Kinh tế Iran oằn mình vì sức ép từ Mỹ
Theo ý kiến của đa số chuyên gia, hiện vẫn còn rất nhiều sức đề kháng trong nền kinh tế của Iran. Mặc dù hiện nay đã bị tổn thương nặng nề và cũng dễ bị tổn thương hơn so với giai đoạn trừng phạt kéo dài của Mỹ trước đây, từ năm 2012 đến 2015, nền kinh tế của Iran gần như không bị rối loạn như Venezuela, một mục tiêu trừng phạt khác của Mỹ.
Các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ có nguy cơ làm tê liệt hoàn toàn khả năng bơm và xuất khẩu dầu của Venezuela, về cơ bản là cắt đứt mọi thu nhập của chính phủ.
Khó khăn nhưng không sụp đổ
“Nền kinh tế Iran kiên cường hơn nhiều so với một số nhân vật diều hâu ở Nhà Trắng và Washington nói chung mong đợi, nhưng mọi thứ thật tồi tệ và sẽ trở nên tồi tệ hơn”, ông Henry Rome, nhà phân tích Iran tại Eurasia Group, cho biết. “Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chế độ đó đang bị đẩy tới sự sụp đổ”.
Các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ đang gây ra nỗi đau thực sự cho nền kinh tế Iran, nhiều hơn so với dự đoán của nhiều người”, ông Rome nói. “Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa tiến gần sự sụp đổ kinh tế hoàn toàn hoặc là mối đe dọa thực sự đối với sự sống còn của Tehran”.
Áp lực của Mỹ đối với Iran, được nêu bật kể từ khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, đã được nhấn mạnh lại vào ngày 13-2, khi bắt đầu một hội nghị kéo dài 60 ngày tại Warsaw, Ba Lan, nhằm lôi kéo châu Âu chỉ trích các hành vi của Iran. Nhưng việc những “tay chơi” lớn, bao gồm cả Pháp và Đức và Liên minh châu Âu, vắng mặt trong Hội nghị Warsaw cũng cho thấy Washington chủ yếu phải hành động đơn phương trong chiến dịch gây áp lực tối đa đối với Tehran.
Tin xấu cho Iran là chỉ vài tháng sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu bị áp trở lại, nền kinh tế đang ở trong tình trạng khốn khổ. Đồng tiền mất giá, lạm phát tràn lan và tỷ lệ thất nghiệp cao, trong khi GDP giảm vào năm ngoái và dường như sẽ thu hẹp hơn nữa trong năm nay. Xuất khẩu dầu giảm dần đã cắt giảm thu nhập của chính phủ và các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các giao dịch tài chính đã làm lạnh hoạt động kinh tế trong một số lĩnh vực khác, bao gồm ô tô và hàng hóa nhân đạo như thực phẩm và thuốc.
“Nền kinh tế thậm chí còn tồi tệ hơn những gì họ cho phép”, theo ông Alireza Nader, CEO của New Iran, một tổ chức nghiên cứu và vận động ở Washington. “Ngành công nghiệp ô tô tự hào một thời của Iran đang trên bờ vực sụp đổ, và trong khi các quan chức của Ngân hàng Trung ương Iran cố gắng ổn định tỷ giá hối đoái, thì họ phải trả giá bằng việc rút cạn dự trữ ngoại hối. Trong khi đó, tình trạng thiếu thịt và các loại thuốc cơ bản đang thúc đẩy sự thất vọng phổ biến của người dân. Ý tưởng về nền kinh tế kháng chiến là hoàn toàn sai lầm”, ông Nad Nader nói.
Áp lực kinh tế của Mỹ dẫn đến lạm phát kinh niên, thất nghiệp và những nỗ lực thất bại để biến Iran thành nơi chào đón đầu tư nước ngoài. Cùng với giá dầu trung bình hiện nay thấp hơn so với thời chính quyền Obama, khi Mỹ hạn chế mạnh xuất khẩu dầu thô Iran, điều đó có nghĩa là Tehran có ít khả năng hấp thụ các lệnh trừng phạt của Mỹ hơn trước đây.
Chẳng hạn như thâm hụt ngân sách năm ngoái lớn gấp đôi so với dự báo của chính phủ, cho dù có doanh thu cao hơn dự kiến từ xuất khẩu dầu. Các nguồn doanh thu khác không đạt kỳ vọng khi nền kinh tế thu hẹp. Doanh thu chính phủ thấp hơn có nghĩa là thâm hụt lớn hơn, từ đó đẩy giá trị của đồng tiền Iran xuống và khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.
