Hai thầy giáo người Pháp phất cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN

Thứ Ba, 17/07/2012, 15:51
Ngày 25/7/1970, hai ông đã giương cao ngọn cờ nửa xanh nửa đỏ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (DTGPMNVN) trước tòa nhà Quốc hội của chính quyền Sài Gòn cũ. Các ông đã trải qua gần 3 năm trong nhà tù của chế độ Sài Gòn. Ra tù, các ông tiếp tục ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trên phạm vi thế giới. André Menras đã vinh dự trở thành công dân Việt Nam.

Đến Việt Nam năm 1968 dạy tiếng Pháp theo chương trình hỗ trợ giáo dục giữa Chính phủ Pháp và chính quyền Sài Gòn, chàng trai trẻ André Menras đến từ “vương quốc rượu vang” Languedoc – Roussillon nổi tiếng ở miền Nam nước Pháp đã bị cuốn hút vào phong trào đấu tranh của học sinh – sinh viên Sài Gòn chống đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai Sài Gòn. Để rồi chính ông và một đồng nghiệp người Pháp khác đã tự in truyền đơn rải trên đường phố Sài Gòn ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Ngày 25/7/1970, hai ông đã giương cao ngọn cờ nửa xanh nửa đỏ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (DTGPMNVN) trước tòa nhà Quốc hội của chính quyền Sài Gòn cũ. Các ông đã trải qua gần 3 năm trong nhà tù của chế độ Sài Gòn. Ra tù, các ông tiếp tục ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trên phạm vi thế giới. André Menras đã vinh dự trở thành công dân Việt Nam.

Chàng trai của xứ sở Languedoc – Roussillon

Languedoc – Roussillon là vùng trồng nho nổi tiếng nằm ở miền Nam nước Pháp, trải dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, giáp với Tây Ban Nha. Vùng đất này nổi tiếng về ẩm thực với các món hải sản đánh bắt từ biển Địa Trung Hải; với thịt bò Aubrac có hương vị đặc trưng; với các loại rau quả, đặc biệt là quả anh đào Ceret; với pho mai Pelardon làm từ sữa dê;...

Nhưng Laguedoc – Roussillon được cả thế giới biết đến nhờ các loại rượu vang nổi tiếng. Đất đai ở đây màu mỡ, thích hợp cho trồng nho, ở đây có mặt hầu hết các giống nho nổi tiếng trên thế giới như Merlot, Cabernet Sauvignon, Sauvignon Blanc và Chardonnay... Nhờ đó mà vùng đất này trở thành vùng sản xuất rượu nho lớn nhất nước Pháp, cung cấp hơn 1 phần 3 lượng rượu vang tại Pháp và xuất khẩu đi khắp thế giới. Loại nho Chardonnay dùng để sản xuất các loại rượu vang trắng như Vin de Pays dOc, Crémant Limoux được đánh giá là ngon nhất thế giới.

Mùa thu năm 1945, lúc ở vùng Đông Dương thuộc địa của Pháp xa xôi có một quốc gia mới giành được độc lập bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám, thì ở thị trấn Bezier thuộc vùng Languedoc – Roussillon ở nước Pháp có một cậu bé cất tiếng khóc chào đời, được cha mẹ đặt tên là André Menras. Sự trùng hợp thú vị này đã vô tình là duyên cớ gắn kết cuộc đời của André Menras với đất nước Việt Nam.

Chàng trai Menras khi lớn lên đã tỏ ra yêu thích môn đấu bò tót được du nhập từ bên kia biên giới, ở nước Tây Ban Nha. Chính môn đấu bò tót đã giúp cho Menras có được sức khỏe hơn người và lòng dũng cảm. Mới 14 – 15 tuổi, Menras đã chứng tỏ sức mạnh và sự dũng cảm bằng những cuộc đấu bò tót đòi hỏi sức mạnh, sự khéo léo, lòng gan dạ... Menras cũng bị cây đàn guitar và vũ điệu Flamenco của Tây Ban Nha làm mê hoặc. Từ đó mà trong ông đã hình thành tính cách lãng mạn, thích phiêu lưu, khám phá.

