Làng chài “mở biển” đầu năm

Thứ Tư, 13/02/2019, 10:41
Biển trong giấc mơ của thuyền có những lời nguyện cầu bình yên, được mùa tôm cá… Khi mùa xuân đến, biển thôi những con sóng bạc đầu, cũng là lúc những ngư dân bắt đầu xốn xang cho những chuyến "mở biển" đầu năm…


1. Làng chài Sơn Hải (xã Phước Vinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) một sáng đầu năm bình yên trong cái nắng hanh hao miền cát trắng, những chiếc tàu nối đuôi nhau chuẩn bị vươn khơi. Đối với ngư dân, chuyến "mở biển" đầu năm có nhiều ý nghĩa quan trọng. Vì vậy họ chọn ngày ra khơi rất kỹ theo quan niệm dân gian của từng vùng, từng dòng tộc, gia đình. 

Nơi "mở biển" sớm nhất vào ngày mồng 3 Tết, ngay sau lễ cầu ngư, nơi muộn nhất vào rằm tháng Giêng. Theo quy định, những chiếc tàu nối đuôi nhau trong lễ xuất hành đầu xuân là tàu đánh bắt đạt sản lượng cao và được làng chài tiến cử tham gia lễ "mở biển" để lấy may cho cả làng trong năm, số tàu còn lại sẽ xếp thành hai hàng dài ở cửa biển. Mỗi tàu đều được chà rửa sạch sẽ, khoác trên mình một tấm áo mới, treo lá cờ Tổ quốc trên cao. Mũi tàu là nơi ngư dân xem như bàn thờ, thường đặt một chậu hoa vạn thọ. 

Ở làng Sơn Hải, nghề biển trải qua nhiều thăng trầm của thời gian và thời cuộc. Thời kỳ chiến tranh, dân Sơn Hải đã phải bỏ nhà cửa, tàu thuyền đi lánh lạn. Sau giải phóng, nghề đánh cá mới bắt đầu hồi sinh và trở thành "nồi cơm, bát gạo" của người dân.

Lão ngư Nguyễn Văn Dĩnh, một người chứng kiến đầy đủ mọi biến chuyển của làng, cũng là một kình ngư lão luyện, "ăn sóng nói gió" chỉ ra hướng mặt trời đang quần thảo với đám mây đen sẫm ở phía chân biển nói: "Khi nhìn thấy những đám mây u ám lũ lượt kéo nhau là là trên đỉnh đầu và những cơn gió khắc nghiệt của đại dương len lỏi vào vách đá thì đó chính là điềm báo cho một mùa biển vất vả trong năm. Vì vậy, đầu năm, ngư dân làng chài đã chuẩn bị lễ cúng biển và cúng ông Nam Hải (cá Voi) rất chu đáo".  

Tàu thuyền cập bờ chuẩn bị vươn khơi.

Sơn Hải được mệnh danh là làng chài "Dubai" của Ninh Thuận với những bãi cát trắng tinh, dài mênh mang, mềm mại tựa mình vào Mũi Dinh sừng sững và một bờ biển nước xanh ngăn ngắt, xuyên thấu đại dương. 

Không ai biết làng Sơn Hải có từ khi nào, ông Nguyễn Văn Dữ nói rằng, Sơn Hải được đặt dựa vào địa thế. Sơn là núi, Hải là nước hòa quyện vào nhau. Ngoài những đặc ân của thiên nhiên ban tặng cho vùng biển thì Sơn Hải còn một cái tên gắn liền với cuộc mưu sinh trọn đời với biển của ngư dân. Đó là Làng chạy gió.

Mũi Dinh chia eo biển ở đây làm hai phần. Mặt Nam gọi là bãi Trọ hứng gió Nam từ tháng 2 đến tháng 7. Mặt Bắc gọi là bãi Tràng hứng gió Bấc từ tháng 8 đến tháng Giêng. Ngư dân ở làng biển Sơn Hải nghe hướng gió để chọn ngư trường ra khơi. Mùa gió Nam thì đi bạn cho tàu cá lớn (còn gọi là đi Pha) ở bãi Trọ, đến mùa gió Bấc lại về bãi Tràng đi thúng.