Ngân sách năm nay thậm chí còn có vấn đề hơn, dựa trên dự báo Iran sẽ xuất khẩu 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. (Xuất khẩu đã giảm từ khoảng 2,5 triệu thùng mỗi ngày trước khi các lệnh trừng phạt xuống chỉ còn hơn 1 triệu thùng mỗi ngày). “Kế hoạch ngân sách dường như làm tăng sự phụ thuộc của Iran vào doanh thu từ dầu trong khi khả năng xuất khẩu bị đe dọa, và Tehran cũng gặp khó khăn trong việc thu tiền từ hàng hóa bán được do bị cấm vận”, ông Rome cho biết.
Các quan chức Mỹ đang hy vọng xử lý lỗ hổng ngày càng tăng đó. Brian Hook, Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Iran, cho biết hồi tháng trước rằng chính quyền sẽ không ban hành miễn trừ cho các quốc gia tiếp tục mua dầu của Iran. Mùa thu năm ngoái, khi các lệnh trừng phạt áp dụng trở lại, chính quyền Trump đã cho phép các quốc gia bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục mua một số dầu của Iran. Những miễn trừ đó hết hạn vào tháng 5 và chính quyền Trump khẳng định rằng lần này sẽ khiến xuất khẩu dầu thô của Iran gần bằng không.
Sự hỗ trợ từ các bạn hàng lớn
Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ, hai khách hàng lớn nhất của Iran, cho đến nay đã chống lại các lời kêu gọi của Mỹ nhằm giảm mạnh việc mua dầu của Iran. Đặc biệt, New Delhi có lý do chiến lược để giữ mối quan hệ tốt với Tehran. Và các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với sản xuất và xuất khẩu dầu của Venezuela có thể sẽ gây ra tình trạng thiếu loại dầu nặng mà cả hai nước sản xuất, khiến các nhà hoạch định chính sách của Mỹ không còn chỗ để ép thêm xuất khẩu dầu nặng của Iran.
Nhưng ngay cả khi Mỹ cấp thêm các khoản miễn trừ vào tháng 5 cho các quốc gia để tiếp tục mua dầu của Iran ở gần mức hiện tại, nỗi đau kinh tế của Iran trong năm nay sẽ trở nên tồi tệ hơn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế sẽ thu hẹp hơn 3%, do đầu tư nước ngoài cạn kiệt và các ngành công nghiệp Iran phải vật lộn để mua hàng hóa mà họ cần để duy trì hoạt động kinh doanh.
Iran dự báo thâm hụt ngân sách khổng lồ ngay cả với các dự báo xuất khẩu dầu lạc quan. Nếu điều đó giảm xuống dưới mức mong đợi, quốc gia này sẽ phải cắt giảm lương và chi tiêu xã hội, tăng thuế hoặc lạm phát nhiên liệu. Không có lựa chọn nào trong số đó là hấp dẫn, một năm sau khi các cuộc biểu tình kinh tế lớn làm rung chuyển đất nước.
Tuy nhiên, nỗi đau kinh tế Iran sẽ chuyển thành một chiến thắng chính sách cho chính quyền Trump, vốn đang muốn thay đổi hành vi chính sách đối ngoại của Iran. CEO của New Iran, ông Nader, hiện không nghĩ rằng một sự sụp đổ kinh tế sẽ khiến các nhà lãnh đạo Iran mất uy tín, trừ khi điều đó được kết hợp với các phong trào đối lập trong nước có tổ chức hơn.
Nhưng Iran từng thể hiện sức mạnh bền bỉ ngay cả trong nghịch cảnh và thường phản ứng với áp lực của phương Tây bằng cách nhân đôi hành vi phản cảm. Ellie Geranmayeh, Phó Giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, cho biết Iran đang củng cố các lợi ích trong khu vực và hoàn toàn bất chấp các lời kêu gọi từ các nước phương Tây.
Mặc dù cho đến nay, châu Âu đã không thể ném cho Iran một huyết mạch thực sự để trốn tránh các lệnh trừng phạt, Washington vẫn không thể chuyển áp lực đó thành một Teheran tuân thủ hơn.