Menras với chiếc radio mà ông đã nghe bản tin giải phóng Sài Gòn.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Menras theo học Trường Sư phạm Montpellier. Ra trường, ông trở thành giáo viên dạy ngôn ngữ Pháp, thay vì trở về quê hương Languedoc – Roussellon sống bên những cánh đồng nho bạt ngàn và vũ điệu Flamenco, nhưng chính máu phiêu lưu, lãng mạn đã thúc đẩy Menras đi khám phá những chân trời mới. Với ít hành trang cùng cây đàn guitar, năm 1968 Menras đã đến miền Nam Việt Nam, nơi ông được biết trước đó là xứ sở đang bị chiến tranh tàn phá khốc liệt, để mong góp chút sức mình giúp đỡ mọi người. Ông được bố trí cho dạy môn tiếng Pháp ở một trường trung học tại Sài Gòn.

Làm điên đầu chính quyền Sài Gòn

Dù đã biết trước nơi mình sắp đến đang diễn ra cuộc chiến tranh khốc liệt, nhưng chỉ khi đến Sài Gòn, được giảng dạy trong một trường trung học với những học sinh người Việt, Menras mới thấy hết sự khủng khiếp của cuộc chiến, nhất là những hình ảnh còn để lại từ cuộc tổng tiến công, nổi dậy của quân dân miền Nam từ mùa xuân Mậu Thân. Đứng trên bục giảng dạy tiếng Pháp hằng ngày, Menras thỉnh thoảng chứng kiến cảnh học sinh, sinh viên bị bắt bớ, bị đánh đập. Tìm hiểu kỹ hơn, Menras biết được số học sinh đó đã anh dũng biểu tình, rải truyền đơn chống lại đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai Sài G

òn. Từ đó, không khó để Menras nhận ra tính phi nghĩa của cuộc chiến do đế quốc Mỹ gây nên ở miền Nam Việt Nam. Và Menras đã sớm đứng về phía cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam. André Menras đã cùng một đồng nghiệp người Pháp đang dạy môn toán tên là Jean Pierre Debrisbàn cách ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân miền Nam. Hai người tự in truyền đơn bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp để rải trên đường phố Sài Gòn tỏ thái độ phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ. Mật vụ, cảnh sát Sài Gòn đã điên đầu trước các cuộc rải truyền đơn khá táo bạo, lại bằng chính tiếng Anh và tiếng Pháp. Họ mường tượng và rắp tâm theo dõi những người nước ngoài đang định cư ở Sài Gòn. Những chưa cần họ ra tay, chính Menras và người bạn đồng nghiệp bằng sự dũng cảm phi thường đã tự thể hiện cho họ biết ai đã từng rải truyền đơn bằng tiếng nước ngoài trên đường phố Sài Gòn.

Sài Gòn tháng 7 năm 1970. Tòa nhà Quốc hội của chính quyền Sài Gòn (nay là Nhà hát thành phố) được bảo vệ cẩn mật bởi lực lượng cảnh sát, đặc nhiệm. Xung quanh tòa nhà là các khách sạn lớn chủ yếu phục vụ khách nước ngoài, các cơ quan nước ngoài, các đoàn ngoại giao... Phía trước toà nhà Quốc hội, trên quảng trường nằm chính giữa đại lộ Lê Lợi là tượng đài “thủy quân lục chiến” cao khoảng 5 mét.

Sáng 25/7/1970, quang cảnh trước toà nhà Quốc hội vẫn bình thường, không có biểu hiện gì đặc biệt. Nhiều khách nước ngoài vẫn ra vào các khách sạn một cách vội vã như thường thấy. Bất ngờ, người ta thấy có 4 – 5 phóng viên nước ngoài với máy ảnh treo trước ngực hối hả đi về phía quảng trường, đến bên tượng đài “thủy quân lục chiến”. Như chỉ đợi các nhà báo có đủ mặt, hai người đàn ông phương Tây đến đây sẵn trước đó đã nhanh chóng trèo lên tượng đài “thủy quân lục chiến” và rút trong người ra lá cờ nửa xanh nửa đỏ của Mặt trận DTGPMNVN phất cao. Các nhà báo đứng phía dưới thấy cảnh lạ đã đưa máy ảnh lên chụp liên hồi.

