Giải pháp cho… trà đá vỉa hè

Thứ Hai, 27/03/2017, 07:43
Hà Nội có nhiều đặc sản lắm: Phở, bánh tôm, bún chả, cốm Vòng, chả cá… nhưng còn một thứ đặc sản nữa mọi người thường nói đùa là phổ biến nhất, bình dân nhất, giá rẻ nhất, đó là trà đá vỉa hè.

Trước, người Hà Nội gọi là chè chén vỉa hè. Sau này, ảnh hưởng của người miền Nam nên từ chè chén chuyển sang cốc to, bỏ thêm đá và gọi là trà đá, một thứ giải khát rất đơn giản và tiện lợi.

Quả thật, cứ bước chân ra đường là đâu đâu cũng thấy hàng trà đá, nhưng mật độ "kinh doanh" dày đặc hơn cả vẫn là trước cổng bệnh viện, trường học, cơ quan hay các khu dân cư đông đúc.

Người bán hàng đa số là những hộ nghèo, có nhà ở sâu trong làng, trong ngõ. Chỉ với một chiếc bàn nhỏ, dăm ba cái ghế nhựa, ấm tích ủ trà, chiếc điếu cày, tủ kính nhỏ bày các loại thuốc lá cùng vài lọ kẹo vừng, kẹo lạc… là có thể mở quán.

Minh họa Lê Tâm

Điều kiện quyết định cho sự thành bại của quán là vị trí. Chỗ nào vỉa hè rộng, ngõ rộng, nhiều người qua lại thì chắc chắc sẽ đông khách. Cũng có khi quán trà đá "ăn theo" một quán ăn đông đúc nào đó, thực khách giờ có thói quen vừa ăn vừa uống nên không ít quán trà đá ăn nên làm ra.

Tò mò, tôi vào mạng tìm hiểu thêm thì thấy rất nhiều bài viết minh chứng cho cái sự ăn nên làm ra của việc kinh doanh trà đá như: Bỏ túi nửa tỷ đồng nhờ kinh doanh trà đá vỉa hè kiêm môi giới bất động sản; quán trà đá thu nhập khủng 50 triệu/tháng; bán trà đá đủ tiền nuôi 2 con học đại học; hot girl đi xế xịn, bán trà đá vỉa hè…

Thú thật, tôi không tin lắm vào lợi nhuận kếch xù của việc bán trà đá. Chăm chỉ nhặt nhạnh tiền lẻ thì mỗi tháng bỏ túi trên dưới chục triệu đồng cũng đã là may mắn lắm rồi.

Còn nếu lợi nhuận cao hơn, đó là khi bán trà đá kết hợp với một hình thức kiếm tiền khác như ghi lô đề, cò bệnh viện, cò đăng ký xe, cò nhà đất, môi giới mại dâm, ma túy…. thì đương nhiên lúc đó, trà đá chỉ là một khoản thu rất nhỏ, khoản thu chính là "hoa hồng" từ những dịch vụ này.

Vẫn biết trà đá vỉa hè là một nét văn hóa, là thói quen sinh hoạt hàng ngày của người Hà Nội nhưng cũng phải nói thật, nhìn nó khá nhếch nhác, ảnh hưởng đến bộ mặt phố phường.

Hình ảnh mấy chục người ngồi trên vỉa hè uống trà chém gió, cắn hạt hướng dương hay rít thuốc lào sòng sọc, khi đứng dậy kiểu gì cũng để lại bãi rác rõ ràng là hình ảnh không đẹp.

Đấy là chưa kể đến việc bàn ghế bày la liệt, lấn chiếm hết vỉa hè và người đi bộ không còn lựa chọn nào khác là phải đi xuống lòng đường.

Cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi bộ tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội bước đầu thu được những kết quả đáng khích lệ, bộ mặt đô thị được chỉnh trang, sạch đẹp hơn rất nhiều. Nhưng có một việc mà người đứng đầu TP Hà Nội rất quan tâm, đó là việc giải quyết hàng quán bán trà đá vỉa hè. Địa bàn khảo sát thí điểm đầu tiên là quận Đống Đa.

Kết quả điều tra tại quận Đống Đa cho thấy có hơn 300 hộ bán trà đá vỉa hè, phần nhiều là các hộ có kinh tế khó khăn. Phương án giải quyết mà chính quyền quận đưa ra khá hợp lý: Các trường hợp ở trong ngõ có thể bố trí được chỗ thì quận sẽ bố trí, tiếp tục để họ kinh doanh. Các hộ khác sẽ được xem xét hỗ trợ theo hai hình thức, hoặc là hỗ trợ kinh phí để chuyển đổi việc kinh doanh hoặc chuyển đổi sang vị trí khác.

Có thể nói, giải pháp này được nhiều người ủng hộ và cho rằng nó vừa có tính khả thi, vừa có tình người với mục đích cao nhất là đường thông hè thoáng, tạo ra những không gian công cộng hợp lý cho bộ mặt đô thị.

Tất nhiên, nếu để sắp xếp lại trật tự đô thị thì trà đá vỉa hè là chuyện nhỏ, bởi cùng với nó còn có nhiều việc phải làm, đặc biệt là cải tạo và xây mới đường xá, các bãi đỗ xe công cộng. Cùng với những giải pháp mang tính bền vững đó cũng rất cần ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao và duy trì, góp phần mang lại vẻ đẹp cho thành phố.

Tuấn Nguyễn
.
.
.