"Hy vọng xanh" cho các bệnh nhi ung thư

Thứ Hai, 21/05/2018, 15:11
Căn phòng thư viện tại tầng 6, Khoa Bệnh máu trẻ em của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương vào mỗi chiều thứ năm hằng tuần lại đông vui và đầy ắp tiếng cười của những "họa sỹ nhí". 


Tạm quên đi nỗi đau bệnh tật để bay bổng trong từng nét vẽ nguệch ngoạc nhưng rất có hồn và đáng yêu, các bệnh nhân nhí với mái đầu lơ thơ tóc, đó là kết quả của những đợt hóa trị, xạ trị dài đằng đẵng và với những đôi môi tím tái, những bàn tay nhỏ xíu chằng chịt vết tiêm, vết truyền, nhưng ánh mắt vẫn sáng lấp lánh và nụ cười luôn nở trên môi các bé khi mải mê với gam màu hy vọng của mình.

Căn phòng thư viện tại tầng 6, Khoa Bệnh máu trẻ em của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương vào mỗi chiều thứ năm hằng tuần lại đông vui và đầy ắp tiếng cười của những "họa sỹ nhí". 

Không gian được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp đủ chỗ kê một chiếc bàn lớn phục vụ buổi học vẽ của các em thiếu nhi và một cây đàn piano để các thầy cô, tình nguyện viên chơi và hát cho các bé nghe để vơi đi niềm đau và nỗi nhớ nhà.

Ngay từ khi bắt đầu, các em bé tại Khoa Bệnh máu trẻ em của Viện đã vô cùng háo hức. Có những em còn lạ lẫm với màu nước, nhưng liền sau đó đã tỏ ra thích thú với nét vẽ đầu tiên của mình. 

Ngồi trong một góc nhỏ của lớp học vẽ, Hạng Thị Do - cô bé 10 tuổi là người con của dân tộc Mông, em đến từ huyện Sa Pa (Lào Cai) đang mải mê với tác phẩm của mình mặc dù trên tay trái vẫn còn đính nguyên ống kim truyền dịch, hồn nhiên chia sẻ: "Bố con cho con xuống đây để chữa bệnh, còn mẹ con phải ở nhà kiếm củi bán để mua gạo nuôi các em. Bây giờ, con chỉ ước được về nhà đi học thôi! Con nhớ nhà, nhớ các bạn lắm. Sau này khi lớn lên con thích làm hướng dẫn viên du lịch để được đi nhiều nơi, ngắm nhiều cảnh đẹp và kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nuôi các em". 

Những ước mơ giản dị của em bé vùng cao đã đồng hành cùng em biết bao ngày, dù hành trình đạt được nó có thể sẽ còn rất xa xôi. Từng nét vẽ ngộ nghĩnh, khiến em tạm thời quên đi những cơn đau đớn, Do vẽ nhiều, vẽ nhanh và rất đẹp. Có lẽ vì nhớ nhà và nhớ bạn nên những bức tranh của em thiên về gia đình và bạn bè. 

Thầy giáo, họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn khen Do nhiều lắm, thầy bảo: "Do thực sự là một tài năng, một phát hiện của lớp họa, tiếc rằng em bệnh tật, nhà lại quá nghèo! Tôi tin rằng, nếu được giúp đỡ và tạo điều kiện thì em bé nhanh nhẹn, có đôi mắt to tròn này sẽ rất triển vọng".

Họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn bên học trò nhí Hạng Thị Do.

Lớp học vẽ "Hy vọng xanh" là dự án hội họa hướng tới những bệnh nhi mắc bệnh máu mà họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn đang từng bước gây dựng và phát triển. Dự án chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9-2017 đến nay vẫn không ngừng được lan tỏa. 

Theo họa sỹ Sơn thì lớp học không nhằm khai thác tài năng mà điều mong muốn nhất của anh đó là tạo cho các em một bầu không khí, một tinh thần tốt để phần nào quên đi nỗi đau bệnh tật. 

Nhưng việc tiếp xúc với màu sắc và giấy vẽ thường xuyên sẽ là tiền đề tạo, khơi gợi, phát triển tài năng nghệ thuật và tư duy sáng tạo. Lớp vẽ "Hy vọng xanh" là nơi các bệnh nhi phát huy những tố chất hội họa tiềm ẩn trong bản thân, đặc biệt là khi các em không có điều kiện đến trường vì lý do bệnh tật.

