Khi bảo vệ rừng tiếp tay cho lâm tặc

Thứ Tư, 10/06/2015, 08:00
Sau một thời gian "hoành hành trong bí mật", đường dây phá rừng chuyên nghiệp do trùm gỗ Vũ Văn Tam điều hành cùng 12 đối tượng liên quan đã lần lượt bị Công an TP Đà Nẵng phát hiện và triệt phá. Tuy nhiên, hệ lụy của trùm Tam và đồng bọn để lại quả thật là con số không nhỏ: Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (giáp ranh giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng) đã "chảy máu" đến 154m3 gỗ quý, thiệt hại trên 4,2 tỷ đồng...

Trong số 12 đối tượng bị Công an TP Đà Nẵng khởi tố, bắt tạm giam thì 2 "lâm tặc" lại là cán bộ của Trạm bảo vệ rừng. Và cuối tháng 5/2015, trùm gỗ lậu Vũ Văn Tam (SN 1968, trú tại xã Tư, huyện Đông Giang, Quảng Nam) cùng các đồng phạm đã bị bắt. 

Tuy nhiên, ngoài 7 cán bộ thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa và hai kiểm lâm phụ trách địa bàn đã bị Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng tạm đình chỉ để phục vụ công tác điều tra, theo tiết lộ từ cơ quan điều tra, vẫn còn nhiều cán bộ bảo vệ rừng tiếp tay cho lâm tặc, đang chờ điểm mặt gọi tên… 

Đây được xem là vụ phá rừng đáng lưu ý nhất từ trước đến nay tại khu vực rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (Đà Nẵng) bị lực lượng chức năng của Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam phát hiện.

Rừng bị phá tan hoang.

Rừng đặc dụng chảy máu

Sau một thời gian "hoành hành trong bí mật", đường dây phá rừng chuyên nghiệp do trùm gỗ Vũ Văn Tam điều hành cùng 12 đối tượng liên quan đã lần lượt bị Công an TP Đà Nẵng phát hiện và triệt phá. Tuy nhiên, hệ lụy của trùm Tam và đồng bọn để lại quả thật là con số không nhỏ: Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (giáp ranh giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng) đã "chảy máu" đến 154m3 gỗ quý, thiệt hại trên 4,2 tỷ đồng.

Chấn động hơn, kết quả điều tra của Công an TP. Đà Nẵng cho thấy, không ít kẻ tiếp tay cho trùm Tam tàn phá rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa lại chính là cán bộ bảo vệ rừng!…

Sự việc được phát hiện bắt đầu từ đầu tháng 10/2014, lực lượng Kiểm lâm Đà Nẵng và Quảng Nam đã liên tiếp phát hiện hàng loạt "bãi chiến trường" gỗ xẻ phách (đa số là gỗ kiền kiền nhóm 1 và 2) với số lượng lớn chưa từng có đang tập kết tại khu vực giáp ranh giữa huyện Đông Giang (Quảng Nam) và khu rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa Đà Nẵng.

Điều đáng nói, việc xử lý số gỗ trên đang gặp nhiều "rắc rối" bởi chưa xác định được nó bị lâm tặc đốn hạ ở đâu. Và vì sao lâm tặc lại có thể dễ dàng khai thác số lượng gỗ lớn suốt một thời gian dài như thế mà lực lượng bảo vệ, kiểm lâm không hề phát hiện ra?

Đối tượng Vũ Văn Tam.

Cụ thể, ngày 6/10/2014, trong quá trình làm việc, tổ liên ngành xử lý vi phạm lâm luật huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam, đóng tại xã Tư) phát hiện 66 phách gỗ kiền kiền khai thác trái phép cất giấu tại khoảnh 5, tiểu khu 37 thuộc lâm phận rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (TP Đà Nẵng) với khối lượng hơn 14m3. Lập tức, Tổ liên ngành cho lập biên bản, đưa toàn bộ số gỗ tang vật về tạm giữ tại Trạm Kiểm lâm Dốc Kiền (xã Ba, huyện Đông Giang). 5 ngày sau, đơn vị này phối hợp với lực lượng Kiểm lâm TP Đà Nẵng kiểm tra và phát hiện thêm 9 điểm cất giấu gỗ kiền kiền quy cách với số lượng lớn tại tiểu khu 37, cũng thuộc rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. Trong đó, 5 điểm cất giấu thuộc lâm phận tỉnh Quảng Nam (thôn Láy, xã Tư, huyện Đông Giang) với 227 phách gỗ quy cách; 4 điểm thuộc lâm phận TP Đà Nẵng với 224 phách gỗ...

