Kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 75: Thế Chiến quốc, thế Xuân Thu…
Tâm điểm Mỹ - Trung
Không có gì đáng ngạc nhiên, khi mọi sự chú ý vẫn dồn vào diễn văn phát biểu trực tuyến được ghi hình sẵn, nghĩa là đã có rất nhiều thời gian chuẩn bị nhằm truyền tải những thông điệp ngoại giao, của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Và cũng chẳng có gì bất ngờ, khi ông công kích dữ dội Trung Quốc - đoạn tiếp nối của những động thái vô cùng căng thẳng giữa hai đại cường trong thực tế, sau chiến tranh thương mại và sau những hành động mạnh mẽ được thể hiện ở Tây Thái Bình Dương (đặc biệt là việc Washington thẳng thừng phủ nhận những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông).
"Chúng tôi đã phát động cuộc chiến khốc liệt nhằm chống lại kẻ thù vô hình: virus Trung Quốc. Chúng ta phải buộc quốc gia này chịu trách nhiệm khi để dịch bệnh ấy lây lan ra khắp thế giới!", ông Donald Trump khẳng định, với cách gọi tên nguyên nhân mầm bệnh đầy tính khiêu khích, vào thời điểm mà những ca tử vong do virus SARS-CoV-2 gây ra cho nước Mỹ đã vượt quá con số 200.000 sinh mạng, mức tổn thất về người cao nhất thế giới.
Không chỉ vậy, ông chủ Nhà Trắng cũng cáo buộc Trung Quốc "đổ hàng triệu triệu tấn rác" vào đại dương, đánh bắt hải sản quá mức và gây ô nhiễm không khí. "Những người chỉ trích Mỹ về vấn đề môi trường trong khi phớt lờ tình trạng ô nhiễm tràn lan của Trung Quốc không hề quan tâm tới môi trường. Họ chỉ muốn trừng phạt Mỹ!", ông nói, như cách quen thuộc ông vẫn thường nói, khi lao vào những cuộc tranh luận với các đối thủ, trong cả lần vận động tranh cử năm 2016 lẫn hiện tại.
Quả vậy, không nên quên, kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 75 này đang diễn ra trên bậc thềm của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ - sự kiện mà cả thế giới chờ đợi, để sẵn sàng điều chỉnh các chiến lược đối ngoại của mình cho phù hợp với những biến động trên chính trường Mỹ.
Thể hiện sự cứng rắn với Trung Quốc đã và đang là một phương tiện để đương kim tổng thống Mỹ củng cố vị thế của mình, thu hút cử tri thông qua khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", thì chẳng có lý do gì để ông không tiếp tục làm như vậy, cho dù là ngay tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, cho dù là sử dụng những ngôn từ phi ngoại giao và trực diện nhất.
Ngược lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng "nghênh chiến" với một thái độ "ngoài mềm trong cứng". Những lời phát biểu được trau chuốt kỹ lưỡng của ông rằng Bắc Kinh "không có ý định gây chiến tranh hay chiến tranh lạnh với bất cứ nước nào", hay "Chúng tôi sẽ tiếp tục thu hẹp sự khác biệt và giải quyết tranh chấp với nước khác thông qua đối thoại và đàm phán", hoặc là "Đối mặt với virus, chúng ta nên tăng cường đoàn kết và cùng nhau vượt qua.
Chúng ta nên tuân theo chỉ dẫn của khoa học, phát huy hết vai trò chủ đạo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Bất kỳ nỗ lực nào nhằm chính trị hóa vấn đề này hay gieo rắc kỳ thị đều phải bị đẩy lùi" - làm nổi bật một hình ảnh "cường quốc có trách nhiệm" mà Trung Quốc muốn gây ấn tượng với thế giới.
Dĩ nhiên, đi kèm với nó, cũng vẫn là thông điệp ngầm gửi tới nước Mỹ: Hãy tiến hành xây dựng một "mối quan hệ nước lớn kiểu mới", thông qua những câu từ "đanh thép": "Không quốc gia nào được phép làm bất cứ những gì họ thích, thực hiện các hành vi theo chủ nghĩa biệt lệ hoặc tiêu chuẩn kép, và trở thành bá chủ hay kẻ bắt nạt thế giới".
