Không biết ngày mai tôi có bị đánh nữa không
- Đang truy tìm đối tượng hành hung nhà báo Đỗ Doãn Hoàng
- Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Sự trả giá êm đềm sau từng trang viết
Người thầy của tôi
Thế hệ hậu sinh như chúng tôi, nhiều người đã xem nhà báo Đỗ Doãn Hoàng là thần tượng, là tấm gương về sự làm báo tử tế. Tôi học khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đối với dân văn thích làm báo như chúng tôi, không có cách nào khác là phải tự học, tự đọc những kiến thức về báo chí. Thư viện của trường tôi là một trong những thư viện lớn nhất của hệ thống giáo dục nước nhà. Rất may cho thế hệ chúng tôi, ngoài hệ thống giáo trình báo chí đầy đủ, trên thư viện còn có nhiều cuốn sách mà tác giả là Đỗ Doãn Hoàng. Chúng tôi bắt đầu đọc những bài báo của anh.
Những tác phẩm của Đỗ Doãn Hoàng là sự tiêu biểu cho cách thức kết hợp hài hòa giữa văn chương và báo chí. Đọc phóng sự của anh, chúng tôi như được nghe kể một câu chuyện có lớp lang, có nguồn gốc, diễn tiến, kết quả và hướng giải quyết với giọng văn lúc trầm, lúc bổng, đôi lúc lại tưng tửng như khí chất của một tay “giang hồ” thứ thiệt. Vì vậy, lứa học trò chúng tôi đọc sách của Đỗ Doãn Hoàng một cách mê mẩn.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong một lần tác nghiệp tại châu Phi. |
Những dòng chữ ấy như chạm vào tính hiếu kỳ của tuổi trẻ, để rồi đọng lại sau mỗi con chữ là những số phận, những cảnh đời đáng để nghiền ngẫm mà những người đang ngồi trên ghế nhà trường như chúng tôi chưa từng được biết đến hay trải qua. Và qua đó, nó hun đúc tinh thần, tạo cho chúng tôi sự khát khao được đi và viết như anh, dù cho đến tận ngày nay, cái sự đi, sự viết của chúng tôi chưa chắc đã bằng được một góc, một phần nhỏ của anh.
Một ngày cách đây hơn 7 năm, một người bạn nói với tôi rằng, hôm nay, bên Học viện Báo chí và Tuyên truyền có một buổi học chuyên đề về phóng sự. Người bạn bảo tôi rằng, đám sinh viên Văn khoa tụi mình, sau này muốn đi xin việc vào một cơ quan báo chí, ắt phải có chứng chỉ nghiệp vụ về báo chí.
Thời đó sinh viên chúng tôi nghèo, sao có tiền để đăng ký đi học để lấy chứng chỉ. Nghĩ rằng nghề báo cốt quan trọng ở việc có viết được bài hay không, chúng tôi quyết sang “học trộm” bên Học viện Báo chí và Tuyên truyền mà không cần lấy chứng chỉ. Hôm đó, sau khi vượt qua được sự “kiểm soát” của một cán bộ quản lý đứng ngay cửa lớp, chúng tôi cũng “mò” được vào và ngồi “chễm chệ” bên trong giảng đường. Khi thầy giáo bước vào lớp, qua giới thiệu, chúng tôi mới hay đó chính là nhà báo Đỗ Doãn Hoàng.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đứng trên bục giảng xem ra có nhiều điểm riêng với các thầy cô giáo khác. Anh không chỉ dạy cách viết phóng sự, phóng sự điều tra, mà hơn thế, anh dạy sinh viên cách tìm kiếm đề tài. Khi có đề tài rồi thì triển khai như thế nào, cách tiệm cận ra làm sao và làm gì để bảo vệ mình.
