Kì lạ ngôi làng nuôi "ông lợn" như người
Được ăn cháo trắng gạo nếp cái hoa vàng trộn cùng cám sữa; sau bữa ăn được "tráng miệng" bằng hoa quả; ăn trứng gà vào bữa phụ... đó là những khẩu phần dành cho các "ông lợn" trong lễ hội tháng Giêng của làng La Phù. Đây cũng là một trong những lễ hội vô cùng đặc sắc xuất hiện từ khi lập làng, được người dân nơi đây duy trì và phát triển để tỏ lòng biết ơn tới tổ tiên...
Khắt khe chọn người nuôi
La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) là một ngôi làng có lịch sử lâu đời. Tại đây vẫn còn duy trì một lễ hội đặc biệt - đó là lễ hội rước lợn vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch. Đây là dịp mà người dân La Phù tưởng nhớ đến công ơn của Thành hoàng làng là Tĩnh Quốc Đại Vương, người có công giúp vua Hùng Duệ Vương đánh giặc ngoại xâm. Sau khi Tĩnh Quốc Đại Vương mất vào ngày 14 tháng Giêng, triều đình đã phong tặng ngài là Thượng Đẳng thần.
Nói về lễ hội rước lợn của làng, cụ Nguyễn Phan Đích (70 tuổi, trưởng ban khánh tiết làng La Phù) cho biết: "Trước đây, làng có tên gọi là La Nước, là nơi mà ngài Tĩnh Quốc Đại Vương đóng quân, chiêu mộ binh lính. Sau khi đánh đuổi giặc xâm lược, ngài cũng tọa hóa tại nơi này. Dân làng đã tổ chức lễ này để tỏ lòng biết ơn đến ngài. Từ đó, qua cả ngàn năm, lễ rước lợn được người dân La Phù duy trì cho tới tận bây giờ".
Cũng theo cụ Đích, để có một đầu lợn đẹp phục vụ cho lễ hội phải trải qua nhiều khâu chọn lựa kĩ càng từ giống lợn, người nuôi cho đến cách chăn nuôi thế nào để đảm bảo được sự linh thiêng của lễ hội và cũng là để duy trì những nét độc đáo mà người xưa để lại. Do lợn là một linh vật được chọn lựa cho lễ hội nên suốt quá trình chăn nuôi, được gọi là "ông lợn".
Đầu tiên, các bô lão trong làng sẽ lựa chọn ra các nhà đăng cai nuôi lợn, gọi là cai đám. Những người đăng cai tiêu chuẩn vô cùng khắt khe, vợ chồng phải song toàn, gia đình không có tang, phải có đủ cả con trai và con gái, con cái trong nhà phải đoàn kết, ngoan ngoãn và đặc biệt là không có ai trong gia đình vi phạm pháp luật. Nếu vi phạm một trong các điều trên phải chuyển ngay sang cho hộ khác đăng cai.
Một "ông lợn" của làng La Phù. |
"Nhà được trở thành cai đám là rất quan trọng ở làng La Phù, họ tâm niệm nhờ đó mà làm ăn tốt, gặp nhiều may mắn. Chính vì thế lễ hội ngày càng phát triển, qui mô hơn. Theo nguyên tắc từ xưa để lại, làng có 6 giáp (đơn vị tổ chức nông thôn thời phong kiến), mỗi một giáp thì có một cụ xin đăng cai nuôi lợn. Sau này, làng mở rộng ra có nhiều thôn nên ngày càng có nhiều lễ (một lễ là một "ông lợn"). Trước năm 80 thì có khoảng 11-12 lễ, sau này số lễ tăng lên đến 17 lễ", cụ Đích cho biết.
Tiếp đó, giống lợn được chọn lựa kĩ càng từ đầu năm, nuôi cho đến ngày 13 tháng Giêng âm lịch mới xuất chuồng. Lợn phải là lợn đực, tai rộng, mõm bẹ, chân cao, to, thân mình bề bản, mặt không có nếp nhăn. Người xin nuôi lợn, nhận lợn đều phải làm lễ ở đình làng rồi mới bắt đầu nuôi.
