Hồi ức thời chiến qua lời kể của phóng viên chiến trường nhiều lần “thừa sống thiếu chết”
Xin ra trận khi đang ngồi trên ghế nhà trường
Phạm Việt Long (SN 1946) quê Ninh Bình, nhưng phần lớn thời gian lại sinh sống tại Hà Nội. Bố Việt Long là ông Phạm Đức Hóa, từng là Tham mưu trưởng Quân khu Tây Bắc, Tham mưu trưởng một Đại đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông Hóa là người từng hợp tác với Biên tập viên Đỗ Chí của NXB Quân đội nhân dân viết tác phẩm “Chiến thắng Sông Lô”. Sau chiến thắng giặc Pháp, ông Hóa về làm Hiệu trưởng đầu tiên cho Trường Ngoại ngữ, nay là Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
Từ nhỏ, Việt Long đã coi bố mình là tấm gương sáng để noi theo. Người bố cũng là điểm tựa mỗi khi khó khăn để Việt Long đứng dậy đi tiếp. Chính vì sinh ra trong gia đình gia giáo như vậy, nên Việt Long đã có ý chí căm thù giặc từ khi còn thiếu thời. Khi đất nước bị giặc ngoại xâm, Việt Long khi ấy đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã hăng hái, quyết tâm xin được ra trận.
Tại vùng núi Bà, giáp ranh thị xã Quy Nhơn, sau trận bom B52 của địch, suýt chết, Phạm Việt Long chỉ còn nặng 39kg |
Do còn quá nhỏ, nên nguyện vọng của Việt Long không thành. Mặc dù vậy, người thiếu niên vẫn nung nấu ý chí, để rồi khi vừa học xong lớp 10, Việt Long đã xin vào Thông tấn xã Việt Nam, mà không vào học đại học mặc dù đã được chọn vào học Đại học Bách khoa. Đây được coi là một trong những quyết định quan trọng trong cuộc đời ông. Để chắc nghiệp vụ, Việt Long được cử đi học 6 tháng về báo chí. Sau đó, năm 1966, người phóng viên trẻ tuổi bắt đầu tác nghiệp tại một số tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Dương, Sơn La.
Nhưng mãi đến năm 1968 mới là năm thay đổi lớn trong cuộc đời Việt Long khi ông xung phong đi B làm phóng viên chiến trường. Quãng đường mà ông phải đi qua là quãng đường rừng Trường Sơn hoang vu, hẻo lánh. Nhưng vì một lòng hướng đến ngày thống nhất đất nước mà ông và đồng đội đã vượt qua nhiều gian khổ đến được chiến trường Trung Trung Bộ và Tây Nguyên. Để đến được Ban Tuyên huấn Khu 5, ông phải theo xe mất 10 ngày về vùng đất Quảng Bình; sau đó phải đi bộ mất 2 tháng 20 ngày. Cuộc hành quân của ông bắt đầu từ ngày 30-4-1968.
Đó là quãng thời gian băng rừng lội suối, nghe tiếng chim hót líu lo và tiếng thú rừng gầm rú đêm ngày. Nguy hiểm nhất là “mưa bom bão đạn”, bệnh sốt rét kinh niên, những con vắt, con đỉa hành ha” thân xác. Chỉ có sự quả cảm và ý chí sắt thép mới có thể giúp Việt Long và đồng đội đi qua một chặng đường dài gồm các tỉnh Quảng Đà (gồm Đà Nẵng và Quảng Nam ngày nay), Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk.
Nhiều lần ‘‘thừa sống thiếu chết”
Khi đến được Ban Tuyên huấn Khu 5, Việt Long đã ở lại đây 3 năm. Trong quãng thời gian này đã giúp ông học hỏi được nhiều về nghiệp vụ và cuộc sống. Nhưng đó cũng là quãng thời gian mà ông không thể quên được vì sự gian khổ, khó khăn mà ông và đồng đội đã vượt qua. Công việc hằng ngày của người phóng viên là ghi lại những bản tin ngắn phát trên đài phát thanh để tuyên truyền cho các chiến sĩ ngoài mặt trận.
Ngoài những giờ làm việc chuyên môn, ông còn cùng 4 - 5 đồng đội đến các kho lương thực của ta đóng rải rác dọc đường Trường Sơn để gùi sắn, cõng khoai… về cơ quan. Đây là công việc không hề dễ dàng chút nào, nhất là mỗi khi phải đi một mình. “Lúc ấy, tôi chỉ nặng 41kg, cao 1m60, đi dép cao su, nhưng phải mang theo ba lô, khẩu súng lục K54, đi nhanh nhất là một ngày, có khi phải mất đến 3, 4 ngày, khi về phải đeo trên lưng đến 40kg lương thực. Những lúc mệt lả, tôi lại mắc võng, ôm súng nằm ngủ giữa rừng”, ông Long kể.
