Khốc liệt cuộc chiến smartphone

Thứ Hai, 20/02/2017, 11:30
Cùng với sự phổ biến của điện thoại thông minh (smartphone), nhiều nhà sản xuất đã trở nên vang danh khắp thế giới. Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường đã khiến nhiều tên tuổi vụt sáng và cũng vụt tắt, đúng với câu truyền miệng “thương trường như chiến trường”. Phần thắng cuối cùng sẽ thuộc về ai?


Tiềm năng to lớn

Smartphone là khái niệm để chỉ loại điện thoại tích hợp một nền tảng hệ điều hành di động với nhiều tính năng hỗ trợ tiên tiến về điện toán và kết nối dựa trên nền tảng cơ bản của điện thoại di động thông thường.

Những chiếc smartphone đầu tiên xuất hiện trên thị trường vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, cung cấp những tính năng “vượt trội” lúc đó như nhận/gửi email và duyệt web trên nền tảng text, bàn phím QUERTY và camera lắp trong. Sau đó, smartphone thêm các tính năng phổ biến khác như PDA (trợ lý kỹ thuật số cá nhân), thiết bị điện tử cầm tay, hệ thống định vị toàn cầu GPS...

Còn chiếc smartphone như chúng ta nhìn nhận ngày nay, với màn hình cảm ứng HD, vô số ứng dụng và khả năng truy cập internet tốc độ cao, chỉ được ra đời kể từ khi Apple tung ra dòng điện thoại iPhone đầu tiên năm 2007. Nói cách khác, chính Apple là gã khổng lồ đã định nghĩa lại cụm từ “smartphone”. Những smartphone phổ biến nhất hiện nay dựa trên nền tảng của hệ điều hành Android của Google, iOS của Apple và Windows Phone của Microsoft.

Smartphone ngày càng tích hợp nhiều mục đích sử dụng hàng ngày. Chẳng hạn, thẻ tín dụng và thanh toán di động được tích hợp vào smartphone, giúp người dùng có thể gửi các khoản thanh toán bằng tiền mặt thông qua các ứng dụng smartphone và nền tảng SaaS.

Điều này còn mở rộng cửa cho một ngành công nghiệp mới, gọi là công nghiệp thanh toán di động. Ngoài ra, đổi mới công nghệ gần đây giúp smartphone có vai trò như chìa khóa kỹ thuật số. Kể từ năm 2013, công nghệ chống nước và chống bụi được tích hợp vào các smartphone phổ biến, thay vì chỉ ở các dòng điện thoại đặc biệt như Sony Xperia Z hay Samsung Galaxy S5. Máy ảnh của điện thoại LG G3 có laser để giúp focus. Một số smartphone có thể được trang bị máy ảnh cao cấp lên đến 20 megapixel và 4K video.

Tính đến năm 2012, số người dùng smartphone ở Mỹ vào khoảng 1/3 dân số cả nước. Trên toàn thế giới, khoảng hơn 1 tỷ smartphone đã được bán ra từ năm 2007-2011, nhưng chỉ riêng năm 2014, đã có hơn 1 tỷ smartphone được bán ra.

Theo nghiên cứu của BI Intelligence, dự báo thị trường smartphone toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức khoảng 16%/năm trong giai đoạn 2015-2020 và đạt doanh số bán sỉ 3,4 tỷ chiếc vào năm 2020.

Một nghiên cứu của AcuteMarketReports.com dự báo doanh thu thị trường smartphone trên toàn thế giới sẽ tăng 42% mỗi năm từ 152 tỷ USD năm 2011 đến 1.600 tỷ USD năm 2018.

Năm gã khổng lồ

Sau sự cố Note 7 phát nổ, Samsung đã chứng kiến một quý sa sút thị phần lớn nhất từ trước đến nay, từ 23,6% xuống chỉ còn 19,2% trong quý III-2016. Trong khi đó, doanh số bán hàng đã giảm 14,2% so với quý III-2015, cũng là sự sụt giảm lớn nhất trong lịch sử công ty.

Tuy nhiên, điều an ủi là Samsung vẫn đứng đầu về doanh thu, nhờ việc đã bán được 71,7 triệu smartphone đến người tiêu dùng trong quý III vừa rồi. Hãng cũng giữ được ngôi vị số 1 về thị phần, khi đối thủ về nhì là Apple chỉ chiếm 11,5% thị phần.

Rõ ràng, Apple và Samsung chính là 2 nhà sản xuất điện thoại thông minh có doanh số hàng đầu hiện nay. Tuy nhiên, tại thị trường đông dân nhất thế giới là Trung Quốc, 2 gã khổng lồ này vẫn chưa thể vượt lên trên các nhà sản xuất nội địa.

Các hãng ĐTDĐ của Trung Quốc như Huawei, Oppo và BBK (công ty mẹ của Vivo) đã có sự gia tăng đáng kể. Ba công ty này chiếm 21% doanh số ĐTDĐ toàn cầu trong quý III-2016 và là những đại diện duy nhất xuất hiện trong top 5 những thương hiệu điện thoại có số lượng tiêu thụ và thị phần tăng nhanh nhất toàn cầu.