Đặc biệt, theo ông Đinh Văn Hươm, Phó Chủ tịch UBND Đông Giang, tổ liên ngành xử lý vi phạm lâm luật huyện Đông Giang đã khẳng định: "Số gỗ lậu bị lực lượng chức năng phát hiện chắc chắn khai thác tại rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, vì từ năm 1993, địa bàn xã Tư không còn gỗ kiền kiền. Với số lượng gỗ lớn này, không phải một sớm một chiều có thể khai thác, tập kết được. Và không thể dễ dàng gì qua mắt được lực lượng kiểm lâm khi những "điểm đen" này chỉ cách Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông (thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, TP Đà Nẵng) vài trăm mét"...

Lãnh đạo huyện Đông Giang còn đặt nghi vấn: "Số gỗ kiền kiền nếu được vận chuyển ra bên ngoài tiêu thụ chỉ có một con đường đi ngang qua Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông (đặt ở xã Tư). Như vậy, liệu có hay chăng một bộ phận cán bộ bảo vệ rừng đã tiếp tay, bảo kê cho lâm tặc?".

Trước những nghi vấn của dư luận, Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng đã có văn bản chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thành phố khẩn trương xác minh. Chi cục Kiểm lâm cũng đã cắt cử hơn 100 cán bộ kiểm lâm có mặt tại hiện trường nhận nhiệm vụ bảo vệ, lập hồ sơ điều tra nguồn gốc và đối tượng khai thác gỗ…

Số gỗ kiền kiền được phát hiện.

Thật bất ngờ, trong quá trình điều tra vụ phá rừng nghiêm trọng này, 7 cán bộ, trong đó có 5 cán bộ quản lý, bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa và hai kiểm lâm phụ trách địa bàn đã bị đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra... Ngày 24/11/2014, vụ án phá rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa đã được Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng khởi tố vụ án hình sự, đồng thời chuyển hồ sơ sang Công an TP. Đà Nẵng tiếp tục điều tra làm rõ. Từ đây, lần lượt 12 đối tượng liên quan dần "lộ diện".

Khi lâm tặc được cán bộ bảo vệ tiếp tay

Theo Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46), đơn vị nhận nhiệm vụ xác lập chuyên án truy xét vụ án phá hoại rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa thì khi tiếp nhận hồ sơ từ Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, chỉ vỏn vẹn tờ quyết định khởi tố vụ án hình sự. Hiện trường cách xa trung tâm thành phố, phải lội bộ, ở dài ngày trong rừng sâu… nên các trinh sát gặp không ít khó khăn trong quá trình lần tìm manh mối.

Qua nguồn tin từ một số thanh niên ngụ thôn 2 (xã Tư): Họ đều được một người tên Tam thuê, nhưng không rõ lai lịch, chỉ biết nói giọng Bắc. Khi cõng gỗ ra đến bìa rừng, gỗ được chất lên xe tải loại 3 cầu, do anh em Kiều Ngọc Trung (SN 1989) và Kiều Ngọc Quý (SN 1991, ngụ xã 3, Đông Giang) điều khiển chở đi đến điểm tập kết hay về xuôi. Xác minh lai lịch loại xe đặc biệt này, được biết người thuê có tên Phan Đình Lợi (thường gọi Lợi "đen", râu", SN 1985, ngụ Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng).

Qua củng cố các tài liệu, chứng cứ, ngày 10/4/2015, Ban chuyên án đột phá giai đoạn 1, tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Quý, Trung và Lợi về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép theo Điều 175 Bộ luật Hình sự. Khối lượng gỗ trên khi vận chuyển đã đi qua trót lọt Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông. Do đó, ngày 11/4, ông Phạm Phú Cường (nguyên Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông, SN 1967, ngụ Đại Hiệp, Đại lộc, Quảng Nam) và Nguyễn Văn Ấn (nhân viên Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông, SN 1985, ngụ Hòa Bắc, Hòa Vang, Đà Nẵng) cũng bị bắt về tội thiếu trách nhiệm trong quản lý rừng, theo Điều 175.

