Hiến tạng rào cản từ quan niệm xã hội

Thứ Hai, 03/09/2012, 14:58
Hiến tạng vẫn còn là một khái niệm quá mới mẻ đối với hầu hết mỗi người dân Việt Nam. Dù rằng mỗi năm có rất nhiều người chết não vì tai nạn giao thông song rất hiếm gia đình của những người xấu số ấy chấp nhận hiến tạng người thân của mình cho khoa học. Là một nước theo đạo Phật nên quan niệm "có chết cũng phải chết toàn thây" chính là rào cản lớn trong nhận thức hiến tạng cứu người. Từ đó dẫn đến thực trạng lượng cầu thì quá nhiều còn lượng cung thì quá ít…

Hậu thay tim là khó khăn chồng chất

Tôi đã gặp hầu hết những bệnh nhân được may mắn đón nhận "quà tặng cuộc sống" là trái tim của những người chết não. Khỏi phải nói họ vui mừng và sung sướng đến cỡ nào khi vừa bước qua cái ngưỡng mong manh giữa sự sống và cái chết. Thế nhưng đằng sau niềm vui bất tận ấy, đằng sau những giây phút ngỡ chỉ xảy đến trong giấc mơ ấy là những tháng ngày đối mặt với thực tại nhiều khó khăn.

Hầu hết những trường hợp được thay tim ở nước ta sức khỏe đều khá ổn định. Họ có thể làm được những việc nhẹ nhàng. Mặc dù sức khỏe là vấn đề tương đối khả quan, song bên cạnh đó tiền bạc lại là vấn đề không hề nhỏ. Dù rằng, tất cả trong số những trường hợp đã được thay tim đều nằm trong sự tài trợ của nhà nước. Và chi phí cho mỗi ca thay tim đều không dưới một tỉ đồng.

Tuy nhiên, sau khi đã phẫu thuật thành công thì họ đều phải trở lại bệnh viện đều đặn theo định kỳ hàng tháng. Và ở lại bệnh viện bao nhiêu ngày trên tháng là tùy thuộc vào sức khỏe của mỗi người. Người trẻ nhất được thay tim hiện nay là Vũ Quốc Việt (Nghệ An). Việt năm nay mới vừa tròn 25 tuổi. Cho dù đã được tài trợ trong quá trình thay tim, xong chi phí cho hậu thay tim lại không hề nhỏ.

Việt bảo: "Bố em mất sớm, nhà chỉ có bốn mẹ con lại thuần nông nên gia đình em rất khó khăn. Mỗi tháng mẹ phải lo cho em bốn triệu đồng để vừa thuốc thang vừa tiền tàu xe, ăn uống mỗi lần lặn lội từ Nghệ An ra bệnh viện Việt Đức lấy thuốc. Em thì từ khi mắc bệnh tim đã không thể làm những công việc nặng nên cũng chẳng thể kiếm ra tiền phụ giúp với mẹ và lo thuốc cho mình. Trước em lái máy xúc, giờ thì chưa biết làm việc gì cho phù hợp với sức khỏe".

Phẫu thuật ghép tạng từ nguồn tạng của người chết não.

Sau hôm gặp Việt ở bệnh viện Việt Đức, tôi có gọi lên hỏi thăm sức khỏe em một lần nữa thì nghe Việt nói em đang đi tránh bụi ở xa nhà (cạnh nhà Việt họ đang khởi công xây dựng công trình). Việt nói bác sĩ cũng dặn em phải tránh tiếp xúc với những người ốm và phải thật ăn kiêng. Nếu đợt nào đó Việt chỉ cần ăn nhiều hơn trong vòng vài ba ngày là cân nặng có thể tăng lên tới hai, ba cân. Điều này rất không tốt cho sức khỏe của Việt.

Hỏi Việt: "Có tim mới rồi khi nào thì định lấy vợ đây?". Không ngờ Việt cười buồn bảo rằng: "Em như này thì ai mà dám lấy hả chị? Nếu chỉ là tán tỉnh để yêu đương thôi thì em không ngại. Nhưng nếu họ biết sự thật về em, biết hoàn cảnh của em thì liệu họ có dám lấy không? Đấy là chưa kể việc thay tim cũng chỉ sống được một khoảng thời gian ít thì khoảng 15 năm, nhiều thì có thể lâu hơn. Lúc đó cuộc đời họ sẽ dở dang à?". Nghe Việt nói vậy, tôi chợt thấy nhói lòng. Trước mắt tôi là một chàng trai trẻ, thậm chí là rất đẹp trai phong độ nhưng lại nhìn về tương lai bằng cặp mắt nặng trĩu những lo âu.

