Kiên quyết triệt xóa nạn "tín dụng đen", đòi nợ thuê

Thứ Hai, 10/12/2018, 13:11
Năm 1988, khi tôi vừa được nhận vào làm một chân bốc vác ở Cảng Kho 5 (thuộc hệ thống Cảng Sài Gòn), quận 4, TP HCM, đã thấy đa số công nhân bốc vác trong đội thường xuyên mượn tiền góp, tiền đứng của một số trùm giang hồ là đàn em của Năm Cam như: Năm "liều mạng", Hải "cầu dừa", Tuấn "cù lao", Linh "Tôn Đản"… 


Tuy nhiên, thời điểm ấy, các đối tượng cho vay nặng lãi cũng chỉ tính lãi suất cao gấp 2 hoặc 3 lần ngân hàng và chúng cũng chỉ lén lút hoạt động ở những xóm lao động nghèo, cho người có công ăn việc làm, người buôn bán nhỏ, chứ người thất nghiệp, nghiện hút thì một xu cũng không cho vay. 

Đến những năm 2005 trở đi, các đối tượng là "trùm tín dụng đen" đã lấn thêm một bước nữa, chúng không dừng lại ở xóm lao động nghèo, mà thâm nhập vào các sòng bài, cho những người kinh doanh buôn bán lớn vay những món tiền to. Với những trường hợp này, các ông "trùm", bà "trùm" đều thực hiện việc ký hợp đồng nhưng không giao cho người vay mà chúng giữ toàn bộ.

Một băng nhóm "tín dụng đen" mang súng đi tìm con nợ.

Khoảng gần chục năm trở lại đây, khi hoạt động "tín dụng đen" bị Công an các địa phương đưa vào tầm ngắm thì đám "trùm" cũng lập tức đối phó bằng cách cho vay chỉ cần có giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ khẩu mà không cần thế chấp bất cứ loại tài sản nào, và cũng không cần viết giấy vay mượn tiền. 

Các ông "trùm", bà "trùm" thường tập hợp các đối tượng có tiền án về các tội đâm chém, cướp giật, nghiện hút ma túy về dưới trướng, nhồi nhét vào đầu đủ mọi thủ đoạn rồi giao cho một mớ tiền "làm vốn" và tung đám này đi các tỉnh tạo dựng địa bàn để dụ dỗ người dân vay tiền.

Thượng tá Nguyễn Quang Thắng - Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh đánh giá, nổi cộm nhất về tình hình an ninh trật tự chính là hoạt động "tín dụng đen". Các đối tượng thường ngụy trang hành vi cho vay nặng lãi bằng các hợp đồng mua bán xe trả góp, nhưng chỉ cần thế chấp hộ khẩu hoặc chứng minh nhân dân mà không cần làm hợp đồng vay.

Khi giao dịch, người vay tiền buộc phải kí giấy bán ôtô, xe môtô cho đối tượng, sau đó kí hợp đồng thuê lại chính chiếc xe của mình rồi trả tiền thuê hàng tháng với giá cao. Với chiêu trò này, khi Công an vào cuộc điều tra sẽ không tìm thấy bằng chứng thể hiện việc vay nợ. Hiện Công an TP Hồ Chí Minh đã đưa vào danh sách theo dõi gần 600 băng nhóm, đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động "tín dụng đen" để củng cố chứng cứ xử lý.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các đối tượng cho vay nặng lãi tập trung vào các khu vực xóm lao động và xung quanh những khu chế xuất, nơi có nhiều công nhân thuê phòng trọ để thực hiện hành vi cho vay nặng lãi. Chỉ tính từ nửa cuối năm 2017 đến nay, Công an các quận đã khám phá hàng chục vụ, nhưng việc xử lý hình sự còn gặp khó khăn do nạn nhân không chịu tố giác, thiếu chứng cứ pháp lý...

Theo lời kể của anh Hà Văn Thành, một công nhân làm việc trong Khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức, đầu năm 2016, biết anh đang cần tiền làm đám cưới, một đối tượng tên Tuấn ở chợ Bà Chiểu tìm đến buông lời đường mật rồi cho anh vay số tiền 30 triệu đồng với lãi suất theo cách nói của Tuấn là 2%, trả góp trong 3 tháng. Nghĩ là 2%/tháng, anh Thành chấp nhận vay và chỉ phải thế chấp mỗi giấy chứng minh nhân dân. 

