Khi sự hy sinh thầm lặng vang lên

Thứ Năm, 07/08/2014, 17:00
Hai người nhạc sĩ tài hoa với những tác phẩm xuất sắc viết về hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân đã không còn nữa. Nhưng tên tuổi của họ thì vẫn luôn ở trong lòng khán giả, đặc biệt là những khán giả đang sống và gắn bó với lực lượng vũ trang. Những bài hát vẫn luôn còn xanh mãi, động viên, chia sẻ, thúc giục trái tim những người chiến sĩ không ngừng chiến đấu để giữ gìn bình yên cho nhân dân...

Nhạc sĩ Vũ Thảo: Gửi làn hương thầm, theo về trong gió...

Ông là một người nhạc sĩ hiền hậu vô cùng. Ông viết nhiều thể loại từ âm nhạc đến kịch bản phim. Nhưng khán giả đặc biệt ấn tượng với ông ở ca khúc trong sê-ri phim “Cảnh sát hình sự”. Đã từng có bài báo viết rằng, ông là người giữ “kỷ lục Guinness” về việc viết nhạc cho phim truyền hình. Nói thế không quá, vì sê-ri phim truyền hình “Cảnh sát hình sự” gồm 500 tập phim đã phát sóng trong một thời gian dài. Nghĩa là bài hát của phim đã ngân lên ít nhất 500 lần trên sóng truyền hình.

Đấy là chưa kể, ca khúc “Cảnh sát hình sự” bước thẳng từ phim vào đời sống, được khán giả yêu thích như một tác phẩm âm nhạc độc lập. Với sinh viên các trường trong khối Cảnh sát và An ninh, bài hát này không thể thiếu trong các kỳ liên hoan văn nghệ, các chương trình nghệ thuật kỷ niệm những ngày lễ trong năm, và trong cả những sinh hoạt thường ngày nữa. “Cảnh sát hình sự”  không còn là câu chuyện của một bài hát cho phim truyền hình, thực sự trở thành một bài hát cảm động viết về hình ảnh người Cảnh sát.

Sinh thời, khi nói về ca khúc này, nhạc sĩ Vũ Thảo có kể lại trong một buổi giao lưu: “Viết về lực lượng Cảnh sát với những hy sinh thầm lặng của các anh chị, thì người nghệ sĩ phải nhìn, phải nghe, phải nghĩ về họ ở một chiều sâu đặc biệt. Những chuyến đi của người Cảnh sát là không kể thời gian, không kể không gian. Công việc thường ngày của họ luôn phải cận kề với hiểm nguy. Nghĩ sâu sắc hơn nữa, thì nhiệm vụ của người Cảnh sát đâu chỉ là đi bắt tội phạm, điều tra án, mà họ còn là người giữ gìn ngọn lửa niềm tin về sự bình yên cuộc sống trong lòng nhân dân”.

Nhạc sĩ Vũ Thảo và nhạc sĩ Lê Việt Hòa.

Lời của bài hát “Cảnh sát hình sự” giản dị, mộc mạc mà xúc động khôn nguôi. Người nhạc sĩ chắc hẳn phải “ba cùng” với người lính hình sự trong nhiều thời gian để chắt lọc, nghĩ suy, trăn trở mà viết lên: “Những bàn chân lặng lẽ/ Giữa dòng đời như nước cuốn/ Chập chờn trắng đen/ Không thể nào nhìn thấy đáy...”.

Cuộc đời người lính Cảnh sát là vậy, âm thầm những bước chân để nhân dân, xã hội được an lành. Bài hát sở dĩ thấm đậm tình người vì nó chân thực, không lên gân lên cốt mà nêu bật được những hy sinh, gian khó của người lính hình sự. Không chỉ trên phim ảnh, mà ngay trong lời bài hát đã khiến cho nhân dân thêm hiểu và yêu quý người chiến sĩ Công an nói chung. “Ai giữ ngọn lửa qua đêm đen/ Ai đếm những bàn chân vô danh...”.