Việt cũng chỉ là một trong số 6 trường hợp đã may mắn được thay tim của người chết não nhưng đang phải đối mặt với một vấn đề không nhỏ là tài chính. Chính những người trong cuộc ấy cũng không biết mình sẽ làm gì để kéo dài sự sống cho chính mình khi mà những chi phí để "nuôi" quả tim mới ấy không hề nhỏ.

Hiến tạng - cầu thì nhiều mà cung thì quá ít

Mỗi năm, tại các bệnh viện Trung ương có rất nhiều bệnh nhân chết não, hầu hết do tai nạn giao thông. Riêng bệnh viện Việt Đức con số này đã lên tới hàng nghìn người. Điều này có nghĩa là, nếu ta đả thông tư tưởng cho người dân được, thì cơ hội sống cho 1.000 người cần thay tim, ghép gan, ghép thận… sẽ xuất hiện. Số người cần thay tim ngày càng lớn.

Nhưng, khi mà cả nước Việt Nam, từ trước tới nay mới chỉ có 6 ca được thay tim đó là một con số đau lòng! Chúng ta muốn một xã hội nhân văn, không muốn ai đó rơi vào cảnh chết não. Nhưng, khi đã đau lòng chứng kiến cảnh người ta chết não rồi, chúng ta có thể nghĩ đến một điều nhân văn hơn: rằng người chết đem lại sự sống cho người đang sống.

Xã hội cần có cái nhìn cởi mở, nhân văn và khích lệ hơn nữa đối với những người hiến tạng. Hiện nay có nhiều trường hợp đã viết đơn, để lại di chúc xin được sau khi chết đi sẽ hiến toàn bộ tạng của mình cho những người cần đến nó. Nhưng trên thực tế, do quan niệm của hầu hết chúng ta - những người theo đạo Phật đều nghĩ rằng "có chết cũng phải chết toàn thây". Đây chính là một rào cản không nhỏ cho những cá nhân, gia đình có ý nguyện hiến tạng cứu người.

Thế nên trên thực tế đã có những gia đình tự nguyện hiến tạng của người thân mình cho khoa học, xong họ một mực xin được giấu danh tính. Họ còn nói với bác sĩ những câu chua xót rằng: "Nếu bác sĩ để lộ ra tên tuổi của chúng tôi thì chắc chúng tôi cũng chỉ có nước đi theo người đã chết. Họ hàng và làng xóm chúng tôi chắc sẽ không bao giờ hiểu được điều này và họ sẽ miệt thị chúng tôi cho đến hết đời".

Ở Bệnh viện Việt Đức, rất nhiều lần các bác sĩ đã vận động được gia đình có người bị chết não đồng ý hiến tạng người thân của họ cho khoa học nhưng đến phút chót người ta lại thay đổi ý định. Mặc dù khi đó bệnh viện đã làm đầy đủ các xét nghiệm và thậm chí bệnh viện còn thuyết phục đến mức: Nếu như bệnh nhân và gia đình đồng ý cho cái tạng ấy thì bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm nuôi dưỡng con của người chết não đó đến năm 18 tuổi (mặc dù khi đó con của người có ý định hiến tạng mới chỉ 11 tháng).

Thậm chí còn có một phần trách nhiệm đối với mẹ của bệnh nhân. Tất cả gia đình đều đồng ý, duy nhất chỉ có 1 người không đồng ý cũng khiến bệnh viện đành bó tay. Người đó còn nói rằng, "tôi cũng đã di chúc cho con tôi là nếu tôi chết đi thì hiến toàn bộ tạng của tôi cho khoa học nhưng tôi vẫn không thể chịu nổi khi tôi đang còn sống mà lại chứng kiến các bác sĩ "mổ bụng" con mình".

