Hành trình "đập tan" 4 ổ tín dụng đen núp bóng công ty tài chính ở Thanh Hoá

Thứ Sáu, 04/01/2019, 10:54
Ngày 22-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Thanh Hoá đã huy động trên 300 cán bộ chiến sỹ tiến hành đồng loạt khám xét theo thủ tục hành chính đối với 32 điểm kinh doanh dịch vụ tài chính ở 14 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. 


Bước đầu, Cơ quan Công an đã làm rõ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng, gồm: Cao Xuân Thu, Giám đốc Công ty TNHH DVTC Đại Tín; Đỗ Nguyễn Minh Tân, Kế toán Công ty TNHH DVTC Đại Tín; Lê Phú Lượng, Trưởng chi nhánh Công ty TNHH Trường Cửu ở 84 Tống Duy Tân, Bắc Sơn, TP Sầm Sơn; Đỗ Văn Thái, Quản lý điều hành chi nhánh Công ty TNHH Trường Cửu ở 74 Vinh Sơn, thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa. 

Ngoài ra, Cơ quan điều tra còn làm rõ, khởi tố bị can đối với Trương Đình Tâm, nhân viên Công ty Dịch vụ tài chính Thương Tín, về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Các đối tượng trên đều nằm trong 4 công ty dịch vụ tài chính lớn nhất của tỉnh Thanh Hoá với hoạt động bao phủ hầu khắp các huyện, thị, thành phố với những thủ đoạn cực kỳ tinh vi khiến hàng chục nghìn người sa vào bẫy của chúng.

Sơ đồ cơ cấu tổ chức Công ty TNHH DVTC Đại Tín.

Đây là chuyên án được Công an TP Thanh Hoá xác lập từ tháng 11-2018. Nhìn tập tài liệu dày, có những sơ đồ, bản vẽ và thuyết minh chi tiết về từng công ty chính, chi nhánh với đầy đủ thông tin rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu, dễ nhớ của Công an TP Thanh Hoá, tôi thực sự khâm phục cách làm việc khoa học, cẩn thận của Ban chuyên án. 

Đại uý Nguyễn Xuân Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế cho biết, các đối tượng cầm đầu, đứng sau các công ty tài chính trên đều là những đối tượng hình sự cộm cán, hoạt động tinh vi, có nhiều phương thức đối phó với cơ quan chức năng nên điều quan trọng nhất là phải bí mật, bởi nếu đối tượng nghi vấn bị lộ, lập tức sẽ tháo biển hiệu, huỷ tài liệu, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Thủ đoạn hoạt động của các công ty này là ép buộc, thỏa thuận với người vay viết giấy không ghi lãi suất hoặc tìm cách thu lại các giấy tờ liên quan, chuyển hóa hoạt động cho vay nợ bằng hình thức mua bán, thế chấp tài sản có công chứng hợp pháp, hoặc yêu cầu người vay viết giấy nhận tiền để lo công việc nhằm chuyển hướng sang giao dịch dân sự, gây khó khăn trong công tác điều tra, xử lý. 

Khi người vay mất khả năng chi trả số tiền vay, tiền lãi thì nhóm đối tượng này sử dụng nhiều biện pháp tiêu cực để đòi nợ như: đe dọa, ném chất bẩn, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật…

Có đủ tài liệu về hoạt động phi pháp của các ổ nhóm tội phạm núp bóng dưới công ty tài chính trên, nhưng việc triển khai quân để triệt xoá thế nào cũng là vấn đề khiến Ban Chuyên án "đau đầu",  bởi việc quan trọng nhất là phải bí mật, bất ngờ mới có thể giành chiến thắng. Trong khi đó, để khám phá đồng loạt 32 điểm, trong đó có trụ sở chính của 4 công ty, đối mặt với hàng chục đối tượng côn đồ, hung hãn, có các loại vũ khí như súng, dao kiếm… thì việc quan trọng đầu tiên là phải đảm bảo an toàn cho lực lượng, an toàn cho người dân quanh vùng và cho chính các đối tượng là yêu cầu quan trọng nhất Ban Chuyên án đặt ra. 

Nhiều đêm, Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh; Đại tá Khương Duy Oanh, Phó giám đốc và Thượng tá Nguyễn Xuân Hiếu, Phó trưởng Công an thành phố Thanh Hoá cùng tính toán, đưa ra mọi tình huống và lời giải cụ thể, lập ra từng kế hoạch chi tiết nhất, rõ ràng nhất, kể cả việc huy động quân đông cùng một lúc cũng phải tính đến để làm thế nào không bị các đối tượng nghi ngờ. Theo đó, Ban chuyên án đã phân công cụ thể từng người trong các tổ công tác, niêm phong cẩn mật kế hoạch. 

Các đối tượng trong đường dây bị bóc gỡ.

Ngoài 3 đội nghiệp vụ của Công an TP Thanh Hoá, Ban Chuyên án đã huy động Công an các phường  và Cảnh sát cơ động để phục vụ công tác khám xét, trấn áp tội phạm. Theo đó, lực lượng trinh sát được "ém" tại các điểm từ tối hôm trước, nắm chắc mọi di biến động của đối tượng. Sáng 22-12, các tổ công tác lần lượt lên đường. Để phòng bất trắc, lực lượng chức năng bố trí thêm 2 tổ CSCĐ tuần lưu trên đường, sẵn sàng hỗ trợ, trấn áp tội phạm.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hiếu cho biết, việc triển khai quân cũng phải được tính toán khoa học, cụ thể làm thế nào để khi các tổ công tác đến địa bàn là đúng thời điểm đồng loạt tấn công. Chính vì vậy, các làm việc ở các huyện xa như Thạch Thành, Bá Thước, Ngọc Lặc được Ban Chuyên án triển khai trước, đi từ sáng sớm; các tổ ở huyện gần, trung tâm thành phố đi sau. 

