Giải pháp phòng ngừa tai nạn đuối nước ở trẻ em

Thứ Hai, 26/06/2017, 09:12
Trong những năm qua trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước (TNĐN) nghiêm trọng, khiến hàng chục học sinh và trẻ em tử vong. Mặc dù các địa phương đã và đang triển khai nhiều biện pháp phòng, chống TNĐN, nhưng thực tế vấn nạn này vẫn có chiều hướng gia tăng...


Nỗi đau từ đuối nước

Vụ chết đuối nghiêm trọng gần đây nhất xảy ra vào chiều 19-6-2017 ở dòng sông Kôn qua địa phần tiếp giáp giữa hai xã Phước Quang - Phước Hiệp, huyện Tuy Phước (Bình Định). Trong lúc ông Đồng Văn Mỹ, 53 tuổi, trú ở thôn Lộc Ngãi, xã Phước Quang đưa hai con là Đồng Khánh Ân, 15 tuổi và Đồng Khánh Tình, 11 tuổi ra sông Kôn tập bơi, không may dòng nước xoáy đẩy hai cháu Ân, Tình ra phía có mực nước sâu. Do thiếu kinh nghiệm cứu nạn nên ông Mỹ cùng cháu Ân bị chết đuối, cháu Tình may mắn được người dân cứu thoát.

Các cơ quan chức trách ở tỉnh Bình Định ký kết kế hoạch liên ngành về phòng - chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016-2020.

Trước đó, chiều 8-6-2017, một vụ TNĐN nghiêm trọng xảy ra ở xã Nghĩa Thọ, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) khiến 3 học sinh lớp 8 và 9 chết đuối. Vào thời điểm đó, 7 học sinh Trường THCS Nghĩa Kỳ rủ nhau đi ngược dòng suối lên thác Hố Sạch gần hồ chứa nước Hóc Xoài để tắm.

Bất ngờ một trận mưa lớn ập đến, lũ nguồn đổ xuống suối cuốn trôi cả nhóm học sinh. 3 em trong số đó là Võ Thị Thanh Thuận, Nguyễn Văn Đông và Trần Thị Duyên bị lũ nhấn chìm, 4 học sinh còn lại may mắn thoát chết nhờ người dân cứu nạn hoặc bấu víu cây rừng giữa suối, trong đó có một trường hợp bị thương phải đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cấp cứu và điều trị do chấn thương sau khi va đập vào đá.

Tại tỉnh Phú Yên sáng 24-5-2017, một nhóm gồm 7, học sinh lớp 6A1 Trường THCS thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa đi xe đạp ra phía tả ngạn sông Ba qua địa phận khu phố Tịnh Sơn, thị trấn Củng Sơn để chơi. Hơn 9h sáng cùng ngày, 4 nam sinh là Đoàn Anh Quân, Trương Sĩ Lâm, Phạm Xuân Luật và Cao Triệu Nguyên rủ nhau  xuống sông để tắm. Cùng thời điểm đó, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ xả nước để vận hành hai tổ máy phát điện với tổng lưu lượng 360 m3/s nên dòng chảy xiết đã cuốn 4 nam sinh nêu trên tử nạn.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong ngày 30-5-2017 đã xảy ra 3 vụ TNĐN khiến 3 học sinh tiểu học và 1 trẻ em tử vong. Nghiêm trọng là vụ hai em Nông Lý Khoa và Dương Trọng Nghĩa - học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng ở xã Nghĩa Sơn, huyện Đăk G'Long tử vong khi rủ nhau ra hồ chứa nước Đăk S'Nao để tập bơi.

Người dân cấp cứu một vụ tai nạn đuối nước ở TP Tuy Hòa (Phú Yên).

Hai ngày sau đó, thêm một vụ TNĐN xảy ra ở tỉnh Gia Lai, khiến 4 học sinh tử vong dưới hồ chứa nước của Công ty Cà phê Ia Sao 2 thuộc địa phận thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai.

Thời điểm đó 4 cháu Nguyễn Lê Hải Yến, Nguyễn Thị Hảo - học sinh Trường tiểu học Võ Thị Sáu; Tống Thị Quỳnh Hương - học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản và Đỗ Ngọc Thuận - học sinh Trường Mầm non 19-5 rủ nhau đi chơi, nhưng không may trượt chân rơi xuống hồ nước dẫn đến tử vong.

Cùng ngày hôm đó, một vụ TNĐN đặc biệt nghiêm trọng khác xảy ra ở vực sông Bến Đồn, huyện Tây Sơn (Bình Định). Trong lúc ông Văn Tấn Lãnh cùng 3 người cháu ngoại đang ở độ tuổi 9-14 là Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Tuyết Băng, trú ở thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú và Trần Thanh Tuấn, trú ở khối phố Phú Văn, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, lùa bò ra vực sông để tắm.

Do mải mê tắm bò, ông Lãnh trượt chân rơi vào vùng nước sâu nên chới với. Hoảng loạn nên 3 người cháu vội vã lao ra cứu giúp ông ngoại nhưng không có kinh nghiệm nên dòng nước xiết nhấn chìm khiến cho 4 người chết đuối, trong đó có 3 nạn nhân là học sinh THCS.

