Giao Bộ Công an quản lý đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe để khắc phục những bất cập

Thứ Hai, 21/09/2020, 13:21
Ngày 16-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB). Một trong những vấn đề các đại biểu quan tâm, thảo luận đó là Bộ Công an hay Bộ Giao thông vận tải sẽ quản lý công tác đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe (GPLX).


Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo đảm TTATGTĐB, Chính phủ đề xuất giao Bộ Công an quy định việc đào tạo, sát hạch và cấp GPLX. Việc thống nhất phương án này được lý giải là để đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ con người, khắc phục những bất cập hiện nay.

Đang tồn tại nhiều kẽ hở trong đào tạo, cấp giấy phép lái xe

Theo Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, một trong những thay đổi lớn trong dự thảo Luật đó là quy định nhiều điểm mới trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, quản lý lái xe bằng cơ sở dữ liệu có liên thông với các bộ, ngành liên quan; quy định người đủ 17 tuổi trở lên được đăng ký học lái xe.

Cảnh sát giao thông xử lý lái xe vi phạm.

Người học lái xe được lựa chọn cơ sở đào tạo lái xe, giáo viên dạy lái theo yêu cầu, được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ; người được cơ sở đào tạo xác nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo, được lựa chọn và đăng ký với cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để tham dự kỳ sát hạch; kết quả đào tạo, sát hạch lái xe phải thông tin công khai...

Từ năm 1995 trở về trước, lực lượng Công an tổ chức sát hạch, cấp, quản lý GPLX, đảm bảo đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước, bởi vì khi xử phạt vi phạm cũng đồng thời theo dõi quản lý được lịch sử lái xe vi phạm, chấm điểm được quá trình lái xe để có các biện pháp giám sát chặt chẽ lái xe.

Sau khi chuyển sang Bộ Giao thông vận tải quản lý, việc đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GLPX có quá nhiều bất cập kẽ hở, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế dẫn đến nhiều vụ TNGT do lái xe thiếu kỹ năng, thiếu đạo đức nghề nghiệp. Thậm chí, người bị truy nã, người cụt chân, người nghiện ma tuý vẫn được cấp, đổi GPLX. Đây cũng chính là những vi phạm "chết người", gây ra những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người chết, bị thương.

Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2009 đến nay, đã xảy ra trên 334.000 vụ TNGT, làm chết trên 101 nghìn người (trung bình hàng năm gần 10.000 người chết, chủ yếu trong độ tuổi lao động), làm bị thương trên 336.000 người, trong đó hàng chục nghìn người bị thương tật suốt đời. Nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là chủ yếu, chiếm trên 90% số vụ, trong đó nhiều lái xe có kỹ năng điều khiển, kiến thức về pháp luật an toàn giao thông và ý thức tự giác chấp hành luật còn rất kém.

Bên cạnh đó, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Công an đã phát hiện và xử lý rất nhiều các trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn… (trong 10 năm đã xử lý gần 1,1 triệu trường hợp vi phạm nồng độ cồn, sử dụng chất ma túy), đây là những nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc trong thời gian qua, gây bức xúc dư luận xã hội và rất đáng báo động.

Một trong những nguyên nhân xảy ra nhiều vụ TNGT là do công tác đào tạo, sát hạch GPLX “có vấn đề”, chưa đảm bảo chất lượng, thậm chí người bị cụt chân, người đang chấp hành án trong trại giam cũng được đổi GPLX. Điển hình như vụ tai nạn trên QL14 thuộc xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, xe ôtô khách BKS 47V-2371 khi đang lưu thông hướng Đắk Lắk - Đắk Nông đã lao xuống sông Sêrêpôk khiến 34 người chết, 22 người bị thương.

Việc giao Bộ Công an quản lý công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX sẽ khắc phục những bất cập hiện nay.

Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định lái xe là Phạm Ngọc Lâm, SN 1970, trú ở Khánh Hòa là đối tượng nghiện ma túy. Điều đáng nói là Lâm bị bắt vì mua bán trái phép chất ma túy, bị kết án 8 năm tù giam nhưng không hiểu lý do gì, trong thời gian đang chấp hành án tại trại giam, Lâm vẫn được đổi GPLX  (Theo quy định đổi GPLX phải có ảnh chụp trước 6 tháng và giấy khám sức khỏe do cơ quan thẩm quyền cấp).

