Hành trình làm nên kỳ tích hiến tạng cứu người xuyên Việt

Thứ Hai, 26/03/2018, 20:34
Một quân nhân gặp tai nạn bị chết não đã được gia đình quyết định hiến đa tạng. Nhờ đó, 6 người khác đã được cứu giúp. Để có được kết quả này, các y bác sĩ của hai bệnh viện: Trung ương Quân đội 108 và Chợ Rẫy cùng các đơn vị liên quan có sự phối hợp, giúp đỡ nhịp nhàng, tận tình trên nền tảng chuyên môn kỹ thuật cao để tạo nên một dấu ấn quan trọng trong chuyên ngành ghép tạng ở Việt Nam.

Kỳ tích của việc hiến ghép tạng

Nghe các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh (BV Chợ Rẫy) trực tiếp kể lại và xem những hình ảnh từ hai ca ghép tạng (tim và thận) bắt đầu từ quá trình chuẩn bị ra Hà Nội nhận tạng tại BV Trung ương Quân đội 108 và đưa vào BV Chợ Rẫy ghép cho hai bệnh nhân, sau đó là cả quá trình điều trị, chăm sóc… mới thấy được những thách thức, khó khăn của việc này.

Hai ca ghép tạng nói trên (cùng 4 ca khác ở BV Trung ương Quân đội 108 và BV Mắt Trung ương) không chỉ khẳng định thành công của kỹ thuật ghép tạng nói chung và ghép tim nói riêng của ngành Y tế Việt Nam mà còn khẳng định tính nhân văn, nhân bản trong cuộc vận động hiến ghép tạng do ngành Y tế phát động.

Ca ghép tạng theo "mệnh lệnh trái tim".

Theo PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy, đây là ca ghép tim xuyên Việt lần thứ ba được thực hiện. Hai lần ghép trước, tạng hiến được chuyển từ BV Chợ Rẫy ra Hà Nội và lần này tạng hiến từ người cho đã được chuyển ngược lại. 

Người hiến tạng là một quân nhân ở Hà Nội bị tai nạn và khó lòng qua khỏi vì chết não, gia đình có nguyện vọng hiến tạng của anh để cứu những người bệnh đang cần. Ngoài tim, thận ghép cho hai bệnh nhân ở BV Chợ Rẫy, thì giác mạc, lá phổi, một quả thận khác của anh quân nhân này đã trao cơ hội sống cho hai bệnh nhân tại BV Trung ương Quân đội 108 và mang lại ánh sáng cho một bệnh nhân tại BV Mắt Trung ương.

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người - BV Chợ Rẫy cho biết: "Khi nhận được thông tin từ Hà Nội về việc sẽ có tạng tim và thận để ghép, chúng tôi đã bàn luận nhiều phương án. Và chọn được hai bệnh nhân chờ ghép tạng, tìm hiểu mới biết rằng hoàn cảnh của họ rất nghèo. Nếu đưa ra Hà Nội phẫu thuật thì chi phí rất cao, bệnh nhân không thể cáng đáng nổi.

Vì thế, chúng tôi quyết định sẽ chọn phương án vận chuyển tạng từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh (TS.BS Dư Thị Ngọc Thu là người ra Hà Nội để nhận quả thận đưa vào TP. Hồ Chí Minh) để ghép cho hai bệnh nhân".

Tuy nhiên, thách thức đặt ra là thời gian, bởi quả tim chỉ có thời gian bảo quản 6 tiếng và quả thận gần 10 tiếng. Nếu quá trình vận chuyển gặp trục trặc thì nguồn tạng hiến sẽ thành vô nghĩa. Vì thế, lãnh đạo và các y bác sĩ của hai BV đã lên phương án dự liệu nhiều tình huống xảy ra để đảm bảo đưa tạng về BV đúng giờ.

Để thực hiện được điều này, lãnh đạo BV đã liên hệ và nhận được phối hợp giúp đỡ tận tình của BV Trung ương Quân đội 108, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, BV Việt Đức (phụ bảo quản nguồn tạng khi chuyển về TP. Hồ Chí Minh), an ninh sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Cảnh sát giao thông - Công an Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

"Để có sự thành công ngoài mong đợi của hai ca ghép tạng là sự nỗ lực không chỉ của cán bộ nhân viên ngành Y tế mà còn là sự góp sức của nhiều ngành như ngành Hàng không, Công an… Điều này minh chứng cho việc cả xã hội cùng quan tâm, sẵn sàng giúp nghĩa cử hiến tạng lan tỏa và phát triển", Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK) Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - BV Chợ Rẫy cho hay.