Để đảm bảo bí mật, tất cả CBCS tham gia đều không được mang theo điện thoại, không được biết nhiệm vụ cụ thể của mình, tổ trưởng mang theo phong bì đã được niêm phong kín đến Công an các huyện theo kế hoạch. Tại Công an huyện, Trưởng Công an huyện và Tổ trưởng Tổ công tác mới được phép cùng mở niêm phong để thực hiện theo đúng kế hoạch đã được Ban Chuyên án phân công.

Đúng 10h5' ngày 22-12, trinh sát từ các điểm báo cáo, các đối tượng đã mở cửa để làm việc, bắt đầu có hoạt động cho vay nợ, Đại tá Khương Duy Oanh đã phát lệnh đồng loạt tấn công. Theo đó, cả 32 tổ công tác gồm 300 CBCS đồng loạt ập vào trụ sở chính và các chi nhánh của cả 4 công ty trên, thu đầy đủ các tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động tội phạm của các đối tượng.

Thủ đoạn của Công ty TNHH DVTC Đại Tín là khi khách hàng đến vay tiền, công ty yêu cầu phải làm thủ tục mua bán xe của khách hàng và cho thuê lại chính chiếc xe đó để hợp thức hóa việc cho vay, với lãi suất từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/1 triệu/1 ngày (tương đương 182%/năm). Sau khi vay tiền, khách hàng phải để lại đăng ký xe chính chủ, giấy tờ tùy thân như CMND, giấy phép lái xe và đóng trước 10 ngày tiền lãi của số tiền đã vay, sau đó tiếp tục đóng lãi 10 ngày.

Qua phân tích số liệu từ 2016 đến nay, công ty này đã cho 4.056 khách hàng vay vốn, với tổng số tiền hơn 47 tỷ đồng; số tiền lãi thu được hơn 13 tỷ đồng. Quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã làm rõ, nhiều khách hàng vay công ty này 30.000.000 đồng nhưng sau 1 năm đã trả hơn 100 triệu tiền lãi mà vẫn chưa trả hết tiền gốc.

Công ty TNHH Trường Cửu yêu cầu khách hàng phải làm thủ tục bán tài sản sử dụng làm tài sản thế chấp, sau đó thuê lại chính tài sản đó để hợp thức hóa việc cho vay và để lại các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, giấy tờ tùy thân và cắt trước 10 ngày lãi; lãi suất cho vay cũng từ 3.000 đến 5.000 đồng/1 triệu/1 ngày. Bước đầu, lực lượng chức năng đã làm rõ, Công ty TNHH Trường Cửu đã cho 2.631 khách hàng vay vốn với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng; tiền lãi thu về hơn 9 tỷ đồng.

CBCS Công an TP Thanh Hoá kiểm tra tài liệu thu giữ.

 Công ty TNHH dịch vụ tài chính Thương Tín cho "vay thăm" với số tiền từ 10 triệu đồng đến 60 triệu đồng/1 "bát thăm", trong đó khách hàng vay 10 triệu đồng thì nhân viên công ty đưa lại cho khách 8 triệu, cắt luôn 2 triệu tiền lãi. Đồng thời yêu cầu khách hàng đóng tiền vay mỗi ngày 200.000 đồng trong vòng 50 ngày. Bước đầu, lực lượng chức năng làm rõ, đã có 90 người đến vay tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

 Công ty TNHH TMDV Quyền Quý - Công ty TNHH Nam Tiến 36 do Hồ Nhật Minh làm Giám đốc và Công ty TNHH Nam Tiến 36 do Nguyễn Văn Thịnh làm Giám đốc. Mỗi công ty đều có chi nhánh tại các huyện Hoằng Hóa, Hà Trung và TP Thanh Hóa. Hiện, Công an TP Thanh Hoá đang làm việc với các bị hại liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng của 2 Công ty này để xử lý theo quy định của pháp luật.

Được biết, ngay sau ngày khám xét tại 32 chi nhánh dịch vụ công ty tài chính thì hầu hết các công ty tài chính khác trên địa bàn Thanh Hóa đã đóng cửa, gỡ bảng hiệu, một số cơ sở đã nộp đơn đề nghị dừng kinh doanh dịch vụ tài chính.

Qua khá xét, Cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều tài liệu, sổ sách, số liệu liên quan đến hoạt động vay tín dụng, nhiều giấy tờ được sử dụng thế chấp vay tiền như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy phép kinh doanh; đăng ký xe môtô; CMND…; nhiều công cụ, phương tiện nghi vấn được các nhóm đối tượng này sử dụng khi xiết nợ gồm 1 quả lựu đạn; 90 vỏ đạn súng quân dụng; 1 bình xịt khí bóng cười; 1 dùi cui điện; 1 bình xịt cay; 20 dao, lê, kiếm các loại; 4 tuýp sắt… và tạm giữ nhiều tài sản có giá trị có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi gồm 1 ôtô; 20 xe máy; 6 két sắt; 30 điện thoại; 19 CPU máy tính; 8 laptop và hơn 1,5 tỷ đồng...

Thu Thuỷ
.
.
.