Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu vùng biên
Tại các cửa khẩu như Tân Thanh, Cốc Nam vào mỗi dịp cuối năm, tình hình buôn lậu lại diễn ra vô cùng phức tạp trên cả đường sắt và đường bộ. Các lực lượng chức năng phải căng mình làm việc để kiểm soát mọi hoạt động của những kẻ buôn lậu. Tuy nhiên, càng gần Tết thì khả năng hoạt động buôn lậu bùng phát càng lớn hơn.
Trò chuyện cùng Đại úy Nguyễn Trường Khánh, Đội phó Đội chống buôn lậu, chúng tôi mới thấy hết những khó khăn, vất vả của những người lính trong cuộc chiến này. Đại úy Khánh cho biết, Lạng Sơn là tỉnh có địa hình đặc biệt với đường biên giới dài hơn 200km, lại có nhiều đường mòn, lối mờ, đường tắt nên hoạt động buôn lậu diễn ra rất phức tạp, nhất là những dịp cuối năm.
Lực lượng liên ngành chống buôn lậu ở Lạng Sơn kiểm tra nguồn gốc hàng hóa nhập qua cửa khẩu. |
Cùng với đó, cư dân biên giới nhiều người không có công ăn việc làm, dân trí thấp nên rất dễ bị dụ dỗ tiếp tay cho những kẻ buôn lậu. Thậm chí, một số người có ruộng nương, công việc thì lại bỏ để đi mang vác hàng thuê.
"Một thanh niên khỏe mạnh có thể kiếm được 1 triệu đồng tiền công trong một ngày. Thế nên so với tiền công làm ruộng hay chạy xe thì thu nhập từ việc vác hàng hấp dẫn hơn rất nhiều. Phía bên kia biên giới là khu kinh tế của Trung Quốc, có một số điểm chỉ mất 15 phút đi bộ là có thể tới", Đại úy Khánh chia sẻ.
Thủ đoạn buôn lậu của loại tội phạm này ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Chúng phối hợp tạo thành một hệ thống hoạt động rất nhuần nhuyễn, mỗi bao hàng được chia ra nhiều công đoạn để vận chuyển được về đến Hà Nội. Mỗi công đoạn lại có một người phụ trách, thực hiện nhiệm vụ nhất định.
Từ Bằng Tường, hàng được chuyển qua chợ cửa khẩu Pò Chài qua Tân Thanh hoặc từ Lũng Vài qua Cốc Nam. Một đối tượng sẽ phụ trách vận chuyển qua đồi, thấy lực lượng chức năng chúng lại đổi tuyến đường di chuyển, chặn tuyến này chúng đi tuyến khác. Có lúc bị vây chặt quá, những kẻ buôn lậu lại nghĩ ra cách thả hàng từ vách núi cheo leo xuống.
Ngoài ra, để đối phó lực lượng chức năng, những kẻ buôn lậu tổ chức các chốt gác từ… cổng cơ quan. Khi xe của lực lượng Công an đi đến đâu, chúng lại thông báo cho nhau bằng bộ đàm. Hoặc đơn giản chỉ một chiếc xe máy nhìn lạ lẫm đi vào khu vực gần biên giới cũng sẽ được những kẻ canh chốt báo lại.
Khi hàng bị bắt, chúng lại cho hàng loạt đối tượng trẻ em, phụ nữ lao vào giành giật, tẩu tán hàng. Do lực lượng mỏng nên khi 40-50 người lao vào tranh cướp, lực lượng chức năng phải cố gắng hết sức để giữ được tang chứng vật chứng. Ngoài ra, dân buôn lậu còn vô vàn các chiêu trò để có thể tuồn hàng đi thành công.
Theo Đại úy Nguyễn Trường Khánh, mặc dù khó khăn như vậy nhưng trong năm 2017, đội đã bắt giữ được 48 vụ. Xử phạt gần 1 tỷ đồng, tài sản thu giữ trên 5 tỷ đồng. Cùng với đó khởi tố một vụ buôn lậu và vận chuyển hàng cấm, pháo nổ. Trong đợt cuối năm, tuần nào cũng phải bắt 3-4 vụ, chủ yếu là đồ gia dụng, quần áo may sẵn, linh kiện điện tử…
Lực lượng chức năng tiêu hủy hàng lậu. |
Cho tới nay, đã có nhiều vụ lực lượng chức năng gặp sự chống trả của dân buôn lậu. Chúng sử dụng các loại xe hiện đại, xe lớn để chuyển hàng, khi gặp sự chặn bắt chúng sẵn sàng rồ ga bỏ chạy, lao thẳng vào lực lượng chức năng. Khi truy đuổi, chúng sắp sẵn xe chặn đường và sẵn sàng ép chết người.
Ngoài ra, một số đơn vị, cán bộ đấu tranh quyết liệt chống buôn lậu cũng đã bị các đối tượng gọi điện đe dọa. Thậm chí chúng còn viết đơn thư nặc danh để bôi nhọ danh dự cán bộ, dẫn đến nhiều cán bộ chiến sĩ cũng bị ảnh hưởng nhiều về tâm lý, quyết tâm.
Qua những khó khăn trên đã cho thấy, để có thể đứng vững trong cuộc chiến này, những người lính của Phòng PC46 nói riêng và các lực lượng chống buôn lậu nói chung đã phải hy sinh rất nhiều thứ. Họ sẵn sàng lao vào hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ.