Ký ức nơi đất mẹ Trường Sa
- Tổng cục Chính trị CAND - chặng đường vẻ vang 35 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành
- Tổng cục Chính trị CAND tặng quà cán bộ khó khăn
- Tổng cục Chính trị CAND báo công tại Khu di tích Nha Công an Trung ương
52 giờ lênh đênh trên biển
Xuất phát từ nơi đóng quân của Lữ đoàn Vận tải 125 nằm sâu bên trong Cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), đoàn công tác số 7 với gần 200 cán bộ chiến sĩ do Thứ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Phạm Dũng làm trưởng đoàn, Trung tướng Nguyễn Xuân Mười và Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND làm phó đoàn bắt đầu nhổ neo ra biển trên con tàu HQ 996.
Trước khi xuất phát, ai cũng chuẩn bị tinh thần cho một chuyến đi biển dài ngày đầy gian nan vất vả. Tưởng rằng đã sẵn sàng cho những cơn say sóng nhưng khi tàu ra đến biển và gặp sóng lớn vào ngày thứ hai, chúng tôi mới thấu hiểu được cái cảm giác lao đao, đứng ngồi không vững khi sinh hoạt trên tàu.
Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Dũng cùng đoàn công tác Tổng cục Chính trị CAND làm lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa. |
Do sóng lớn, thuyền trưởng chỉ có thể cho tàu chạy với vận tốc 7 hải lý/giờ, dự đoán sẽ đến điểm dừng chân đầu tiên, đó là đảo Đá Lớn muộn so với lịch trình.
Sau khi được thưởng thức cái cảm giác bồng bềnh trên sóng ấy liên tục nhiều giờ đồng hồ mới có thể thấy được sự chịu đựng của những người lính hải quân giỏi đến chừng nào.
CBCS trong đoàn suốt thời gian di chuyển chỉ ăn, ngủ, nghỉ rồi lại dạo chơi trên boong rồi ngắm trăng sao trong đêm tối. Nhưng những người lính trên tàu lại phải thay nhau làm việc 24/24 để phục vụ đoàn công tác được chu đáo nhất, trong đó có tổ phục vụ.
Nói đến tổ phục vụ, tôi thấy ấn tượng vô cùng với những chiến sĩ trẻ chỉ mới đôi mươi này, chỉ với hơn chục người họ phải phục vụ cho hơn 200 người ngày 4 bữa và còn làm nhiều công việc lặt vặt khác.
Cho tôi xem những vết bỏng trên người, Hạ sĩ Khang cười nói: "Việc bị bỏng đối với bọn em là chuyện thường xuyên bởi khi bê canh nóng trên tàu mà không khéo thì rất dễ bị đổ vào người. Đoàn của mình rất may khi đi vào thời điểm này, nếu đi vào những tháng có bão, đồ ăn bày trên bàn còn chạy từ đầu bàn đến cuối bàn nên không tránh được việc bị bỏng...".
Quả thật, việc bị thương khi làm nhiệm vụ đối với các chiến sĩ trẻ này xảy ra như cơm bữa bởi ngay tôi hôm đó, Khang khập khiễng bê bàn ăn vào cho chúng tôi với bàn chân băng gạc trắng. Nhìn thấy tôi, cậu cười bảo "lại bỏng anh ạ". Nhìn cậu, tôi hiểu được rằng, nỗi vất vả của những người lính hải quân đến từ cả những việc nhỏ nhặt nhất.
Hơn hai ngày trôi qua, đoàn công tác chúng tôi đến được đảo Đá Lớn, đúng như lo ngại ban đầu, do hành trình bị chậm nên chỉ có một số lãnh đạo đoàn và các cơ quan báo chí được lên đảo do thủy triều đang xuống nhanh, nếu không ra kịp, có thể xuồng sẽ bị mắc cạn.
Những chiến sĩ ở lại trên tàu không thể giấu nổi cảm giác tiếc nuối nhưng dường như chỉ cần nhìn thấy lá cờ đỏ phấp phới đang bay, thấp thoáng hình dáng chiến sỹ trẻ đứng canh cột mốc chủ quyền, mọi mệt mỏi trong thời gian qua bỗng nhiên tan biến cả. Có những chiến sĩ trong đoàn công tác đã mặc quân phục, lên boong để lẩm nhẩm hát Quốc ca một cách tự hào.
Tình cảm người lính đảo
Rời đảo Đá Lớn trong nhiều tiếc nuối, đoàn công tác của Tổng cục Chính trị CAND tiếp tục hành trình tới các điểm đảo tiếp theo. Trong những điểm đến đó, những người chiến sĩ Công an cũng có biết bao kỉ niệm và cảm xúc cùng quân và dân trên đảo.
Trung tướng Nguyễn Xuân Mười trao quà cho CBCS đảo Đá Tây. |
Tại đảo Sơn Ca, điểm đến tiếp theo, lần đầu tiên tiếng hát của các chiến sĩ Công an đã hòa cùng giọng hát của lính đảo, bên cạnh tiếng sóng, tiếng gió sau bao ngày chờ đợi. Thời điểm chúng tôi tới cũng là lúc các anh em đang cấp tập chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội khóa XIV.
Những người cán bộ chiến sĩ của đảo vừa phải chuẩn bị tiếp đoàn, vừa làm công tác treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tài liệu bầu cử. Vào một phòng nghỉ của lính đảo, thấy chúng tôi, các cậu đứng dậy cười đón như thể gặp người thân đi xa mới về.
Trong căn phòng nóng nực chỉ có vài cái quạt để bàn, mồ hôi vẫn chảy ròng ròng nhưng anh em lính đảo nhường hết quạt về phía chúng tôi mặc chúng tôi ngại ngùng từ chối. Một cậu lính tên Giang nói: "Bọn em chịu nóng quen rồi, các anh cứ ngồi nghỉ ở đây cho mát rồi đi tham quan đảo".
