Europol phá đường dây tiêu thụ thịt ngựa "bẩn"

Chủ Nhật, 23/07/2017, 16:50
Người tiêu dùng tại "lục địa già" phải lo ngại sau khi Cảnh sát châu Âu (Europol) thông báo, dưới sự hợp tác và phối hợp của cảnh sát 8 quốc gia Bỉ, Anh, Pháp, Italia, Bồ Đào Nha, Romania, Thụy Sĩ và Hà Lan, cảnh sát Tây Ban Nha vừa triệt phá một đường dây tội phạm có tổ chức liên quan việc đưa thịt ngựa "bẩn" vào tiêu thụ tại các thị trường châu Âu.


Theo thông báo của Europol, cảnh sát Tây Ban Nha đã phát hiện những con ngựa già, ốm yếu có nguồn gốc từ Bồ Đào Nha và khu vực miền Bắc Tây Ban Nha được giết mổ tại 2 lò mổ khác nhau.

Sau khi được chế biến, thịt của những con ngựa này được vận chuyển tới Bỉ, một trong những quốc gia xuất khẩu thịt ngựa lớn nhất Liên minh châu Âu, làm giả các chíp điện tử và giấy tờ để biến số thịt ngựa này thành loại thịt được phép tiêu thụ ở châu Âu.

Một cửa hàng bán thịt bò ở châu Âu.

Theo giới truyền thông, cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt 65 đối tượng tình nghi làm giấy tờ giả, xâm hại sức khỏe người dân, rửa tiền và tham gia tổ chức phạm tội. Và tên cầm đầu của đường dây tội phạm là người Hà Lan, đã bị bắt tại Bỉ, là kẻ nổi danh trong giới sản xuất thịt ngựa ở châu Âu. Tên này từng bị điều tra vì sản xuất thịt ngựa "bẩn" từ 2 lò mổ khác nhau ở miền Bắc Tây Ban Nha, sau đó chuyển tới Bỉ để làm giấy phép tiêu thụ giả.

Cảnh sát Tây Ban Nha cho biết, nghi phạm người Hà Lan là kẻ kiểm soát quá trình sản xuất thịt ngựa "bẩn" ở Alicante, Tây Ban Nha, và liên hệ với những "ông chủ" ở những quốc gia tiêu thụ số thịt này.

Theo các nhà điều tra, số thịt ngựa "bẩn" kể trên chủ yếu được bán ra nước ngoài, không tiêu thụ ở Tây Ban Nha. Europol cho biết, đường dây tội phạm tiêu thụ thịt ngựa "bẩn" kể trên kiếm được hơn 20 triệu euro/năm.

Trong thông báo đưa ra hôm 17-7, cảnh sát Tây Ban Nha cho biết, 65 người bị bắt vì có liên quan tới đường dây cung cấp thịt ngựa "bẩn" - chuyên giết thịt ngựa quá già, hoặc bị dán nhãn không thể tiêu thụ, nhưng lại trở thành thịt bò khi tiêu thụ trên thị trường.

Cảnh sát Tây Ban Nha còn thông báo, từ hè năm 2016 họ đã phối hợp với các thành viên Europol để điều tra, sau khi phát hiện những dấu hiệu bất thường tại thị trường tiêu thụ thịt ngựa ở nước này.

Hơn 2 năm trước (26-4-2015), cảnh sát 7 nước châu Âu từng triệt phá một đường dây buôn lậu thịt ngựa quy mô lớn và bắt 26 đối tượng. Khi đó, hàng trăm cảnh sát và nhân viên tư pháp đã được huy động để bắt nghi phạm và thu giữ tang vật, cũng như khám xét các cơ sở thương mại, tịch thu hơn 800 giấy chứng nhận nguồn gốc ngựa cùng nhiều loại thuốc thú y.

Cùng thời điểm đó, Giám đốc Công ty Thương mại thực phẩm Willy Selten BV của Hà Lan đã bị một tòa án Hà Lan tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù giam do liên quan đến vụ bê bối thịt ngựa "bẩn".

Theo phán quyết của tòa, ông Willy Selten, chủ của 2 doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm thịt bò Willy Selten BV đã phạm tội giả mạo và gian lận trong việc dán nhãn mác trên các sản phẩm thịt bò, đồng thời sử dụng giấy tờ giả mạo trong kinh doanh sản phẩm này.

Bởi trong 167 mẫu thịt bò của Công ty Thương mại thực phẩm Willy Selten BV được đưa đi giám định, cơ quan chức năng Hà Lan đã phát hiện 35 mẫu chứa ADN ngựa. Kết quả này đã khiến cơ quan chức năng phải thu hồi hàng triệu suất thịt viên tại chuỗi cửa hàng Ikea, xúc xích Nga và bánh kẹp thịt đông lạnh ở Anh.

Mẫu thịt ngựa bẩn được cảnh sát Tây Ban Nha thu thập.

Trong khi đó, Europol cho biết, cuộc điều tra kể trên có liên quan tới vụ bê bối thịt ngựa "bẩn" cách đây 4 năm (2013-2017). Ngày 26-2-2013, Liên minh châu Âu đã nhất trí tiến hành xét nghiệm ADN tất cả các sản phẩm thịt để xác định có thịt ngựa pha trộn hay không.

Trước đó (18-2-2013), Cơ quan Giám sát an toàn nông nghiệp Nga đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thịt từ EU theo các quy định của WTO. Dư luận coi vụ bê bối thịt ngựa "bẩn" là cuộc khủng hoảng của niềm tin, của bê bối về đạo đức kinh doanh.

Siêu thị ở nhiều quốc gia châu Âu đã loại bỏ hàng triệu sản phẩm thịt đông lạnh sau khi phát hiện "thịt bò thực chất là thịt ngựa". Vụ việc bắt đầu từ ngày 7-2-2013 sau khi người ta phát hiện thịt ngựa trong các sản phẩm thịt bò băm đông lạnh Findus của Thụy Điển với tỉ lệ hơn 60%.

Hãng Reuters vừa đưa tin, sau khi nhận khiếu nại về trường hợp bị thương ở miệng do ăn phải xúc xích có xương, Công ty Marathon tại New York, Mỹ phải ra lệnh thu hồi hơn 3.500 tấn xúc xích nhãn hiệu Sabrett (nổi tiếng ở Mỹ trong nhiều thập niên). Giới chức y tế đưa số sản phẩm bị thu hồi vào diện nguy hại cho sức khỏe con người. Ngay sau khi nhận thông báo, Công ty Marathon đã bày tỏ lấy làm tiếc vì bất kỳ sự bất tiện hay lo ngại nào đối với sản phẩm của họ.
Quốc Dũng
.
.
.