"Khắc tinh" của tội phạm vùng "tam giác đen"

Thứ Ba, 21/03/2017, 07:05
Nụ cười thân thiện, giọng nói trầm ấm đặc chất Nam bộ, hình ảnh của anh in đậm trong các chuyên án nổi tiếng vùng "tam giác đen". Nhắc đến anh, người ta nhớ ngay đến vị chỉ huy có đôi mắt sáng, cái đầu lạnh và trái tim nóng...

Từ ngày giữ cương vị Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, thêm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, Đại tá Nguyễn Hoàng Thao rất bận. Anh bảo, từ ngày vào ngành Công an đến giờ, phần nhiều anh chỉ công tác trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm.

Ngay cả luận án tiến sĩ của anh cũng chuyên về điều tra tội phạm. Sau này, dù anh có đảm nhận lãnh đạo ở những lĩnh vực khác nhưng anh vẫn có mối lương duyên với ngành điều tra tội phạm. Đây là lĩnh vực rộng, hội tụ nhiều mặt của các lĩnh vực, nên kiến thức yêu cầu cũng phải sâu rộng, toàn diện hơn.

Đại tá Nguyễn Hoàng Thao (giữa) trong một buổi tiếp xúc với dân.

Từ năm 1986, Nguyễn Hoàng Thao được cử ra nước ngoài học tập. Về nước, anh được phân công công tác tại Bình Dương, trong các đơn vị mũi nhọn về phòng chống tội phạm. Bình Dương thời điểm những năm 2011-2013, người nhập cư gia tăng chóng mặt, vấn đề khó khăn nổi lên là sự gia tăng các loại tội phạm.

Từ những loại tội phạm như giết người, cướp của, trộm cắp tài sản, buôn lậu… hoạt động manh động, tinh vi, xảo quyệt, sử dụng cả hung khí "nóng" gây án, đến các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tín dụng đen, cờ bạc xuyên biên giới…

Vào thời điểm đó, khu vực giáp ranh giữa Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh, người ta gọi là vùng "tam giác đen". Tội phạm từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung bằng nhiều phương thức, thủ đoạn ẩn vào lập "cứ địa", hoạt động núp bóng doanh nghiệp, gây ra nhiều vụ thanh toán kiểu "xã hội đen", cưỡng đoạt trong buôn bán bất động sản, các hợp đồng buôn bán vật liệu…

Bấy giờ, trên cương vị Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Đại tá Nguyễn Hoàng Thao đã trăn trở rất nhiều. Sức ép dư luận, áp lực cấp trên liên tục xoáy vào những vấn đề nổi cộm về an ninh trật tự của Bình Dương. Cùng lúc đó, trên địa bàn tỉnh xảy ra liên tiếp các vụ án gây chấn động dự luận.

Điển hình là "trùm" giang hồ bảo kê "Dũng ben" từ TP Hồ Chí Minh mang vũ khí "nóng" xuống Bình Dương thanh toán con nợ giữa thanh thiên bạch nhật. Mấy ngày sau, xuất hiện một nhóm khoảng 20 người đi trên xe ôtô từ tỉnh ngoài về Bình Dương chém người. Tiếp đến là băng nhóm vùng "tam giác đen" gây ra hàng loạt vụ trộm xe, bảo kê.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Bình Dương có lúc được giới báo chí ví giống như một trận động đất. Sức ép bủa vây, anh em não ruột, Đại tá Nguyễn Hoàng Thao như người ngồi trên chảo lửa. Trách nhiệm của người đứng đầu Cơ quan CSĐT cấp tỉnh, và lớn hơn nữa là trách nhiệm với lòng tin của nhân dân vào lực lượng Công an đã thúc giục anh cấp bách hơn bao giờ hết.

Đại tá Nguyễn Hoàng Thao chỉ đạo một chuyên án.

Có những lúc Nguyễn Hoàng Thao cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng nhưng tuyệt đối không chùn bước, mà quyết tâm lại càng cao. Nút thắt được lật mở bắt đầu với băng nhóm trộm cướp, tiêu thụ hàng ngàn xe gian do Vũ Đức Tuấn (tự ''Tuấn chó'') cầm đầu.

Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, những cán bộ tinh nhuệ được tung ra, chỉ trong vòng ba ngày, băng "Tuấn chó" bị "đánh gục". Đây là trận đấu mà Đại tá Thao không thể nào quên trong cuộc đời làm án của mình. Bởi, lúc chỉ còn 30 phút nữa là bước sang ngày mới, hết thời hạn tạm giữ "Tuấn chó".

Nếu đối tượng không nhận tội, sẽ không mở được "nút thắt", đồng nghĩa với việc không có câu trả lời trước nhân dân. Một đêm thật dài và căng thẳng cực độ, Đại tá Nguyễn Hoàng Thao không hề chợp mắt. Từng tiếng tích tắc của đồng hồ như tiếng búa nặng trĩu đanh lại bên tai. Ánh sáng của ngày mới lọt qua căn phòng làm việc, anh vẫn ngồi lặng yên, tay nắm chặt chiếc điện thoại.

Tiếng chuông điện thoại reo, đồng chí Trần Văn Chính, Trưởng phòng Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45, nay là Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định) báo: "Tuấn chó" đã nhận tội. Lúc này, cảm xúc vỡ òa, có điều gì đó không thể diễn tả trong lòng người chỉ huy.

Cuộc chiến chống tội phạm ở đất Bình Dương tiếp đà xông lên. Các "trùm" bảo kê như Nguyễn Đức Tiến (tự "Đức chó"), Minh "đen", Phi "đen, Mười Thu, Sáu Thế… lần lượt sa lưới. Con đường hoạt động của các băng nhóm "xã hội đen", bảo kê, trộm cắp bị bẻ gãy, tạo sức răn đe mạnh mẽ và làm chùn bước tội phạm.

Tên gọi "tam giác đen" dần lùi vào dĩ vãng, giờ thì chỉ còn trong tiềm thức. Sau những trận thắng oanh liệt trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm, Đại tá Nguyễn Hoàng Thao không nhận bất cứ một tấm huân chương nào, anh dành phần thưởng ấy cho đồng đội của mình, bởi không có họ chung lưng đấu cật, chia ngọt xẻ bùi, sẽ không có được thành công vang dội như thế.

Với anh, tấm huân chương cao quý nhất chính là đã lấy lại lòng tin của nhân dân vào lực lượng Công an, đảm bảo vững chắc tình hình anh ninh trật tự trên địa bàn Bình Dương.

Sau khi đánh bật các băng nhóm tội phạm khỏi Bình Dương, Đại tá Nguyễn Hoàng Thao báo cáo với Ban Giám đốc một số chiến lược cho hướng đi tiếp theo, trong đó trọng tâm là việc chuyển hóa địa bàn tại khu vực phức tạp.

Anh trực tiếp chỉ huy những đợt truy quét thần tốc vào vùng giáp ranh thị xã Dĩ An - Biên Hòa (Đồng Nai) - Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), sau đó tiếp tục nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ trong một thời gian ngắn, khu vực giáp ranh trở lại bình yên từ khu phố đến tổ dân cư.

Khi những "sóng gió" qua đi và bình yên trở lại, hỏi anh còn điều gì trăn trở nữa? Anh điềm đạm trả lời: "Bình Dương là một tỉnh có nhiều khu công nghiệp với trên một triệu công nhân và hơn 50% dân nhập cư. Vấn đề an ninh trật tự trong vùng công nhân và môi trường công nghiệp được xem như yết hầu của tỉnh.

Tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án thành lập Đội thanh niên công nhân xung kích tự quản trong doanh nghiệp. Bước đầu đã xây dựng được 150 doanh nghiệp điểm và tiến tới là xây dựng rộng rãi trong toàn tỉnh. Đây sẽ là "kim chỉ nam" để thực hiện chiến lược dài hơi trong tình hình mới".

Ngọc Hoa
.
.
.