Hồi kết của một băng nhóm bảo kê núp danh nghĩa “tổ bốc xếp”

Chủ Nhật, 09/12/2018, 08:17
Như là một quy định bất thành văn tại chợ Long Biên khi vụ việc còn chưa được phanh phui, các tiểu thương chở hàng vào chợ sẽ mất vài trăm nghìn đồng cho mỗi xe tùy theo trọng tải. Số tiền này sẽ được một nhóm người đi thu, dưới danh nghĩa tổ bốc xếp của chợ.


Tuy nhiên, theo quy định của nhà nước, mỗi xe hàng lẽ ra chỉ mất vài chục ngàn tiền vào cổng. Nhưng nếu không làm theo “luật”, tiểu thương sẽ phải đối mặt với sự đe dọa, chửi bới và triệt phá đường làm ăn...

"Sóng ngầm" chợ Long Biên

Trước khi tình trạng bảo kê được đưa lên mặt báo, chợ Long Biên (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) chỉ được biết đến như một khu chợ đầu mối, bán buôn các loại hoa quả, hải sản, rau củ... và chỉ hoạt động nhộn nhịp về đêm. Cứ sau 6h tối, cả khu chợ sáng đèn và cuộc sống về đêm của hơn 1.000 tiểu thương lại tấp nập hơn bao giờ hết.

Đối tượng bảo kê đi thu tiền của tiểu thương.

Nhưng mấy ai biết, đằng sau vẻ sôi động ấy là cả một nỗi sợ hãi bao trùm bởi hoạt động bảo kê của những “ông trùm” thật sự của khu chợ. Tiểu thương nhiều lần kêu cứu bởi sự lộng hành của đám người hoạt động giống như xã hội đen này, nhưng dường như mọi nỗ lực của họ đều rơi vào tuyệt vọng. Hằng đêm, họ vừa phải nai lưng ra buôn bán kiếm sống nuôi gia đình, nuôi bản thân lại vừa phải “nuôi” cả những kẻ đến thu tiền, dọa nạt.

Theo một tiểu thương cho biết, quy định cho mỗi xe hàng khi vào cổng chợ chỉ mất từ 15.000-60.000 đồng/lượt xe, tùy theo trọng tải, xe nào vào trước thì đỗ trước. Khi đã mua vé cổng, ban quản lý chợ có trách nhiệm hỗ trợ tiểu thương điều tiết và sắp xếp chỗ đỗ.

Tuy nhiên, mỗi xe hàng vào chợ, tiểu thương phải trả từ 200.000-350.000 đồng/lượt. Đây là thứ tiền không hề có trong quy định hay bất kỳ loại văn bản giấy tờ nào của chợ. Số tiền này cũng được “hợp thức hóa” là tiền bốc xếp và nhóm bảo kê dựa vào đó để thách thức cơ quan chức năng.

Tổ bốc xếp do Hưng “kính” cầm đầu trong một buổi “giao ban”.

Trên thực tế, các tiểu thương dù có nộp tiền bốc xếp rồi vẫn phải có người bốc dỡ hàng hóa riêng. Cuối buổi, tay chân của nhóm bảo kê chỉ việc đến thu tiền. Nhà nào ít xe thì đóng theo buổi, nhà nào nhiều xe thì đóng theo quý, theo năm. Qua điều tra xác minh, những người thu tiền này là nhân viên của tổ bốc xếp chợ Long Biên. Tổ bốc xếp này do Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”) quản lý với danh nghĩa Tổ trưởng tổ bốc xếp.

Theo thông tin của Ban quản lý (BQL) chợ Long Biên, những người trong tổ bốc xếp chỉ được kí hợp đồng thời vụ với thời hạn 1 năm, nhưng trong những lần quấy rối tiểu thương buôn bán, những đối tượng này luôn tự xưng mình là “người nhà nước”, đại diện cho BQL chợ. Trong việc đi thu tiền, không bao giờ thấy sự xuất hiện của Hưng “kính”, mà thay vào đó là một loạt những người thân cận của Hưng trong tổ bốc xếp là Lê Thanh Hải (tức Hải “gió”), Nguyễn Mạnh Long (tức Long “cao), Dương Quốc Vương (tức Vương “lợn).

Tuy nhiên qua ghi nhận, vào mỗi buổi sáng, Hưng “kính” lại xuất hiện để họp “giao ban” và chỉ đạo những đối tượng này. Cũng trong những buổi “giao ban” này, các đối tượng bắt đầu kiểm đếm số tiền thu được trước đó.

Bức xúc trước những khoản tiền quái đản này, chị T.N - một tiểu thương của chợ cho biết: “Được BQL chợ giao cho quyền sinh quyền sát trong việc bố trí chỗ đỗ xe, ông Hưng xé lẻ các vị trí ra và bán cho tiểu thương với giá cắt cổ. Từ năm 2010-2016, vợ chồng tôi đã nộp từ 100 - 200 triệu đồng/năm nhưng đều không có hoá đơn chứng từ gì. Riêng năm 2017, ông Hưng nhận của tôi 710 triệu đồng, nhưng chưa được nửa năm, ông ta đã đuổi xe của nhà tôi khỏi bãi để cho xe của nhà khác lên đỗ...”.

