Khi tranh biếm họa tham gia chống tham nhũng

Thứ Sáu, 29/06/2018, 16:04
Nghệ thuật liệu có thể đóng góp gì vào công cuộc phòng chống tham nhũng? Câu trả lời là có. Lần đầu tiên trong lĩnh vực mỹ thuật có một cuộc thi vẽ tranh hướng về chủ đề này.

Sáng 22-6, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm phát động trên toàn quốc triển lãm tranh biếm họa chủ đề phòng chống tham nhũng. Một cơ quan quản lý nhà nước chủ động đứng ra tổ chức triển lãm biếm họa về một chủ đề cực nóng trong xã hội hiện nay, cho thấy thái độ của giới nghệ sĩ mỹ thuật, muốn góp tiếng nói tích cực của mình đẩy lùi “quốc nạn” tham nhũng.

Phản biện xã hội bằng hội họa

Trong bất cứ một vấn đề gì của đất nước đều cần những tiếng nói phản biện của những người có tâm, có tài, muốn đóng góp để thay đổi hiện trạng theo chiều hướng tích cực lên.

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành (phải) và họa sĩ Lý Trực Dũng tại lễ phát động triển lãm tranh biếm họa chống tham nhũng.

Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Triển lãm - Nhiếp ảnh, ông Vi Kiến Thành cho rằng, tranh biếm họa cũng có thể được xem như là một hình thức phản biện xã hội.

Cùng quan điểm với ông Vi Kiến Thành, họa sĩ Lý Trực Dũng  chia sẻ: “Tranh biếm họa về tham nhũng chỉ xuất hiện hơn chục năm nay, khi mà tham nhũng trở thành một câu chuyện nóng trong đời sống xã hội.

Trước đây các họa sĩ có vẽ biếm họa là vẽ về các lĩnh vực khác, kiểu như chuyện quan lại cửa quyền, hống hách... Biếm họa chính trị luôn có các họa sĩ quan tâm, dù không nhiều.

Cuộc phát động triển lãm mỹ thuật biếm họa chống tham nhũng lần này cho thấy phản biện xã hội dù có chông gai nhưng luôn cần thiết cho sự phát triển của xã hội.

Khi có chủ trương và nhiều người ủng hộ thì chắc chắn là sẽ có nhiều tranh chống tham nhũng hay. Để hình thức tranh này phát triển, có chất lượng, có tác dụng với xã hội, không chỉ nằm ở tài năng họa sĩ, mà còn phải cần đến môi trường cho nó tồn tại nữa”.

Tại buổi lễ phát động triển lãm tranh biếm họa toàn quốc, không ít họa sĩ có mặt tỏ ra ngạc nhiên khi Cục Mỹ thuật - Triển lãm - Nhiếp ảnh cương quyết tổ chức một cuộc triển lãm “nặng” như vậy.

Vì từ trước đến nay, các cuộc triển lãm tranh biếm họa toàn quốc thường gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tổ chức và thường hay bị gián đoạn. Nguyên do bởi đây là một đề tài nặng, nhạy cảm, dễ đụng chạm đến nhiều cá nhân.

“Chúng ta đều biết chống tham nhũng là việc khó khăn như thế nào, cho lên triển lãm tranh biếm họa về chủ đề này cũng không dễ”- họa sĩ Lỹ Trực Dũng cho hay. Họa sĩ Trịnh Lập nêu ý kiến, ông thuộc thế hệ làm mỹ thuật trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Thời đó, không chỉ cầm bút vẽ, còn phải cầm cả súng chiến đấu chống ngoại xâm. Bây giờ hòa bình, trách nhiệm công dân của người họa sĩ là chiến đấu đẩy lùi cái xấu, cái ác. Nếu coi tham nhũng là giặc thì họa sĩ biếm họa đang dùng ngòi bút để đánh giặc, góp phần mang lại đời sống bình ổn cho nhân dân.

Đội ngũ họa sĩ vẽ tranh biếm họa ở nước ta từ trước đến nay chỉ chiếm một con số rất khiêm tốn. Trên cả nước, số họa sĩ vẽ biếm họa thường xuyên, có tên tuổi, được chú ý chỉ khoảng hơn chục người (trong đó có những người đã mất).

Tranh biếm họa của họa sĩ Hoàng Dzự.

Có thể kể ra những cái tên xuất hiện thường xuyên trên báo chí như Nguyễn Hải Chí (CHÓE), Nguyễn Việt Thưởng Lý Trực Dũng, Nguyễn Thành Phong, Lê Viết Chí, Hoàng Dzự, Đỗ Anh Dũng, Lê Phương (LEO)...

Đấy là những người vẽ biếm họa không ngại xông thẳng vào những câu chuyện thời sự của đời sống, mang đến sự hài hước và cả những ẩn ý sâu xa. Họ đặt ra những câu hỏi mang tính thời cuộc với mong muốn sẽ làm thay đổi những vấn đề theo chiều hướng tích cực lên. Có thể nói, một bức tranh biếm họa sâu sắc, trí tuệ, có thể có sức nặng bằng cả hàng ngàn con chữ.

Số lượng họa sĩ vẽ tranh biếm họa ở ta còn rất khiêm tốn bởi nhiều lý do. Thứ nhất, xã hội chưa thực sự cởi mở với thể loại tranh này. Việc kiểm duyệt tranh còn nhiều vấn đề khiến cho người vẽ e ngại.

Tranh biếm họa của họa sĩ Lý Trực Dũng.

