Huyền thoại có thật về vị Trung tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam (Kỳ II)
Đúng người đúng việc
Đã có nhiều ý kiến phân tích, bình luận về quyết định bất ngờ của Bác Hồ khi Người - vào giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” của Chính quyền Cách mạng (tháng 9-1945) - đã cho gọi Nguyễn Bình về Thủ đô giao việc lớn: Thống nhất các lực lượng vũ trang ở Nam Bộ. Tất cả tựu trung xoay quanh hai câu hỏi “Từ đâu?” và “Tại sao?”. Từ đâu Bác “nhìn ra” Nguyễn Bình và tại sao Bác lại đặt ông vào vị trí - nói theo ngôn ngữ hiện đại là “ghế nóng” - như vậy?
Về câu hỏi thứ nhất: Theo một tài liệu được dẫn lại trên Báo Nông nghiệp Việt Nam thì chính Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu là người đã “tiến cử” Nguyễn Bình với Bác.
Từng sinh hoạt cùng Nguyễn Bình trong tổ chức Việt Nam quốc dân đảng; cùng chịu cảnh ngục tù nơi “địa ngục” Côn Đảo, Trần Huy Liệu rất hiểu Nguyễn Bình: “Thảo (tên thật của Nguyễn Bình) có can đảm, vũ dũng hơn người và trung hậu với bạn, trung thành với đoàn thể. Trước Cách mạng Tháng Tám, Thảo lập chiến khu Đông Triều một cách tự động...”.
Trần Huy Liệu hiểu bản lĩnh, khí chất, khả năng hoạt động thực tiễn của Nguyễn Bình rất hợp với mảnh đất, con người Nam Bộ, chưa kể đấy cũng là môi trường Nguyễn Bình từng lăn lộn, gắn bó những năm trai trẻ; là nơi ông chịu phận giam cầm (tại Khám Lớn Sài Gòn) trước khi bị địch kết án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo. Nhiều tay “anh chị” thuộc loại “có máu mặt” ở đất này không phải quá xa lạ với ông.
Trung tướng Nguyễn Bình trong một lần thị sát ở Đồng Tháp (tháng 7-1948). |
Cũng cần nói thêm, trước khi Cách mạng thành công, Nguyễn Bình đã có những hoạt động nổi trội ở một số tỉnh miền duyên hải Bắc Bộ. Ông là người có biệt tài trong việc binh vận và mua sắm, “thu thập” vũ khí cho Mặt trận Việt Minh khi đó.
Nếu như trong trận đánh Đồn Bần (do Nguyễn Bình chỉ huy), phía ta thu được 24 khẩu súng kèm 6 hòm đạn thì trong trận đánh giải phóng thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh, cũng do Nguyễn Bình chỉ huy), số vũ khí ta thu được nhiều gấp bội (lên tới hơn 600 khẩu, trong đó có 40 khẩu trung liên).
Các trận hạ Đồn Đông Triều; diệt Đồn Bí Chợ, Uông Bí...cũng vậy; quân ta thu được nhiều vũ khí và lương thực. Đặc biệt, với việc vận động thành công 500 lính bảo an ra hàng, ta đã giành được chính quyền tại Quảng Yên mà không tốn một giọt máu nào.
Thị xã Quảng Yên đã đi vào lịch sử với ý nghĩa là đơn vị hành chính sớm nhất ở Bắc Bộ giành chính quyền về tay nhân dân (trận đánh diễn ra ngày 20/7/1945, trước cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám diễn ra ở Hà Nội cả tháng). Kịp thời đưa quân yểm trợ, Nguyễn Bình cũng là vị chỉ huy có những đóng góp lớn lao trong cuộc nổi dậy của nhân dân thành phố Cảng.
Nhắc lại thời kỳ này, hiện trong số các thông tin “trôi nổi” về Tướng Bình có một số thông tin chưa chuẩn. “Tháng 4/1945, Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ quyết định cả nước chia làm 7 quân khu; Bắc Bộ có 4. Nguyễn Bình giữ chức Tư lệnh Đệ tứ quân khu, tức Chiến khu Đông Triều, bao gồm các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hòn Gai, Móng Cái và Lạng Sơn”. Sự thực không phải hoàn toàn vậy; hay nói cách khác, thông tin trên chỉ đúng… một nửa.
Nghĩa là có việc Mặt trận Việt Minh ra chỉ thị chia cả nước làm 7 quân khu; còn việc “lập Chiến khu Đông Triều” và giữ cương vị Tư lệnh Đệ tứ Quân khu là do Nguyễn Bình “lập ra một cách tự động” - như nhận định của Trần Huy Liệu (người từng có thời là Chủ tịch Hội Sử học).
