Hàng lậu, hàng cấm liên tục "chảy" về từ biên giới

Chủ Nhật, 27/01/2019, 09:56
Vụ vận chuyển hàng lậu lớn trên đò sắt qua sông Ka Long (Móng Cái, Quảng Ninh) vào sáng sớm 22-1-2019 do Đồn Biên phòng Bắc Sơn (Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh) bắt giữ cho thấy, việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm vẫn chưa hạ nhiệt ở tuyến biên giới Móng Cái.


Cách đây chưa lâu, hàng lậu vận chuyển qua biên giới tại khu vực lối mòn chợ Đồng Văn, huyện Bình Liêu khiến nhiều cán bộ Biên phòng bị kỷ luật, lực lượng chống buôn lậu ở Quảng Ninh đang căng mình “quét” hàng lậu vào những ngày cận Tết.

"Chiêu trò" để hàng lậu tuồn vào nội địa

Chúng tôi tới biên giới Quảng Ninh vào đúng thời điểm xảy ra vụ buôn lậu qua biên giới ở Bình Liêu, "sóng ngầm" buôn lậu bấy lâu có vẻ "lắng xuống" thì sau vụ việc này lại nổi lên.

Vào sáng 22-1, tại khu vực sông biên giới thuộc thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn, TP Móng Cái, tổ tuần tra kiểm soát Đồn Biên phòng Bắc Sơn (Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh) phát hiện đò sắt BKS QN-5820 do Hoàng Văn Đại (25 tuổi, trú tại Thôn Bắc, xã Vạn Ninh, TP Móng Cái) điều khiển.

Đại đã thu mua khoảng 4 tấn hàng tạp hóa, gồm đồ chơi trẻ em, nến, thuốc Bắc (Bạch truật, sâm cau, lá dâm dương hoắc), loa cũ tại chợ ở TP Đông Hưng, Quảng Tây (Trung Quốc), sau đó kết hàng lên đò sắt, đợi vào giờ giao ca buổi sáng thì lái đò qua sông Ka Long về Móng Cái bán kiếm lời. Nhưng khi đò đang chuẩn bị cập bờ thì bị Bộ đội Biên phòng bắt quả tang. 

Đò sắt chở gần 4 tấn hàng lậu qua sông Ka Long (Móng Cái) bị Bộ đội Biên phòng bắt giữ ngày 22-1-2019.

So với nhiều năm trước, hoạt động vận chuyển hàng lậu trên sông Ka Long đã giảm đáng kể, nhưng vẫn lén lút diễn ra khi đêm về sáng. Giáp Tết là thời điểm nước sông cạn, việc vận chuyển hàng lậu dễ dàng khi đối tượng có thể vác, cõng hàng lội qua sông.

Khu vực Lục Lầm là nơi thường xuất hiện đối tượng lén lút qua lại để chở hàng. Cũng chính nơi đây Bộ đội Biên phòng đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, ma túy từ sông đưa lên điểm tập kết.

Cư dân biên giới ngoài mang vác hàng qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái chính sách ưu đãi 2 triệu đồng tiền hàng mỗi chuyến thì còn được các "đầu nậu" thuê để chở hàng qua sông. Nếu làm mất hàng thì cửu vạn không những không có công, còn phải đền tiền nên đã chống đối quyết liệt.

Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh thì năm 2018, tuy số vụ bắt giữ hàng lậu có giảm, nhưng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trên các tuyến biên giới còn diễn biến phức tạp, khó lường. Đối tượng không sử dụng một phương thức, thủ đoạn, mà thường xuyên thay đổi.

"Đầu nậu" giấu mặt, đứng sau điều khiển đội quân cửu vạn chuyên chở hàng thuê qua điện thoại, bộ đàm để vác hàng vào các kho, điểm tập kết khu vực các chợ, bến xe, trung tâm thương mại. Để đưa hàng vào nội địa, các phương tiện phải qua Trạm Kiểm soát km15 - Bến tàu Dân Tiến.

Nhưng hầu hết hàng lậu không đi qua đường này, mà "đầu nậu" chỉ đạo xé lẻ hàng, lén lút vận chuyển qua hai bên cánh gà rồi tập kết vào nhà dân bên đường từ km16 đến huyện Hải Hà, Đầm Hà. Con đường huyết mạch đưa hàng lậu từ biên giới Móng Cái về nội địa là QL18.

