Hành trình tìm mộ liệt sĩ ở sân bay Tân Sơn Nhất
- Phát hiện 187 hài cốt chôn tập thể trong 5 hầm mộ dưới nhà dân1
- Phát hiện hố chôn tập thể hài cốt liệt sĩ tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai
- Đào móng xây nhà phát hiện hài cốt liệt sĩ và nhiều đạn cối của Liên Xô
Có thể vẫn còn một khu mộ tập thể liệt sĩ ở sân bay Tân Sơn Nhất?
Những ngày qua, việc tìm kiếm khu mộ tập thể quy mô lớn trong sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang được lực lượng chức năng của Bộ Quốc phòng, Quân khu 7, các sở, ngành TP. Hồ Chí Minh… tích cực triển khai.
Thông tin này được dư luận đặc biệt quan tâm bởi được cung cấp từ nhiều nhân chứng, trong đó có những hình ảnh, tư liệu do kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng (44 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, thành viên nổi tiếng của diễn đàn VMH Online - Lịch sử quân sự Việt Nam) và cộng sự của mình cung cấp, đặt ra nghi vấn trong khu vực sân bay vẫn còn ít nhất một khu mộ tập thể với hàng trăm hài cốt liệt sĩ hi sinh vào đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Chúng tôi đã tìm gặp kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng để tìm hiểu về câu chuyện đang được dư luận đặc biệt quan tâm này và được ông Thắng tỏ ra hết sức chú tâm, nghiêm túc bày tỏ mọi chuyện. Theo ông Thắng, xuất phát từ sự tự phát, đam mê tìm hiểu tư liệu chiến tranh, ông đã miệt mài đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của người thân.
Thông qua diễn đàn VMH Online, với những chia sẻ thông tin từ các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam như Bob Connor, Martin Stone, David Cave..., ông có được nhiều tư liệu, hình ảnh liên quan đến các trận đánh vào các sân bay ở phía Nam còn lưu trữ tại Mỹ…
Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng. |
Ông Thắng cho biết, để có những thông tin manh mối về một khu mộ tập thể các liệt sĩ có thể có ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là cả một quá trình tìm tòi, phát hiện kỳ công.
Trước đó, vào năm 2016, ông và các cộng sự đã cung cấp thông tin về một khu mộ tập thể các liệt sĩ trong sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) đến Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai.
Từ thông tin ban đầu, Đồng Nai đã liên hệ mời các quân nhân Mỹ sang và tìm được hố chôn tập thể liệt sĩ vào ngày 15-4 vừa qua. Trong đó có khoảng 150 liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 được an táng trong khu vực sân bay Biên Hòa.
Sau đó, nhóm cộng sự của ông Thắng vẫn tiếp tục giữ liên lạc với các cựu binh Mỹ. Và chính họ đã tiếp tục làm cầu nối để tìm kiếm và chuyển nhiều tư liệu, hình ảnh liên quan đến Chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968. Đây là cơ sở cho ông Thắng và nhóm của mình thu thập tư liệu, hình ảnh về một khu mộ tập thể có thể có ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Khi đã có những cơ sở khá chắc chắn, thông qua Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai, ông Thắng lại chuyển những thông tin, tài liệu về khả năng có một khu mộ tập thể của các liệt sĩ hy sinh tại phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất (phía đường băng máy bay cất cánh, liền kề mũi tàu đường Cộng Hòa và Trường Chinh, phường 15, quận Tân Bình hiện nay) cho Quân khu 7.
Thông tin này cũng đã được gửi tới Trung tâm Phát thanh- Truyền hình Quân đội và nơi đây đã có văn bản đề nghị Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) khảo sát.
Hai bức ảnh có nội dung khác nhau chính là đầu mối dẫn đến nhận định có thể còn một khu mộ tập thể liệt sĩ ở sân bay Tân Sơn Nhất. |
Ông Thắng và các cộng sự cho biết, manh mối về khu mộ tập thể mới này được bắt đầu từ một bức ảnh nói về một ngôi mộ tập thể các liệt sĩ tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất năm 1968 mà cả nhóm "cơ duyên" tìm được.