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức: Nên có thông tin tuyên truyền, đặc biệt là truyền hình và Đài tiếng nói Việt Nam nên tuyên truyền cho mọi người biết rằng: Hiến tạng là một nghĩa cử rất cao đẹp giữa con người với con người. Mình vì mọi người, mọi người vì mình. Mọi người cần hiểu rằng tạng chỉ là cái phần mềm nên khi chết chôn xuống dưới đất thì chỉ nửa tháng hoặc 1 tháng là thối hết, chỉ còn lại phần xương thôi.

Ở Đài Loan là một nước hầu hết theo đạo Phật nhưng họ lại rất cởi mở trong việc hiến tạng. Trên thế giới, nếu phát hiện người có dấu hiệu chết não, các chuyên gia chỉ việc làm một trong ba xét nghiệm như siêu âm, chụp động mạch, điện tâm đồ là có thể kết luận về người chết não. Nhưng ở Việt Nam, các bác sỹ phải cẩn thận làm đủ 3 xét nghiệm trên, thay vì chỉ là một trong 3 như tiêu chuẩn quốc tế. Thậm chí họ còn chờ lâu hơn, chấp nhận lấy tạng muộn hơn, đôi khi có sự hoại tử của gan (đem đi ghép) rồi, để thân nhân người chết não cảm thấy an lòng hơn (theo cách nghĩ của họ!). Chấp nhận "xuống thang" như vậy để đả thông quan niệm. Mặc dù, khi lấy tạng muộn như vậy sẽ giảm rất nhiều khả năng thành công của ca phẫu thuật ghép tim, gan. "Chấp nhận như vậy nhưng vẫn khó xin lắm".

Lâu nay chúng ta bỏ mặc chuyện vận động hiến tạng từ người chết não cho các bác sỹ là một việc hết sức vô lý. Cả xã hội phải làm việc đó, ta làm việc đó vì chính bản thân ta, và vì mọi người. Người hiến tạng cần được vinh danh, thân nhân của họ cần được đền đáp. Ở nhiều nước, học sinh đến trường, nó tự hào giới thiệu bố nó là một người hiến tạng cứu người, là một người anh hùng.

Luật Hiến ghép mô tạng chưa thực sự đi vào cuộc sống

Giáo sư Tiến sĩ Lê Trung Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 103: Ở nước ta, đối với vấn đề hiến tạng thì nguồn cung là khó nhất bởi phần nhiều là do quan niệm dù có chết cũng phải chết toàn thây. Còn hiến tạng ở nước ngoài lại là một việc làm khá phổ biến. Nhiều nước trên thế giới nếu người nào đó chết não mà có thẻ cấm không lấy tạng thì đành chịu chứ nếu ai không có thẻ thì bệnh viện được lấy vô tư, coi như một sự mặc nhiên.

Ở Việt Nam, tại một số bệnh viện lớn một ngày có khi có hàng 3, 4 ca chết não nhưng thuyết phục được gia đình là cả một vấn đề. Có khi cả gia đình đồng ý rồi, bỗng có một ông bác ở quê lên, ông ấy không đồng ý thì cũng đành chịu. Hoặc nhiều trường hợp đợi đến khi gia đình bàn bạc xong và thống nhất đồng ý hiến tạng thì khi đó cái tạng cũng không dùng được nữa vì lúc đó nó đã co mạch và đủ các hoại tử khác.

Mặc dù ở Việt Nam, luật hiến ghép mô tạng đã được Quốc hội thông qua vào tháng 1/2006 và Luật đi vào hiệu lực từ tháng 1/2007. Kể từ đó đã 5 năm nhưng cái luật đó đã thực sự đi vào cuộc sống chưa? Trên thực tế nó cũng đẩy mạnh được một số bệnh nhân hiến tạng, nó cũng làm cho người dân hiểu thêm. Nhưng nó còn kém xa so với nhiều nước khác.

Ở các nước Châu Âu thì con số những người chết não hiến tạng rất nhiều. Mà một người chết não lại có thể cung cấp được rất nhiều nguồn cho nhiều nhu cầu khác nhau: tim, gan, thận, giác mạc… Chúng ta có bao nhiêu bệnh nhân sơ gan, bao nhiêu bệnh nhân suy tim, bao nhiêu bệnh nhân suy thận cũng phải chờ đợi. Nhưng trong quá trình chờ đợi những người cho chết não ấy thì nhiều bệnh nhân đã "rơi rụng" dần.

