Làng “ký sinh” trên bãi rác

Thứ Hai, 27/10/2014, 11:30

Ngoài kia, đô thị tấp nập, những tòa nhà cao tầng sầm uất, những hàng ăn sang trọng, quốc lộ xe chạy ầm ầìm. Trong này khoảng vài trăm mét, lọt thỏm giữa những bụi cây, bụi cỏ lau và bạt ngàn rác thải, có một làng đang sống ký sinh trên bãi rác. Họ bới rác nhặt phế thải, cào rác đốt thành tro đem đắp đổi cân gạo, mớ rau sống qua ngày. Những đôi bàn chân trần nứt nẻ, chai vù, đôi bàn tay nhàu nhĩ rỉ máu vì bới phải mảnh sành, bơm kim tiêm đang đe dọa sự sống từng ngày của họ.

Lập làng trên bãi rác

Gọi là làng bởi họ sống biệt lập với phố thị, làng chỉ có 5 hộ gia đình với mười mấy nhân khẩu. Họ là những cư dân của mảnh đất Cần Thơ nhưng vì nhiều lý do mà trôi dạt về đây gửi cuộc đời trên một bãi rác. Bãi rác nằm trên khu phố Tân Hòa, Phường Đông Hòa (thị xã Dĩ An, Bình Dương). Vì nó nằm trống trải, hoang hóa nên người dân gom rác về đổ. Nhiều năm như thế, nó trở thành bãi rác khổng lồ vô chủ.

Ông Nguyễn Văn Hoành là “ký sinh” đầu tiên tìm đến bãi rác, dựng lều rồi kiếm ăn ngay trên tại đây. Ông Hoành quê gốc Cần Thơ, ông cũng từng có đất có nhà cửa ổn định và kiếm ăn đàng hoàng trên dòng sông Hậu nhưng đùng một cái, đứa con gái thứ bị bệnh ung thư máu. Ông bán hết ruộng vườn lên thành phố chạy chữa. Tiền bán ruộng hết, ông lại bán luôn  căn nhà và mảnh vườn với hy vọng cứu rỗi sự sống cho con. Nhưng, khi tiền hết thì con ông cũng mất. Trắng tay, ông dắt đi khắp nơi kiếm ăn bằng nghề lượm rác. Trôi dạt từ Nhà Trang, TP Hồ Chí Minh thì tấp về Bình Dương sống yên ổn cũng được vài năm rồi. Đi lượm rác thấy có chỗ đất trống của Trường Đại học Quốc gia bỏ không, ông đánh liều xin Ban Giám đốc Đại học Quốc gia cho dựng túp lều che mưa che nắng. Người ta gật đầu, thế là ông kiếm bao bạt, chiếu chăn rách rưới trong đống rác chắp vá thành căn chòi nép mình dưới gốc cây. Trời mưa nước dột tứ phía nhưng trời nắng thì lại mát mẻ vì có bóng cây che khuất mặt trời.

Hàng xóm dưới Cần Thơ trong cảnh “màn trời chiếu đất” cũng lũ lượt theo chân ông Hoành tìm đến bãi rác dựng lều. Làng miền Tây hình thành từ những mảnh đời, số phận như vậy. Hằng ngày, họ ngóng từng chuyến xe đổ rác tới. Khi xe vừa quay đầu là mấy mươi con người ào vào đào bới, xí phần. Rác các loại đều được tận dụng tối đa. Chai nhựa, bao ni lông dùng để bán, còn tất cả sẽ dồn lại đốt ra thành tro đem bán cho vườn trái cây, trang trại chăn nuôi.

Công việc hàng ngày của cha con ông Hoành.

