Lạm phát công trình “du lịch tâm linh“?

Thứ Bảy, 02/11/2019, 15:49
Những ngày qua, Hà Giang lại trở thành nơi thu hút sự quan tâm của dư luận vì cho phép doanh nghiệp bạt núi làm Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú. Ngày 29-10, UBND tỉnh Hà Giang đã yêu cầu tạm dừng các hoạt động xây dựng dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú để tiến hành kiểm tra toàn diện.


Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú do Công ty Cổ phần Phúc Lộc Hà Giang làm chủ đầu tư với số tiền khoảng 800 tỷ đồng được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt năm 2016 với tổng diện tích 75ha thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Dự án này có nhiều hạng mục: xây chùa, khu đào tạo Phật giáo, khu nhà khách…

Dự án này được triển khai từ năm 2017, các hạng mục đã thực hiện gồm xẻ 1 phần núi đá, xây dựng các hạng mục tâm linh, san đường nội bộ dự án và móng sân trong quần thể công trình chùa Lũng Cú. Việc thi công dự án nảy sinh nhiều bất cập, trong đó việc khởi công dự án mà chưa có phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Bộ tài nguyên - môi trường. Phải đến cuối năm 2018, dự án mới được duyệt ĐTM.

Theo Bộ Văn hóa - thể thao - Du lịch (VH-TT&DL), từ năm 2018, Bộ đã nhiều lần có văn bản nêu ý kiến về dự án này. Trong đó lưu ý một số vấn đề khi xây dựng Dự án gồm: Bổ sung các giải pháp chỉnh trang cảnh quan di tích Cột cờ Lũng Cú và cảnh quan tự nhiên vốn có bao quanh hai hồ nước tại di tích. Tổ chức cắm mốc giới các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích Cột cờ Lũng cú theo quy định để đảm bảo giữ được không gian cảnh quan và các yếu tố cấu thành giá trị của di tích Cột cờ Lũng Cú. Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và đặc điểm văn hóa dân tộc đặc sắc của các bản làng dân tộc trong khu vực.

Bộ VH-TT&DL cũng yêu cầu Dự án cần bám sát Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025 tầm nhìn 2030 và Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang đến năm 2030 để tính toán giảm quy mô xây dựng các công trình, đảm bảo vệ hệ sinh thái trên núi đá vôi và cảnh quan môi trường tự nhiên…

Nhưng qua kiểm tra tình hình thực tế, dự án này đã triển khai mà chưa tuân thủ hai quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chưa thực hiện đúng các ý kiến của Bộ VH-TT&DL tại các văn bản đã gửi trước đó.

Ngày 25-10-2019, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông ký công văn gửi UBND tỉnh Hà Giang về việc kiểm tra, giám sát Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú và Dự án Thang máy ngắm cảnh tham quan di tích Đồn Cao ở Đồng Văn, Hà Giang. 

Bộ khẳng định vị trí của hai Dự án này nằm trong lòng Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO ghi danh trong danh mục Công viên địa chất toàn cầu năm 2010, với các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030.

Vì thế, trong công văn mới nhất, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra toàn diện việc triển khai hai dự án nêu trên và kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Từ câu chuyện, vấn đề đặt ra là để thi công được công trình này, doanh nghiệp chắn chắn phải được chính quyền cho phép. Vậy tại sao chính quyèn lại tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm bừa như vậy? 

Không những thế, từ câu chuyện này, môt vấn đề lớn hơn cần phải được các cơ quan quản lý nhà nước đặt ra là chúng ta chưa chú ý đến phát triển theo chiều sâu, hướng tới sự phát triển hài hòa và bền vững. 

Thực tế thời gian qua, tại nhiều địa phương đã có không ít doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu tâm linh. Phải nói thẳng đây là hình thức đầu tư để sinh lời lâu dài của doanh nghiệp chứ không phải vì mục đích phát triển văn hoá, du lịch. 

Bởi theo các chuyên gia văn hoá, việc xây dựng các khu du lịch sinh thái tâm linh theo hướng hoành tráng không phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt - vốn đề cao sự hài hòa với tự nhiên; việc phá vỡ khung cảnh thiên nhiên, ảnh hưởng đến rừng là đi ngược lại quan điểm bảo vệ môi trường sinh thái hiện nay.

Trả lời báo chí, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cảnh báo thực trạng hiện nay ta đang phát triển du lịch văn hóa tâm linh nhiều quá. Các dự án du lịch tâm linh này lại không khai thác cái có sẵn trong cuộc sống, các di tích có bề dày lịch sử văn hóa mà lại "sáng tạo" cái mới. Vì vậy, ông Huy cho rằng Nhà nước rất cần xem lại việc phát triển ồ ạt các dự án du lịch văn hóa tâm linh như thế đã hợp lý chưa. Xây dựng đền chùa mới trên những cảnh quan danh thắng có phải là xu hướng nên khuyến khích không?

Vì vậy, đã đến lúc, các bộ, ngành liên quan cần nghiêm túc đanh giá lại việc cấp phép xây dựng các khu tâm linh ở các địa phương. Đừng để tài nguyên của quốc gia  bị xâm phạm chỉ để phục vụ cho quyền lợi của doanh nghiệp và một nhóm lợi ích nào đó phía sau.

Tân Lương
.
.
.