Luật cũng đã quy định thành lập Trung tâm điều phối ghép tạng nhưng đến năm 2011 mới ra được quyết định thành lập và cơ sở tạm thời được đặt tại Bệnh viện Việt Đức. Dự kiến điều phối có khi phải 3 nơi: Bắc, Trung, Nam. Đầu tiên là thu thập các nguồn: bệnh nhân nhận (danh sách nằm chờ) về miễn dịch có hợp không. Tổ chức phương tiện đi vì nó cũng chỉ có thời gian bảo quản nhất định thôi.

Kỹ thuật ban đầu là kỹ thuật mới và không phải cơ sở nào cũng có thể tiến hành được. Những ca đầu thường phải có chuyển giao và phối hợp với chuyên gia này chuyên gia nọ. Chỉ khi ta làm vững rồi thì mới dám tự lập. Nhưng làm số lượng ít thì chúng ta phải tính toán. Vì những ca đầu bao giờ cũng phải chắc để nó tạo niềm tin trong dư luận và trong giới chuyên môn.

Nếu ghép tạng thì nó vẫn là cơ quan hoàn chỉnh chẳng qua nó chỉ ghép từ người này sang người nọ thôi, còn dùng tạng nhân tạo là cả một bộ máy: làm sao để chống đông được, làm sao các chức năng co bóp được… là một vấn đề hết sức nan giải. Ngay cả trên thế giới cũng rất hiếm. Và nếu đưa vào được một thời gian sau lại bỏ đi thì đó chỉ là trợ thời thôi. Lúc này anh suy gan, suy tim chưa có điều kiện để thay một lá gan, một quả tim "chính cống" thì tạm thời cho anh cái đó để anh có thời gian để chờ đợi. Dùng tạng nhân tạo cũng chỉ là một hình thức kéo dài sự sống một cách tạm thời thôi.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức: Nên có thông tin tuyên truyền, đặc biệt là truyền hình và Đài tiếng nói Việt Nam nên tuyên truyền cho mọi người biết rằng: Hiến tạng là một nghĩa cử rất cao đẹp giữa con người với con người. Mình vì mọi người, mọi người vì mình. Mọi người cần hiểu rằng tạng chỉ là cái phần mềm nên khi chết chôn xuống dưới đất thì chỉ nửa tháng hoặc 1 tháng là thối hết, chỉ còn lại phần xương thôi.

Ở Đài Loan là một nước hầu hết theo đạo Phật nhưng họ lại rất cởi mở trong việc hiến tạng. Trên thế giới, nếu phát hiện người có dấu hiệu chết não, các chuyên gia chỉ việc làm một trong ba xét nghiệm như siêu âm, chụp động mạch, điện tâm đồ là có thể kết luận về người chết não. Nhưng ở Việt Nam, các bác sỹ phải cẩn thận làm đủ 3 xét nghiệm trên, thay vì chỉ là một trong 3 như tiêu chuẩn quốc tế. Thậm chí họ còn chờ lâu hơn, chấp nhận lấy tạng muộn hơn, đôi khi có sự hoại tử của gan (đem đi ghép) rồi, để thân nhân người chết não cảm thấy an lòng hơn (theo cách nghĩ của họ!). Chấp nhận "xuống thang" như vậy để đả thông quan niệm. Mặc dù, khi lấy tạng muộn như vậy sẽ giảm rất nhiều khả năng thành công của ca phẫu thuật ghép tim, gan. "Chấp nhận như vậy nhưng vẫn khó xin lắm"

Lâu nay chúng ta bỏ mặc chuyện vận động hiến tạng từ người chết não cho các bác sỹ là một việc hết sức vô lý. Cả xã hội phải làm việc đó, ta làm việc đó vì chính bản thân ta, và vì mọi người. Người hiến tạng cần được vinh danh, thân nhân của họ cần được đền đáp. Ở nhiều nước, học sinh đến trường, nó tự hào giới thiệu bố nó là một người hiến tạng cứu người, là một người anh hùng.

Ngọc Anh - Q.Anh
.
.
.