Hơn tháng nay, thời tiết chuyển mùa mưa nắng thất thường nên việc đốt rác ở làng miền Tây này vô cùng khó khăn. Cánh đàn ông có sức khỏe phải dậy từ tờ mờ sáng, vác cuốc cào xuống dưới hầm đào rác. Phụ nữ, trẻ con cũng lắt nhắt theo sau ôm bao, thúng lựa lặt trong đống rác cào để phân loại chúng thành từng món. Sau đó thì chất đống vào phơi khô đến độ giữa trưa là đốt. Khói bốc lên nghi ngút, mùi nhựa tan chảy nồng nặc, khét lẹt. Của nhà ai người đó đốt, một vùng hoang hóa cỏ dại bốc khói nghi ngút. Nước mắt nước mũi chảy ra cay xè, nhòe nhoẹt. Tranh thủ thời gian rác cháy, họ kéo nhau về chòi ăn cơm. Riêng vợ chồng anh Nguyễn Văn Gõ thì bê mỗi người tô cơm trộn làu bàu rau mắm ra ăn ngay trên đống rác để canh chừng lỡ trời đổ mưa còn “cứu rác” kịp thời. Rác cháy thành tro chỉ là giai đoạn thô. Bước tiếp theo sẽ là sàng lọc các lớp tạp chưa cháy hết, lại đốt tiếp, đốt đến khi nào tro mịn, không lẫn tạp mới đem bán được. Mỗi bao tro nặng 35kg bán với giá 1,5 ngàn đồng/kg. Cộng thêm tiền vỏ chai vỏ nhựa, hộp xốp nữa thì trung bình mỗi hộ dân của làng miền Tây có thu nhập 50 – 60 ngàn đồng/ ngày.

“Sống trong rác chết vùi trong rác”

Diện tích toàn bộ cánh đồng hoang bao la là thế nhưng mấy năm nay, rác đã bao phủ trắng xóa. Xa xa, đàn trâu bò đang thong dong gặm nhấm trên cánh đồng cỏ mà rác chưa xâm lấn tới. Nhưng cứ đà “ký sinh” bằng cái nghề này thì không lo bãi rác phát triển thêm. Bởi cứ đổ rác tới đâu là làng miền Tây lại “xử lý” ngay đến đó. Gần chục năm bám váo rác để sống, những thân phận của làng miền Tây, làng không nhà cửa này đều đã dặt dẹo sức khỏe. Vợ ông Hoành hiện đang mang trăm thứ bệnh trong người nhưng nặng nhất vẫn là tiểu đường và suy thận.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, người con gái lớn của ông Hoành sau khi theo chồng về dinh, có hai đứa con rồi thì chồng bỏ theo gái. Chị Tuyết đau khổ ôm hai con về tá túc trong căn chòi vá đụn vá đắp của cha mẹ và nhanh chóng đăng ký một chân bới rác. Hai đứa con ngày ngày bám áo mẹ bê tha chán thì nằm luôn trên đống rác ngủ, mặc cho ruồi nhặng, muỗi mồng bu đốt. Chị Tuyết đầu trần chân đất, tóc tai rối bù cứ lao đầu vào đồng rác bới tìm, chốc chốc chị quay sang nhìn con xem nó còn ở đó không.

Bữa cơm trưa trong căn chòi rách.

Trong bãi rác ngổn ngang mảnh vỡ, cây cọc đâm ngang đâm dọc, nhìn đôi chân trần, đôi tay không gang của chị Tuyết, tôi hỏi có khi nào chảy máu? Chị Tuyết trả lời rất nhẹ nhàng: “Chuyện chảy máu là thường tình cô ơi. Mấy lần tôi giẫm phải bơm kim tiêm tứa máu chân, máu tay. Nhưng cái giống này chỉ đau buốt tý thôi, mình bóp máu ra là hết. Sợ nhất là bị mảnh chai cứa, đứt sâu lắm, máu chảy nhiều lắm”.

Giẫm phải bơi kim tiêm của dân chích ma túy xì ke không sợ nhiễm bệnh sao?