Các nhân chứng (cụ Bùi Đình Hoàn - thôn Đoàn Xá 1, xã Hồng Phong, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh; Thiếu tướng Lê Mai - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh) sau này đã kể lại nhiều sự việc cho thấy vai trò và tính đặc biệt chủ động của Tướng Nguyễn Bình trong việc xây dựng và củng cố, phát triển Chiến khu Đông Triều ra sao.
Về câu hỏi thứ 2: Hiện không phải không có ý kiến thoạt nghe “có vẻ có lý”: Với thực trạng Nam Bộ thời kỳ đầu kháng chiến xuất hiện nhiều đơn vị vũ trang trong tình thế “cát cứ phân tranh”, với nhiều màu sắc chính trị, đảng phái, tôn giáo khác nhau thì việc chọn một người “ngoài đảng” (Cộng sản) như Nguyễn Bình khi ấy sẽ dễ “trung hòa”, dễ thuyết phục được số đông đồng bào hơn.
Tuy nhiên, người viết bài này nghiêng về quan điểm: Chính tư duy quân sự vượt trội cộng với tố chất quyết đoán, sáng tạo trong hành động cùng khả năng tập hợp quần chúng (đã được chứng minh trong thời kỳ tiền khởi nghĩa) là yếu tố số 1 để Bác Hồ lựa chọn Nguyễn Bình.
Nhiều ý kiến của các đại biểu tham gia Hội thảo khoa học “Trung tướng Nguyễn Bình với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên” do Tỉnh ủy Hưng Yên, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) và Báo Quân đội nhân dân phối hợp tổ chức ngày 18/7/2018 cũng có cách nhìn nhận theo hướng trên.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức
Xa chính quyền Trung ương, lại bị liên quân Anh - Pháp giở bài "gây hấn", đánh chiếm từ sớm nên tình hình Nam Bộ vào thời điểm thu - đông 1945 vô cùng rối ren.
Đã có người so sánh sự phân hoá của lực lượng vũ trang kháng chiến với hình ảnh "loạn 12 sứ quân". Đọc một số cuốn ký - tư liệu (như “Người Bình Xuyên”, “Bảy Viễn - Thủ lĩnh Bình Xuyên” của tác giả Nguyên Hùng), ta càng thấy sự nghiêm trọng của vấn đề.
Tiếng đều là “bộ đội”, đều cùng giương cao ngọn cờ đánh Pháp, song có đơn vị “bộ đội” tập hợp nhiều nhân vật thuộc thành phần bất hảo. Bên cạnh việc đánh Pháp, họ không quên trấn lột, ức hiếp dân.
Có thời kỳ, trong cùng một Bộ Tư lệnh, song mỗi quyết định đưa ra phải có hai vị chỉ huy (ở hai địa bàn khác nhau) cùng ký thì mới có… giá trị triển khai. Thậm chí, có trường hợp “cấp trưởng” mời "cấp phó" tới họp tại đại bản doanh của mình; “cấp phó” e ngại không dám đến vì sợ bị… “thịt”.
Cuốn ký - tư liệu này của tác giả Nguyên Hùng có nhiều trang viết thể hiện vai trò của Trung tướng Nguyễn Bình trong việc cảm hóa, thu phục lực lượng Bộ đội Bình Xuyên. |
Trước thực trạng trên, ngay sau khi đặt chân tới Thủ Dầu Một, với tư cách phái viên của Trung ương, ngày 23/10/1945, Nguyễn Bình cho tổ chức Hội nghị Quân sự Nam Bộ tại đồn điền cao su Võ Bình Tây để bàn việc thống nhất và phân chia lại khu vực hoạt động của các lực lượng vũ trang, các đơn vị bộ đội tự phát đánh giặc.
Tại Hội nghị, Nguyễn Bình kêu gọi mọi người dẹp bỏ những khác biệt riêng tư, tập hợp nhau lại thành một lực lượng thống nhất theo chỉ đạo của Trung ương và Hồ Chủ tịch. Hội nghị thống nhất bầu Nguyễn Bình làm Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ.
Với thời gian, cương vị của Nguyễn Bình thay đổi liên tục, theo hướng ngày càng mở rộng và thực quyền. Ngày 15-12-1945, Nguyễn Bình được mời dự Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ mở rộng (khi ấy ông chưa vào Đảng) và được Xứ ủy giao giữ chức Khu trưởng Khu 7.
