Hầm đi bộ và những công trình giao thông "trong mơ"
Dân cư đông đúc, giao thông ùn tắc, việc xây dựng các công trình như hầm đi bộ hay cầu vượt sang đường ở Thủ đô Hà Nội được hứa hẹn là những giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ, giải quyết tình trạng hỗn loạn ở các nút giao thông trọng điểm. Nhưng đã nhiều năm đưa vào sử dụng, các công trình tưởng chừng hữu ích ấy vẫn quá xa lạ trong ý thức của người dân. Nhiều người vẫn băng qua đường, hầm đi bộ nghiễm nhiên trở thành bãi phế thải, nhà hoang hay bị thẳng tay dỡ bỏ nhường chỗ cho một công trình giao thông tiền tỉ khác khi chưa kịp khai thác.
Những công dụng khác của cầu vượt, hầm đi bộ…
Tuyến đường vành đai 3 là tuyến đường luôn có mật độ phương tiện đi lại cao, việc qua đường đối với người dân xung quanh là cực kì vất vả. Tưởng chừng hầm đi bộ sẽ phát huy được tác dụng của nó, mặc dù đã được đưa vào sử dụng từ năm 2003 đến nay, thế nhưng không sử dụng vào mục đích chính, hầm đi bộ được người dân trưng dụng với rất nhiều công dụng khác.
Theo quan sát của phóng viên, 2 cụm hầm đường bộ, một ở ngay gần cổng Trung tâm Hội nghị Quốc gia và một ở ngay đầu đường Khuất Duy Tiến vẫn trong tình trạng ngổn ngang, chưa thể đưa vào sử dụng. Cửa hầm đường bộ thì bị đóng cửa cài then chắc chắn, dường như trở thành công trình bỏ hoang kì lạ trong hệ thống giao thông hỗn loạn.
Tuyến đường Phạm Hùng (Cầu Giấy) và tuyến đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân) có nhiều điểm hầm đường bộ nằm rải rác, nhưng thực tế, chỉ 4 điểm được đưa vào sử dụng ở khu vực gần bến xe Mỹ Đình và khu vực đường Trần Duy Hưng. Số còn lại đều bị khóa kín cửa, bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, thành nơi chứa đồ của người dân. Cửa hầm đường bộ được trưng dụng làm nơi bán trà đá. Ghế nhựa, cốc chén, đồ đạc để ngổn ngang, chắn hết lối đi.
Chuyện qua đường của giới trẻ dường như không có gì khó khăn khi không có hầm đi bộ, nhưng đối với người già nhiều lúc cũng phải liều mình băng qua những làn xe cộ lao nhanh vun vút. Ông Nguyễn Văn Năm, 65 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: "Mỗi lần qua đường Khuất Duy Tiến là một lần ông đánh liều với tính mạng. Phải chờ cho hết làn xe tải, xe ca, đi qua đường phải giơ tay làm hiệu, có nhiều người già còn phải hô to xin qua đường để tránh bị xe tông".
Rất nhiều hầm đi bộ, cầu vượt sang đường cũng lâm vào tình trạng hẩm hiu tương tự. Hai hầm đi bộ gần Đại học Công nghiệp Hà Nội, hay bên đường 32 đoạn thị trấn Cầu Diễn - Nhổn, Từ Liêm, Hà Nội lại được trưng dụng làm nơi tập kết rác thải, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ngày nắng được người dân xung quanh căng dây phơi đồ, ngày mưa biến thành ao nước ứ đọng, đen ngòm. Các công trình cầu vượt sang đường như cầu vượt đường giải Phóng trước cổng Bệnh viện Bạch Mai, cầu vượt đường Trần Đại Nghĩa thường trở thành nơi các mẹt hàng rong ngồi tránh nắng hay là nơi "thơ mộng" ngắm phố phường của các bạn sinh viên. Chân cầu vượt đi bộ hay cửa hầm đi bộ thường là nơi để rất nhiều người vô ý thức trưng dụng làm nhà vệ sinh công cộng, luôn luôn bốc mùi khai nồng, bẩn thỉu.
Trong số ít những hầm đường bộ khang trang và sạch sẽ, hầm đường bộ Ngã Tư Sở có hệ thống đèn được bật sáng, hai làn đường dành cho người đi bộ và xe đạp đều được quét dọn gọn gàng. Hầm có hệ thống máy bơm thoát nước và camera giám sát an ninh. Tuy nhiên, trong 4 năm đưa vào sử dụng, số người đi bộ và xe đạp có nhu cầu qua đường chọn sang đường bằng đường hầm không nhiều. Vào giờ cao điểm, người qua lại hầm phần lớn là các bậc trung niên và cụ già. Giờ tan học thì có vài nhóm học sinh đạp xe qua, một vài người đi bộ qua hầm một lần thì lúng túng vì bị lạc do không tìm thấy biển chỉ dẫn, không biết cửa lên cửa xuống. Những thanh niên trẻ chủ yếu lựa chọn cách băng đường cho nhanh vì đi qua hầm đi bộ hay cầu vượt phải đi xa hơn một quãng.