Ông Nguyễn Thái Triển, Trưởng thôn Sơn Hải cho biết: "Chỗ vũng Trọ là nơi trú ngụ của ngư dân khi gió Nam về. Bà con sẽ neo đậu tàu thuyền ở đó nghỉ ngơi và làm những công việc trên bờ. Ở bãi Tràng thì dân đi thuyền thúng gần bờ. Nói chung, làng chài này có hai bãi mà ngư dân xem như nhà của mình, thân thương và gắn bó lắm".

Tuy nhiên, ngư dân chỉ trú ngụ những khi thời tiết thật sự khắc khiệt, có mưa to, gió giật, bão tố. Những ngày trong năm, họ vẫn vươn khơi bình thường. Cực nhất là mùa gió Bấc bởi vì biển động nhiều, dòng nước xiết cuốn tôm cá đi đâu hết, thuyền thúng bập bùng cả ngày ngoài biển chỉ thu về vài cân cá. 

Lúc này, phần lớn ngư dân chuyển sang bãi Trọ đi bạn cho tàu lớn, ai không đi bạn thì ở lại đi thuyền thúng. Dân Sơn Hải thường nói với nhau, làm biển ở đây như một cuộc đùa giỡn với sóng gió đại dương.

Mẻ cá đầu năm là “lộc biển” ban tặng cho dân làng chài.

2. Khoảng hơn 30 năm trước, Mũi Dinh còn hoang sơ, tôm cá nhiều vô kể. Ông Nguyễn Văn Dữ cùng vài ngư dân của làng ra bãi Tràng cắm chòi đánh cá xuyên đêm. Tuy nhiên, con đường để đến được với biển là không dễ dàng. 

Muốn đến được Mũi Dinh ngư dân phải đi bộ hàng giờ qua những cồn cát lộng gió và nắng bỏng rát như sa mạc. Mỗi người thui thủi với chiếc thúng bên mé biển, cắm sào chờ gió lên gió xuống. Cuộc sống buồn tênh, chỉ có sóng vỗ và gió biển mà thôi. 

Ông Dữ dẫn chúng tôi ra tận bãi biển, chỉ tay về phía bãi đá có hình thù giống như mái nhà nói rằng, "nước gió" cứ mải mê vỗ về phía bãi Đá Nhà, những mái chòi lợp tạm bợ của ngư dân chỉ vài ngày là xơ xác, te tua. Chòi chỉ che được nắng chứ không chắn được mưa.

Mỗi lần đổi gió, ngư dân lại tất tả chuyển đi. Ngày chưa có đường đi, mọi thứ đều được vận chuyển bằng tàu đánh cá hoặc vác bộ qua đồi cát. Bây giờ có máy cày chạy qua được cát nên việc vận chuyển đã nhẹ nhàng hơn nhiều.

Khuôn mặt rám nắng, đậm đặc "vị mặn" của biển cả, bà Huỳnh Thị Như Mai nói, năm nào nhà bà cũng "chạy gió" hai lần. Cũng vì phải chạy xình xịch như vậy nên bà chỉ dám làm căn nhà đơn sơ nhất có thể. 

"Chạy gió" là chạy nhà cửa, tàu thuyền, chạy cả một cơ đồ chứ không đơn thuần là xách dép chạy. "Chạy gió" tuy cực khổ nhưng ngư dân không phải xa nhà, sáng "chạy" tối trở về với gia đình nên chẳng ai kêu than, oán trách đất trời gì cả. Vả lại, "chạy" mãi cũng quen chân, hiểu rõ cái quy luật của gió biển mà sống chan hòa với nó.  

Vất vả cơ cực nhưng tạo hóa lại bù đắp cho ngư dân những mùa cá tôm đầy ắp. Mùa xuân nào dân làng cũng no ấm, tiếng cười rộn rã khắp nơi. Vùng biển Sơn Hải có nhiều vịnh san hô nên cá thường tập trung về trú ngụ sinh nở, phát triển. 