Tìm giải pháp phòng ngừa

Hơn một năm về trước, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 234/QĐ-TTg ngày 5-2-2016 về việc phê duyệt Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020.

Hơn 3 tháng sau, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 16-5-2016 về tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng - chống tai nạn thương tích và đuối nước đối với học sinh, trẻ em. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cùng các cơ quan chức trách đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng - chống TNĐN trẻ em; tổ chức kiểm tra, rà soát, lắp đặt rào chắn, biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ xảy ra TNĐN; tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ dạy bơi, hướng dẫn kỹ năng phòng - chống TNĐN cho trẻ em ở trường học và cộng đồng; các tổ chức trường học, Đoàn Thanh niên, cơ quan chuyên trách LĐTBXH phối hợp gia đình chuyển giao, quản lý và giám sát trẻ em trong kỳ nghỉ hè, đồng thời xây dựng, tổ chức những điểm vui chơi an toàn cho trẻ em…

Về phía UBND các tỉnh, thành phố, năm nào cũng có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành cùng với chính quyền, tổ chức đoàn thể - xã hội các huyện, thị xã, thành phố tăng cường đẩy mạnh các biện pháp phòng - chống TNĐN.

Thế nhưng những vụ TNĐN nghiêm trọng vẫn xảy ra, nạn nhân hầu hết là trẻ em và học sinh chưa biết bơi, chưa được phổ biến kỹ năng phòng - chống TNĐN; hiện trường TNĐN là những nơi nguy hiểm nhưng chưa được cơ quan chức trách và chính quyền địa phương lắp đặt biển cảnh báo hiểm họa, thậm chí có không ít địa phương nhiều năm liền chưa mở được một khóa dạy bơi nào cho trẻ em và học sinh...

Trong phiên chất vấn sáng 14-6-2017 tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV, ông Ngọ Duy Hiểu - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Ủy viên Hội đồng Dân tộc Quốc hội đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ VH-TT&DL trước thực trạng tai nạn đuối nước khi Bộ LĐ-TBXH cho biết mỗi năm nước ta có 6.400 người bị đuối nước, trong đó có 3.500 trẻ em.

Trong các nguyên nhân trẻ em đuối nước, tỷ lệ lớn nhất là do không biết bơi hoặc không có kỹ năng xử lý tình huống. Vấn đề dạy bơi, học bơi đã được đặt ra nhiều năm nhưng con số trẻ em bị đuối nước vẫn không giảm.

Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ: "Có thể nói đây là vấn đề nhức nhối của xã hội và rất đau lòng khi tôi làm nhiệm vụ thể thao mà lại để cho học sinh không biết bơi và chết đuối rất nhiều. Đây là một nỗi đau của ngành VH-TT&DL".

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: "Năm vừa rồi, chúng tôi đã chỉ đạo Tổng cục Thể dục - thể thao phải làm việc cụ thể để có giải pháp khắc phục tình trạng này. Chúng tôi đã có một văn bản ký kết sau buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo để có các giải pháp làm thế nào đào tạo cho học sinh biết bơi, giải pháp tổ chức các bể bơi…

Tôi cũng đề nghị cả xã hội, đặc biệt là gia đình cần phải tạo điều kiện cho con em của mình đi học bơi và biết bơi, đó là cách tốt nhất để bảo vệ con em chúng ta".

Tìm kiếm thi thể 4 học sinh chết đuối dưới dòng sông Ba qua địa phận thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) ngày 24-5-2017.

Theo các cơ quan chuyên trách LĐTBXH ở miền Trung - Tây Nguyên, 5 nguyên nhân dẫn đến TNĐN tăng cao là do môi trường sống không an toàn thiên tai lũ lụt, nhận thức và hiểu biết chung về TNĐN của trẻ em còn thấp; thiếu sự quan tâm giám sát đầy đủ của người lớn; trẻ em không biết bơi và không có kỹ năng ứng phó khi bị đuối nước.

Để thực hiện Chương trình phòng - chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, các tỉnh, thành phố triển khai kế hoạch liên ngành với nhiều mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ tử vong do TNĐN; tăng tỷ lệ học sinh tiểu học, trung học cơ sở được phổ biến kỹ năng an toàn trong môi trường nước; tiếp tục mở thêm nhiều khóa tập bơi và kỹ năng phòng tránh TNĐN; xây dựng và nhân rộng những mô hình hoạt động hiệu quả về phòng - chống TNĐN; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phòng - chống TNĐN đến các xã, phường, thị trấn; tăng cường nguồn kinh phí cho các hoạt động phòng - chống TNĐN…

Bên cạnh những hoạt động nêu trên, vấn đề đặt ra là các bậc cha mẹ cần hợp tác chặt chẽ các cơ quan chức trách và chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, giáo dục và giám sát con em mình để góp phần chủ động phòng - chống và giảm thiếu TNĐN.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.