Samsung đã chứng kiến sự sụt giảm thị phần dần dần từ mức cao 33% quý II-2013 xuống chỉ còn 24% vào quý IV-2015. Điều này là kết quả của sự thiếu tăng trưởng tại các thị trường phương Tây, trong đó châu Âu và Bắc Mỹ chững lại.

Trái lại, Apple đang chứng kiến sự tăng trưởng hàng năm, do nhu cầu người tiêu dùng ở châu Âu và Bắc Mỹ đối với sản phẩm cao cấp. Điều thú vị là Apple cũng phải đối mặt với chu kỳ kinh doanh biến động cao, song không rơi vào tình trạng sụt giảm như Samsung.

Xu hướng sụt giảm doanh thu của Samsung cũng phản ánh sự bão hòa của thị trường ĐTDĐ toàn cầu nói chung. Lần đầu tiên, tăng trưởng thị trường ĐTDĐ toàn cầu đã chững lại trong nửa đầu năm 2016.

Đối thủ giấu mặt

Nhìn vào con số thị phần, nhiều người tin rằng thị trường smartphone rõ ràng là cuộc chiến giữa 2 gã khổng lồ Apple và Samsung. Tuy nhiên, có một gã khổng lồ dù cho đến nay vẫn chưa tự mình sản xuất smartphone, nhưng lại đang đứng phía sau thao túng cuộc chơi. Đó chính là Google. Và người ta nói rằng đây mới chính là đối thủ lớn nhất của Apple.

Cho đến nay, Apple chọn cách đi một mình: Kiểm soát cả phần cứng, phần mềm và hoạt động phân phối. Trong khi đó, Google chọn một con đường khác: Tập trung vào hệ điều hành (OS), để các đối tác phát triển cả phần cứng, phần mềm lẫn phân phối.

Chiến lược này không mới, nó đã được Microsoft thực hiện từ cách nay hai thập niên. Khi đó, trên thị trường máy vi tính cá nhân, Microsoft chỉ tập trung phát triển OS, từ MS-DOS rồi đến các phiên bản Windows; giao hẳn việc sản xuất máy vi tính cho các đối tác như IBM.

Trong khi đó, Apple muốn ăn trọn gói bằng cách vừa phát triển OS vừa sản xuất máy vi tính. Sau 3 năm kể từ năm 1981 (kể từ khi IBM giới thiệu máy PC - máy tính chạy hệ điệu hành của Microsoft), có tới 2 triệu PC được bán ra mỗi năm, trong khi máy Mac (máy tính của Apple) chỉ bán được 400.000 chiếc. Nói cách khác, Microsoft đã hạ đo ván Apple với tỷ lệ 5-1. Khi Microsoft phát hành Windows 95, PC đã nghiền nát máy Mac với tỷ lệ 60-1.

Từ khi ra đời đến nay, hệ điều hành Android đã phát triển như vũ bão. Tính đến năm 2012, có hơn 500 triệu người mang trong mình thiết bị chạy Android, và “đội quân” này đang tăng trưởng mỗi ngày.

Mô hình kinh doanh của Google khá đơn giản: Làm ra sản phẩm cho người khác dùng, thu thập dữ liệu và phục vụ quảng cáo nhắm đến họ. Đó là những gì Google đang làm với quảng cáo và cũng là kế hoạch họ dành cho Android. Dĩ nhiên, họ cũng có doanh thu từ việc bán ứng dụng, nhưng đó chỉ là danh nghĩa.

Hai mặt trận

Một số nhà chuyên môn cho rằng cuộc chiến trên thương trường ĐTDĐ diễn ra trên 2 mặt trận chính: Hệ điều hành (OS) và lợi nhuận. Xét về OS, rõ ràng Android của Google đã ăn đứt iOS của Apple, với thị phần chiếm tới 85,29% tính đến tháng 11-2016. Số liệu ở Mỹ trong quý I-2016 cho biết Android chiếm 65,5% thị phần, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Tại 5 thị trường lớn nhất châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha), Android chiến 75,6% thị phần, tăng 7,1%. Tại các thị trường khác, nơi những nhà sản xuất nội địa chiếm ưu thế tuyệt đối và tất cả đều dùng Android, tỷ lệ còn cao hơn. Ở Trung Quốc, điện thoại Android chiếm 77% thị phần, tăng 6%.

Tuy nhiên, nếu xét trên mặt trận lợi nhuận, Apple là người chiến thắng. Số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Canaccord Genuity cho biết, trong quý II-2016 Apple và Samsung đạt 12,9 tỷ USD lợi nhuận đối với mảng ĐTDĐ. Con số này thậm chí còn lớn hơn 100% tổng lợi nhuận 12,27 tỷ USD của toàn ngành ĐTDĐ thế giới, vì có nhiều gã khổng lồ bị thua lỗ như Microsoft và Lenovo.