Cũng vì dễ dãi trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GPLX nên có rất nhiều trường hợp lái xe có tới 2-3 bằng lái, bị thu bằng này, lại có bằng khác để lái xe. Điển hình như trường hợp ông Đặng Hữu Bình ở Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam sử dụng cùng lúc 2 GPLX do Sở GTVT Đà Nẵng cấp. Ông Bình vi phạm giao thông ở Thừa Thiên – Huế bị tạm giữ GPLX. Sau đó, ông Bình lại bị CSGT Thừa Thiên- Huế phát hiện vi phạm, ông Bình lại “trình” ra GPLX hạng C.

Qua xác minh, lực lượng chức năng xác định sau khi bị tạm giữ GPLX hạng B2, ông Bình đã đến cơ sở đào tạo khác cũng tại TP Đà Nẵng học GPLX hạng C và vẫn được Sở GTVT Đà Nẵng cấp GPLX sau khi sát hạch. Trường hợp ông Đặng Ngọc Doanh ở TP Hồ Chí Minh cũng tương tự Ông Doanh vi phạm  bị CSGT TP Hồ Chí Minh tạm  giữ GLPX hạng C. Mặc dù đến hạn nhưng ông Doanh không đến nộp phạt mà đề nghị Sở GTVT cấp lại GPLX mới với lý do bị mất. Sau đó, ông Doanh lại chạy quá tốc độ, lại bị tạm giữ GPLX mới “lòi” ra việc có 2 GPLX.

Công tác đào tạo lái xe vẫn sẽ được xã hội hoá như hiện nay

Tại phiên thảo luận dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đại diện cơ quan thẩm tra, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khẳng định Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, trong đó, về thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX thuộc phạm vi quản lý người điều khiển phương tiện giao thông (kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển và ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe), liên quan trực tiếp đến TTATG đường bộ nên đề nghị giao Bộ Công an để thống nhất quản lý về phương tiện và người tham gia giao thông; quản lý hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt, chặt chẽ từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và sau khi được cấp GPLX.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh, Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an quyết tâm chuyển đổi việc đào tạo, sát hạch, quản lý GPLX. Tôi có niềm tin Bộ Công an làm rất tốt trong lĩnh vực của mình”.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người điều kiển phương tiện.

Giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, công tác đào tạo lái xe vẫn sẽ được xã hội hoá như hiện nay, sẽ có quy định cụ thể để xã hội hoá công tác này. “Người dân muốn học ở đâu, ai đào tạo cũng được, sát hạch ở đâu cũng được, có tiêu chí cụ thể về sát hạch để đảm bảo khi có GPLX, thì lái xe có kỹ năng, kinh nghiệm tham giao giao thông, đáp ứng được tình hình thực tế”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh và cho biết sẽ nghiên cứu quy định về điều khiển phương tiện dưới 50 phân khối vì đây cũng là nguồn gây tai nạn rất đáng quan tâm.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết thêm, sẽ áp dụng kinh nghiệm thế giới để chấm điểm các tổ chức sát hạch GPLX để các tổ chức đào tạo, sát hạch phải đảm bảo an toàn. “Nếu Bộ Công an cấp, quản lý GPLX, sẽ hạn chế tối thiểu giấy phép giả, chủ động phòng ngừa tình trạng làm, bán GPLX giả hiện nay” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, việc đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GPLX là  quá trình vừa cung cấp thông tin, vừa cung cấp về kĩ năng, vừa cung cấp về khả năng tham gia giao thông của từng người và cái nữa là quản lý cái quá trình tự chấp hành của từng người. Trong dự thảo luật, phải công khai cái kết quả đào tạo và sát hạch và chắc chắn trong cái sát hạch sẽ có nhiều nội dung, rất sát với thực tiễn, từ hoạt động nghiệp vụ rút ra từ các vụ tai nạn để bổ sung vào chương trình, giáo trình đào tạo và cái nữa là cái quản lý người tham gia giao thông để làm sao người ta tự phòng ngừa, tự chấp hành để bảo vệ mình, bảo vệ người khác.

Theo tờ trình dự án Luật Bảo đảm TTATGTĐB, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất dự án Luật Bảo đảm TTATGTĐB quy định các vấn đề về: quy tắc giao thông, đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới…  Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách hành chính và thực tiễn về trật tự, an toàn giao đường bộ hiện nay, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội theo phương án 1: Vấn đề đào tạo sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.  Việc thống nhất phương án này được lý giải là để đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ con người.
Phương Thuỷ
.
.
.