Bức ảnh này có màu sắc và hình dáng khác nhau, nhưng nội dung thì gần tương tự bức ảnh trước (bức ảnh về ngôi mộ tập thể đã phát hiện). Đó là chi tiết ngày "mùng hai" thay vì "mồng 1" trên tấm bảng.
Cụ thể nội dung bức ảnh này là "Nơi đây yên nghỉ các chiến sĩ tử trận ngày mùng hai Tết Mậu Thân năm 1968. Vong hồn linh thiêng xin cầu cho nước Việt Nam sớm được thái bình" (Bức ảnh trước đó có nội dung: "Nơi đây an nghỉ những chiến sĩ đêm mồng 1 Tết Mậu Thân. Linh thiêng xin các bạn hãy giúp cho xứ Việt Nam thân yêu của chúng ta mau thái bình".
Chính từ bức ảnh này và dựa vào thông tin của một người lính chế độ cũ từng phục vụ tại sân bay giai đoạn chiến tranh về hố chôn liệt sĩ, năm 1995, các cơ quan chức năng đã khai quật cất bốc một số lượng lớn hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang liệt sĩ TP. Hồ Chí Minh.
Nay là khu mộ tập thể ghi: "181 liệt sĩ hy sinh đợt 1 - Mậu Thân (1968) trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất đêm 30 rạng ngày 31-1-1968". Trên bia còn ghi tên tuổi, quê quán của 181 liệt sĩ thuộc các Tiểu đoàn 267, 269 và 16).
Bộ đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở sân bay Tân Sơn Nhất. |
Đợt tìm kiếm tại một vị trí có quy mô lớn nhất từ trước đến nay
Trở lại bức ảnh "mùng hai", sau khi tìm kiếm các tài liệu từ phía Mỹ và các cựu binh liên quan tới Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, nhóm của ông Thắng phát hiện ra mối liên hệ giữa hai bức hình.
Theo chú thích cho bức hình "mồng 1" rằng: "Ngôi mộ đó có 157 thi thể bộ đội, vị trí nằm ở khu vực đầu phía Tây khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, giữa 2 đường taxiway (đường lăn).
Phía Mỹ sử dụng máy ủi đào một đường hào rộng để chôn cất các thi thể, sau đó phủ đất lên. Ngoài ra còn hơn 600 thi thể bộ đội Việt Nam khác cũng được chôn cất ở khu vực đầu phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất.
"Từ những thông tin tìm kiếm được, chúng tôi nghi ngờ rằng ngoài khu mộ tập thể được cải táng năm 1995 chính là bức hình "mồng 1".
Và trong sân bay Tân Sơn Nhất còn một khu mộ tập thể khác với hàng trăm hài cốt liệt sĩ, những người đã ngã xuống trong ngày "mùng 2" Tết Mậu Thân", ông Thắng nhận định.
Một chiếc dép được tìm thấy ở khu vực tìm kiếm. |
Theo chia sẻ của ông Thắng thì việc tìm kiếm xác định được rất ít thông tin về các hoạt động đánh sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết Mậu Thân 1968.
Trong khi đó, các tài liệu tình báo sau trận này được phía Mỹ công bố, tổng số Quân giải phóng hy sinh tới 962 người, riêng trong khu vực sân bay được nhắc tới hơn 500 Quân giải phóng hy sinh "trong căn cứ và khu vực phía Tây cổng 51".
Những liệt sĩ trên, theo nhận định của đối phương thì thuộc Tiểu đoàn C10 đặc công, Tiểu đoàn 267, Tiểu đoàn 16 và Tiểu đoàn 90, Tiểu đoàn 269.
Ngoài ra, nhóm tìm kiếm còn xác định được một tấm hình phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất do cựu binh Bob Laymon (Mỹ) chụp từ máy bay Boeing 707 khi đang cất cánh trên đường băng 07L-25R ngay sau trận Mậu Thân 1968.
Trong ảnh thấy rõ máy ủi và rãnh đào hình vòng cung ở hướng 4-5h. Phía trên bên phải là đường QL1 nay là đường Trường Chinh, đường Cộng Hòa và đường tuần tra vành đai sân bay.
Sau khi nhận được những tư liệu, hình ảnh và các thông tin của nhóm ông Thắng gửi tới, Quân khu 7 và các cơ quan liên quan đã đến hiện trường tìm hiểu vụ việc và cho dừng việc đang thi công các công trình trong sân bay để khảo sát tìm kiếm.
