Grab đặt cược vào Việt Nam và Đông Nam Á
Chris Yeo, người đứng đầu bộ phận đầu tư Grab Ventures, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review rằng công ty có trụ sở tại Singapore có kế hoạch thực hiện 2-4 khoản đầu tư chiến lược mới vào các công ty khởi nghiệp mỗi năm, nhắm vào các công ty ở Series B hoặc các giai đoạn gây quỹ cao hơn.
Hầu hết các giao dịch này sẽ dành cho cổ phần thiểu số.Một cách riêng biệt, Grab cũng "tích cực tìm kiếm các thương vụ mua lại tiềm năng", ông Chris Yeo nói.
Chris Yeo, người đứng đầu Grab Ventures, cho biết đến lượt công ty sẽ hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp ở Đông Nam Á. |
Không đầu tư rộng rãi toàn cầu như Quỹ Tầm nhìn (Vision Fund) gần 100 tỷ USD của SoftBank, Grab sẽ tập trung vào việc thúc đẩy chiến lược trở thành siêu ứng dụng của khu vực, bao gồm các dịch vụ như giao thực phẩm và thanh toán kỹ thuật số.
"Lý do chính cho các khoản đầu tư phải là sự hợp lực với hoạt động kinh doanh hiện tại. Tất nhiên, về mặt tài chính nó phải có ý nghĩa, nhưng đó không phải là điều đầu tiên và quan trọng nhất", Yeo nói.
Ra đời vào năm 2012, Grab hiện đang hoạt động tại 8 quốc gia Đông Nam Á và đã huy động hàng tỷ đô la từ các doanh nghiệp toàn cầu bao gồm SoftBank Group và Toyota Motor.
Ngày 29-7, Grab cho biết họ sẽ đầu tư 2 tỷ đô la vào Indonesia trong 5 năm tới để khai thác các cơ hội trong nền kinh tế lớn nhất khu vực. Về mặt địa lý, Indonesia sẽ vẫn là thị trường quan trọng nhất, nhưng Grab cũng sẽ nhắm tới Việt Nam và Malaysia nhiều hơn, vì họ thấy "dòng chảy thỏa thuận gia tăng về các cơ hội tiềm năng" ở đó, Yeo nói.
Grab đã đặt ra 5 lĩnh vực mục tiêu cho đầu tư khởi nghiệp: di động, dịch vụ tài chính, thực phẩm, hậu cần và cho phép các công nghệ như trí tuệ nhân tạo và học máy, Yeo cho biết.
Sau khi mua lại bộ phận Đông Nam Á của Uber Technologies vào đầu năm 2018, công ty đã ra mắt Grab Ventures để tạo điều kiện cho các khoản đầu tư khởi nghiệp nhiều hơn và nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu trong khu vực.
"Giống như nhiều công ty công nghệ lớn hơn đã giúp chúng tôi trước đây, nay đến lượt chúng tôi hỗ trở hệ sinh thái khởi nghiệp", Yeo nói.
Cho đến nay, Grab đã đầu tư vào các công ty như startup công nghệ Mỹ Drive.ai, startup giao hàng tạp hóa Indonesia HappyFresh và công ty hậu cần Singapore Ninja Van. Số tiền đầu tư không được tiết lộ. Grab mua lại hoàn toàn startup thanh toán Indonesia Kudo trong năm 2017.
Kỳ lân Đông Nam Á đang đầu tư ngày càng nhiều hoặc mua lại các công ty khởi nghiệp khác. Cơ sở dữ liệu của công ty Crunchbase cho biết 70 công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á đã được các doanh nghiệp khác trong khu vực mua lại trong năm 2018, trong khi 54 startup được mua lại bởi các khu vực khác trên thế giới; và chỉ 7 startup chọn con đường IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng).
Điều này khác với giai đoạn từ năm 2010 trở về trước.Lúc đó, IPO và các vụ mua lại của các công ty từ bên ngoài Đông Nam Á chiếm phần lớn các hoạt động khởi nghiệp của khu vực.
Vào tháng 6, đối thủ Go-Jek của Grab đã mua lại nền tảng tuyển dụng dựa trên AI của Ấn Độ AirCTO, trong khi nền tảng thương mại điện tử Indonesia Tokopedia - một công ty khởi nghiệp khác do SoftBank hậu thuẫn - đã mua nền tảng dịch vụ cưới hỏi Bridestory.
Xu hướng là một phần kết quả từ việc các công ty khởi nghiệp lớn phải đối mặt với "áp lực", Kuo-Yi Lim, đối tác quản lý của công ty đầu tư mạo hiểm Monk's Hill Ventures có trụ sở tại Singapore, cho biết.
"Các công ty này đang cần thể hiện tiềm năng tăng trưởng. Càng ngày, càng có áp lực vì bạn đang huy động hàng tỷ và hàng tỷ đô la".Ông Yeo cho biết xu hướng này minh họa cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đông Nam Á. "Nếu bạn nhìn vào 10 năm trước ở Đông Nam Á, bạn không có các công ty khởi nghiệp địa phương đầu tư vào các công ty khởi nghiệp địa phương khác ", Yeo nói.