Ý thức người dân hay quy hoạch không tính toán?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, việc các công trình giao thông công cộng chưa được sử dụng đúng mục đích, ngoài nguyên nhân xuất phát từ ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, tình trạng trên còn do các cơ quan chức năng chưa khảo sát kỹ lưỡng trước khi xây dựng. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng cầu, hầm đường bộ chưa hiệu quả cùng với chế tài xử lý người đi bộ không đúng, quy định chưa nghiêm, cơ sở hạ tầng tiếp cận với hầm như tàu điện, xe buýt, siêu thị, khu vui chơi... chưa đồng bộ, dẫn đến một số hầm đi bộ, cầu vượt đi bộ chưa khai thác hết công suất, trở thành lãng phí.
Người dân sang đường không sử dụng hầm đường bộ. |
Đơn cử là việc thành phố Hà Nội có quyết định dỡ bỏ một số cầu đi bộ sang đường để nhường chỗ cho các cầu vượt giao thông, như ở nút giao thông Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân hay đoạn cầu vượt vĩnh cửu dài 276m, rộng 17m dành cho 4 làn xe cơ giới tại nút giao thông Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai, cho thấy rõ sự thiếu tính toán khi xây dựng các công trình giao thông công cộng, không được đầu tư dài hạn mà chỉ được giải quyết một cách chắp vá. Xây dựng cầu vượt đi bộ giá chục tỷ đồng, lại dỡ bỏ xây dựng cầu vượt khác trăm tỷ đồng hay việc xây dựng những hầm đi bộ vô tích sự là sự lãng phí tiền của một cách vô tội vạ.
Theo ông Hiệp, để các cầu, hầm đường bộ phát huy tối đa hiệu quả sử dụng, góp phần hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông, cải thiện văn hóa giao thông đô thị, thành phố Hà Nội cần thực hiện các biện pháp như: thường xuyên duy tu, duy trì các đường hầm và cầu đi bộ, đảm bảo luôn sạch, đủ ánh sáng, tạo thuận lợi cho người đi lại, hay tăng cường xử lý đối với người tham gia giao thông sang đường không đúng quy định; tích cực tuyên truyền, vận động để người tham gia giao thông sử dụng cầu, hầm đi bộ. Nhưng nếu chỉ dừng lại từ phía người dân mà thành phố không bàn tới một kế hoạch lâu dài cho tương lai của các công trình giao thông công cộng thì tiếp tục sẽ xuất hiện rất nhiều công trình vô tích sự, chỉ tồn tại trong mơ chứ không trở thành ý thức sử dụng của hầu hết người dân Thủ đô Hà Nội.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội: Khi mà người ta xác định các tuyến đường kết hợp liên kết với các dự án nằm trên tuyến đó thì phải tính toán tới số lượng dân cư và lưu lượng giao thông nằm trên tuyến đường đấy. Và hiện nay theo chủ trương thì bao giờ quy hoạch hạ tầng kĩ thuật, nhất là mạng đường giao thông cũng phải đi trước. Trong khi đó các dự án phát triển, xây dựng có thời hạn dài hơn so với thực tế. Đặc biệt nhiều dự án chưa tạo được sự hấp dẫn với người dân nên việc dự tính số dân cư ấy là khác so với thực tiễn, ví dụ như khu Nam Trung Yên hay khu Mỹ Đình. Ở đó đã dự tính một lượng dân cư lớn hơn nhưng cho đến nay vẫn chưa được đầy đủ như chúng ta đã tính. Cho nên mới xảy ra tình trạng lãng phí trong thời điểm này, đây cũng chỉ là một trong các lý do. Hay một số cầu vượt đều có quy hoạch và quy hoạch ấy căn cứ vào lưu lượng giao thông như khu Trần Duy Hưng hay cầu vượt khu Bệnh viện Bạch Mai... là đều có dự tính cả. Nhưng trong tình hình thực tiễn hiện nay ý thức của người dân khi tham gia giao thông vẫn chưa được cao. Thêm một lý do nữa đó là thông thường các tuyến nổi phải đảm bảo yêu cầu mỹ quan để hấp dẫn, để người dân có điểm dừng, ngắm được cảnh quan xung quanh nhưng chúng ta chú trọng nhiều tính mỹ quan của các tuyến này. Và một vấn đề nữa đã được nêu ra nhưng chúng ta chưa làm được đó là nên kết hợp các tuyến ngầm với các loại hình dịch vụ. Như vậy chuyện các công trình bị bỏ hoang hiện nay là do chúng ta vẫn chưa tận dụng được triệt để, lượng dân cư sử dụng chưa cao. Nhưng dẫu sao mỗi khi quy hoạch và thực hiện mở rộng các tuyến đường chúng ta vẫn phải tính trước các công trình cần thiết cho mạng lưới giao thông. Các con đường, giao thông luôn phải được tính trước. Cho đến khi lượng dân cư đã tăng lên và giải quyết được các vấn đề đã nói trên, chắc chắn chúng ta phải sửa chữa lại các công trình đang xuống cấp hay bị bỏ hoang hiện tại để người dân sử dụng và tránh lãng phí. |