Theo tìm hiểu thì khu đất này là đất quốc phòng, trước đây được giao cho Sư đoàn Không quân 370 quản lý, mới đây đã được Bộ Quốc phòng giao cho một tập đoàn triển khai dự án dịch vụ hàng không sân bay.
Sau khi thu thập được nhiều bằng chứng, tư liệu, Quân khu 7 và Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh đã cùng các đơn vị liên quan nỗ lực tìm kiếm khu mộ tập thể này.
Cũng từ thông tin của ông Thắng và cộng sự, ngày 6-7, Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo "Khảo sát tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ bộ đội Việt Nam hy sinh trong trận đánh vào phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất Tết Mậu Thân năm 1968" với sự chủ trì của Thiếu tướng Trần Hữu Tài, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7.
Hội thảo đã xác định trận đánh, số liệu thương vong cụ thể, kết luận có cơ sở cho thấy còn một khu mộ tập thể liệt sĩ trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Trực tiếp tham gia trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất Tết Mậu Thân 1968, ông Vũ Chí Thành, nguyên Trung đội phó Trung đội Đại liên, Tiểu đoàn 16 cho biết, ước tính có gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống.
Ông Thành cho biết, riêng Tiểu đoàn 16 đã có 550 cán bộ, chiến sĩ tham gia trận đánh nhưng chỉ có hơn 100 người trở về. Như vậy, còn hơn 300 đồng đội của ông chưa tìm được hài cốt.
Ngoài Tiểu đoàn 16 còn có Tiểu đoàn 267, 269 và các lực lượng trợ chiến, biệt động tham gia trận tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất. Những thông tin ông Thành cung cấp cũng khá sát với tài liệu mà ông Thắng và nhóm của mình thu thập được từ phía Mỹ.
Ngày 10-7, Quân khu 7, Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng đã tiến hành tìm kiếm ở khu vực phía Tây sân bay.
Theo Thượng tá Nguyễn Hữu Lâm, Trưởng phòng Chính sách Quân khu 7, lực lượng quy tập, tìm kiếm đã phát hiện một số di vật như nắp dép râu, dây nịt, ví da, ảnh và một số nhẫn nghi là vàng… tại khu vực có thể có mộ tập thể liệt sĩ ở sân bay Tân Sơn Nhất, mà lực lượng này đã khoanh vùng, đánh dấu trước đó.
Cũng tại vị trí phát hiện các di vật, đất có màu đen và mịn khác với đất bình thường. Trước mắt, các di vật này đã được đem đi phân tích để xem đó có phải là vật liên quan với hài cốt các liệt sĩ hay không.
Những ngày sau đó, theo thông tin từ Đội quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh, các đơn vị tìm kiếm đã tìm thấy thêm nhiều di vật như quần áo, tăng bạt, băng ca tải thương và hộp tiếp đạn AK, AR15. Đặc biệt là tìm thấy một số mảnh xương sọ còn khá nguyên vẹn…
Trao đổi xung quanh vấn đề này, Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Chúng tôi sẽ xới lên từng lớp đất với quyết tâm cao nhất, hy vọng tìm thêm được hài cốt liệt sĩ. Đây là đợt tìm kiếm tại một vị trí nhưng quy mô lớn nhất từ trước đến nay của TP. Hồ Chí Minh, làm tổng lực và có thể kéo dài cả tháng".
Xúc động trước sự vào cuộc đầy trách nhiệm và nhanh chóng của cơ quan chức năng Quân khu 7, TP. Hồ Chí Minh và cả tỉnh Đồng Nai, ông Thắng chia sẻ: "Việc cung cấp thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm thiêng liêng. Cậu ruột tôi cũng là liệt sĩ, và dù đã mất nhiều công sức cũng như thời gian đi tìm kiếm ở nhiều nơi nhưng hiện vẫn chưa tìm được hài cốt. Với tôi, việc tìm kiếm tư liệu, hình ảnh để phục vụ việc tìm kiếm mộ liệt sĩ như một "cơ duyên", và tìm được bất cứ liệt sĩ nào, cũng giống như tìm được người thân của mình vậy".