Bước đầu điều tra, Phan Đình Lợi khai nhận, khoảng đầu năm 2014 đã thu mua các loại gỗ trong rừng Bà Nà - Núi Chúa từ Vũ Văn Tam (SN 1968, quê Nam Định, ngụ thôn Lấy, xã Tư). Hồ sơ đối tượng này thể hiện, đã có vợ và 2 con ở Giao Thủy (Nam Định).

Những đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến đường dây phá rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa.

Nhiều năm trước, Tam bỏ quê vào khu vực Đông Giang khai thác vàng trái phép, từng bị Công an huyện Đông Giang xử lý hành chính về tội buôn lậu. Sau đó, Tam lấy thêm vợ hai tên Đặng Thị L. (người địa phương), rồi chuyển sang nghề khai thác gỗ trái phép cho đến khi bị CQĐT Công an TP Đà Nẵng bắt khẩn cấp vào ngày 20/5. Ngoài ra, quá trình điều tra trước đó, Ban chuyên án nắm được thông tin có đối tượng tên Lưu, đi chân vòng kiềng, người xẻ gỗ cho Tam.

Để lần tìm và bắt được đối tượng này, các trinh sát phải ngược xuôi cả tháng trời hỏi thăm tin tức từ một số phu vàng. Sau đó, nhiều lần nhờ Công an huyện Chiêm Sơn (Ninh Bình), Phòng Hồ sơ lưu trữ, Công an Ninh Bình sàng lọc mới có  được tên đầy đủ của đối tượng Đỗ Văn Lưu (SN 1968, ngụ xóm 7, xã Lai Thành, Chiêm Sơn) thay vì Nguyễn Thành Lưu như ban đầu ghi nhận.

Tiếp tục nghe ngóng tin tức, khi biết rõ Lưu đang trốn tại Bù Gia Mập (Bình Phước), Ban chuyên án còn phải bố trí trinh sát nói giọng Bắc để vào vai người quen, tiếp cận bắt giữ. Sau đó, Lưu khai thêm đồng bọn của mình gồm Nguyễn Văn Học (SN 1971, ngụ Chiêm Sơn), Lê Văn Chính (SN 1975), Nguyễn Văn Thuấn (SN 1977) và Hoàng Văn Vụ (SN 1971, đều ngụ Lê Thành, huyện Kim Sơn, Ninh Bình). Khi có đầy đủ chứng cứ, cả 3 đối tượng Học, Chính, Lưu lần lượt bị bắt.

Theo khai nhận, nhóm của Lưu thuộc thành phần lao động phổ thông, sau khi vào Đông Giang làm vàng, tình cờ quen Tam và được thuê hạ cây và xẻ gỗ. Một thanh gỗ ra quy cách nhóm Lưu làm, được Tam tính 150.000 đồng. Sau đó, Tam thuê người bốc vác ra xe 70.000 đồng/thanh, tổng chi phí khoảng 220.000 đồng. Tới điểm tập kết, Tam bán lại cho Phan Đình Lợi 550.000 đồng/thanh.

Theo cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng, hiện, ngoài khởi tố vụ án hình sự, bắt tạm giam các đối tượng trên theo Điều 175, ngày 4/5/2015, đơn vị còn khởi tố bổ sung các tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 258; tội Nhận hối lộ theo Điều 279 và Đưa hối lộ theo Điều 289. Cụ thể, hai cán bộ bảo vệ rừng Phạm Phú Cường và Nguyễn Văn Ấn chuyển từ tội Thiếu trách nhiệm sang tội Nhận hối lộ; khởi tố bổ sung Vũ Văn Tam thêm tội Đưa hối lộ. Ông Phạm Ngọc Sự - Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa cũng cho biết: Đây là vụ khai thác và cất giấu gỗ trái phép lớn nhất được phát hiện tại khu vực. Để xảy ra "chảy máu rừng" nghiêm trọng này còn có sự tiếp tay của các cán bộ trong lực lượng bảo vệ rừng.

Trong số 12 đối tượng bị cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng khởi tố, bắt tạm giam về hành vi khai thác gỗ trái phép thì đã có hai cán bộ Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông (thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa) liên can, tính đến thời điểm hiện tại.

Hoài Thu
.
.
.