Sau này chính hai người thầy giáo là André Menras và Jean Debris, những người phất cao cờ Mặt trận DTGPMNVN ngày hôm ấy, cho biết, họ đã chủ động báo cho phóng viên các cơ quan thông tấn lớn nước ngoài đang đóng ở Sài Gòn (như AP, AFP, BBC...) và một số báo trong nước vào đúng thời điểm đó sẽ xảy ra sự kiện quan trọng ở quảng trường trước toà nhà Quốc hội. Mục đích của việc báo trước là để có mặt các phóng viên (nhất là phóng viên nước ngoài) thì cảnh sát, mật vụ Sài Gòn không dám manh động như dùng súng bắn chết những người phất cờ phản chiến. Cũng nhờ sự có mặt của các phóng viên mà sự kiện 2 giáo viên người Pháp phất cờ phản chiến trước toà nhà Quốc hội ở Sài Gòn nhanh chóng được lan truyền khắp thế giới, tạo hiệu ứng phản đối chiến tranh ở miền Nam Việt Nam rất nhanh và rất mạnh.

Tưởng “thủy quân lục chiến”, nơi Menras và Debris phất cờ Mặt trận DTGPMNVN.

Khoảng 5 phút sau khi 2 giao viên người Pháp phất cờ Mặt trận DTGPMNVN trên đầu tượng đài “thủy quân lục chiến”, các lực lượng cảnh sát, quân cảnh, mật vụ... rần rật chạy tới, hụ còi xe inh ỏi. Đúng như Menras và người bạn đồng hành dự đoán, cảnh sát khi đến quảng trường chứng kiến cảnh “kinh hoàng” nói trên, đã móc súng lên đạn rôm rốp. Nhưng khi quay sang thấy hàng chục nhà báo trong và ngoài nước bấm máy ảnh “rẹt, rẹt”, các cảnh sát đã không dám nổ súng về phía những người phất cờ trên tượng đài, họ đành hạ súng xuống. Các cảnh sát phải mất hàng chục phút để khống chế hai giáo viên người Pháp xuống khỏi tượng đài. Đó là khoảng thời gian đủ dài để hình ảnh 2 người Pháp phát cờ Mặt trận DTGPMNVN trên tượng đài thuỷ quân lục chiến” trước toà nhà Quốc hội Sài Gòn đập vào mắt hàng ngàn người đi đường trên các đại lộ Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tự Do (nay là Đồng Khởi). Để rồi ngay chiều hôm đó nhiều tờ báo ở Sài Gòn và các hãng thông tấn quốc tế đã đưa lên trang nhất tin và hình ảnh “như ý” về vụ phất cờ phản chiến nói trên.

André Menras và Jean Debris đã bị cảnh sát còng tay, tống giam vào khám Chí Hòa. Trong nhà tù, chính quyền Sài Gòn đã thuyết phục 2 thầy giáo người Pháp nhận vụ phất cờ nói trên chỉ là trò đùa quá trớn chứ không phải vì động cơ “phản chiến”, nhưng trước sau Menras và người bạn đồng nghiệp chỉ nhận mình hành động để phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ gây nên ở miền Nam Việt Nam.

