Hình tượng người chiến sĩ Công an được khắc họa đậm nét
Nhắc đến các kỳ liên hoan nghệ thuật hay sân khấu diễn ra trong những năm qua ở nước ta, ai cũng biết có một thực tế rằng tất cả các liên hoan đều mở rộng cửa. Tuy nhiên, hầu hết các liên hoan (Liên hoan ca trù toàn quốc 2014 là một ví dụ) đều thưa vắng khán giả. Nói như vậy để ta thấy rằng, không phải cái gì miễn phí dân mình cũng ham. Họ cũng có tiêu chí lựa chọn và có cái "tinh" của mình. Vì vậy việc Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ trong suốt nửa tháng qua, gần như ngày nào cũng kín rạp đã cho ta thấy sức hút của Liên hoan sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sỹ CAND" lần thứ III đối với khán giả yêu nghệ thuật sân khấu.
Để cống hiến những giây phút thăng hoa cho khán giả, các nghệ sỹ của 27 vở diễn tham gia liên hoan lần này đã luyện tập chăm chỉ và đầu tư khá kĩ lưỡng. Ngoài đề tài "đinh" là hướng đến hình tượng người chiến sỹ CAND, nhiều vở diễn còn mở rộng phạm vi đề tài đến nhiều vấn đề lớn của đời sống đương đại như đạo đức suy đồi, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, trộm cướp, giết người…
"Không phải là vụ án" - vở diễn khai mạc Liên hoan của Đoàn Kịch nói CAND. |
Không chỉ tạo độ giãn cần thiết trong tiếp cận đề tài đối với người xem, việc đa dạng hóa đề tài đã làm cho hình ảnh người công an không còn đơn độc trên sân khấu của nghệ thuật biểu diễn, không còn bị gắn mác "chính trị" khô khan, giáo điều mà đã được ráp vào tổng thể đời sống xã hội nên sinh động, gần gũi, chân thực. Hình tượng người chiến sỹ CAND đã được khắc họa đậm nét và nhận được nhiều tình cảm của người xem.
Bà Vũ Thúy Duyên, 70 tuổi, cho biết, nhóm bạn của bà có tới 20 người làm nhiều nghề và ở nhiều nơi khác nhau nhưng đã rủ nhau đến cùng một địa chỉ là Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ để xem liên hoan này. Nói về hình tượng người chiến sỹ CAND, bà cho biết, mặc dù đây là một đề tài được mặc định là “khô cứng” nhưng bà khá bất ngờ khi theo dõi nhiều vở diễn trong kỳ liên hoan năm nay. Hình tượng người chiến sỹ CAND hiện lên trong các tác phẩm chân thật. Họ được khắc họa một cách giản dị, không đao to búa lớn và đi sâu vào những góc khuất đời thường. Bà bảo: "Trong tổng số 27 vở thì tôi chỉ đi xem được khoảng 2/3 số vở. Tôi cảm thấy rất tiếc vì mình không thể đi xem được tất cả".
Ông Phạm Ngọc Luân, 68 tuổi, lại đánh giá vở nào cũng để lại một ấn tượng sâu sắc cho khán giả. Có những vở diễn gây xúc động mạnh cho người xem. "Hình tượng người chiến sỹ CAND hiện lên trong các tác phẩm tham gia Liên hoan vừa đủ, không biểu cảm cứng nhắc, nhất là những lời thoại của các vở kịch". Ông bảo, còn một vở diễn nữa, ông sẽ cố gắng thu xếp để đi xem cho bằng được, nếu không xem thì phí lắm.
Không chỉ thu hút người lớn tuổi, khán giả của Liên hoan sân khấu về "Hình tượng người chiến sỹ CAND" lần thứ III còn được trẻ hóa. Bạn Nguyễn Ngọc Lan, vừa tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội kể, trước đây, mình không thiện cảm về hình ảnh người Công an lắm. Tuy nhiên, sau khi xem một số vở, mình hiểu thêm về người chiến sỹ CAND, hiểu thêm về những vất vả, hi sinh thầm lặng của họ, hiểu thêm về tâm tư cũng như góc khuất của họ. Trong những vở mình xem, mình thích nhất "Dư chấn" và "Phía sau tội ác"… Vở "Ai là thủ phạm" cũng rất ấn tượng. Đặc biệt, lần đầu tiên mình xem một vở cải lương rất thú vị "Nguồn sáng phía chân trời". Nhiều khán giả trong đó có mình đã khóc vì nhiều đoạn rất cảm động. Mình thấy một góc nhìn khác về Công an, họ là những chiến sĩ - nghệ sĩ. Nói chung, mình không hối hận vì đã bỏ thời gian để đi xem”.
Khán giả ở lại rất lâu khi vở "Phía sau tội ác" của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ Thành phố Hồ Chí Minh khép màn. Những tràng pháo tay không dứt. Nhiều người lưu luyến không muốn ra về. NSƯT Mỹ Uyên khóc vì cảm động. Chị nói: "Khán giả là phần thưởng lớn nhất đối với những người làm nghề như chúng tôi". Có lẽ đó là điều lắng lại sau một kỳ liên hoan.
