Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ:

Hiện tượng "ngáo" mê tín đang tràn lan

Thứ Hai, 12/03/2018, 13:59
Tín ngưỡng chuyển thành mê tín là tình trạng luôn luôn diễn ra trong lịch sử. Khoa học bất cứ nơi đâu cũng bài trừ mê tín. Khi mà khoa học yếu đi thì mê tín tràn lên. Một thiết chế lấy khoa học kỹ thuật làm phương tiện phát triển đưa nhân dân đến hạnh phúc chắc chắn phải bài trừ được tệ nạn này.


Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ trả lời phỏng vấn CSTC về niềm tin đang bị biến tướng và sự "ngáo" mê tín đang tràn lan trong thời gian gần đây.

- Thưa ông, lại đến một mùa lễ hội và chúng ta lại phải chứng kiến rất nhiều câu chuyện đáng buồn. Tiêu biểu như nhiều chức sắc trong Giáo hội Phật giáo đã lên tiếng khẳng định tục dâng sao giải hạn không có nguồn gốc từ đạo Phật nhưng đêm 14 tháng Giêng, hàng chục nghìn người vẫn chen nhau tràn ra đường để được dự lễ dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh, rồi hiện tượng đốt vàng mã, rải tiền lẻ tràn lan tại khắp các đền chùa…

Người dân đi lễ hội không phải chỉ để cầu bình an mà cầu danh cầu lợi, cầu thăng quan tiến chức. Đấy có phải là niềm tin bị biến tướng chăng, thưa ông?

+ Việc dâng sao giải hạn là việc của thầy cúng chứ không phải của thầy chùa. Nhưng trong thực hành tín ngưỡng, nhiều tôn giáo có sự pha tạp nghi lễ. Người ta gọi đó là đa giáo tịnh hành (chứ không phải là "đồng nguyên" như nhiều người nhầm). Dâng sao mà giải được hạn là mê tín.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ.

Nhưng người mê tín thì nhiều hơn người không mê tín. Thành thử nhu cầu rất lớn. Điều này dẫn đến việc thực hành tín ngưỡng thì ít mà thúc đẩy mê tín tràn lan thì nhiều. Cái vòng xoáy đó vận hành đẩy xã hội vào tệ nạn mê tín tràn lan. Riêng việc dâng sao ở chùa Phúc Khánh, nó ảnh hưởng rõ ràng đến giao thông.

Vài mươi năm trước đây thì khác, nay giao thông quá tải thì việc ách tắc đã xảy ra nghiêm trọng khiến lực lượng công quyền phải vất vả bảo vệ cho người mê tín. Người tu hành đồng thời và trước hết phải là công dân gương mẫu. Làm ảnh hưởng cuộc sống cộng đồng thì họ phải nghĩ chứ. Hay vì tiền mà bất chấp?

Tín ngưỡng chuyển thành mê tín là tình trạng luôn luôn diễn ra trong lịch sử. Khoa học bất cứ nơi đâu cũng bài trừ mê tín. Khi mà khoa học yếu đi thì mê tín tràn lên. Một thiết chế lấy khoa học kỹ thuật làm phương tiện phát triển đưa nhân dân đến hạnh phúc chắc chắn phải bài trừ được tệ nạn này. Cần kiểm soát được tệ buôn thần bán Phật đang rất phát triển hiện nay.

- Tôi có một băn khoăn rằng, lẽ ra xã hội càng hiện đại, phát triển  thì con người ta càng tiệm cận hơn với sự văn minh. Còn ở ta, thực trạng ở các lễ hội cho thấy  là sự cuồng tín, thậm chí mê  muội. Như chuyện dở khóc dở cười khi hàng trăm người dân ra xem, thậm chí thắp nhang cúng bái một con cá nổi lên rồi lặn xuống ở Nghệ An vì tin đó là cá thần chẳng hạn?

+ Chuyện hàng trăm người xúm quanh một con cá chép "ngáo điện" vật vờ và thậm chí có người còn thắp hương là một ví dụ điển hình cho sự mê tín mê muội. Lễ hội là nơi tập trung đông người nên hiện tượng mê tín ở đó cũng tập trung và đôi lúc bùng phát.

Cảnh tượng chen chúc ở các đền, chùa nổi tiếng.