Khi anh dạy, bằng cả một kho tư liệu trải nghiệm ngồn ngộn, anh bắt đầu đi sâu vào phân tích chi tiết. Anh kể lại một bài điều tra do chính mình thực hiện bắt đầu từ quá trình tiếp cận, sàng lọc thông tin đến cách khai thác thông tin. Tất cả đều theo một trình tự và có tài liệu, có hình ảnh dẫn chứng hết sức sinh động. Vì vậy mà trong những buổi anh đứng lớp, hàng trăm sinh viên ngồi dưới mắt đều chăm chú lên bảng, tai thì tập trung nghe và miệng thì chỉ dùng vào việc đối thoại với thầy. Chúng tôi coi nhà báo Đỗ Doãn Hoàng là người thầy đáng kính trọng bắt đầu từ khi ấy.
Nỗi đau của một nhà báo
Ngay khi biết tin anh lâm nạn, tôi có gọi hỏi thăm. Qua điện thoại, tôi thấy giọng anh vẫn rắn rỏi lắm. Anh xưng “mình” và gọi tên tôi. Anh bảo: “Hôm qua mình mới lên số 7 Thiền Quang (trụ sở của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an thành phố Hà Nội) làm việc. Lúc đi ra ngoài, mình có ghé vào 100 Yết Kiêu (một trong những trụ sở của Báo Công an nhân dân), bao nhiêu kỉ niệm thân thương lại ùa về”.
Chẳng là trước khi chuyển sang công tác tại Báo Lao động, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã có gần 8 năm công tác tại Chuyên đề An ninh thế giới, Báo Công an nhân dân. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nói với tôi, tay anh bị giập xương, hiện chưa thể dùng máy tính. Anh sẽ nhờ đồng nghiệp chuyển tài liệu cho tôi qua email.
Đúng 5 phút sau, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nhắn tin lại cho tôi với nội dung: “Anh đã gửi mail và đang tải thêm file cho em”. Lúc đó tôi mới giật mình, bàn tay đang rớm máu kia, ngón tay đang bị giập nát ấy sao không nghỉ ngơi mà còn cố gượng nhắn từng chữ cho một người ít gặp như mình?
Trở lại sự việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị nhóm côn đồ hành hung hay nói đúng hơn là truy sát, anh tâm sự với tôi rằng, anh không thể tin nổi mình có thể sống sót, khi hàng loạt cây gậy vụt xuống đầu và người anh. “Tôi hoàn toàn không tin một tí nào. Nhưng tôi đã sống sót một cách may mắn. Tôi hầu như không đi xe máy nữa. Đi ôtô thì rất khó để đánh. Nếu cứ rình thì kiểu gì cũng đánh được. Nó là ma tôi là người, tránh sao được. Nhưng có một cái may là tôi đội mũ bảo hiểm vì đi xe máy. Mũ bảo hiểm rất tốt. Gậy vụt nhiều như thế mà nó không vỡ. Gậy vụt nhiều thì rất là đau. Trong cái may lại có cái rủi. Là cái mũ trở thành cái thớt, tay tôi như con cá đặt lên cái thớt. Và nó đập nát tay tôi. Nó đập vào tay thì không đập vào đầu” – nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đau đớn kể lại.
Bàn tay phải của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị vỡ xương ngón tay trỏ. |
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ thêm: “Chúng đập vỡ xương ngón tay trỏ của tôi, ngón tay bị nát thịt, bay mất móng. Bác sĩ tiêm trực tiếp 2 mũi tiêm xuyên qua ngón tay của tôi để gây mê. Sau đó lóc thịt đi, cắt bỏ móng tay, cạo trơ xương ra, chụp chiếu. Ngày nào tôi cũng phải vào viện thay băng. 3 tiếng tôi phải uống thuốc giảm đau một lần, nếu không thì không chịu được. Đêm không thể ngủ nổi vì đau buốt”.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (nguyên là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội- PV) hay tin nên cũng đã viết thư cho nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Ông viết cũng trùng khớp với suy nghĩ của anh, rằng bọn côn đồ muốn đập nát tay phải của một người cầm bút như anh. Tay cầm bút thì quan trọng nhất là ngón tay trỏ, thì chúng nó đánh đúng ngón đó. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng phán đoán rằng, đây là một hành động trả thù rất tàn ác và tinh vi. Đây không phải là thù oán thông thường, không phải một người thất học mà của những kẻ có âm mưu, tính toán rất ma lanh.