Là người theo sát và tạo điều kiện phát triển cho dự án "Hy vọng xanh" cùng với họa sỹ Tuấn Sơn từ những ý tưởng ban đầu, chị Lý Thị Hảo, Phó phòng Công tác xã hội, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương chia sẻ: "Nhìn các bé say sưa với từng nét vẽ, tôi thật cảm động và vui lây cùng các con. Họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn là một người nhiệt huyết và hết lòng vì con trẻ. Anh thực sự đã tạo nên một lớp học vẽ tràn đầy sắc màu hy vọng".

Bé Phương Anh hài lòng với bức chân dung tự họa của mình, em mỉm cười đứng ngắm bức tranh mới hoàn thành và khoe với chị tình nguyện viên: "Em vẽ chính em đấy! Chị thấy má em hồng có đẹp không và cả chiếc váy hoa màu tím nữa?". 

Chứng kiến cuộc trò chuyện của hai chị em, chúng tôi vui nhưng sao trong lòng trĩu nặng. Nghe giọng nói thơ ngây, nhìn cái đầu trọc lốc do hóa trị và bàn tay vẫn cắm nguyên ống truyền với nhiều vết bầm tím do vỡ ven, bạn đồng nghiệp của tôi quay đi cố giấu những giọt nước mắt đang lăn dài trên má!

Chị tình nguyện viên hướng dẫn cho bé cách vẽ.

Bệnh nhi tham gia lớp học đa phần là các em nhỏ bị ung thư và các bệnh về máu. Đối với các em hằng ngày phải chiến đấu với đau đớn, bệnh tật là một điều quá sức, quá sức cả với kinh tế gia đình các em. Có không ít gia đình phải bán cả ruộng vườn, nhà cửa chỉ mong sao con khỏi bệnh. 

Nhìn những gương mặt cha mẹ vừa nặng gánh lo toan tiền bạc vừa thấp thỏm nỗi lo cho sức khỏe con em mình, nhưng cứ thứ 5 hằng tuần lại bế, cõng con xuống lớp học vẽ. 

Từ ngày có lớp học vẽ "Hy vọng xanh", sau nhiều đau đớn mệt mỏi, nhớ bạn nhớ trường, lần đầu tiên những gương mặt trẻ thơ đã lại vui cười hồn nhiên, trong sáng. 

Ngay từ khi thành lập lớp đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Có mặt ở đây để giảng dạy các em có cả những họa sỹ được đạo tạo ở nước ngoài, đến các bạn sinh viên, thậm chí là cả những người chưa từng qua trường lớp nào nhưng ở họ đều có chung một tấm lòng dành cho những bệnh nhi tại nơi này. 

Anh Nguyễn Hoàng Long, trợ giảng của lớp, người được đào tạo rất bài bản về mỹ thuật tại Pháp chia sẻ: "Những buổi đầu đến dạy tuy có gặp chút khó khăn nhưng bây giờ thì tôi đã quen. Vì thời gian các bé tham gia lớp vẽ không thường xuyên do lịch điều trị nên chưa đủ cơ hội để phát hiện được nhiều tài năng. Tuy nhiên một số bé tỏ ra nhanh nhạy, nổi bật và rất có tiềm năng, như em Hạng Thị Do, người dân tộc Mông".

Đến từ Học viện Tài chính, bạn Trần Hương Lan, sinh viên năm thứ nhất cùng các bạn tình nguyện viên chăm chút, phục vụ các em từng bản giấy, chiếc bút và hộp màu. Lan vui vẻ: "Những ngày đầu gặp các em mình thấy rất thương, còn bây giờ một tuần mà mình không được gặp các bạn nhỏ là mình nhớ lắm"!

Ngoài việc dạy vẽ cho các em, họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn thường xuyên tổ chức các cuộc thi, những buổi tham gia các hoạt động xã hội cho học sinh của lớp học. 

Cuối năm 2017, hơn 30 bức tranh của lớp vẽ "Hy vọng xanh" đã được anh gửi đến Ngày hội Hoa hướng dương Vì bệnh nhân ung thư lần thứ 10. 