Ông Hoành ngẩng lên, cười nhăn mặt nói tỉnh queo: “Cũng có nghe nói về bọn xì ke nhưng nhờ trời thương cô ơi, riết mà không thấy bệnh đó”.

Giữa trưa, lao động ở làng miền Tây về ăn cơm, tôi cũng theo chân họ chui vào căn chòi bao ni lông. Chị Tuyết bê nồi cơm nấu sẵn từ sáng xuống giữa nhà, hai bố con, ông cháu hì hụp ăn. Hôm nay, vợ ông Hoành vừa phải nhập viện vì bệnh tiểu đường tái phát nên tất cả mấy chục ngàn làm được trong ngày đều dồn lo viện phí. Ngồi trong ngôi nhà mà ruồi nhặng bay vo ve, bu đen vào mấy chén cơm đang ăn dở của hai đứa cháu. Mùi thối của rác đang phân hủy thốc vào nồng nặc, nhưng họ vẫn ăn cơm ngon lành.

Quay sang chòi anh Nguyễn Văn Gõ, hai vợ chồng anh sống cùng một đống bao tải rác được nâng niu để ngay trong nhà. Hỏi anh sao không mang ra ngoài cho nó thoáng, để như vậy ô nhiễm. Anh Gõ cười để lộ ra hai cái răng cửa đã gãy từ lâu, phân trần: “Đấy là của để dành phòng khi ốm đau sẽ dùng, đem ra ngoài mưa nắng mà cũng không yên tâm”. Vợ chồng anh Gõ có một đứa con trai nhưng do mải mê với rác quá, đứa con đang tuổi nghịch khỏe mò mẫm ra kênh phía dưới cánh đồng chẳng may ngã xuống nước chết đuối. Giờ thì họ chẳng còn gì, ngoài nỗi đau chưa nguôi và những căn bệnh âm ỉ hành hạ thân xác. Chị Mẫn, vợ anh Gõ bị u tuyến giáp, khối u đã nằm trên cổ bốn năm nhưng chị vẫn sống chung với nó vì tiền đâu mà đi chữa. Anh Gõ người héo như lá lúa, mang bệnh lao phổi đã mấy năm. Rác chỉ giúp họ no cái bụng, ấm cái lưng qua ngày chứ rác không thể cứu rỗi bệnh tật của họ.

Túp lều sát vách là của anh Thành, người đàn ông khi mới nhìn vào trông có da có thịt nhất, nhưng nghe anh Gõ rỉ tai: “Ông ấy bị tửng đó. Sau vụ tai nạn giao thông, giờ cái đầu đã mất một bên não rồi”. Tôi vội vàng nhìn lên vầng trán cao của ông Thành, một hố sâu vào tận não đã bị khoét bỏ. Thảo nào ông ấy tửng là phải. Dù bị tửng nhưng so ra ông ấy vẫn là người đàn ông khỏe nhất trong cái làng này. Những việc nặng nhọc, ông Thành đều nhận phần mang vác.

Những cư dân trong làng miền Tây ngoài nhặt rác kiếm ăn ra thì họ không có khả năng làm việc gì khác. Một phần, do bệnh tật triền miên, phần nữa do chưa bao giờ tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Chị Tuyết có thể để con ở nhà để đi làm công nhân mỗi tháng vài triệu cho ổn định nhưng chị gãi đầu giải thích: “Bới rác quen rồi, giờ không biết làm gì hơn”. Và những con người kia cũng vậy, họ sống thu mình trong bãi rác, sớm chiều với rác, sinh bệnh từ rác nhưng lại không bao giờ muốn ra bên ngoài. Con cái lớn lên thất học, đói ăn, người lớn mù chữ, nhút nhát. Rồi một mai, người ta lấy đất xây trường, cái làng bới rác từ miền Tây này sẽ phải “gánh” đi, lại đến những bãi rác, nghĩa địa, nghĩa trang sống “ký sinh” cho đến hết đời

Ngọc Thiện
.
.
.