Thật là xúc động. Xin cảm ơn người nhạc sĩ tài hoa, ông đã đem cả tấm lòng, tình cảm của mình để đồng hành với bước chân của những người lính hình sự. Như một “Làn hương thầm theo về trong gió/ Suốt chặng đường gian nan...”.

Nhạc sĩ Lê Việt Hòa: "Trong nguy nan mong được gặp anh"

Đó là lời bài hát của nhạc sĩ Lê Việt Hòa viết về người anh hùng, đại úy Đỗ Kim Thành, người Cảnh sát dũng cảm, gan dạ, đã hy sinh trong đấu tranh với tội phạm nguy hiểm để bảo vệ bình yên cho nhân dân. Nước mắt của người nhạc sĩ đã rơi trên khuông nhạc, khi ông viết về cuộc đời một người lính, đã sẵn sàng đánh đổi sinh mệnh của mình để chống lại cái ác. “Trong đêm đen anh là ánh sáng/ Đất nước khai sinh anh đã có tên/ Chiến tranh không còn mà anh vẫn hy sinh/ Chiến tranh không còn mà máu anh vẫn chảy để bảo vệ an ninh...”.

Những ca từ đẹp, lấp lánh, nhưng không hề khoa trương, ca ngợi người lính Cảnh sát khiến người nghe rung động. Nhạc sĩ Đặng Việt Hòa cho đến lúc từ giã khán giả để đi về cõi vĩnh hằng, đã có tới 31 ca khúc viết về ngành Công an. Có thể kể tên những bài hát nổi tiếng như: “Hành khúc người chiến sĩ Cảnh sát”, “Hát về anh”, “Hát về Lê Thanh Á”, “Bùi Tiến Tường anh còn sống mãi”...

Khi nghe câu chuyện về liệt sĩ Lê Thanh Á, người chiến sĩ Công an đã hy sinh dũng cảm khi đang làm nhiệm vụ, nhạc sĩ Lê Việt Hòa đã xuống tận Hải Phòng, đến tận nơi người anh hùng đã ngã xuống, chứng kiến niềm tiếc thương, yêu mến của nhân dân dành cho anh. Ông xúc động nghẹn ngào, và ông viết, rất đời thường, rất giản dị, rất thật nữa: “Chợ Đoàn Kết một ngày không họp/ Phường Lạch Tray có nhiều người đã khóc/ Từ cụ già tới trẻ thơ ai cũng tiếc thương anh Lê Thanh Á...”.

Một cảnh trong phim "Chạy án".

Rất thật, mà nhói trong tim người nghe. Và đây, những ca từ vừa xót đau vừa lãng mạn, pha chút bi tráng, đủ để dâng lên trong hồn người nghe một nỗi đắng nghẹn và cũng rất tự hào: “Ngày Hải Phòng không quên có nhiều phố không nhìn thấy mặt đường, chỉ thấy người với dòng người tiếc thương.../ Hoa phượng nhớ anh từ nay thêm rực rỡ/ Dòng sông Sàng, Tú Sơn, sóng biển Đồ Sơn hát về anh người Cảnh sát yêu thương...”

Viết về hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân chưa bao giờ là dễ. Vì trong hình dung của công chúng, đây là một đề tài khô khan, không hấp dẫn. Một bài hát viết về người chiến sĩ Công an chỉ có thể sống được trong lòng nhân dân, trong quần chúng, khi những ca từ và âm điệu chạm đến thẳm sâu trái tim người nghe. Để có được điều đó, người nhạc sĩ chắc chắn phải thấu hiểu hơn ai hết công việc, hy sinh của người lính Cảnh sát. Nhạc sĩ Lê Việt Hòa sinh thời là người đi thực tế rất nhiều, theo các đơn vị trong lực lượng Công an.

Ông đi như một nhu cầu, để thấm, để cảm, để thấu hiểu những tâm tư của người Công an. Ông không viết về họ bằng vẻ bề ngoài nghiêm trang tưởng như khô cứng, mà viết về trái tim yêu thương cháy bỏng luôn hết lòng vì nhân dân, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ bình an cho nhân dân...

Nguyễn Xuân Thủy
.
.
.