Các bức tranh thực sự đã gây được xúc động và ấn tượng đối với người xem. Tại lớp học, các bé sẽ được các thầy hướng dẫn theo các chủ đề đa dạng, gắn với cuộc sống hằng ngày. 

Nét vẽ ngây ngô, hồn nhiên của các em dưới sự chỉ dẫn tỉ mỉ của các thầy đã toát lên tinh thần sáng tạo, tư duy độc đáo, thể hiện bằng những hình khối, màu sắc đa dạng. 

Sau mỗi buổi học, các bức tranh do các bé tự tay vẽ sẽ được thầy và các anh chị tình nguyện viên ghi họ tên và lưu giữ cẩn thận. Một số bức đẹp và tiêu biểu thì được treo trên tường lớp học để tuyên dương, khích lệ các em.

Tết Nguyên đán vừa qua, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã tổ chức triển lãm tranh "12 con giáp chào Xuân Mậu Tuất 2018" với mong muốn các bệnh nhi ung thư máu được đón Tết Nguyên đán thật đầm ấm, xua tan nỗi đau bệnh tật. 

Hơn 100 tác phẩm trưng bày được lựa chọn từ hàng nghìn bức tranh do các bệnh nhi của lớp vẽ "Hy vọng xanh" và các em học sinh Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành thực hiện. Mỗi bức tranh mang một sắc thái và phong cách rất riêng, gửi gắm rất nhiều cảm xúc và suy nghĩ của các "họa sĩ nhí".

Phần lớn các bé tham gia lớp vẽ, dù ở độ tuổi nào cũng đang bỏ dở việc học. Căn bệnh các em mang trong mình dù khiến cơ thể mệt mỏi nhưng không thể làm vơi đi những hy vọng, mong muốn được cắp sách đến trường như những người bạn cùng trang lứa. 

Nhiều phụ huynh cũng thường xuyên cùng con đến lớp học, chăm chú ngắm nhìn những nét vẽ ngộ nghĩnh của con mình mà quên đi phần nào những gánh nặng cuộc sống.

Có những em vừa truyền dịch vừa say mê vẽ.

Cô bé Bùi Ngọc (Nghệ An) - bệnh nhân ung thư máu giai đoạn cuối cũng thường xuyên tham gia lớp học vẽ trong những đợt điều trị dài ngày. Mẹ của bé Ngọc, chị Bùi Thị Chính cho biết: "Bé Ngọc rất thích đi học, nhưng do những đợt điều trị dài khiến cháu không thể đến trường. Xin cảm ơn lớp học vẽ cho con tiếp xúc với giấy, với màu, giúp con tôi vơi đi nỗi nhớ trường, nhớ lớp".

Sĩ số thường xuyên thay đổi, đó là chuyện thường ngày ở lớp học vẽ "Hy vọng xanh". Ngày nào cũng có thể có thêm thành viên, vì mới nhập viện, cũng có em nghỉ học vì bệnh nặng thêm. 

Mỗi một lần tăng giảm sĩ số đều làm thầy Sơn và những bạn tình nguyện viên thấp thỏm. Có thể là niềm vui vô bờ khi một em bé khỏi bệnh và được trở về nhà, chia tay với lớp học khi đó là niềm vui, là hạnh phúc. 

Nhưng cũng có khi lớp học thêm vắng vì có một bệnh nhi đã phải dừng bước trước căn bệnh quái ác em mang trong mình. Đó là nỗi đau, của không chỉ bố mẹ các em mà còn của các y bác sỹ, của các thầy cô giáo. 

Dẫu có những thay đổi của sĩ số các em học sinh hằng ngày, hằng giờ nhưng các "chiến binh nhỏ" nơi đây vẫn không ngừng vẽ nên những tác phẩm với gam màu đầy hy vọng của riêng mình.

Chia tay lớp học, tôi hỏi họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn: "Sao thầy không thay màu nước bằng bút màu sáp cho sạch sẽ?" thầy Sơn giải thích: "Sáp màu tiện ích nhưng khi vẽ phải tì, ấn mạnh sẽ làm đau các em, bởi những vết tiêm, vết truyền chằng chịt trên tay"! 
Tuấn Trình
.
.
.