Làng chài xốn xang mùa Tết
1. Từ năm 2010, khi thủy điện Đồng Nai 3 tích nước phát điện, nhiều người dân từ khắp nơi đã về khu vực lòng hồ thủy điện thuộc huyện Đăk Glong (Đăk Nông) và huyện Di Linh (Lâm Đồng) bám lưới kiếm cơm. Qua thời gian, nơi đây hình thành nên xóm chài đông đúc.
Đứng trên bến đò Thôn 5 Đinh Trang Thượng phóng tầm mắt ra bao la sóng nước, chúng tôi dễ dàng quan sát những mái nhà nổi bập bềnh và con đò chòng chành bủa lưới giăng câu. Mùa Tết đã bắt đầu về với bà con làng chài, không khí dường như tấp nập và hối hả hơn.
Cha con ông Lê Văn Ba (quê Tiền Giang) đang lỉnh kỉnh chuyển nhu yếu phẩm lên thuyền để về nhà nở nụ cười thay cho câu chào chân chất của người Nam Bộ. Nổi bật nhất trên thuyền ông Ba có lẽ là cành mai vàng bằng nhựa, được buộc chắc chắn ở ngay đầu mũi sóng. Ông Ba cho biết, mua "cành lộc" này ở ngoài chợ, chỉ mấy chục ngàn thôi nhưng đó là dấu hiệu duy nhất báo hiệu mùa xuân đang về trên xóm vạn chài.
Từ mấy năm nay, mùa Tết ở đây luôn xốn xang bởi những vị khách phượt đường xa không hẹn mà tới, mang niềm vui ngọt ngào đến với trẻ em. Trước kia, khi dự án Thuỷ điện Đồng Nai 3 chưa được triển khai xây dựng, xe cộ vẫn luôn lưu thông qua lại từ Di Linh đi Đăk Nông trên Quốc lộ 28.
Cá đánh ở lòng hồ nổi tiếng ngon và chất lượng, khách đường xa thường ghé mua với giá cao khiến dân chài phấn khởi. Nhưng từ ngày lòng hồ được chặn dòng để phục vụ nguồn nước cho nhà máy thuỷ điện hoạt động thì những chuyến xe ấy vắng bặt. Có một độ, dân làng chài hụt hẫng chơi vơi, niềm vui tắt lịm chìm vào bóng nước.
Tháng 12, mùa mưa Tây Nguyên vẫn chưa dứt, mực nước lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 dâng cao như Biển Hồ mênh mông giữa núi rừng càng làm cho xóm chài thêm chông chênh, heo hút. Bà Trần Thị Hường (56 tuổi, quê Tiền Giang) là một trong những ngư dân trôi dạt về lòng hồ từ buổi ban sơ.
Ngày ấy, gia đình bà Hường đang ở hồ Trị An thì quyết tâm dứt áo ra đi vì ham luồng cá mới. Nào ngờ đến rồi thấy không hơn bến cũ là bao nhưng đã không thể trở về được nữa. Những cái Tết đầu tiên ở làng chài, chỉ có gia đình bà Hường và vài chiếc thuyền khác, buồn tê tái cõi lòng.
Sau này, thương hồ trôi dạt từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và bên Campuchia về xôm tụ hơn, góp vào xóm thêm 50 hộ nữa. Những con đò đến và những đứa trẻ sinh ra ngày một đông đúc, nên mùa Tết đã không còn hiu quạnh nữa.
Những chiếc nhà nổi ven lòng hồ nép mình dưới tán rừng. |
2. Mỗi gia đình ở làng chài sinh sống trên một chiếc bè được làm bằng gỗ, ván và cây rừng ghép lại đặt trên những chiếc phao bằng thùng phuy hay những can nhựa lớn đỡ bè nổi trên mặt nước. "Nhà" của họ chập chờn, bấp bênh như chính cuộc đời và thân phận chài lưới dạt dào nơi sóng nước.
Nhấp ngụm trà đã nguội lạnh, nhìn ra khúc sông đang yên ả gợn sóng, ông Lê Văn Hiền (58 tuổi, quê An Giang) bần thần: "Mùa mưa là mùa nguy hiểm nhất đối với chúng tôi. Cá tôm về nhiều nhưng lại phải đối đầu với lũ lụt, lốc xoáy. Những bất trắc có thể lấy đi tính mạng con người bất cứ lúc nào. Đau thương nhất là lũ trẻ, chúng không có khả năng bảo vệ chính mình nên sơ sẩy một chút thì không thể cứu vãn".
Để đảm bảo độ an toàn, ngoài việc trang bị đủ phao cứu sinh, người dân còn phải xích con nhỏ vào mạn thuyền, nhưng vẫn có nhiều cuộc đời mãi chìm dưới đáy hồ. Ông Hiền không thể nào quên mùa Tết cách đây 5 năm, khi gia đình ông vừa đậu bến gia nhập xóm làng thì xảy ra tai nạn thương tâm.
Hôm ấy, con dâu của ông đang lui cui nấu ăn thì con bé chạy nhảy đùa giỡn đã lọt xuống miếng ván kê kệ nước. Vừa nghe tiếng "tủm" một cái, bà mẹ quay lại đã không thấy con đâu, chỉ còn lụm nước đục ngầu sủi bọt. Cô con dâu la khóc hoảng loạn kêu người tới cứu.
