Giới trẻ hướng đến giá trị văn hóa truyền thống theo cách “hiện đại”

Chủ Nhật, 04/01/2015, 17:30
Sự kết hợp giữa những nét đẹp truyền thống với những nét hiện đại được giới trẻ sáng tạo trong cuộc sống không chỉ khẳng định cá tính riêng của giới trẻ, mà còn cho mọi người thấy được: giới trẻ không hề lãng quên giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Họ đã và đang duy trì, phát triển nó theo cách rất riêng, rất đặc biệt, mà cũng rất cụ thể.

Sân chơi lịch sử- nơi lưu giữ giá trị truyền thống

Hướng đến việc duy trì và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc. Rất nhiều bạn trẻ có niềm đam mê lịch sử đã cùng nhau thành lập các Câu lạc bộ “Tôi yêu lịch sử” tại các trường đại học. Trên các trang mạng xã hội, nhiều bạn trẻ đã xây dựng các nhóm, hội như: Trang “Tôi yêu lịch sử nước tôi” hiện đang được rất nhiều bạn trẻ yêu thích với hơn 2.000 lượt thích, cùng với hàng nghìn lượt theo dõi. Trang “Tìm hiểu lịch sử Việt Nam” với gần 9.000 lượt thích. Với số lượng người theo dõi ở các trang tìm hiểu về lịch sử văn hóa dân tộc ngày càng gia tăng. Điều đó, đã chứng tỏ giới trẻ không hề lãng quên những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Việc tạo ra những sân chơi lịch sử, thông qua những câu hỏi thú vị, những câu chuyện lịch sử, các bạn trẻ không chỉ có cơ hội được giao lưu, thể hiện sự sáng tạo mà đây còn là một cách để giới trẻ thể hiện tinh thần dân tộc, lòng yêu nước.

Đoàn Thị Linh - hoa khôi trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Mình rất thích tìm hiểu lịch sử văn hóa dân tộc, mình thường xuyên theo dõi chương trình “Theo dòng lịch sử”, tham gia Câu lạc bộ “Sân chơi lịch sử” của trường. Bên cạnh đó, mình cũng tìm hiểu thêm về những nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc thông qua những cuốn sách về văn hóa. Với mình, việc lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc là điều hết sức cần thiết, bởi văn hóa truyền thống chính là cốt lõi, là “hồn sắc” của dân tộc”.

Tiến sĩ văn hóa học Lê Anh từng chia sẻ: “Văn hóa ngoại lai đang du nhập vào nước ta một cách ồ ạt. Người tiếp nhận làn sóng văn hóa ngoại lai đó một cách nhanh nhất là giới trẻ. Đó là một trong những nguyên nhân khách quan khiến giới trẻ thờ ơ với những giá trị văn hóa truyền thống”. Chia sẻ của Tiến sĩ đúng, nhưng chưa đủ bởi bản thân người trẻ luôn thích tìm tòi cái mới, việc học hỏi văn hóa ngoại lai cũng sẽ là một cách giúp cho vốn văn hóa của dân tộc thêm dày dặn và phong phú. Điều quan trọng nhất là giới trẻ, họ thích sự sáng tạo, họ thích được thay đổi và không thích sự khuôn khổ, cứng nhắc. Giới trẻ vẫn đang cố gắng tìm ra những “sân chơi lịch sử” phù hợp hơn với quan điểm và suy nghĩ mới của họ, chứ họ không hề lãng quên văn hóa truyền thống. Hướng đi mới cho những điều xưa cũ, đó là cách mà giới trẻ tiếp nhận và phát triển văn hóa dân tộc.

Đúng như GS.TS Ngô Đức Thịnh viết: “Để hình thành nên giá trị, bảng giá trị của một cộng đồng thì phải trải qua quá trình lịch sử lâu dài, nên giá trị thường mang tính ổn định và khá bền vững. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là giá trị là cái gì trường tồn, “nhất thành bất biến”, mà giá trị với tư cách là sự đánh giá của con người về cái hay, cái tốt, cái đẹp đối với tự nhiên, xã hội và tư duy, nó phản ánh nhu cầu của con người trong một môi trường xã hội nhất định. Do vậy, giá trị với tư cách là thước đo cũng mang tính biến động cùng với sự biến động xã hội”. Chính vì vậy, là cầu nối cho thế hệ sau, bản thân những người trẻ đã và đang nỗ lực thay đổi nhưng không làm “biến dạng” những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Xung kích xây dựng quê hương

Mỗi mùa hè đến, những chiến sĩ áo xanh tình nguyện lại đến với khắp mọi nẻo đường, mọi bản làng xa xôi của Tổ quốc để giúp đỡ người dân mở đường, dạy chữ cho những em nhỏ, hướng dẫn người dân gieo trồng hoa màu… Những việc làm tuy rất nhỏ, nhưng cũng thể hiện được trách nhiệm và tinh thần, sự nhiệt huyết của giới trẻ trong công tác xây dựng và phát triển đất nước. Không tung hô phải bảo vệ hay duy trì giá trị văn hóa dân tộc, thay vào đó giới trẻ đang cống hiến hết mình để gìn giữ từng tấc đất, yêu thương từng mảnh đời bất hạnh trên quê hương Việt Nam.