Những tiếng nói quyết liệt, gay gắt, xộc thẳng vào vấn đề có khi còn bị nâng lên đặt xuống, không có cơ hội đến với công chúng. Một lý do nữa là họa sĩ vẽ tranh biếm họa không có phương tiện đăng tải tác phẩm của mình. Số lượng các tờ báo dành đất đăng tranh biếm họa chỉ thảng hoặc, có thể đếm trên đầu ngón tay.

Trong nhiều trường hợp, “tranh bị biên tập lên biên tập xuống”, cắt xén thêm bớt vì lý do “nhạy cảm”. Mà ngay cả khi được đăng rồi, thì thù lao họa sĩ nhận được không đủ để động viên người vẽ.

Họa sĩ Lý Trực Dũng cho hay, trước đây từng có những tranh biếm họa đăng báo ông được nhận khoản thù lao lớn bằng 4 lần lương của mình.

“Họa sĩ biếm họa trước kia được hưởng nhuận bút cao lắm, giờ thì nó chỉ còn vài trăm ngàn, cao lên hay thấp xuống chút tùy từng báo. Nói chung là không khuyến khích họa sĩ vẽ được. Ngày trước, những tranh biếm họa tốt, bảo tàng Mỹ thuật sẵn sàng mua để trưng bày. Nay thì khó”.

Ông Vi Kiến Thành cho biết, sau khi tuyển chọn, triển lãm, trao giải, toàn bộ tác phẩm biếm họa chống tham nhũng sẽ được in trên chất liệu gọn nhẹ có khả năng chịu được các loại hình thời tiết để trưng bày ngoài trời thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Những vấn đề tham nhũng nào sẽ được họa sĩ biếm họa quan tâm?

Vì đây là một triển lãm biếm họa khoanh vùng một đề tài “nặng” nhất, nóng nhất là tham nhũng, nên Ban tổ chức tiên lượng, sẽ có nhiều tác phẩm biếm họa gửi về tham gia triển lãm tập trung chủ yếu vào các vấn đề trọng điểm là đất đai, nạn con ông cháu cha lên làm quan, nạn ăn đút lót...

Họa sĩ Lê Phương cho hay, tham nhũng quyền lực có thể sẽ được nhiều họa sĩ quan tâm thể hiện trong tranh của mình, vì đây là một câu chuyện nhức nhối nhất trong đời sống xã hội nước ta.

Mặc dù với tinh thần chống tham nhũng không có vùng cấm, không kiêng dè, nhưng một thành viên trong Ban tổ chức vẫn có một “khuyến cáo” nhẹ, là khả năng sẽ không có nhiều họa sĩ vẽ biếm họa các chính trị gia cụ thể. Hoặc nếu có vẽ chính trị gia thì không vẽ giống nhân vật ngoài đời.

Tuy nhiên, ông Vi Kiến Thành, Trưởng ban tổ chức Triển lãm không công khai quy chế cuộc thi, và vẫn muốn họa sĩ biếm họa tham nhũng với tinh thần thẳng thắn nhất có thể.

Bởi xét cho cùng, cái cốt lõi của một tác phẩm biếm họa không phải việc họa sĩ vẽ một chính trị gia nào giống hay không giống, mà là đưa một thông điệp sâu sắc, trí tuệ nào đó đến với người xem, từ đó tác động đến nhận thức của nhiều người để họ thay đổi hành vi, làm cho cuộc sống phát triển tốt đẹp hơn, tích cực hơn.

Tranh biếm họa của họa sĩ Lê Phương (LEO).

Bên lề buổi phát động triển lãm tranh biếm họa, họa sĩ Lý Trực Dũng, một người tâm huyết với thể loại tranh này bày tỏ thêm. Ông hy vọng các cuộc trưng bày tranh biếm họa được diễn ra thường xuyên hàng năm hơn, để biếm họa thực sự trở thành một vũ khí sắc bén, một tiếng nói phản biện sâu sắc.

Báo chí nên dành nhiều đất cho tranh biếm họa, nhất là những bức có tính chiến đấu cao. Các nhà quản lý cũng cần có cái nhìn cởi mở hơn về biếm họa. Ngoài ra về phần mình, các họa sĩ biếm họa sáng tạo tác phẩm đầu tiên hãy bằng trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân.

Hãy xem tác phẩm của mình là một sự đóng góp cần thiết trong việc loại trừ cái xấu, thay đổi tích cực  đời sống xã hội, “làm sạch” xã hội. Khi có sự cộng hưởng mạnh mẽ của công chúng, các cơ quan truyền thông, các nhà lãnh đạo... sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho tranh biếm họa phát triển. Khi đó số lượng tác phẩm sẽ nhiều lên, số lượng họa sĩ tham gia vẽ thể loại này cũng nhiều lên.

Các họa sĩ tham gia triển lãm tranh biếm họa có thể gửi các tranh mình sáng tác trong giai đoạn từ 2016-2018 về Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm 38 Cao Bá Quát. Thời gian nhận tác phẩm từ 4 đến 9/7/2018. Triển lãm sẽ diễn ra vào Tháng 10 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Các giải thưởng được trao bao gồm: 1 giải nhất trị giá 30 triệu đồng, 3 giải nhì trị giá 10 triệu đồng, 6 giải ba trị giá 5 triệu đồng và 10 giải khuyến khích. Ban giám khảo bao gồm những họa sĩ vẽ biếm họa tài năng nhất. Đặc biệt nữa, Cục Mỹ Thuật sẽ mời thêm các Giám khảo đến từ Thanh tra Chính phủ - những người làm công việc đấu tranh với tham nhũng để tham gia công tác chấm giải.
Thùy Dương
.
.
.