Không thuyết phục được 2 thầy giáo người Pháp, hơn 2 tháng sau, vào ngày 28/9/1970, chính quyền Sài Gòn lệnh cho Tòa án Quân sự Mặt trận quân khu 3 (Sài Gòn và vùng phụ cận) mở phiên tòa xét xử André Menras và Jean Debris. Bản cáo trạng của Tòa án Quân sự Mặt trận quân khu 3 lúc ấy, có đoạn: “Sở dĩ y (Menras) treo cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam và rải truyền đơn là vì trong hai năm sinh sống tại Việt Nam y nhận thấy người ngoại quốc nhất là người Mỹ đã làm thối nát xã hội nầy và cũng do những kẻ cầm giữ và chấp nhận sự hiện diện đó (tức  chính quyền Nguyễn Văn Thiệu)... Chỉ có một đoàn thể chính trị mệnh danh là Mặt trận Giải phóng miền Nam không chấp nhận sự hiện diện nêu trên nên y đã quyết định rải truyền đơn chống chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, trương cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam trên bức tượng thuỷ quân lục chiến… truyền đơn thì do y quay máy roneo riêng đã được phân phát rải dọc theo các đường vùng Dakao, Khanh Hội, Tân Sơn Nhất, Chợ Lớn…”

Với bản án 3 năm tù, Menras và Debris bị giam cầm ở nhà lao Chí Hoà. Chính trong thời gian ở tù này, Menras và Debris đã tìm cánh liên lạc, gần gũi với những người tù chính trị, được họ dạy học tiếng Việt, dạy các bài hát cách mạng, được họ kể chuyện về phong tục tập quán Việt Nam, được giải thích đầy đủ hơn về cuộc chiến mà toàn dân Việt Nam đang tiến hành để đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược.

Càng khâm phục cuộc chiến của nhân dân Việt Nam, Menras và Debris càng trân trọng, yêu mến những người tù chính trị. Hai người thầy giáo người Pháp đã đưa thân mình ra đỡ đòn cho anh em tù chính trị dưới những làn roi của bọn cai ngục. Khi gia đình của họ từ Pháp gửi đồ thăm nuôi” sang, Menras và Debris đem chia sẻ cho các người tù. Chính trong những ngày ở tù, Menras đã được những người bạn tù Việt Nam đặt cho một cái tên Việt rất ý nghĩa, đó là Hồ Cương Quyết, cái tên theo ông đến suốt cuộc đời.

Một người tù chính trị từng có mặt ở khám Chí Hòa trong thời gian này là ông Phạm Văn Ba kể lại: Tại nhà lao Chí Hoà, ông đã gặp André Menras, được Menras san sẻ thức ăn, đồ dùng và thông báo tình hình chính sự ở bên ngoài. Khi Mỹ ném bom miền Bắc, những người tù chính trị có máu mặt bị đưa ra Côn Đảo. Trước khi xuống tàu đi Côn Đảo, ông Ba được Menras bí mật gửi biếu chiếc radio 3 band của cá nhân mình để ra đảo mở cho bạn tù cùng nghe. Chính chiếc radio này đã giúp truyền đi tiếng nói của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và của Mặt trận DTGPMNVN suốt từ đó cho đến năm 1975 cho những người tù trong “vùng lõm 6B”, là trại giam chống đối khét tiếng ở Côn Đảo mà đối phương phải kiêng sợ.

Sau này khi trở thành Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị trao đổi sư phạm Pháp - Việt (ADEP), Menras đã mời ông Phạm Văn Ba và 13 cựu tù chính trị Côn Đảo sang thăm Pháp. Ông Ba và đoàn cựu tù đã được đi thăm quê hương, gặp ba mẹ của André Menras và được tiếp đón như những người thân trong gia đình.

Tiếp tục ủng hộ Việt Nam

Chưa mãn hạn tù, nhưng nhờ Hiệp định Paris sắp được ký kết, nhằm xoa dịu dư luận tại Pháp, cuối năm 1972 chính quyền Sài Gòn buộc phải trả tự do trước thời hạn cho Menras và Debris và trục xuất họ khỏi miền Nam. Hai người thầy giáo trở về Pháp, tiếp tục cuộc đấu tranh ủng hộ nhân dân Việt Nam bằng cách lên tiếng tố cáo chế độ nhà tù ở Sài Gòn. Không chỉ tố cáo trong dư luận nước Pháp, Menras và Debris còn đi khắp thế giới, đến gần 20 quốc gia tố cáo cuộc chiến của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam.