Còn theo anh H., một tiểu thương khác cho biết, khi có thái độ phản ứng trước những khoản thu bất minh, anh còn bị đối tượng Hải “gió” thách thức: “Mày làm đơn lên Trung ương ấy, bọn tao là người hạ hàng cho mày...”.

Những trò bẩn triệt hạ tiểu thương

Phí chồng phí, không bốc xếp mà vẫn phải trả tiền nên đôi khi có những tiểu thương cảm thấy bức xúc, không đồng ý những khoản tiền vô lý. Cái kết của những tiểu thương dám “lệch sóng” như vậy thường là phải nhận sự chèn ép, ngăn chặn không thể kinh doanh buôn bán từ nhóm bảo kê núp bóng tổ bốc xếp này.

Mỗi khi xe chở hàng hóa của các tiểu thương đi vào chợ, lập tức bị nhóm đối tượng này dùng mọi thủ đoạn ngăn chặn. Những tiểu thương cố tình cho xe vào bãi để hạ hàng, Long "cao” và Hải "gió" dẫn theo đàn em đến giở đủ chiêu trò phá hoại không cho xe hàng của họ bốc dỡ. Đáng nói, với những tiểu thương kinh doanh hoa quả, việc chậm bốc dỡ hay không được bốc dỡ đồng nghĩa với việc ế, hỏng hàng và thiệt hại hàng chục triệu đồng mỗi xe.

Thủ đoạn hoạt động của nhóm đối tượng này công khai nhưng lại vô cùng tinh vi. Không dùng đến nắm đấm, vũ khí... như các nhóm đối tượng xã hội đen thường thấy, sau khi thấy có xe hàng vào bãi, một số đối tượng được sai trèo lên thùng xe cản trở nhân viên của tiểu thương bốc hàng và tiện thể “hợp thức hóa” việc thu tiền bốc xếp.

Nếu gặp sự phản đối từ tiểu thương, nhóm bốc xếp này lại giở trò chửi bới, nhục mạ, khích bác để các tiểu thương phản kháng. Các đối tượng liên tục cản trở việc buôn bán của tiểu thương bằng cách gây náo loạn tại chỗ đỗ xe, đem xe khác ra chặn ki ốt, vứt cá thối bên cạnh quầy...

Từ những hình ảnh ghi nhận được, đối tượng Hải “gió”, một kẻ vô cùng manh động trong tổ bốc xếp đã lớn tiếng chửi bới tiểu thương phản kháng và bịa đặt cho những người này đủ mọi hành vi xấu xa. Đã có lần, Hải “gió” dùng tay vít cổ một người có hành vi “chống đối” khiến anh này suýt ngã đập mặt xuống đất.

Để cho các nạn nhân phải sợ hãi, không dám lên tiếng, Hưng “kính” và đàn em thường xuyên tung thông tin đến tai các tiểu thương rằng, bọn chúng có mối quan hệ mật thiết với Công an, chính quyền các cấp, báo chí, đặc quyền bán bến bãi đỗ xe...

Nên dù biết việc các đối tượng trong tổ bốc xếp thu tiền một cách tùy tiện, không chịu sự kiểm soát, giám sát của bất kỳ ai, bất kỳ cơ quan nào nhưng các tiểu thương vẫn phải ngậm đắng nuốt cay thực hiện theo yêu cầu của chúng.

Hồi kết của những kẻ bảo kê

Sau khi vụ việc được báo chí phanh phui vào khoảng giữa tháng 9-2018, những mảng tối của chợ Long Biên dần được bóc gỡ, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc để tiến hành điều tra. Chỉ sau đó khoảng 10 ngày, vào ngày 30-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại chợ Long Biên.

Thực nghiệm lại hiện trường vụ việc.

Vụ việc này khiến nhiều người phẫn nộ trong một thời gian dài, được đưa ra làm chủ đề bàn luận tại nhiều cuộc họp, hội nghị và là vấn đề thắc mắc của một số Đại biểu Quốc hội trong những lần lên nghị trường. Lãnh đạo Bộ Công an, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã giao Công an TP Hà Nội chủ trì cùng Công an quận Ba Đình khẩn trương điều tra, làm rõ sự việc.

Sau hai tháng điều tra, ngày 5/12, VKSND TP Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, phê chuẩn lệnh tạm giam đối với 3 bị can gồm: Dương Quốc Vương (SN 1968, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), Nguyễn Mạnh Long (SN 1962, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Lê Thanh Hải (SN 1963, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Các đối tượng này đã bị Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170, Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Đêm 2/12, nhóm phóng viên thực hiện loạt phóng sự điều tra vụ bảo kê ở chợ Long Biên nhận được tin nhắn qua điện thoại (số máy lạ) đe dọa giết cả gia đình. Trước sự việc này, Chánh văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Lương Tam Quang cho biết, với thông tin hai nữ phóng viên thực hiện điều tra tình trạng bảo kê ở chợ Long Biên bị nhắn tin dọa giết, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội điều tra, làm rõ thông tin.

Chiều 5/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm đối tượng đe dọa và có các biện pháp cần thiết, phù hợp để bảo vệ an toàn cho phóng viên, người tố giác tội phạm và những người liên quan.

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội báo cáo kết quả điều tra, xử lý các đối tượng, tổ chức, cá nhân vi phạm trong vụ bảo kê ở chợ Long Biên lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/12.

Hiền Đinh
.
.
.