Nhưng một tuần sau đám cưới, Tuấn đến gặp anh Thành đòi trả tiền cả vốn lẫn lãi góp là 6.533.333 đồng và với 12 tuần thì số tiền anh phải trả lên đến 78.400.000 đồng. Hỏi Tuấn có tính nhầm không thì hắn bảo: "2% là tiền lãi của 1 ngày chứ đâu phải vỏ hến mà mỗi tháng có nhiêu đó… Có chịu trả thì nói một câu, bằng không coi chừng tính mạng đó…".

Vừa nói xong, Tuấn ngoắc đàn em lăm lăm mã tấu xông tới đánh dằn mặt anh Thành. Không chịu nổi sự hành xử của Tuấn, vợ chồng anh Thành chấp nhận góp gần như toàn bộ lương để trả cho chúng, nhưng gần 3 năm nay mà vẫn còn nợ Tuấn cả vốn lẫn lãi gần 20 triệu đồng. 
Băng nhóm "tín dụng đen" vừa bị Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá.

Sự lộng hành của đám giang hồ hoạt động theo sự thuê mướn, chỉ đạo của các đối tượng cho vay nặng lãi không chỉ dừng lại ở các vụ bắt cóc, đánh đập, mà chúng còn thường xuyên gọi điện thoại, có lúc đến tận nhà con nợ hăm dọa chặt chân, tay, thậm chí có trường hợp chúng còn dùng hung khí đâm chết cả người thân của con nợ khi có hành động ngăn cản sự gây rối của chúng. 

Vụ việc xảy ra vào ngày 8-11, trên đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 2, quận 3, TP Hồ Chí Minh, đã gióng lên hồi chuông báo động cho những người đã và đang có ý định mượn tiền của đối tượng cho vay nặng lãi. Vào khoảng 19h30' hôm ấy, khi thấy nhóm giang hồ kéo đến nhà lớn tiếng chửi bới rồi hành hung đòi mẹ mình phải trả ngay số tiền nợ cả vốn lẫn lãi đã quá hạn, anh Võ Thanh Quân (29 tuổi) đã xông ra đánh nhau với các đối tượng để giải cứu mẹ. 

Trong lúc đánh nhau, một đối tượng tên Minh trong nhóm giang hồ, sinh năm 1990 tại tỉnh Thanh Hóa (tạm trú quận 5, TP Hồ Chí Minh) móc dao giấu sẵn trong người đâm mạnh vào bụng anh Quân, khiến anh này gục tại chỗ. Gây án xong, đám giang hồ lập tức chia thành nhiều hướng chạy khỏi hiện trường, riêng anh Quân do vết thương quá nặng đã tử vong trên đường đưa đi cấp cứu.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an quận 3 đã vào cuộc điều tra vụ án và đến chiều 9-11 đã bắt giữ tên Minh. Riêng các đối tượng còn lại đang lẩn trốn nên cơ quan Công an tiếp tục truy bắt.

Một vụ việc khác chúng tôi ghi nhận khi đi công tác tại cửa khẩu Mộc Bài, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh vào ngày 24-11. Một người đàn ông ngoài 50 tuổi, mặt mày hốc hác, nước da đen bóng tìm đến cơ quan Công an trình báo vụ việc. 

Ông là Lê Văn Bi, ngụ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Hai vợ chồng già làm ruộng, còn vợ chồng con trai duy nhất làm công nhân trong khu công nghiệp nên cuộc sống gia đình cũng tạm ổn. Cuối năm 2016, do bốc đồng muốn sắm chiếc xe gắn máy xịn cho nở mày nở mặt với hàng xóm láng giềng, con trai ông là ông Lê Văn Phương có mượn 20 triệu đồng của một nhóm người cho vay nặng lãi từ TP Hồ Chí Minh. Mỗi ngày, con ông phải trả cả vốn lẫn lãi là 422.000 đồng, nhưng được vài tháng thì Phương ngã bệnh, phải nghỉ làm việc dài ngày để điều trị nên đến cuối năm 2017 "lãi mẹ đẻ lãi con" lên đến gần trăm triệu. Biết gia đình ông Bi có vài công ruộng nằm cạnh quốc lộ chạy thẳng đến biên giới Campuchia, chúng nhiều lần đến ép sang tên để cấn nợ nhưng ông không đồng ý. 