Ngày 20-1-1948, Nguyễn Bình được Hồ Chủ tịch ký quyết định phong hàm Trung tướng (trong đợt phong tướng đầu tiên của Nhà nước ta). Cũng trong năm 1948, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Và ngày 21-3-1949, ông được Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh cử làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Nam Bộ.
Việc Hồ Chủ tịch phong Nguyễn Bình hàm Trung tướng, cấp bậc hàm cao thứ hai chỉ sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp đợt ấy, thiết nghĩ ngoài việc ghi nhận công trạng của ông, hẳn còn có ý nghĩa khích lệ một vị Tướng quân đang đứng mũi chịu sào nơi đầu sóng ngọn gió; đồng thời cũng là cách để tăng thêm cho ông uy lực, thuận lợi hơn trong xử lý công việc ở một địa bàn xa Trung ương và thực sự nhạy cảm, phức tạp.
Với vài trang giấy, thật khó có thể liệt kê hết những đóng góp to lớn của Trung tướng Nguyễn Bình đối với sự nghiệp cách mạng Miền Nam.
Chưa đầy 6 năm (kể từ khi nhận lệnh của Bác Hồ đơn thương độc mã “vô Nam” cho tới ngày trúng đạn hy sinh trên đất Campuchia), ông đã thực hiện được một khối lượng công việc khổng lồ và vô cùng thiết yếu: Tập hợp được các lực lượng của các tổ chức, giáo phái như Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên… cùng chung mục đích đánh Pháp; các đơn vị bộ đội địa phương được tập hợp lại, chính quy hóa, đi vào nền nếp.
Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Bình, tình trạng “cát cứ” được hạn chế rất nhiều; các “quân phiệt cát cứ” lần lượt gia nhập lực lượng Vệ quốc đoàn; các đơn vị bộ đội được phiên chế thống nhất thành các Chi đội Vệ quốc đoàn. Lực lượng vũ trang Nam Bộ không ngừng lớn mạnh.
Từ chỗ chỉ có 8.000 quân tự vệ Sài Gòn khi Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu phát lệnh “Nam Bộ kháng chiến” (ngày 23-9-1945), 5 năm sau, lực lượng vũ trang của ta ở Nam Bộ đã hình thành đủ 3 thứ quân: chủ lực, địa phương và dân quân du kích, với quân số lên tới hàng vạn người.
Không chỉ vậy, với tầm nhìn xa trông rộng, ngày 12-12-1945, Nguyễn Bình ra quyết định thành lập Trường Quân chính Miền Đông. Hai khóa học đầu tiên mang tên Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đã đào tạo cho cách mạng Miền Nam hơn 100 cán bộ chiến sĩ có năng lực, chuyên môn cao.
Một bộ phận trong số này được Tư lệnh Nguyễn Bình trực tiếp chọn lựa, bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về hoạt động trong lòng địch và đích thân đưa về nội thành Sài Gòn thành lập Ban Công tác thành (tiền thân của tổ chức Biệt động Sài Gòn lừng danh về sau).
Không chỉ xây dựng lực lượng vũ trang, bằng uy tín, tài năng và tấm lòng rộng mở, Nguyễn Bình còn tập hợp, thu hút về với Cách mạng nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước.
Với cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam Bộ kiêm Ủy viên quân sự Nam bộ, Nguyễn Bình đã cùng tập thể Xứ ủy, Khu ủy đưa ra những quyết định đúng đắn, mang tầm chiến lược, giải quyết được những vấn đề nội tại rất cơ bản của phong trào kháng chiến.
Ngày 24-2-1952, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 84/SL truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Trung tướng Nguyễn Bình. Với lời lẽ giản dị, xúc động, đoạn trích (từ nội dung Sắc lệnh) dưới đây tuy chỉ là một “tổng kết ngắn” nhưng đảm bảo độ xác thực và thể hiện rõ thành tích, công trạng của Trung tướng Nguyễn Bình những năm tháng ông xông pha, cống hiến ở mảnh đất Nam Bộ thành đồng: “Được lệnh vào Nam Bộ, trong khi bộ đội ở đó còn một số ít đang bị hàng vạn quân địch bao vây chặt chẽ, đã kiên quyết sáng suốt xây dựng bộ đội lớn mạnh và chỉ huy chiến đấu đánh thắng quân địch nhiều trận lớn trên các chiến trường Nam Bộ; đã góp phần vào việc chỉnh đốn xây dựng Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ và củng cố Mặt trận Dân tộc thống nhất Nam Bộ”.