nội trú và 18 khoa phòng. Nhân lực Bệnh viện có trình độ chuyên môn sâu đứng vào tốp đầu so với các bệnh viện trong hệ thống Y học cổ truyền và đa khoa trong khu vực. Bệnh viện luôn thực hiện "Lấy bệnh nhân làm trung tâm, lấy hài lòng làm tiêu chuẩn" nên bệnh nhân đều được chăm sóc, theo dõi tận tình. Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, con người là yếu tố quan trọng nhất, bệnh viện đã luôn quan tâm đến việc xây dựng các điển hình tiên tiến như Thầy thuốc ưu tú Trần Thị Quyên...

Với những cống hiến trong công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học, 7 năm liền (2008-2014), Thầy thuốc ưu tú Trần Thị Quyên đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua" cấp cơ sở, riêng năm 2012 đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua" toàn lực lượng. Nhiều lần vinh dự được Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen; năm 2013 được  nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2014, bác sĩ Trần Thị Quyên được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Thầy thuốc ưu tú" và được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen về "Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2015"...

Anh Hiếu
.
.
.