PGS.TS.BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, BV Chợ Rẫy, kể lại: "Lúc đầu chúng tôi nghĩ là sẽ đưa quả tim và quả thận từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh cùng lúc. Nhưng thực tế khi lấy tạng, quả tim được bóc ra đầu tiên và thời gian "vàng" chỉ cho phép chừng 6 tiếng nên phải chuyển đi ngay trước. Trong khi đó, quả thận được lấy ra sau cùng nên được chuyển đi sau.

Cùng thời gian đó, ở BV Chợ Rẫy, các bác sĩ đã cho xét nghiệm máu của người cho và người nhận, tất cả các công đoạn cần thiết cho hai ca phẫu thuật để khi tạng vào là tiến hành ghép cho hai bệnh nhân. Hai ca ghép tim và thận xuyên Việt được thực hiện gần song song đã thành công khi đồng hồ điểm 1 giờ sáng ngày 27-2 (Ngày Thầy thuốc Việt Nam) như một món quà vô giá mà các y bác sĩ nhận được trong ngày kỷ niệm tôn vinh người thầy thuốc".

BS.CK2 Phạm Thái An, Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim, BV Chợ Rẫy - người trực tiếp ra Hà Nội để nhận quả tim - nói thêm, do quãng đường từ BV Trung ương Quân đội 108 đến sân bay Nội Bài khá xa nên phải mất một tiếng rưỡi từ lúc lấy được quả tim ở BV này, đoàn mới lên được sân bay.

Rất may là chuyến bay cất cánh đúng giờ không trễ chuyến. Khi máy bay hạ cánh, các bác sĩ không phải qua các thủ tục như hành khách thông thường mà được xuống máy bay đầu tiên và lên xe cấp cứu chờ sẵn ở cầu thang lên máy bay.

Tuy nhiên, do thời điểm đó (16h) là giờ cao điểm ùn tắc, kẹt xe ở thành phố, nhưng nhờ sự dẫn đường của Cảnh sát giao thông - Công an TP. Hồ Chí Minh, đoàn chỉ mất chừng 15 phút là về đến BV. Hai tiếng sau, quả thận cũng về tới BV đúng như dự kiến và sau đó đã được thực hiện ghép gần song song với ca ghép tim. 

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Quyết Tiến, Giám đốc Trung tâm Tim mạch - BV Chợ Rẫy, so với ca ghép tim đầu tiên (vào tháng 6-2017), ca ghép lần này được thực hiện trơn tru hơn rất nhiều. Điểm nhấn thành công là công tác tổ chức tốt, phối hợp, giúp đỡ của nhiều đơn vị liên quan trên cả nước.

Thế giới khuyến cáo thời gian tốt nhất để lấy và ghép tim trong vòng 4 tiếng, trong bán kính khoảng 400km. Nhưng ca ghép lần này đã vượt qua giới hạn về khoảng cách, về hành chính. Tuy vậy, về lâu dài cần tính toán các chế độ, chính sách pháp lý, bảo hiểm hỗ trợ để cho ghép tạng phát triển bền vững.

"Mệnh lệnh từ trái tim"

Tâm sự về cảm xúc lần ghép tạng này, TS.BS Phạm Văn Đông, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, BV Chợ Rẫy, chia sẻ, hai ngày hôm đó là thứ Bảy, Chủ nhật và đang là kỳ nghỉ trước Ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhưng các y bác sĩ đều gác mọi việc riêng để tập trung cho ca ghép tạng xuyên Việt đặc biệt này. TS.BS Phạm Văn Đông bộc bạch: "Chúng tôi xác định đây là mệnh lệnh từ trái tim phải thực hiện tốt đẹp với tấm lòng và trách nhiệm vì nguồn tạng hiến là cực kỳ quý hiếm"…

Nguồn tạng hiến được di chuyển từ miền Bắc về tới BV Chợ Rẫy.

Để thực hiện hai ca ghép tạng này, đã có tổng cộng 30 y, bác sĩ, kỹ thuật viên được huy động. "Mặc dù BV Chợ Rẫy đã thực hiện nhiều ca ghép tạng nhưng đây là lần đầu tiên được nhận tạng từ miền Bắc chuyển vào ghép.

Kinh nghiệm ghép tạng xuyên Việt lần này đã cho các y, bác sĩ BV Chợ Rẫy rất nhiều bài học để sẵn sàng cho các ca ghép tương tự tiếp theo", PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo đúc kết. Bs Thảo cho biết, hiện tại chương trình ghép tạng đã đạt đến sự công bằng, minh bạch, nhân văn, mang lại lợi ích lớn cho người bệnh.