Không lấy được tài sản, chúng quay sang dụ dỗ Phương sang casino đánh bạc để cấn nợ. Tưởng thật, Phương khăn gói lên đường theo đám cho vay nặng lãi sang Campuchia theo đường cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, nhưng sau vài lần kéo phỉnh, Phương đã thua mất hơn 5.000 USD và buộc phải ký giấy vay nợ ngay bên xứ người rồi gọi điện về bảo ông Bi bán ruộng sang chuộc thân.

Thấy con mồi đã vào tròng, sau khi nhận tiền chuộc thân của ông Bi, chúng lại buông lời đường mật dụ Phương tiếp tục sang casino ở Campuchia đánh bài với lời hứa sẽ cắt một nửa số tiền mà ông Bi chuộc thân cho Phương tiếp tục gỡ gạc. Cay cú vì mất hết cả ruộng đất là kế sinh nhai duy nhất của cha mẹ, Phương quyết định phải lấy lại những gì đã mất nên sáng sớm 10-11-2018 lại vượt biên sang casino theo đám cho vay nặng lãi. 

Hung khí băng nhóm "tín dụng đen" sử dụng khi đi đòi nợ.

Đi được hơn chục ngày thì ông Bi nhận được điện thoại, bên kia đầu dây thông báo Phương vay số tiền lớn đánh bạc và đã thua hết, muốn cho Phương về nhà thì ông Bi phải mang ngay 70 triệu đồng ra cửa khẩu Mộc Bài giao sẽ thả người. Khi ông Bi trả lời trong nhà không còn một xu thì chúng cúp máy và đến chiều ngày 22-11 thì gọi điện hạ giá xuống 50 triệu rồi 30 triệu. 

Bẵng đi vài ngày, đến 1 giờ sáng 24-11, chúng tiếp tục gọi nhưng không đòi tiền nữa, mà bảo ông Bi đến một địa danh nằm sâu trong Vương quốc Campuchia, cách biên giới 600km để đưa xác Phương về rồi thòng một câu: "Nếu không qua nhanh, người ta mang chôn thì coi như bỏ xác luôn đó". Nhận thông tin, toàn thân ông Bi như rời rã từng khúc.

Hiện nay, Công an cả nước đang tích cực vào cuộc nhằm đấu tranh xóa bỏ nạn "tín dụng đen". Thiết nghĩ, đã đến lúc người dân cần phải thật sáng suốt để nhận ra đâu là cho vay nặng lãi nhằm tránh rơi vào cái "bẫy" chết người này. Đặc biệt, để xóa bỏ "tín dụng đen" tận gốc, rất cần sự dũng cảm tố cáo của người dân về các đối tượng cầm đầu để cơ quan Công an có cơ sở lập hồ sơ xử lý trước pháp luật.

Việc Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và các đơn vị nghiệp vụ triệt phá thành công "tập đoàn tín dụng đen" Nam Long do Nguyễn Đức Thành (sinh năm 1988, trú phường Cầu Kho, quận 1, TP Hồ Chí Minh) cầm đầu như một cú đấm mạnh vào giới trùm cho vay nặng lãi. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều băng nhóm khác như những "tảng băng chìm" đang hàng ngày, hàng giờ len lỏi vào tận hang cùng ngõ hẻm, từ đô thị đến vùng sâu, vùng xa, dụ dỗ những người dân nghèo đang trong cơn túng quẫn vay tiền với giá "cắt cổ" (dao động từ 120-365%/năm). Nhiều gia đình chỉ sau vài ba tháng vay tiền đã rơi vào cảnh màn trời chiếu đất vì phải mang tài sản, nhà cửa ra cầm cố, có trường hợp không có khả năng trả nợ bị chúng bắt cóc, đánh đập, tra tấn...
Đức Cương
.
.
.