Trong đó, Apple chiếm tới 90% tổng lợi nhuận ĐTDĐ toàn cầu, bỏ xa đối thủ kế tiếp là Samsung với chỉ 9-10%, trong khi tất cả các nhà sản xuất đáng chú ý khác đều thua lỗ hoặc lời chưa tới 1% tổng lợi nhuận. Ngay cả những tên tuổi lớn như LG và Sony cũng chịu thua lỗ trong mảng ĐTDĐ.

Nếu tính từ khi ra đời, thì Android đến quý IV-2015 đã mang về cho Google tổng cộng 22 tỷ USD lợi nhuận. Trong khi đó, iPhone mang về cho Apple tới 500 tỷ USD lợi nhuận kể từ khi ra đời. Đó là những con số chênh lệch tuyệt đối. Con số lợi nhuận này hoàn toàn ngược lại với số điện thoại được bán ra, và cũng cho thấy Apple đã có biên lợi nhuận tốt đến mức nào vì bán được ít điện thoại nhưng lại thu lãi cao.

Tuy nhiên, cần nói rằng mỗi một xu Google kiếm được từ Android đều là tiền thưởng, vì mục tiêu ưu tiên của gã khổng lồ này khi phát triển Android không phải là lợi nhuận. Giới chuyên môn cho biết mục ðích trýớc tiên của Android là ðể ngãn không cho Microsoft ðộc quyền trên ÐTDÐ nhý ðã từng đạt được với thị trường máy vi tính cá nhân (PC). Và mục tiêu cao hơn hết của Android là giúp Google không bị loại khỏi cuộc đua trong thương trường ĐTDĐ.

Và rõ ràng, gã khổng lồ này đã rất thành công trong thực hiện các kế hoạch của mình. Vì vậy, một số nhà phân tích tin rằng trong cuộc chiến này, cả Google lẫn Apple đều thắng, vì ai cũng đạt được mục tiêu của mình. Người tiêu dùng cũng thắng cuộc, vì họ được tận hưởng những thành quả tốt nhất do cuộc chiến ĐTDĐ mang lại.

Khi kẻ giấu mặt ra mặt

Tuy nhiên, vào tháng 10-2016, Google đã có bước đi khiến nhiều người không tài nào đoán nổi, khi từ chỗ giấu mặt đã quyết định ra mặt, với việc ra mắt dòng điện thoại Pixel. Trước đây, Google cũng có dòng điện thoại mang thương hiệu của mình với Nexus. Tuy nhiên, dòng điện thoại này được cho là để hỗ trợ các đối tác Android, với việc cung cấp trải nghiệm Android "chuẩn" nhất cho các nhà phát triển ứng dụng.

Chính vì lý do này mà các mẫu smartphone Nexus thường có kích cỡ màn hình và độ phân giải trùng khớp với nhiều sản phẩm bán ra trên thị trường, được ưu ái cấu hình cao nhưng lại bị cắt giảm chất lượng hiển thị hoặc camera.

Tóm lại, khách hàng mục tiêu của Nexus và các nhà phát triển, những người mua điện thoại để thử nghiệm ứng dụng, chứ không phải người tiêu dùng thông thường.

Tuy nhiên, sự ra đời của dòng Pixel đã làm đảo lộn mọi thứ. Đây là dòng điện thoại đầu tiên do Google nắm quyền kiểm soát từ phần cứng, phần mềm đến thương hiệu, và có đối tượng khách hàng nhắm đến là người tiêu dùng chứ không phải các nhà phát triển, vì có cấu hình cao và giá bán cũng ngang ngửa Note 7 của Samsung hoặc iPhone 7 của Apple.

Vì vậy, vai trò hỗ trợ nhà phát triển của Google sẽ biến mất. Ngoài ra, từ trước đến nay quyền sản xuất Nexus luôn là món quà được Google gửi tới các đối tác: vị thế của LG ngày nay có phần không nhỏ nhờ Nexus 4 và Nexus 5, Nexus 6 là lời cảm ơn Lenovo đã mua lại Motorola, còn Nexus 6P là sự thừa nhận dành cho Huawei. Khai tử Nexus để thay thế bằng chiếc Pixel do Google nắm toàn bộ có khác gì thay thế món quà bằng lưỡi dao?

Một chiếc smartphone như Pixel cũng có thể khiến Android đánh mất luôn vai trò cầu nối doanh thu. Từ trước đến nay, doanh thu chính của Google trong ngành ĐTDĐ là bán quảng cáo. Để có dữ liệu người dùng bán cho các hãng quảng cáo, Google cung cấp các dịch vụ tìm kiếm, video, mail, bản đồ... miễn phí. Android thực chất là một chiếc túi đựng tất cả các dịch vụ này, và thông qua các mẫu smartphone và tablet do Samsung, LG, HTC, Sony... sản xuất, Google đưa túi đựng trung gian đến người tiêu dùng. Vì vậy, sự ra mặt của Google thật khó hiểu.

Vĩnh Cẩm
.
.
.