Còn trong cuộc sống, người ta mê tín nhiều lắm. Có lúc, trên địa bàn một tỉnh, mọc ra hàng trăm nơi làm "ngoại cảm" tìm mộ liệt sĩ. Rồi đánh nhau, rồi hạ nhiệt và nay đã im lìm. Nghĩ lại thì lắm chuyện dở khóc dở cười hơn. Có cả làng đánh đề góc nào cũng thắp hương, thấy sự gì cũng lẩm bẩm đoán số, rồi tin vào thầy đoán đề. Tả tơi tất cả. Buồn cười lắm.

Thời gian trôi về tương lai không đồng nghĩa với sự phát triển đến văn minh. Mỗi nền văn hóa có những lựa chọn khác nhau. Có nhiều quốc gia lựa chọn mê tín và cũng nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa trong số đó đã vĩnh viễn tàn lụi trong lịch sử, để lại những phế tích thờ tự, cầu cúng. Vậy, mê tín và chống mê tín luôn luôn là vấn đề thời sự khi muốn xây dựng một xã hội văn minh, hạnh phúc cho mọi người.

- Vậy theo ông, có hay không nhiều người lợi dụng nhận thức không đầy đủ và sự cuồng tín của người dân để thổi vào đó câu chuyện tâm linh không có thật rồi đẩy lên thành trục lợi? Chúng ta đang khủng hoảng niềm tin hay đó là chiêu trò của những kẻ "kinh doanh tâm linh".

+ Từ khi có nghề thầy cúng thì đã có trục lợi dựa trên mê tín. Việc buôn thần bán thánh ngày nay lại càng tinh vi và "đẳng cấp" hơn khi nhiều lúc giới học thuật, giới trí thức được người ta dùng lợi lộc kéo vào cuộc.

Tôi có tham gia một số hội thảo về di tích lịch sử hoặc các hệ thống tín ngưỡng nên tôi chứng kiến nhiều người đã bán lương tri khoa học cho những cú áp phe đó. Người ta sẵn sàng làm giả tư liệu, đọc sai hiện vật, thổi phồng giá trị... theo một sự nhờ vả hoặc giật dây nào đó. Và thế là trực tiếp hoặc gián tiếp trục lợi hoặc ăn theo.

Trí thức mà tham gia vào những chuyện như vậy thì ảnh hưởng của họ lớn lắm, dân theo ầm ầm rồi bán bò bán đất mà cầu cúng. Giữa hội thảo về Mẫu giáo (Đạo Mẫu), tôi từng nghe một "nhà nghiên cứu" nói: "Có cần gọi Mẫu Âu Cơ lên dặn dò không, chúng tôi sẽ gọi ngay cho". Thật là mê muội.

- Có những con số khiến chúng ta giật mình như việc đổ hàng ngàn tỷ đồng đốt vàng mã hằng năm, cho thấy một sự lãng phí tiền bạc và lãng phí cả niềm tin thưa ông?

+ Sự lãng phí tiền bạc đã đành, cái cơ bản nhất là theo đòi, ganh đua nhau để biến xã hội thành một xã hội mê muội. Khi chúng ta thừa hưởng các tiện nghi hiện đại như điện nước, xe cộ, vải vóc, thuốc men, máy móc, truyền thông thông tin... cái đó không thể mê tín mà có được.

Chúng ta làm sao bán cái mê tín của mình cho nước ngoài để tăng trưởng, để xây dựng một xã hội dân giàu nước mạnh được. Hay ta mãi mãi là một thị trường đủ thứ bà rằn của nước ngoài. Cái mà nhiều người đốt đó thì mấy phần trăm là do chúng ta đã làm ra cho ông bà tổ tiên? Chính cái nơi họ chả đốt vàng mã họ làm ra nhà lầu, xe hơi, máy bay... để ta học theo hình ảnh mà đốt đấy. Họ thông minh hơn và văn minh hơn rồi. Sự mê muội tràn lan mới là điều đáng sợ nhất.

- Nguồn gốc của nhiều lễ hội đó là những hội làng để tưởng niệm các vị anh hùng dân tộc, là nơi người dân gặp gỡ, giao lưu, với niềm tin bình an, đi lễ đầu năm là một nét văn hóa của người Việt. Còn bây giờ, các lễ hội đang bị biến tướng, hiểu sai. Và tâm thế của người đi lễ hội đã khác?