Ba người đàn ông nhanh chóng lao thân xuống đáy hồ, mò tìm 30 phút mới vớt được đứa trẻ lên bờ nhưng đã "tắt lịm" hy vọng. Mất cháu, ông Hiền như người điên. Ông đay nghiến bản thân mình vì đã đưa gia đình về đây để rồi phải trả một cái giá quá đắt.
Tết năm ấy, cả xóm chài buồn mênh mông, họ kéo nhau đến nhà ông Hiền chia sẻ nỗi đau. Sau vụ đuối nước của cháu ông Hiền, làng chài được cảnh báo phải trông giữ con em mình nghiêm ngặt. Để "giành giật" những đứa con với "thủy thần", tất cả các gia đình chấp nhận dùng dây trói con vào mạn thuyền.
Sân chơi của trẻ em ở đây là con đò nhỏ bé, không gian chật chội, tù túng. Khi nào chúng thích chơi cùng nhau, người lớn phải buộc một đầu dây trên mạn thuyền, một đầu buộc vào những chiếc can nhựa lớn hoặc vào quả bóng, túi khí, cục xốp.
Phòng trường hợp nếu rơi xuống nước thì cũng sẽ nổi lên, giúp việc cứu hộ thành công. Tuy nhiên, nếu không ai kịp phát hiện thì những chiếc phao này cũng vô tác dụng. Khi đi ngủ, cha mẹ phải buộc chân con vào chân mình rồi mới yên tâm ngủ. Vì lẽ đó, những đứa trẻ ở làng chài từ 3 tuổi trở đi là được cho xuống nước "làm quen". Lên 5 tuổi phải học bơi, 6 tuổi đã như "rái cá".
Trẻ em ở đây chèo thuyền như bay và khả năng bơi như rái cá. |
3. Sông nước nguy hiểm nhưng người dân xóm chài lại không đủ can đảm để lên bờ. Họ không có đất sản xuất, không bằng cấp, không nghề nghiệp nên từ đời này sang đời khác, nguồn cơm chính của họ là những con tôm, con cá dưới sông.
Anh Hoàng Tấn Tài, một ngư dân mới mẻ của xóm chài cho biết, thu nhập cả gia đình dựa vào nghề chài lưới trên lòng hồ. Ngày nào đánh được nhiều thì được khoảng 200 ngàn, còn những lúc mưa to gió lớn phải về tay trắng, ăn cháo trừ bữa. Nhiều hộ gia đình không chịu nổi sự hung dữ của "thủy thần" đã bán thuyền bỏ bến lên bờ định cư. Nhưng dường như số phận không cho họ được làm người đất liền.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Bé chỉ 5 tháng lên bờ đã nhếch nhác quay trở về với hai bàn tay trắng sau khi buôn bán thua lỗ. Anh Bé phải ở nhờ con đò rách của người chú họ, rồi đi chài lưới thuê kiếm bữa cơm qua ngày. Trẻ con lớn lên quay quắt trong vòng xoáy nghèo, mù chữ và bệnh tật. Lịch sử làng chài từ ngày khởi nguyên cho tới hôm nay chỉ ghi nhận cậu bé Võ Văn Mua học hết lớp 6, được xem là người có học nhất của làng, còn lại vẫn "i tờ" mù mịt.
Do địa thế thung lũng lòng chảo nên làng chài dưới chân núi Tà Đùng trở thành nơi khám phá chinh phục của giới phượt thủ. Mấy năm trở lại đây, nhiều đoàn phượt đã ghé thăm làng chài. Tết nào trẻ em và người già cũng được nhận quà của người thành phố. Trong không khí háo hức mong chờ, ông Tài chia sẻ: "Mấy anh chị gọi điện bảo khoảng 3 tuần nữa sẽ về thăm bọn trẻ và cho quà. Họ còn hứa sẽ mang tặng mỗi gia đình một cành mai".
Mùa Tết năm nay thời tiết giá lạnh và khắc nghiệt hơn mọi năm. Quy luật quăng chài thường vào nửa đêm đến rạng sáng nên càng khốc liệt bởi nước hồ lạnh căm căm, sương phủ trắng mái chèo. Tuy nhiên, nhờ đặc điểm như vậy mà nhiều luồng cá di cư về trú ngụ.
Tấm lưới của ông Hiền quăng quật cả đêm cũng kiếm được vài chục ký mang ra bến đò Đắk Lao bán. Ông Hiền dự định sẽ tranh thủ mùa cá di cư làm việc nhiều hơn để tích góp chút tiền ăn Tết. Ông đặt mục tiêu Tết này sẽ tậu con xe máy để vào bờ chở hàng. Nghĩ về những ngày Tết, Bà Hường cười chúm chím: "Bọn trẻ là thích nhất vì được quà, nhận lì xì và có thịt heo ăn nhóng nhánh cái miệng".
Chúng tôi chia tay làng chài trong ánh hoàng hồn vàng nhẹ, bữa cơm Tết sớm với người dân xóm chài còn thấm đậm đầu môi. "Mùi Tết" chưa xa đã nhớ.