Chủ tịch Trung Quốc bảo vệ các thể chế đa phương, như WHO, trong khi Tổng thống Mỹ chỉ trích chính WHO là "con rối của Bắc Kinh". Đây cũng là một điểm rất đáng chú ý đối với giới phân tích quốc tế. Họ đánh giá khách quan rằng cả hai nước đều đã cố tình tỏ ra thiếu thận trọng trong các phát biểu của mình, rằng Liên Hiệp Quốc và các cơ quan trực thuộc như WHO không hoàn hảo và cần cải cách, nhưng cách Tổng thống Mỹ Donald Trump tức giận chỉ trích và dọa rút khỏi những tổ chức đó không giải quyết được vấn đề gì. "Nếu Mỹ muốn các cơ quan LHQ hoạt động vì lợi ích của mình, Mỹ cần phải hợp tác, ủng hộ và bảo vệ họ. Đó là điều Trung Quốc đang cố gắng làm" - chuyên gia các vấn đề đối ngoại toàn cầu Stewart Patrick bình luận.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Và các chuyên gia chỉ ra xu hướng tiếp nối: Việc Mỹ rời xa các khuôn khổ hợp tác đa phương, từ Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu tới WHO, đã để lại khoảng trống trên vũ đài quốc tế. Trung Quốc đang cố gắng lấp đầy nó và thúc đẩy sự trỗi dậy mạnh mẽ, như cam kết đóng góp 30 triệu USD cho WHO ngay khi Mỹ tuyên bố rút ngân sách cho tổ chức này. Còn nước Mỹ thì sẽ mất dần ảnh hưởng, do đã rời sân.
Bốn phương lửa cháy
Thế giới đang vật vã trong những cơn tái định hình trật tự của chính mình, với những tác động dữ dội của các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, dịch bệnh, môi trường…Và có thể nói rằng, chính Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng vậy.
Nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump "thù ghét" các định chế đa phương. Họ đánh mất dần ảnh hưởng bởi sự biệt lập mà họ hướng tới. Nhưng, không chỉ có Trung Quốc nuôi tham vọng lấp đầy các khoảng trống, khi bối cảnh hiện tại của thế giới mở ra rất nhiều cánh cửa, cho rất nhiều "người chơi".
Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Nước Pháp - một trong hai quốc gia dẫn đầu Liên minh châu Âu (EU) cùng Đức, là một trong số đó. Họ thể hiện một động thái vô cùng cứng rắn thông qua bài diễn văn của Tổng thống Emmanuel Macron - điều có vẻ như bị che lấp quá mức bởi tâm điểm xung đột Mỹ - Trung.
Tổng thống Pháp Macron khẳng định: Châu Âu sẽ không nhượng bộ Mỹ về các vấn đề liên quan tới động thái của Washington nhằm tái kích hoạt các biện pháp trừng phạt Iran, bởi "chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây áp lực tối đa với Iran không mang lại tác dụng kiềm chế tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực hay giúp đảm bảo quốc gia này sẽ không sản xuất vũ khí hạt nhân", và việc Mỹ kích hoạt cơ chế trừng phạt (ngày 19-9) trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân mà Washington đã không còn quyền tác động (sau khi đã rút khỏi thỏa thuận) "sẽ làm suy yếu nền tảng đoàn kết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng như tính toàn diện của những quyết định mà hội đồng đưa ra, đồng thời gây nguy cơ kích động căng thẳng ở khu vực".
Một cách ngắn gọn, tương tự như phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: Không phải nước Mỹ cứ muốn gì thì họ sẽ được nấy. Và cũng như Trung Quốc, Pháp (hay có thể nói là cả EU), khi cố gắng khuếch trương tầm ảnh hưởng cũng như vị thế chính trị của mình như các trung tâm quyền lực hàng đầu thế giới, đang củng cố và tôn cao thêm vai trò của Liên Hiệp Quốc - điều mà Washington hạ thấp.
Quan điểm này cũng được chia sẻ với những tiếng đồng vọng từ nước Nga, trong bài diễn văn của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông nhấn mạnh: Hiến chương Liên Hiệp Quốc vẫn là nền tảng chính của luật pháp quốc tế, và bản thân tổ chức này đang hoàn thành xứng đáng sứ mệnh chính của mình là bảo vệ thế giới. Theo ông, quyền phủ quyết của năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vẫn là điều cần thiết, và đang phản ánh sự cân bằng quân sự-chính trị đích thực trên thế giới. Chỉ có điều "Liên Hiệp Quốc phải thích ứng với thực tế mới, và Hội đồng Bảo an phải tính đến lợi ích của tất cả các nước một cách đầy đủ hơn nữa".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Có quá nhiều vấn đề mang tính sinh tử đang đặt ra với cả nhân loại, nhưng cường quốc số 1 thế giới vẫn đang "làm mình làm mẩy". Ở đây, quả thật, có một nghịch lý: Nước Mỹ không muốn phải chịu quá nhiều trách nhiệm về những vấn đề đó, nhưng lại vẫn đang cố gắng bảo vệ lợi ích cốt lõi cũng như vị thế siêu cường của mình, bằng những hình thức áp đặt quan điểm song phương.
Vậy thì tất nhiên, những kình địch (và cả những bạn bè cũ) của nước Mỹ cũng không thể chấp nhận nghịch lý đó. Khi đến cả nước Pháp và EU cũng phản ứng Washington dữ dội, về chống biến đổi khí hậu hay sự "quá đáng" trong các hình thức trừng phạt Iran, thời thế rõ ràng đã thay đổi.
Có thể ông Donald Trump đầy khả năng tái đắc cử tổng thống Mỹ. Nhưng nước Mỹ chắc chắn sẽ không thể tiếp tục là cực duy nhất của hoàn cầu…