Với hai trường hợp vừa được ghép tạng, dù bệnh nhân không có đủ số tiền cần thiết, nhưng BV vẫn tiến hành ghép. "Chúng tôi cũng xin tri ân bệnh nhân và gia đình bệnh nhân đã có nghĩa cử cao đẹp, nhân văn khi đồng ý hiến đa tạng để ghép cứu sống nhiều bệnh nhân", PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo xúc động nói.

Tính tới ngày 19-3, tức là sau hơn 22 ngày thực hiện hai ca ghép tạng, BV Chợ Rẫy đã công bố kết quả thành công cho hai trường hợp bệnh nhân tuổi còn rất trẻ. Với sự biết ơn và xúc động, ông Nguyễn Văn Tuấn, cha của bệnh nhân N.Q.H (29 tuổi, ngụ huyện Cái Bè, Tiền Giang) được ghép tim thành công, cho biết con trai ông bị chẩn đoán mắc bệnh cơ tim giãn nở nặng từ 5 năm trước và được chỉ định ghép tim.

Từ đó đến nay, với bệnh trạng như vậy, nên anh H. và gia đình gần như không làm được việc gì. Ông Tuấn làm nghề mua bán cá tra giống, thu nhập bấp bênh. Nhưng ông vẫn phải theo con đi khám, chữa bệnh. Ngày nghe các bác sĩ gọi điện thông báo con ông sẽ được ghép tim thì ông vừa mừng, vừa lo.

Mừng là cơ hội con được kéo dài sự sống bởi bệnh của con ngày càng nặng, lo là lấy đâu ra chi phí để ghép tim. Bởi số tiền cha con ông từ gom góp, vay mượn mang lên BV chỉ được 20 triệu đồng. Với số tiền này là quá ít so với chi phí cho ca ghép tim lên tới 300 triệu đồng. Tuy nhiên, được sự động viên của các bác sĩ, ông đã đưa con lên BV Chợ Rẫy.

Và kết quả ca ghép đã mang tới kết quả như mong đợi của bệnh nhân và gia đình khi hiện tại sức khỏe bệnh nhân H. ổn định và đã được BV Chợ Rẫy cho xuất viện. Trong khi đó, với bệnh nhân P.H.T (25 tuổi, quê Ninh Thuận) bị suy thận giai đoạn cuối được ghép thận cũng đã được xuất viện cùng ngày.

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu cho biết, ước tính chi phí ghép tim cho bệnh nhân H. là 300 triệu đồng, sau khi trừ các khoản do bảo hiểm y tế chi trả thì bệnh nhân phải trả là 180 triệu đồng. Nhưng số tiền này là quá khả năng của bệnh nhân nên Phòng Công tác xã hội của BV đang tìm các nguồn hỗ trợ khác.

Còn đối với bệnh nhân T., chi phí ghép thận là 119 triệu đồng, bệnh nhân đã đóng được 24 triệu đồng. Sau khi được bảo hiểm y tế thanh toán, số tiền bệnh nhân phải đóng chỉ là 8 triệu đồng nhưng hiện bệnh nhân cũng không có khả năng, BV Chợ Rẫy đang kêu gọi các nhà hảo tâm trợ giúp.

Theo TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, dù bước đầu BV đã hỗ trợ trước một phần viện phí, nhưng khi ghép thành công thì việc theo dõi sức khỏe, sử dụng thuốc chống thải ghép là cả một quá trình về sau. BV rất mong mỏi ngành Y tế, các tấm lòng hảo tâm sẽ giúp đỡ cho hai bệnh nhân này.

Theo các bác sĩ, hiện tại riêng ở BV Chợ Rẫy có 20 người đang chờ được ghép tim và 70 người chờ ghép thận. Đáng nói là nhiều trường hợp đã chờ gần 10 năm nhưng không có nguồn tạng hiến tặng để ghép.

Ưu điểm của việc hiến tạng từ người chết não và ngưng tim là lấy được nhiều tạng, cứu được nhiều bệnh nhân nhưng tại Việt Nam người hiến theo diện này rất ít. Đến nay BV đã ghép thận cho 665 ca nhưng chỉ có 35 ca được ghép thận từ người cho chết não và ngưng tim (3 ca) chiếm 5%, trong khi nhu cầu ghép từ nguồn tạng này phải cần từ 30-40%. Trên thế giới, nguồn tạng từ người cho chết não, ngưng tim chiếm đến 70-80%. Vì thế, cần tiếp tục tuyên truyền rộng rãi ưu điểm của việc này để làm sao ngày càng có nhiều cá nhân, gia đình hiểu và đồng ý hiến tạng.

Phú Lữ
.
.
.