Các khâu nuôi lợn, chăm lợn cũng vô cùng phức tạp, thường chỉ có một người được cho "ông lợn" ăn trong suốt cả quá trình nuôi, dù bận mấy cũng phải nhớ giờ về cho ăn. Trong trường hợp đột xuất người khác cho ăn thì người này cũng không được đi đám xá, tang lễ gì. Ngoài ra, không một người lạ nào được vào trong chuồng nuôi cho đến khi sát với ngày làm lễ.
Cụ Đích nói: "Các "ông lợn" ốm, bỏ ăn thì cũng không được tiêm mà phải lên đình xin lễ cho đến khi khỏi, thường thì chỉ khoảng 2-3 lễ là các "ông" lại khỏe như thường. Từ trước đến nay, cũng ít khi có trường hợp các "ông lợn" ốm nặng, chỉ bỏ ăn là cùng. Đặc biệt là không có trường hợp bị mất".
Lễ hội rước "ông lợn" thu hút đông đảo quần chúng tham gia. |
Khẩu phần đặc biệt
Đặc biệt, để chăm sóc được một "ông lợn" theo đúng "quy trình" cần phải có những yêu cầu hết sức ngặt nghèo. Khẩu phần ăn mỗi ngày của các "ông lợn" thường là cháo gạo nếp cái hoa vàng nấu cùng bột dinh dưỡng, bột sữa. Sau khi ăn xong, các "ông lợn" còn được dùng hoa quả như táo, chuối, lê, cam, bưởi Diễn... để tráng miệng.
Ngoài các bữa chính, còn có nhiều bữa phụ gồm từ 1-2 quả trứng gà sống để tăng đề kháng và bổ sung dinh dưỡng. Khi cho ăn, người nuôi còn phải mời "các ông" dùng bữa như với một người bề trên. Ăn xong, mỗi "ông lợn" đều có khăn bông riêng để rửa mặt bằng nước mưa, mùa đông thì phải dùng nước ấm.
Với việc chăm sóc, nơi nuôi "ông lợn" phải là chuồng riêng biệt, cao ráo, sạch sẽ. Mùa hè khi ngủ sẽ được mắc màn chống muỗi, bật quạt mát, còn đến mùa đông, các lỗ thông gió được bịt kín và được mắc các loại đèn sưởi cho lợn không bị lạnh.
Cũng nhờ nuôi chế độ khắt khe, các "ông lợn" của La Phù lớn nhanh, đẹp mã và cũng ít khi đau ốm, bệnh tật. Do thời điểm hiện tại, nhiều nhà không còn khu chăn nuôi lợn nên một số gia đình đăng cai sẽ gửi về một hộ dân nuôi tập trung cho cả thôn hoặc vài thôn. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn khắt khe như nói trên vẫn phải được duy trì một cách cẩn trọng.
Ông Nguyễn Văn Sinh (52 tuổi, thôn Độc Lập, La Phù), là một trong các hộ được các gia đình cai đám tin tưởng nhờ phụ trách chăm sóc cho 4 "ông lợn" tham dự lễ hội rước lợn của làng La Phù. Với ông Sinh, đây là vinh dự lớn nên không chỉ ông mà tất cả thành viên trong gia đình đều dồn công sức vào việc chăm sóc, không dám lơ là.
Ông Sinh cho biết: "Ở nhà, tôi là người cho các "ông lợn" ăn là chính nên có việc gì, đi đâu cũng phải xem giờ mà về để cho ăn chứ không dám đi đâu lâu. Do việc nuôi còn phải tránh mặt người lạ nên từ khi nuôi cho đến trước ngày làm lễ vài ngày, cũng chỉ có vợ chồng tôi là được vào chuồng cho ăn. Vợ tôi ở đó với vai trò hỗ trợ, bổ táo hay bóc vỏ hoa quả".