Trong câu chuyện với những người lính trẻ này, họ cho biết đã nhiều ngày trở lại đây không có mưa nên thiếu thốn nhất là nước sinh hoạt. Những lúc như vậy, mỗi người chỉ được "khoán" vài lít nước mỗi ngày.
Lính đảo thường phải quây bạt quanh chỗ tắm để tránh nước bắn ra ngoài, nước đó chảy vào hầm chứa lại được dùng để tưới rau, tiết kiệm nước nhất một cách có thể.
Được biết, khó khăn nói trên không chỉ ở riêng đảo Sơn Ca mà hầu hết các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều phải đối mặt. Nhưng với câu nói "đó là nhiệm vụ của bọn em, dẫu vất vả thế nào cũng sẽ chịu được" của một chiến sĩ trẻ quê Ninh Bình, chúng tôi nhận ra rằng đó là niềm tự hào của một người lính khi được góp sức bảo vệ Tổ Quốc.
Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn trao quà cho CBCS đảo Trường Sa. |
Kết thúc những câu chuyện, đoàn chúng tôi rời Sơn Ca sau những cái ôm chia tay đầy luyến tiếc, đã có người rơi nước mắt khi chứng kiến anh em lính đảo đứng vẫy tay chào đoàn công tác cho đến khi khuất bóng. Có lẽ ở nơi biển xa đầy gian khó này, cái đáng quý nhất là tình cảm giữa những người con mang dòng máu Việt.
Tại đảo Nam Yết, đoàn công tác đã đến thắp hương cho 4 liệt sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Bốn ngôi mộ được xếp thành hàng ngang nhìn ra biển. Có một điểm chung đó là những người lính này đều ra đi từ khi còn rất trẻ. Người hy sinh đầu tiên vào năm 2010 đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Hà (SN 1989, Quỳnh Lưu, Nghệ An).
Người trẻ nhất đó là liệt sĩ Đinh Thanh Bình (SN 1992, xã Đa Kai, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) hy sinh vào tháng 9-2011 khi mới nhập ngũ chưa tròn 7 tháng. Và vào thời điểm gần đây nhất đó là tháng 2-2012, hai liệt sĩ Lại Huy Công (SN 1980, Thái Thụy, Thái Bình) và Nguyễn Văn Cường (SN 1990, Kim Động, Hưng Yên) đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ.
Theo Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết cho biết: "Hôm ấy là ngày 2-2-2012, trong khi tuần tra trên biển, do thời tiết diễn biến xấu bất thường, đồng chí Cường bị sóng đánh rơi ra khỏi xuồng. Thấy đồng đội gặp nạn, đồng chí Công vội vàng nhảy xuống biển ứng cứu mà không màng đến hiểm nguy.
Dù là người bơi lặn giỏi nhưng không địch lại những cơn sóng dữ của biển cả, cả hai đồng chí đã hy sinh. Thời điểm đó, vợ đồng chí Công ở quê nhà cũng vừa sinh con gái, anh đã ra đi mãi mãi mà không kịp nhìn mặt con...".
Thời điểm đó, do phương tiện còn khó khăn nên thi hài của hai anh không thể đưa về đất liền. Các anh đã nằm lại nơi họ chấp nhận hy sinh mạng sống để bảo vệ, trở thành một phần máu thịt của Tổ quốc. Nhìn những khuôn mặt trẻ măng được khắc trên bia đá và nghe câu chuyện của Chỉ huy đảo, ai cũng rơi nước mắt trước sự hy sinh ấy của những người lính kiên trung.
Và nước mắt chúng tôi tiếp tục rơi nhiều lần trong cả chuyến hành trình qua các điểm đảo. Trên boong tàu HQ 996, những giọt nước mắt xúc động đã rơi sau khi Thứ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Phạm Dũng đọc những dòng điếu văn tưởng niệm đầy bi tráng, nói lên công lao của các chiến sĩ đã nằm xuống nơi đảo xa để giữ vững chủ quyền đất nước.
Quân, dân đảo Trường Sa hát tạm biệt đoàn công tác tại cầu tàu. |
Tại các điểm dừng chân, đoàn công tác của Tổng cục Chính trị CAND đã tới thăm hỏi các cán bộ, chiến sĩ làm việc tại trường học, bệnh xá... Đại diện cho đoàn, Thượng tướng Phạm Dũng và Trung tướng Nguyễn Xuân Mười đã trao tặng cho cán bộ chiến sĩ quần đảo Trường Sa một xuồng CQ trị giá 3,5 tỉ đồng. Ngoài ra, còn nhiều món quà có giá trị được đoàn gửi tặng đến quân, dân sinh sống và làm việc trên quần đảo Trường Sa.
Tạm biệt những người lính hải quân với nước da đen cháy và nụ cười thường trực, tạm biệt những ánh đèn hải đăng luôn sáng rực trong đêm soi đường dẫn lối, đoàn công tác chúng tôi bắt đầu trở về đất liền sau10 ngày lênh đênh trên biển với các điểm đảo và nhà giàn đã đi qua bao gồm: Trường Sa, Đá Lớn, Đá Tây (A,C), Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Cô Lin, Phan Vinh (A,B) và DK1/8 Quế Đường. Có lẽ, lãnh đạo và CBCS của Tổng cục Chính trị CAND sẽ không thể quên được những cái ôm thắm thiết, những câu chuyện về nỗi khó khăn của lính đảo và câu hát "rừng núi giang tay nối lại biển xa" của quân, dân đảo Trường Sa tại cầu tàu trước lúc xuất bến trở về đất liền.