Không chỉ tố cáo bằng những bài diễn thuyết, những bài báo, ông còn viết hẳn cuốn sách mang tên “Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn” tố cáo tội ác của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Cuốn sách của hai ông được dịch ra rất nhiều thứ tiếng, góp phần làm sôi sục phong trào phản đối chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam trên khắp thế giới vào giai đoạn cuối của cuộc chiến.

Chiều ngày 30/4/1975, tin Sài Gòn được giải phóng loan nhanh khắp thế giới. Tại thủ đô Paris, có một công dân Pháp đã trào nước mắt khi đón nhận thông tin trên. André Menras khi đó đang lái ôtô đã nghe bản tin từ radio cho biết Sài Gòn đã được giải phóng. Ông đã dừng xe vào lề đường để nghe hạnh phúc dâng trào, để cho nước mắt chảy dài trên mặt. Năm 1977 André sang Việt Nam để được sống trong đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập mà ông đã ít nhiều góp công sức của mình vào thành quả đó.

Sau khi về hưu năm 2001, André càng có điều kiện để gắn bó với “quê hương thứ hai” Việt Nam của mình. Ông đã đến Sài Gòn và nhiều tỉnh, thành khác để tìm thăm những bạn tù cũ, để tìm hiểu thêm phong tục người Việt, để ăn những món ngon đồng quê Việt Nam, để được tắm ao sen miền Tây, được kéo lưới cùng ngư dân miền Trung, được sinh hoạt tập quán đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Bắc...

Menras và bạn người Việt.

Trong hơn 10 năm qua, ông thường xuyên đi lại giữa 2 đất nước Việt Nam và Pháp. Tại Việt Nam, ông đã đặt chân đến hầu hết các vùng miền. Ông đã thành thạo cầm đũa khi ăn cơm và trò chuyện trôi chảy bằng tiếng Việt. Trên mọi nẻo đường nước Việt, không chỉ đi để thụ hưởng phong cảnh nước Việt, ông còn chọn lựa những học sinh người dân tộc thiểu số hiếu học để xem xét cấp học bổng theo chương trình tài trợ của Hiệp hội Hữu nghị phát triển sư phạm Pháp - Việt do chính ông sáng lập.

Người Việt Nam thực thụ

Ngày 1/12/2009, André Menras đã vinh dự trở thành người nước ngoài đầu tiên được nhập quốc tịch Việt Nam sau khi Luật Quốc tịch mới được ban hành. Chính Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho André Menras với tên Việt Nam là Hồ Cương Quyết, cái tên ông đã được mang từ gần 40 năm trước trong nhà lao Chí Hòa.

Trả lời phỏng vấn tờ l'Herault du jour của Pháp, Mendras nói: “Từ khi hai mươi tuổi, tôi đã rất gắn bó với đất nước, con người Việt Nam. Cuốn theo các cuộc chiến tranh, tôi đã mạo hiểm cuộc sống, rời bỏ gia đình cùng các bạn bè để chiến đấu bên cạnh các người bạn Việt Nam. Trong trận chiến này, họ đã trở thành những người anh em của tôi và đặt tên Việt Nam cho tôi. Đấy chính là tên trên chứng minh thư và hộ chiếu Việt Nam của tôi ngày nay... Như vậy, không có gì ngạc nhiên khi tôi là công dân Việt Nam 100% gốc nước ngoài...

Thực ra thì dự định xin nhập quốc tịch Việt Nam của tôi đã được ấp ủ từ rất lâu. Ý tưởng này nảy ra trong cuộc trò chuyện thân mật giữa tôi với Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP HCM cách đây 3 năm. Lúc đó, Luật hai quốc tịch tại Việt Nam vẫn chưa được thông qua và trong số ít người nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam lại phải bỏ quốc tịch cũ. Tôi đã viết một bức thư xin được có hai quốc tịch.

Tháng 7/2009, Luật hai quốc tịch ra đời và có hiệu lực từ tháng 11-2009. Chủ tịch nước biết câu chuyện của tôi do đồng đội cũ của ông kể lại, trong đó một số người cũng là bạn của tôi. Từ đó trở đi, mọi việc tiến triển rất nhanh...