+ Là một thực thể luôn luôn vận động, khó nói về một cái "tướng" nguyên mẫu hoặc ổn định của lễ hội mà chỉ có thể nói đến những giá trị đã trải qua thử thách thời gian, được chúng ta thừa nhận và bảo tồn hoặc phát huy theo hướng ngày càng văn minh hơn, nhân bản hơn.

Thời nào, tâm thế người đi hội cũng phức tạp, đa dạng, không phải ai cũng như ai. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh thì tâm thế cũng khác nhau. Có điều là, gần đây, người ta cầu cúng mê tín nhiều quá nên cạnh tranh nhau quyết liệt và nảy sinh nhiều tiêu cực ở các lễ hội lớn. Đây là điều cần phải chấn chỉnh.

- Ranh giới giữa niềm tin và sự mê muội, cuồng tín rất mong manh. Theo ông, làm thế nào để giữ được tâm bình an trước ranh giới đó?

+ Tôi thì thấy ranh giới giữa giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng và sự mê tín mê muội thì không phải ai cũng ý thức được. Điều kiện cuộc sống lắm trắc trở cho việc thực hiện kỳ vọng cá nhân cộng với sự kém hiểu biết khiến người ta mê tín. Vậy để có được cái tâm bình an, cần một sự kiến tạo của thiết chế giúp người ta ít trắc trở và phải nâng cao dân trí. Cha ông ta ngày xưa dạy rất đúng là đức năng thắng số, nhân định thắng thiên. Hãy bình an với điều đó cái đã.

Dòng người chen chúc đi chùa Hương đầu năm.

- Rõ ràng, bây giờ, rất nhiều địa phương đang muốn phát triển du lịch tâm linh, coi đó là một nguồn thu lớn. Theo ông, chúng ta có nên bằng con đường tâm linh để phát triển văn hóa, du lịch hay không?

+ Kinh tế du lịch tín ngưỡng là một tất yếu. Nhưng du lịch tín ngưỡng không đồng nghĩa với mê tín, lại càng không đồng nghĩa với cái mà ông cha ta đã nói: "buôn thần bán Phật" hoặc "buôn thần bán thánh".

- Nhiều chuyên gia khẳng định, sự mê tín, cuồng tín biểu thị cho một xã hội thiếu cân bằng và các giá trị đang bị đảo lộn. Vì sao nó phổ cập đến thế thưa ông?

+ Không phải là thiếu cân bằng mà là thiếu môi trường an toàn cho làm ăn, cho cuộc sống, gây ra nhiều bất trắc mới đẩy con người ta vào mê tín khi họ không lý giải được những bất trắc đó. Lợi dụng điều đó, những người buôn bán thần thánh được dịp kiếm tiền và lại đẩy mê tín thêm một bước nữa. Hàng hóa thay đổi tư cách người tiêu dùng mà. Cái sự "ngáo" mê tín từ đó mà ra.

- Thời gian gần đây mạng xã hội đóng một vai trò "tích cực" trong việc câu view và đẩy niềm tin đến sự mê muội. Theo ông, làm thế nào để hạn chế việc đó?

+ Kỹ năng chơi mạng, kỹ năng đọc mạng trong thế giới ngày nay chưa được đào tạo hoặc có sự chuẩn bị kỹ càng cho xã hội. Dao cạo cần lắm chứ nhưng đứa trẻ hai tuổi chơi trên giường với mấy cái dao cạo thì nguy hiểm lắm. Phải khá trưởng thành thì mới tránh khỏi mê muội khi gặp những thông tin về thần thánh trên mạng.

Tôi nhớ lại thời kỳ đầu của phong trào nghiên cứu "thần giao cách cảm" cách đây hơn ba mươi năm. Té ra, khi tĩnh tâm lại, thấy các thầy đều lấy tư liệu từ các báo lá cải phương Tây. Sự chênh nhau giữa quan niệm gọi là "báo chí" lúc đó khiến người Việt tin cậy tất cả. Thời không có mạng còn như vậy.

Thời nay lại càng "ảo" hơn. Để hạn chế việc tin vào thông tin mê tín, không gì bằng trải nghiệm trực tiếp rồi khôn ra. Nghe tuyên truyền bán hàng đa cấp, mất đi một vài chuyến là người ta tỉnh ngay thôi. Cái chuyện mê tín này cũng vậy. Chắc mấy người ngồi chén cá chép om dưa kia cũng đang cười mình đã trót tin.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.