Không cần tàu to, thuyền lớn, mỗi nhà chỉ cần vài ba chiếc thúng chèo ra ngọn con sóng là có "chiến lợi phẩm". "Mùa Nam nước đục cá giục vào bờ", có nghĩa là mùa gió Nam, cá cứ tràn vào bờ, nhiều vô kể. Cho nên dân làng chài Sơn Hải chỉ sống nhờ 4 tháng gió Nam là ấm cái bụng cả năm. 

Ngày đó, cá vào bờ tìm người chứ người không phải ra biển tìm cá. Trải qua thời gian dài đánh bắt cùng những thay đổi về dòng hải lưu, hải sản ở Sơn Hải có phần giảm đi nhưng con người vẫn có thể sống được bằng nghề đánh bắt.

Cảnh lao động bình dị trên bến.

3. Khi bình minh ló rạng phía chân biển cũng là lúc những chuyến tàu đánh cá ồ ạt trở về. Do Sơn Hải không có cầu cảng, biển lại nông, nên tàu không cập bờ được, ngư dân phải vận chuyển hải sản bằng thuyền thúng từ tàu lớn vào. 

Bất cứ ai có dịp được ngắm cảnh hàng trăm chiếc thúng hối hả lao ra biển, sóng đánh trập trùng trồi lên sụp xuống, trên bờ, những người đàn bà nói cười giòn tan gỡ cá mang đi bán mới cảm nhận hết vẻ đẹp lao động bình dị của Sơn Hải ngày mới bắt đầu.

Với dân đi thuyền thúng, họ thường dậy lúc 3 sáng ra biển, thả lưới đến 5 giờ thì kéo lưới vào bờ. Trên biển, mỗi chiếc thúng chỉ một con người, một chiếc đèn pin, nhỏ bé và lẻ loi. Họ thông thuộc luồng lạch, am tường biển cả nên rủi ro là rất ít.

 Theo kinh nghiệm đi biển một mình, việc nhớ hướng là quan trọng nhất. Họ dựa vào Sao Hôm và Sao Mai để đi nên độ chính xác rất cao. Ở Sơn Hải, nhờ chiếc thúng mà bao thế hệ đã lớn lên, trưởng thành rồi lại lao ra biển. Họ làm biển thảnh thơi như người nông dân cày ruộng, không hề so đo, toan tính thiệt hơn với biển cả. 

Lão ngư Nguyễn Văn Dữ sau hơn nửa thế kỷ ra khơi nay đã "về bờ" nhường lại chiếc thúng cho con cháu. Tất cả kinh nghiệm biển cả lão đều dạy cho thế hệ trẻ, để họ lấy đó làm "bùa hộ mệnh" khi vươn khơi.   

Lão ngư Nguyễn Văn Dữ là người sống hơn nửa đời người ở làng chài Sơn Hải.

Xuân về, mặt biển thôi những con sóng bạc đầu, biển trở nên hiền hoà một màu xanh ngắt, những lễ hội văn hóa đặc sắc và nghi thức mang đậm tín ngưỡng của ngư dân ven biển chính là lễ cầu ngư, góp phần tạo nên hương sắc làng biển trong mùa xuân mới.

Lễ cầu ngư thường diễn ra vào ngày mồng 3 Tết. Đây là lễ hội cầu ngư truyền thống của người miền Trung vào những ngày đầu năm mới nhằm nguyện cầu cho một vụ đi biển tôm cá đầy ghe, thuận buồm xuôi gió. Vào ngày này, dân làng Sơn Hải quần áo mũ mão chỉnh tề hòa mình vào tiếng trống chiêng cùng những bài khấn linh thiêng trước lăng ông Nam Hải nằm trên một trảng cát ngay sát bờ biển. 

"Trong tâm linh của người dân miền biển Việt Nam, lễ hội cầu ngư chiếm vị thế vô cùng quan trọng. Bởi hơn ai hết họ hiểu được sự nguy hiểm luôn luôn rình rập tàu thuyền và ngư phủ trong mỗi chuyến ra khơi. Ở đó chứa đựng những khát vọng, tinh thần hướng biển của ngư dân cần được gìn giữ và bảo tồn"- lão ngư Nguyễn Văn Dữ "đúc kết".

Ngọc Thiện
.
.
.