Hiểu về cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ Hai, 19/02/2018, 12:12
Cỗ máy hơi nước đầu tiên của nhân loại do Thomas Newcomen phát minh (năm 1712) đã giúp nước Anh đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nửa đầu thế kỷ 18, tạo điều kiện cho sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ nhất, thay thế sức lao động chân tay bằng máy móc.


Động cơ hơi nước đã mang nhân loại đến với thời đại cơ khí. Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất của động cơ hơi nước là đòi hỏi hệ thống truyền động rất cồng kềnh. Nhược điểm này đã được khắc phục khi con người tìm ra động cơ đốt trong và động cơ điện, mang lại cuộc CMCN lần thứ hai (1831-1914).

Bắt đầu từ cuối những năm 1950, thế giới chuyển đổi công nghệ từ cơ khí và điện tử analog sang điện tử kỹ thuật số, với việc ra đời và phổ biến của máy tính kỹ thuật số và cách lưu trữ dữ liệu số. Điều này được xem là sự mở đầu cho một kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên số, và cũng là cuộc CMCN lần thứ ba.

Trên nền tảng CMCN lần thứ ba với điện tử, công nghệ thông tin và tự động hóa sản xuất, một cuộc CMCN mới đã hình thành, được gọi là Insdustry 4.0, hay CMCN lần thứ tư. Cuộc cách mạng này là sự hợp nhất của các thành tựu khoa học kỹ thuật, xóa bỏ ranh giới các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học.

Siêu tự động, siêu kết nối

Cuộc CMCN thứ tư đang được thúc đẩy bởi siêu tự động hóa (extreme automation) và siêu kết nối (extreme connectivity). Đầu tiên, siêu tự động hóa sẽ mở rộng phạm vi các công việc có thể làm bằng tự động hóa, không chỉ các công việc kỹ năng thấp (lao động phổ thông) mà còn đối với các công việc kỹ năng trung bình. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là một tính năng phổ biến của cuộc CMCN thứ tư. Siêu tự động hóa cộng với AI sẽ khiến việc tự động hóa phát triển mạnh hơn nữa, thậm chí với những kỹ năng trước đây chỉ có con người sở hữu.

AI sẽ phát huy thế mạnh tốt nhất trong việc xử lý dữ liệu lớn (big data), có thể bao gồm việc xử lý ngôn ngữ và hình ảnh, vốn vẫn là giới hạn của máy tính cho đến nay. Siêu tự động hóa cực đoan có thể cho phép sự tham gia của robot và các cỗ máy có trí thông minh nhân tạo vào hoạt động sản xuất, phân tích kết quả, đưa ra các quyết định phức tạp và ứng dụng những kết luận vào môi trường...

Siêu kết nối thông qua sự phổ biến của internet vạn vật (internet of things) và điện toán đám mây sẽ cho phép việc truyền thông tin và giao tiếp phổ quát, toàn cầu và gần như tức thời. Nó là tiền đề ra đời những mô hình kinh doanh mới và mở ra những cách thức cung cấp hàng hóa, dịch vụ mà trước đây là điều không tưởng. Thật vậy, ứng dụng taxi Uber chỉ có thể xuất hiện khi việc sử dụng điện thoại di động có kết nối internet đã bùng nổ. Các dịch vụ như Facebook, WhatsApp, Pinterest, Snapchat Twitter và Instagram đã đóng một vai trò then chốt trong sự tương tác xã hội của các công dân trên toàn thế giới.

Siêu tự động hóa cũng có thể được kết hợp với siêu kết nối, cho phép hệ thống máy tính kiểm soát và quản lý các quá trình vật lý và phản ứng một cách “con người” hơn bao giờ hết. Đây là một sự dân chủ hóa khả năng giao tiếp giữa các chính phủ, các doanh nghiệp, con người và máy móc. Sự ra đời của "hệ thống mạng vật lý" có thể cho phép robot và các cỗ máy thông minh, nhờ siêu tự động hóa và khả năng kết nối, sẽ "vượt qua vực thẳm" giữa công nghệ - kỹ thuật, thế giới tự nhiên và thế giới con người.

Thúc đẩy tiến bộ

Giống như các cuộc cách mạng trước đây, cuộc CMCN thứ 4 hứa hẹn sẽ giúp gia tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trên toàn thế giới. Hiện nay, những người được hưởng lợi lớn nhất là người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận và sử dụng thế giới số. Công nghệ đã giúp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, từ đó tăng hiệu quả và thỏa mãn cuộc sống cá nhân của mỗi con người. Gọi xe taxi, đặt vé máy bay, mua sản phẩm, thanh toán, nghe nhạc, xem phim hay chơi trò chơi… tất cả đều có thể được thực hiện từ xa.

Trong tương lai, sáng tạo công nghệ cũng sẽ đổi thay kỳ diệu lĩnh vực cung cấp, với những lợi ích lâu dài về tính hiệu quả và năng suất. Chi phí vận chuyển và liên lạc giảm, dây chuyền hậu cần và cung cấp toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, chi phí thương mại được giảm thiểu. Tất cả những yếu tố đó sẽ mở ra những thị trường mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngày nay, một sản phẩm có thể được thiết kế trên máy tính và “sản xuất” bằng một máy in 3D bằng các lớp vỏ vật liệu chuyên dụng. Người ta dễ dàng thực hiện một thiết kế được số hóa như thế chỉ với vài thao tác click chuột. Máy in 3D có thể cho chạy tự do không cần người kiểm soát và có thể biến những thiết kế tưởng chừng quá phức tạp trở nên đơn giản và dễ xử lý cho các nhà máy truyền thống. Thời điểm hiện nay, những cỗ máy kỳ diệu này có thể tạo ra gần như mọi thứ, từ garage nhà bạn cho tới cả một ngôi làng ở châu Phi.