Ông này cũng chia sẻ rằng, mỗi tháng 4 "ông lợn" được nuôi tại đây ăn hết 60kg gạo nếp, chưa kể cám sữa, bột dinh dưỡng và hoa quả. Để đảm bảo sức khỏe cho các "ông lợn", ông Sinh thường đun sôi nước uống, chọn các loại hoa quả sạch, không có thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc trừ sâu để làm đồ "tráng miệng". Các bữa ăn của "ông lợn" đều được chuẩn bị đúng giờ giấc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đây cũng là cách để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của các "ông lợn".
Cũng nhờ sự chăm sóc tận tình như thế mà 4 "ông lợn" được gửi tại nhà ông Nguyễn Văn Sinh đều đẹp mã, phát triển tốt mà không xảy ra ốm đau, bệnh tật gì. Đến ngày làm lễ rước của làng, các "ông lợn" này có thể nặng tới 200kg.
Bữa ''tráng miệng'' của các "ông lợn" là hoa quả tươi. |
Như đã nói ở trên, người dân La Phù có một niềm tin mãnh liệt vào sự may mắn, thuận lợi nhờ lễ rước. Đối với lợn tế, khi cho lên kiệu dáng càng đẹp, lớp da trơn tru không tì vết thì cả làng sẽ làm ăn thuận lợi, gặp nhiều suôn sẻ.
Ngược lại, nếu lợn tế có vấn đề, không được đẹp như ý muốn, công việc, mùa màng của người La Phù sẽ gặp trắc trở. Cũng chính vì thế, những nhà đăng cai cùng người nuôi luôn phải cẩn thận từng chút trong việc chăm nuôi "ông lợn" cho tới ngày làm lễ. Với người nuôi như ông Sinh, không chỉ là công việc mà còn là trách nhiệm cao cả của một người được lựa chọn.
Sau một năm nuôi dưỡng, vào sáng ngày 13 tháng Giêng âm lịch, đàn ông trong làng tập trung ở nhà những người đăng cai để chuẩn bị làm lễ rước. Việc chuẩn bị rước lợn cũng cầu kì không kém. 11 giờ trưa, nhà đăng cai cử một số trung niên đạt đủ tiêu chuẩn - đó là nhà không có tang đám, không vi phạm các khâu chọn người của lễ hội đến đình làng xin hương rồi về trước cửa chuồng thắp hương mời "ông lợn" lên xe. Gia chủ chăn nuôi có trách nhiệm vào chuồng lùa lợn ra, không được bắt trói hay đánh đập như lợn thông thường.
Nói về việc rước lợn, cụ Nguyễn Phan Đích hào hứng cho biết: "Có một điều đặc biệt ở lễ hội rước lợn của La Phù, đó là các "ông lợn" có thể đi vài trăm mét để lên xe làm lễ, không có chuyện bắt trói ồn ào gây xây xước, thâm tím trên cơ thể lợn. Trước khi tiến hành hóa kiếp "ông lợn" cũng phải xin lễ tại đình làng và được trang trí bắt mắt, sau đó mới đưa về đình làm lễ vào lúc 12 giờ đêm, đến khoảng 1 giờ 30 sáng thì bắt đầu hạ lễ. Trong số 17 lễ của làng thì chỉ có 6 lễ được vào trong...".
Theo lý giải, như đã nói trước kia La Phù chỉ có 6 giáp, mỗi giáp chọn một người nuôi "ông lợn" nên nghi thức chỉ có 6 lễ. Đến nay do làng đông người, số lễ lên tới 17 nên hai phần thượng hạ của làng La Phù mỗi nơi được đưa vào đình 3 lễ và luân chuyển liên tục qua các năm.
Sau khi làm lễ, đến ngày 14 cả làng được ăn cỗ, ai cũng được phần như ai và cũng chỉ người trong làng mới được phát lộc. Đối với người ngoài, nếu muốn vào làng ăn cỗ thì phải được một người trong làng mời về nhà chứ không được chia phần chung.