Để qua mặt nhiều cung đường có tổ tuần tra kiểm soát giao thông buộc chúng phải giấu hàng lậu vào các hầm, thành vách được gia cố tinh vi của xe khách, xe container, xe tải thùng kín. Theo chân Đội Tuần tra kiểm soát giao thông số 2 (Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Ninh) tuần tra ở tuyến quốc lộ này, chúng tôi thấy mỗi xe khi có nghi vấn, tổ CSGT kiểm tra rất kỹ càng.

Do có kinh nghiệm trong việc đấu tranh trên tuyến giao thông nên các vách ngăn, hầm tự tạo dù có chế tạo, hoán cải tinh vi cũng được các đồng chí CSGT phát hiện. Chính vì vậy đã có nhiều đối tượng vận chuyển hàng lậu, hàng chục bánh heroin, thực phẩm bẩn, hàng cấm đã bị lực lượng CSGT Quảng Ninh phát hiện.

Theo Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ninh thì thủ đoạn giấu hàng lậu trên xe ôtô diễn ra khá tinh vi. Đơn vị phối hợp với Cục QLTT kiểm tra xe ôtô BKS 14B-008.82, phát hiện trong hầm tự tạo của xe có 158 chiếc Ipad, 96 điện thoại di động không có hóa đơn chứng từ.

Hay việc Trạm Kiểm soát km15 phối hợp bắt giữ 4 đối tượng đi trên xe khách 16 chỗ vận chuyển 600 điện thoại Iphone và 26 chiếc Ipad, trị giá ước tính 1,8 tỷ đồng nếu lực lượng chức năng kiểm tra sơ sài thì sẽ dễ dàng bỏ lọt.

Chỉ cách vụ này không lâu, Hải quan Quảng Ninh cũng bắt giữ hàng trăm điện thoại Iphone đã qua sử dụng. Các đối tượng thường giấu điện thoại trong người, làm thủ tục nhập cảnh về Việt Nam, nếu trót lọt mỗi chiếc điện thoại chúng thu lãi nhiều triệu đồng.

Lợi nhuận cao gấp 10 lần, buôn pháo càng gia tăng

Chưa khi nào mà hoạt động buôn bán, vận chuyển pháo nổ lại diễn biến nóng như năm nay. Liên tiếp các vụ bắt giữ pháo với số lượng lớn, có vụ thu tới cả tấn pháo đã khiến chúng ta phải đặt câu hỏi, pháo là hàng cấm, buôn bán, vận chuyển hay đốt pháo đều bị xử lý, nhưng tại sao việc mua bán lại diễn ra nóng bỏng vào giáp Tết?

Cư dân biên giới được hưởng chính sách ưu đãi trao đổi hàng hóa 2 triệu đồng/người/ngày qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Theo ông Kiều Văn Ninh, Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan số 2 (Cục Hải quan Quảng Ninh) thì lợi nhuận buôn pháo nổ cao gấp 10 lần nên các đối tượng đã bất chấp hậu quả để phạm tội. Có đối tượng khi bị bắt khai nhận, buôn pháo còn lãi hơn cả ma túy nên biết hậu quả nhưng vẫn chấp nhận.

Khi bị phát hiện, đối tượng sẵn sàng chống trả hoặc vứt tang vật bỏ chạy để thoát tội. Số vụ khởi tố về hành vi buôn bán, vận chuyển pháo nổ chiếm số lượng lớn trong công tác khởi tố điều tra với các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng cấm.

Bắt giữ nhiều, nhưng "lọt lưới" cũng không phải ít. Có người bán thì ắt hẳn phải có nhu cầu tiêu thụ trong nước. Vậy Tết năm nay liệu có tái diễn tình trạng tiếng pháo nổ như năm trước hay không.

Chứng kiến phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự ngày 16-1 của TAND huyện Hải Hà (Quảng Ninh) đối với 2 bị cáo Nguyễn Công Tiến (SN 1976, trú tại xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái) và Nguyễn Xuân Luận (SN 1968, trú tại Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) về tội "Buôn bán hàng cấm", nhiều người không khỏi giật mình bởi hậu quả của lợi nhuận phải trả một cái giá đắt.