Theo GS Trần Văn Giàu: “Giá trị truyền thống được hiểu là những cái tốt, bởi vì những cái tốt mới được gọi là giá trị. Thậm chí không phải bất cứ cái gì tốt đều được gọi là giá trị; mà phải là cái tốt cơ bản, phổ biến, có nhiều tác dụng tích cực cho đạo đức, cho sự hướng dẫn nhận định, đánh giá và dẫn dắt hành động của một dân tộc thì mới mang đầy đủ ý nghĩa của khái niệm “giá trị truyền thống”.

Đúng như vậy, những hành động rất nhỏ của giới trẻ hiện nay, đã góp phần định hướng tích cực cho sự phát triển của xã hội. Hình ảnh những tình nguyện viên tuổi đời còn rất trẻ, tiên phong lên những vùng cao “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” giúp đồng bào dân tộc có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hay hình ảnh những cô gái trẻ sẵn sàng sửa điện, đào đường, xây trường học cho các em nhỏ vùng cao. Tất cả, đều là minh chứng rất rõ ràng thể hiện tinh thần dân tộc, đồng thời khẳng định giới trẻ đang phát huy truyền thống dân tộc đó là: yêu nước, thương dân, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để xây dựng đất nước.

“Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, vẫn luôn là mục tiêu, là hướng đi cao đẹp mà các bạn trẻ đang nỗ lực thực hiện. “Ôn cố tri tân” là nhiệm vụ của các thế hệ kế tiếp, và giới trẻ chưa bao giờ quên đi nhiệm vụ cao cả này. Điều đó đồng nghĩa với việc giới trẻ đang phát triển văn hóa truyền thống, đồng thời lưu giữ giá trị ấy bằng hành động thiết thực, cụ thể.

Giáo dục toàn diện, phát triển tương lai

Thông qua việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh, bằng tấm gương người tốt, việc tốt. Trong bối cảnh hội nhập, những mặt trái do cơ chế thị trường là không nhỏ, lối sống thực dụng, quay lưng lại với các giá trị truyền thống dân tộc, tôn thờ đồng tiền, nghiện hút, cờ bạc, mại dâm. Chỉ có thể hạn chế, đẩy lùi hiện tượng này trên cơ sở tạo ra tổng hợp lực trên mọi lĩnh vực, trong đó việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú lành mạnh đóng một vai trò quan trọng. Ngoài giáo dục kiến thức văn hóa, thông qua sách báo và các loại hình nghệ thuật, giáo dục giá trị thẩm mĩ còn hướng con người vươn tới cái đẹp, tự nó sẽ tạo ra cơ chế phản ứng lại những phản giá trị trong văn hóa.

Nhiều bạn trẻ sẵn sàng dành trọn thời gian để học hát xẩm, hát xoan, hát ca trù… Có những bạn trẻ vẫn hằng ngày mặc trên mình bộ áo dài đậm chất truyền thống, luôn “tôn sư trọng đạo”, sống hết mình vì cộng đồng. Không những thế, giới trẻ còn đang đưa nền văn hóa Việt Nam vươn ra thế giới thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa tại các trường đại học có du học sinh quốc tế. Tổ chức các tuần lễ văn hóa Việt tại nước ngoài, đưa những món ăn truyền thống, nét văn hóa trong cách ăn mặc của người Việt đến với bạn trẻ thế giới.

Câu lạc bộ Hanoi Kids - dẫn tour miễn phí cho khách nước ngoài chính là nơi để các bạn trẻ Việt Nam có cơ hội tôn vinh văn hóa Việt, đưa những giá trị truyền thống Việt đến gần hơn với du khách quốc tế. Qua việc dẫn khách quốc tế, giới trẻ không chỉ được trao đổi, học hỏi vốn ngôn ngữ đa dạng, mà còn thể hiện tinh thần phát huy, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của những người trẻ.

Bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong văn hóa tư tưởng, phong tục tập quán, lề thói cũ. Trong truyền thống văn hóa dân tộc có những đặc điểm mang tính tích cực của thời điểm này, nhưng ở thời điểm khác lại không còn phù hợp, có những nội dung được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, song cũng có những yếu tố trở nên lỗi thời, không còn phù hợp cần được gạt bỏ. Truyền thống văn hóa dân tộc cần luôn luôn được phát huy, bổ sung, thay thế, hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Muốn phát huy, bổ sung, thay thế, hoàn thiện văn hóa truyền thống dân tộc có thể tiến hành bằng nhiều con đường, nhưng trong đó không thể thiếu con đường tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Để giới trẻ được là chính mình, được hướng đến và phát triển những giá trị văn hóa dân tộc theo cách của riêng họ. Có thể, có những hướng đi của họ không thật đặc sắc, nhưng nó hứa hẹn sẽ luôn là hướng đi mới mẻ, thuyết phục và góp phần lớn vào việc xây dựng quê hương đất nước. Bảo tàng lịch sử, hát xẩm ở Bờ Hồ, múa rối nước… vẫn luôn là những điểm hẹn lí tưởng của các bạn trẻ, đó cũng là minh chứng cho sự trường tồn của văn hóa dân tộc trong trái tim người trẻ.

Nhật Hạ
.
.
.