Ngày 13/11, Ngài Chủ tịch nước thông báo cho tôi về quyết định trao quốc tịch Việt Nam được ký và ngày 28/11, tôi gặp lại Ngài trong cuộc họp mặt đồng đội tại cánh rừng gần biên giới Campuchia, căn cứ địa của lực lượng kháng chiến, nơi mà mọi hỏa lực mạnh mẽ nhất của quân Mỹ không thể nào san bằng được.

Chủ tịch nước hẹn tôi 3 ngày sau tại Sở Tư pháp TP HCM để nhận quyết định nhập quốc tịch Việt Nam. Buổi lễ diễn ra rất long trọng, đầy tình cảm và ấm áp với sự có mặt của Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP HCM và báo chí. Ngay ngày hôm sau, tôi đã nhận được hộ chiếu cùng chứng minh thư Việt Nam. Tôi quay lại Pháp ngày tiếp theo với tất cả các giấy tờ công dân mới Hồ Cương Quyết...

Người ta thường hỏi tôi một câu như: “Này André, cuối cùng thì ông là người Pháp hay người Việt Nam vậy?". Giống như trong bài hát của Josephine Baker, tôi có hai tình yêu. Khi ở trong tù, tôi được nghe những câu chuyện chống lại chủ nghĩa thực dân của những người Pháp như H.Martin, M.Riffaud, Raymonde Dien thì tôi thật sự cảm giác mình là người Pháp. Khi tôi chống lại bức tường nhà tù của chủ nghĩa thực dân, tôi lại thấy mình là người Việt Nam. Gốc rễ đầu tiên của tôi về mặt sinh học là người phương Tây, còn gốc rễ Việt Nam của tôi lại được vun đắp từ cách mạng”.

Tình cảm và sự gắn bó của André Menras – Hồ Cương Quyết với đất nước Việt Nam đang tiếp tục nở hoa với việc Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương vừa sản xuất bộ phim “André Menras - Một người Việt”. Bộ phim có độ dài 36 phút do nghệ sĩ Đào Thanh Tùng biên kịch và đạo diễn sẽ được trình chiếu rộng rãi trong thời gian tới. Theo Báo Nhân Dân điện tử ngày 12/5/2012, Menras cũng đã tự thực hiện bộ phim “Hoàng Sa: Nỗi đau mất mát” và đã công chiếu ở Trung tâm văn hóa Việt Nam tại thủ đô Paris. Bộ phim dài 59 phút, phản ánh chân thực và sống động về cuộc sống của ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) với bao khó khăn, thách thức, nhưng họ vẫn bám biển vì cuộc mưu sinh và cũng vì vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Để thực hiện bộ phim này, Menras đã đến đảo Lý Sơn nhiều lần và được sự giúp đỡ ủng hộ nhiệt tình của người dân và chính quyền địa phương. Trước đó, bộ phim đã được chiếu tại các thành phố ở Pháp như Toulouse, Beziers và tại một số nước ở châu Âu như Đức, Cộng hòa Czech và Ba Lan. Gắn với việc giới thiệu bộ phim, Menras đã vận động quyên góp để giúp đỡ những ngư dân gặp cảnh đời khó khăn, giúp học trò nghèo trên đảo những suất học bổng đầy ý nghĩa.

Mỗi lần đến Việt Nam, sau tất cả những hoạt động để giúp những “đồng bào” khó khăn và để làm tròn bổn phận của một công dân Việt Nam thực thụ, André Menras thường ghé một quán cà phê hoặc một nhà hàng nào đó ở TP HCM. Vừa nhấp ngụm cà phê hoặc nhâm nhi ly rượu vang, ông vừa thả hồn theo một giai điệu nào đó của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông vừa để cho những dòng ký ức của mình với thành phố này tuôn chảy. Trong những lúc như thế, ông cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết, hạnh phúc của một người may mắn được sống tới 2 cuộc đời tràn đầy ý nghĩa!

Hoàng Hải
.
.
.