Biết buôn pháo lãi sẽ lớn, ngày 29-10-2018 Luận gọi điện thoại từ Nghệ An ra Móng Cái nhờ Tiến mua giúp 60 bánh pháo để mang về tỉnh Nghệ An sử dụng và bán kiếm lời. Sau khi thu mua đủ số pháo trên, Tiến gọi điện cho Luận ra nhận hàng.

Luận đã đi xe máy từ Nghệ An ra Móng Cái, nhưng trên đường chở pháo về Nghệ An, đến QL18A thuộc thôn Hải Sơn, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà thì bị tổ công tác của Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Quảng Ninh) phát phát hiện, bắt quả tang, thu được 79,2kg pháo.

Khám xét khẩn cấp nơi ở của Tiến, lực lượng Công an thu tiếp 5,3kg pháo. Nhận tuyên phạt 120 tháng tù giam, cả hai đối tượng đều suy sụp, bởi sự ân hận lúc này đều đã muộn màng.

Các vụ án buôn bán hàng cấm là mặt hàng pháo liên tục đưa ra xét xử nhưng chưa có tác dụng răn đe cho nhiều người. Pháo vẫn được vận chuyển, mua bán vào những ngày cận Tết. Theo Phòng Cảnh sát kinh tế thì đối tượng thường mua pháo tại Trung Quốc hoặc câu kết với người Trung Quốc.

Người dân sống ở khu vực biên giới vận chuyển pháo trái phép qua biên giới thông qua các đường mòn, lối mở, sau đó vận chuyển sâu vào trong nội địa tiêu thụ. Khi bị phát hiện, chúng chống trả quyết liệt hoặc bỏ của chạy lấy người.

Ngày 17-12, Công an huyện Hải Hà phối hợp với Đồn Biên phòng Quảng Đức phát hiện 4 đối tượng đang vận chuyển gần 400kg pháo từ bờ sông biên giới ra quốc lộ bằng xe ba gác. Thấy bị động, đối tượng lái xe bỏ lại hàng chạy lên đồi. Lực lượng chức năng bắt được 3 đối tượng còn lại đều là người được tên bỏ chạy thuê áp tải vận chuyển pháo vào nội địa.

Không chỉ ở khu vực biên giới, mà trong nội địa còn hình thành đường dây mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ. Để đấu tranh bắt giữ, Công an thị xã Đông Triều đã phải xác lập chuyên án. Ngày 14-1, lực lượng Công an thị xã đã bắt đối tượng cầm đầu là Nguyễn Tuấn Anh (37 tuổi, trú tại khu Vĩnh Thông, phường Mạo Khê) đang trên đường vận chuyển 40kg pháo.

Kiểm tra hầm xe khách từ Móng Cái về nội địa để phát hiện hàng hóa vận chuyển trái phép.

Điều tra mở rộng, đơn vị đã bắt khẩn cấp Bùi Đức Minh (SN 1986, trú tại phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên) về hành vi mua bán pháo nổ trái phép. Khám xét nơi ở của Minh, Công an thu giữ 30kg pháo do Trung Quốc sản xuất. Tại cơ quan Công an, Minh khai nhận số pháo trên do hắn mua ở Móng Cái về tiêu thụ

Năm 2018, lực lượng chống buôn lậu Quảng Ninh đã bắt giữ, xử lý 2.056 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 48 tỷ đồng. TAND tỉnh đã truy tố, xét xử 2 vụ 5 bị can về tội buôn lậu, 28 vụ/33 bị can về các tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển buôn bán hàng cấm, thu trên 1,1 tấn pháo các loại, 359kg ma túy tổng hợp, 247 bánh heroin.

Từ đầu năm 2019 đến nay, liên tiếp các vụ bắt giữ hàng cấm, đặc biệt là pháo nổ qua biên giới đã khiến cho thấy diễn biến càng phức tạp của loại tội phạm này. Dù đã là thời điểm cận Tết, nhưng thiết nghĩ các lực lượng chống buôn lậu của Quảng Ninh cần siết chặt và tăng cường công tác quản lý biên giới, chống buôn lậu, buán hàng cấm trong nội địa để đảm bảo an toàn hàng hóa cho thị trường, ngăn chặn đốt pháo nổ vào Tết.

Trần Hằng
.
.
.