Phân cực lực lượng lao động

Dù các cuộc CMCN thường thổi bùng những lo ngại về thất nghiệp khi máy móc làm tất cả mọi việc, nhưng các nhà nghiên cứu của Ngân hàng UBS tin rằng việc giảm tổng số việc làm là không thể. Như đã đề cập, siêu tự động hóa và siêu kết nối có thể nâng cao năng suất những công việc hiện tại hoặc tạo ra nhu cầu về những công việc hoàn toàn mới. Có thể hiện nay chúng ta khó hình dung công việc trong tương lai sẽ như thế nào, nhưng các nhà nghiên cứu của UBS tin rằng tự động hóa cực cao và khả năng siêu kết nối thực sự có thể làm gia tăng nhu cầu việc làm "con người".

Tuy nhiên, trong ngắn hạn chắc chắn sẽ có tác động đối với lực lượng lao động. Một phần lực lượng lao động kỹ năng thấp (chẳng hạn công nhân trong các dây chuyền lắp ráp) vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tự động hóa cơ bản trong cuộc CMCN lần 3, nay có thể bị ảnh hưởng hơn nữa. 

Sự ra đời của "cobots", tức robot hợp tác có khả năng di chuyển và tương tác sẽ giúp các công việc kỹ năng thấp đạt năng suất nhảy vọt. Tuy nhiên, những người bị ảnh hưởng nặng nhất có thể là lực lượng lao động có kỹ năng trung bình. Cho đến nay, họ vẫn tin rằng công việc của mình không thể được thay thế bởi máy móc hay robot. 

Theo các nhà nghiên cứu thì sự phát triển của siêu tự động hóa và siêu kết nối, cộng với AI sẽ tác động đáng kể đến bản chất của các công việc tri thức.

Tự động hóa ban đầu sẽ ảnh hưởng đến công việc văn phòng, bán hàng, dịch vụ khách hàng và các ngành hỗ trợ. Quá trình robot tự động hóa, báo cáo tự động và trợ lý ảo sẽ trở nên phổ biến. Những tuyên bố nhỏ trong ngành bảo hiểm có thể không cần sự can thiệp của con người, hầu hết truy vấn khách hàng được trả lời tự động... 

Trong tài chính, "robot tư vấn" đã có trên thị trường. Trong ngành tư pháp, máy tính có thể nhanh chóng “đọc” hàng triệu email và cắt giảm chi phí điều tra. Và nếu có ít nhân viên trong một ngành nào đó, ngành đó cũng sẽ ít cần tới người quản lý. Sự kết hợp này có thể “giải phóng” một lượng lớn người lao động. Như vậy, lao động phổ thông và kỹ năng trung bình có thể phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao hơn trong thời gian tới, trừ phi họ có thể tự “nâng cấp” hay chuyển đổi.

Dễ dàng khởi nghiệp

Một đặc điểm khác của CMCN lần thứ 4 là số vốn đầu tư ban đầu có thể không lớn, nhưng lợi nhuận thu về cao. Thí dụ như trường hợp của WhatsApp, khởi đầu với một nhóm nhỏ nhà đầu tư, vốn bỏ ra cũng nhỏ nhưng đến nay đều được định giá rất lớn. Tháng 2-2014, Facebook đã đồng ý chi 22 tỷ USD cho công ty này, dù nó chỉ có 55 nhân viên. 

Trong khi đó, Hãng Hàng không United Continental của Mỹ có giá thị trường cũng 22 tỷ USD tính đến tháng 12-2015, nhưng có tới 82.300 nhân viên. Giá trị doanh nghiệp lên đến 400 triệu USD cho mỗi nhân viên như ở WhatsApp là thí dụ hiếm, nhưng nó làm nổi bật khả năng thu lời to lớn và sự bất bình đẳng có thể phát sinh từ các mô hình kinh doanh vốn thấp trong tương lai.

Một thí dụ khác là Airbnb và Uber. Việc phát triển ngày một rộng của internet vạn vật cho phép các công ty này tiếp cận tốt hơn với từng đơn vị, từ đó có thể theo dõi và đánh giá hiệu quả của họ trong thời gian thực. Như vậy, với CMCN lần 4, các doanh nghiệp có thể khởi nghiệp dễ dàng hơn, vốn ít hơn trong khi mang lại lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn hơn.

Tuy nhiên, siêu kết nối cũng làm tăng rủi ro an ninh mạng. Theo Symantec, năng lượng hiện nay là 1 trong 5 lĩnh vực bị tin tặc toàn cầu nhắm đến nhiều nhất. Năm 2012, Saudi Aramco đã phải mất cả tuần để sửa chữa hệ thông máy tính sau khi bị virus tấn công. Năm 2013, nhiều lưới điện của Áo và Đức bị đe dọa sau khi bị xâm nhập hệ thống mạng.

Trong lịch sử, các cuộc CMCN đều xảy ra với bất công gia tăng kéo theo hàng loạt những chuyển dịch lớn về chính trị cũng như thể chế. Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc cách mạng 4.0 sẽ có lợi cho tầng lớp giàu hơn là người nghèo, đặc biệt là những lao động trình độ thấp. Những biến đổi sâu sắc trong cơ cấu xã hội sẽ là điều tất yếu xảy ra.

Vĩnh Cẩm
.
.
.