“Có một điều tôi rất buồn là khi tỉnh dậy, tôi chặn 3 cái xe máy xin đi nhờ nhưng không ai cho tôi đi nhờ để thoát khỏi đó cả, mặc dù tôi nằm ở đó, sắp chết. Xe tôi nằm đó, tôi bị chảy máu, tôi kêu cứu nhưng không một người nào trực tiếp cứu tôi cả. Cuối cùng tôi chặn được một cậu sinh viên, tôi phải nói là cho chú đi nhờ, chú sẽ không chạm vào để dây máu vào cháu đâu. Cậu bé đồng ý cho tôi đi.
Tôi đi nhờ mấy trăm mét ra đến đường lớn, rồi tôi bắt taxi tự đi cấp cứu. Cậu lái xe taxi rất tốt bụng, đưa tôi đi cấp cứu, đến khi tôi bảo tự móc tiền trong túi tôi để trả, tôi đi ra khỏi phòng cấp cứu thì cậu ấy mới đi và rất là lễ phép. Cậu ấy rất thương tôi. Khi tôi vào phòng cấp cứu của Viện Y học cổ truyền Quân đội thì có một Thiếu tướng trực tiếp ra giúp đỡ tôi. Điều đó cho thấy rằng bên cạnh những người vô cảm thì xã hội còn rất nhiều người tốt, giúp đỡ những người lâm nạn như tôi” - nhà báo Đỗ Doãn Hoàng tâm sự.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết, gần đây anh làm điều tra rất nhiều. Có rất nhiều đối tượng đã phải tán gia bại sản, công trình trái phép bị phá dỡ, Công an bắt giữ đường dây của chúng. Có những vụ anh tấn công thẳng vào “sào huyệt”, phá tan đường dây của chúng nên anh có thể gặp phải những hiểm nguy hiếm người gặp phải. Anh chia sẻ, việc này anh chưa bao giờ công bố. Trước và sau khi đăng báo thì anh đều nhận được những lời đe dọa. Trong khi đang tác nghiệp, vừa nhìn thấy anh, chúng đã dọa đánh, dọa chửi.
“Bạn đừng nghĩ rằng bạn sẽ không bị đánh như tôi, cũng đừng tin rằng mai tôi sẽ không bị đánh tiếp. Tôi hoàn toàn có thể bị đánh tiếp, bạn cũng có thể bị đánh, bất kì ai cũng có thể bị đánh. Tôi là người cực kì cẩn thận. Tôi không bao giờ mở cửa xe cho ai mà không biết chắc lý do. Nhưng nó đã theo dõi mình kĩ như vậy, đánh tự tin như vậy rồi bỏ đi một cách cũng tự tin như vậy thì tôi thực sự là thấy hoang mang. Ai cũng có thể thuê một cái hợp đồng đánh mướn. Liệu ngày mai ai sẽ bị đánh như tôi, tôi có bị đánh nữa không, ngày mai tôi có còn chống cự được nữa hay không khi tôi bị ngất ra như vậy, chúng có giết tôi không?” – nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đặt vấn đề.
“Không biết tôi sơ hở ở đâu để lần này tôi bị như vậy, hoặc đối tượng tinh vi hơn cả những nhà báo điều tra có kinh nghiệm, đang trải nghiệm và đang ẩn mình. Nếu bạn không chùn bước, chúng sẽ không tha cho bạn đâu. Chừng nào bạn không được bảo vệ một cách an toàn, tôi dám chắc rằng bạn không dám xông lên. Không có một hậu phương vững chắc thì bạn sẽ không bao giờ xông ra tiền tuyến đâu” – nhà báo Đỗ Doãn Hoàng khẳng định.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao động) bị hành hung dã man giữa đường phố ở Hà Nội. Trước đó, Hội Nhà báo Việt Nam, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Báo Lao động đã kịp thời lên tiếng đề nghị cơ quan Công an điều tra, làm rõ sự việc. Hiện, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an Hà Nội) và Công an quận Hoàng Mai đang tích cực thụ lý, điều tra vụ việc này. |