Ở góc nhìn của Hội đồng nghệ thuật - quy tụ những cây đa cây đề trong làng sân khấu như Giáo sư Tất Thắng, NSND Hồ Ngọc Giàu, NSND Lê Hùng, nhà văn Xuân Đức, đã có những đánh giá cao về liên hoan này. Chúng tôi xin trích đăng ý kiến của một số thành viên Hội đồng giám khảo.
NSND Lê Hùng: Khán giả sẽ hiểu hơn về công an
Tôi đánh giá cao liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an. Cái được lớn nhất của liên hoan này là đã đưa được hình tượng người chiến sĩ Công an lên sân khấu, để khán giả hiểu, thông cảm, chia sẻ với họ nhiều hơn. Các vở diễn được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, từ một anh quản giáo, từ một chiến sĩ Cảnh sát hình sự, hay một người Công an xã bình thường. Nhưng ở họ đều ẩn chứa sức nặng của tình người, lòng trắc ẩn. Nhiều vở đã thoát khỏi cái nhìn khô cứng một chiều ngợi ca Công an, họ đi sâu vào ngóc ngách tâm tư tình cảm, những góc “con người” nhất của các chiến sĩ Công an.
Trước khi khoác trên mình bộ sắc phục tưởng chừng khô cứng đó, họ là những con người, có nỗi buồn, niềm vui, có đau khổ, hạnh phúc. Hội diễn này tạo điều kiện cho người dân hiểu và thương Công an nhiều hơn. Bởi nhiều khi người dân chúng ta chỉ thấy những tiêu cực của Công an mà không hiểu được sự hy sinh âm thầm của họ cho cuộc đời này bình yên.
Điều thành công ở hội diễn này là đã quy tụ được nhiều sân khấu chuyên nghiệp tham gia. Các nhà hát đã đem đến tấm lòng thông cảm, tình yêu với Công an trong các tác phẩm của mình. Từ tình yêu ấy sẽ truyền đến cho khán giả. Điều đó có ý nghĩa hơn tất cả những lời nói.
Từ trái sang: NSND Lê Hùng, NSND Trần Ngọc Giàu, nhà văn Xuân Đức. |
NSND Trần Ngọc Giàu: Họ làm không chỉ để đi thi
Tôi đánh giá cao thành công của hội diễn này. Nó có sự phóng khoáng thoải mái của một kỳ liên hoan, không bị quá áp lực về vấn đề thi cử. Rất nhiều vở đã được dựng không phải chỉ mục đích đi thi, chứng tỏ đề tài Công an có sức hấp dẫn sân khấu. Họ quan tâm đến đề tài này không phải vì giải thưởng, không vì mục đích đi thi, mà vì sức hút của đề tài. Nhiều vở đã được diễn hàng đêm ở các nhà hát như "Ai là thủ phạm", "Dư chấn", "Kẻ máu lạnh", "Phía sau tội ác"... đưa đề tài tưởng như khô cứng, chính trị này đến gần với công chúng. Đây là một nét nổi bật của kỳ liên hoan.
Tôi nghĩ, so với Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc ở Thanh Hóa thì khoảng cách không xa lắm. Các vở diễn đã đi sâu vào đời sống, tâm tư của các chiến sĩ Công an, những bi kịch, những nỗi đau mà họ phải đối mặt, chứ không đơn thuần chỉ là những chiến công. Đó là cách tiếp cận nhân văn, khiến tác phẩm đời hơn, chân thực hơn, mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Đặc biệt, sân khấu miền Nam vốn mạnh về những vấn đề giải trí, nhưng đã đưa được hình tượng người chiến sĩ Công an vào, và thu hút người xem, đó là một thành công, mở ra một hướng đi mới cho sân khấu miền Nam. Hội diễn lần này giúp các nghệ sĩ đúc rút nhiều kinh nghiệm để xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an trọn vẹn hơn, thấu đáo hơn.
Nhà văn Xuân Đức: Đây là những tác phẩm trọn vẹn về cuộc sống đương đại
Nhìn chung, tôi thấy các đoàn tham gia một cách cực kỳ nhiệt tình và hầu hết là vở mới, sáng tác, dàn dựng mới. Càng xem càng hiểu thêm, càng có nhiều cảm tình và quý mến hơn người chiến sỹ Công an, chứng tỏ các vở diễn đã đạt được yêu cầu mà Liên hoan nghệ thuật sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân đặt ra.
Qua các vở diễn về hình tượng người chiến sỹ Công an, đương nhiên là ngoài việc phản ánh chủ đạo những chiến công, nỗi gian khổ vất vả của người chiến sỹ Công an thì kỳ thực là đang đụng đến những vấn đề lớn của xã hội: những vấn đề nóng của thời cuộc, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, trộm cướp, giết người… Nó không khác gì những tác phẩm trọn vẹn về cuộc sống đương đại. Bản thân tôi với tư cách là một nhà văn, nhà viết kịch và cũng đã viết về lực lượng Công an thì cũng đã có một cái nhìn tổng thể hơn. Những cuộc quy tụ như liên hoan này đã "kích hoạt" được các nhà viết kịch, các đạo diễn, các nhà hát, các đoàn nghệ thuật, các diễn viên cùng sáng tác và biểu diễn về lực lượng Công an, làm phong phú và sâu sắc hơn những vấn đề của nghệ thuật.