Bắt đầu từ năm 1971, Việt Long được Ban Tuyên huấn Khu 5 cử đi thực tế lấy tin. Từ đây, người phóng viên trẻ không quản ngại khó khăn, “đi cùng nhân dân, sống cùng nhân dân”, tham gia nhiều cuộc nổi dậy của người dân tập kích, vây đánh đồn bốt địch. Trong quãng thời gian này, Việt Long đã có những bài viết xuất sắc như: “Tam Quan, những ngày nổi dậy”; “Hoài Nhơn, bão táp và ngày mùa”... Đây là những bài biết được phóng viên lấy tư liệu thực tế tại huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định).
Ông Phạm Việt Long bây giờ. |
Các bài viết một thời của Phạm Việt Long đã nói lên được cái không khí sôi động, ý chí chống giặc ngoại xâm của người dân huyện Hoài Nhơn. Nhiều bài báo của ông còn được đọc trên đài phát thanh. Phải thật sự dũng cảm, dám xả thân vì nước thì ông mới có thể lăn lộn ngoài chiến trường để vui cùng nhân dân và để đau cùng nhân dân, mà từ đó mới có được những bài báo để lại ấn tượng rõ nét trong lòng nhiều người, như bài viết về Anh hùng Bùi Đức Sơn, Trương Văn Hòa... đã toát lên được vẻ anh hùng của những chiến sĩ Giải phóng quân.
Trong chiến tranh, những chiến sĩ và những phóng viên chiến trường như ông Long đã coi cái chết “nhẹ như lông hồng”, nên bất kỳ khó khăn gian khổ nào họ cũng không quản ngại để hoàn thành nhiệm vụ. Nói là phóng viên, nhưng ông Long vẫn tham chiến cùng nhân dân như bao người ra trận khác. Nên có nhiều lúc, ông chỉ còn cách bàn tay tử thần trong gang tấc. Một lần ông cùng người dân xã Hoài Châu (huyện Hoài Nhơn) đánh đồn An Quý, do trang bị vũ khí lúc đó của quân ta chưa có súng B40 nên quân ta không thể phá được khẩu đại liên của địch. Trong lần đánh đồn địch này, hầu hết chiến sĩ du kích của ta đều hy sinh, may mắn cho ông Long vẫn trở về bình an vô sự.
Một lần khác, ông đi cùng nhân dân vây đồn 10. Trong thế bị bao vây, giặc đã dùng đạn cối bắn lại đội quân của ta. Trong lúc tác nghiệp, Việt Long đã bị ảnh hưởng từ quả đạn cối nổ sát người, nhưng do đứng ở chỗ trũng nên ông chỉ bị ngã gục một lúc rồi tỉnh lại sau khi được người dân sơ cứu kịp thời. Đó là hai trong nhiều lần mà chàng phóng viên đã thoát chết khỏi “mưa bom bão đạn”.
Khi kể lại những lần thoát chết, ông Long vẫn còn đó chút rùng mình, cũng như nghẹn giọng lại. Bởi khi những ký ức trên khơi dậy là biết bao hình ảnh những đồng đội đã ngã xuống trước mắt ông. Còn gì buồn hơn khi phải chứng kiến chuyện đau lòng này. Ngoài những mối nguy đến từ bom đạn, Việt Long và đồng đội thường mắc bệnh sốt rét kinh niên do những lần đi xuyên rừng. Bản thân ông Long cũng đã mấy lần như muốn “từ giã cõi đời” như chơi vì căn bệnh sốt rét.
Nhưng khi ý chí luôn hướng đến ngày toàn thắng, ông lại cố gắng đánh gục bệnh tật, và ông đã giành chiến thắng về tay mình. Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, nhưng không khi nào ông nguôi quên những ngày ở chiến trường, và tấm lòng chân tình mà nhân dân Trung Trung Bộ dành cho ông và đồng đội. Với ông, đó là nỗi nhớ, nhưng đó cũng là động lực để ông cố gắng sống tốt, cố gắng làm việc để cống hiến sức lực cho cuộc đời tươi đẹp phía trước.
Phạm Việt Long là một nghệ sĩ đa tài, ông viết văn, viết nhạc, làm báo, và là một nhà nghiên cứu văn hóa. Ông từng là phóng viên chiến trường trong giai đoạn 1968-1975. Qua cuộc chiến này, ông viết bộ “Bê trọc”(Ba tập - đoạt Giải B về văn xuôi do Ủy ban toàn quốc LH VHNT Việt Nam trao năm 2000 cho tiểu thuyết tư liệu) - tác phẩm được Đài Truyền hình Việt Nam dựng phim 4 tập với tên “Nhật ký chiến trường”. Ngoài những tác phẩm văn học khác như “Âm bản”, “Du khảo Hoa Kỳ”, “Giã từ”, “Ngờ vực”, Phạm Việt Long còn được biết đến là một nhạc sĩ của những bài hát quen thuộc: Miền quê, Giàn thiên lý, Sao anh lại nhìn em, Giấc mơ, Nhớ nắng, Chiều Quy Hòa, Biển vắng… |