Dựng nhà cổ - nghề dựng kí ức
Đã có nhiều công trình nhà, chùa, đền miếu nhờ đến những nghệ nhân ở một số làng nghề tiêu biểu thuộc ngoại thành Hà Nội dựng lại. Trong cuộc sống mới ngày càng tiện nghi, những nếp nhà dáng dấp cổ kính vẫn có đời sống riêng và rất nhiều người còn quan tâm.
Những đôi bàn tay tài hoa
Từ Hà Đông đi theo quốc lộ 6, qua thị trấn Chúc Sơn, không khó để tìm thấy làng Phù Yên, thuộc xã Trường Yên (Chương Mỹ - Hà Nội), ngôi làng nổi tiếng với nghề dựng nhà cổ.
Ở nơi đây có hàng chục “đại gia” có tiếng với nghề cha truyền con nối, như các ông Nguyễn Chí Điền, Nguyễn Chí Nguyên, Nguyễn Quảng Bình, Nguyễn Chí Mười, Nguyễn Chí Quân… Thậm chí có nghệ nhân được ca ngợi là có đôi bàn tay siêu đẳng về chạm trổ, đục hoa văn và tính toán mức độ cân xứng cho mỗi bộ kèo, mỗi ngôi nhà.
Lúc chúng tôi đến, ông Nguyễn Chí Điền đang nỗ lực cùng các người thợ hoàn thành một số chi tiết cho ngôi nhà thờ họ ở trong khu vực xã. Tôi hỏi, các chi tiết về gỗ đều được đục và làm từ xưởng này ạ? Ông Điền trả lời: “Tất cả được thiết kế từ bản vẽ. Các cột, kèo, chi tiết, họa tiết đều được làm tại xưởng nhà, sau đó mới chuyển đến công trình mà khách đặt để dựng lại”.
Trò chuyện với những người dân, người thợ, được biết gia đình ông Điền (72 tuổi) là một trong những hộ đầu tiên nhận công việc dựng nhà về cho người dân địa phương làm và gây dựng cho gia đình mình danh tiếng trong nghề.
“Đúng ra đây là nghề dựng nhà giả cổ. Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi dựng là ở Từ Liêm - Hà Nội, cách nay đã mấy chục năm rồi. Ngày ấy do thiếu kinh nghiệm nên cần tới 20 thợ làm ròng rã suốt 6 tháng mới xong. Từ ngôi đầu tiên, chúng tôi đã rút được những kinh nghiệm nhất định, và tự học để nâng cao tay nghề”, ông Điền cho hay.
Nhiều mẫu nhà cổ được dựng đẹp mắt. |
Trung bình một chiếc nhà cổ phải làm mất 6 tháng với trên 13 thợ đục. Một người thợ giỏi phải nắm bắt được kỹ thuật đục đẽo chuẩn xác, chi tiết để các mộng phải kín, khít. Con trai ông Điền là anh Nguyễn Chí Ba đã nối nghiệp cha ông rất nhanh nhạy trong công việc cũng như nhận việc cho thợ làm.
Cái khó nhất của công việc, theo anh Ba không phải là đục, mà là lắp ráp. Một ngôi nhà có khoảng 1.500 cấu kiện. Lúc ráp nối đòi hỏi trí nhớ tốt, và làm sao để các mộng kín, chắc. Khó như vậy mới cần đến những đôi bàn tay tài hoa”.
Cách làng Phù Yên không xa, là làng Áng Phao, xã Cao Dương, thuộc huyện Thanh Oai, cũng đang duy trì cái nghề mà không phải ai cũng có thể gắn bó. Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyết, thâm niên 42 năm trong nghề, chia sẻ: “Đây là nghề gia truyền. Ngày trước, bố tôi là thợ cả, trước khi bố tôi mất, đã truyền lại cho tôi. Năm nay, tôi 55 tuổi nhưng đã có hơn 40 năm làm nghề này.
Chục năm trở lại đây, nhiều người có điều kiện kinh tế nên nhu cầu làm những ngôi nhà cổ được ưa chuộng. Bởi những ngôi nhà bằng gỗ dựng theo kiến trúc cổ, vào mùa hè thì mát mẻ, còn mùa đông lại có cảm giác ấm áp. Nhiều người cảm nhận mỗi buổi sáng thức dậy nhìn xung quanh, hoặc ngước lên trần nhà ngắm những đường trạm trổ tinh tế sắc xảo mà thấy lòng bình yên”.
Một địa phương khác là làng Hương Ngải (huyện Thạch Thất) cũng khá nổi tiếng với nghề dựng nhà cổ. Với tay nghề cao, những người thợ Hương Ngải đã tạo ra những đường đi tinh xảo trên thân gỗ, thổi hồn vào từng tác phẩm. Một sản phẩm được làm ra là tâm huyết của một người, mỗi hoa văn trên sản phẩm là cái nhìn mỹ học của một người, tất cả không ai giống ai, là hơi thở của mỗi người làm mộc
Các nghệ nhân đã đến nhiều nơi như Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, nhiều huyện trên địa bàn Hà Nội, thậm chí vào cả TP Hồ Chí Minh để dựng nhà giả cổ. Đặc trưng của nhà cổ là mọi chi tiết gỗ được chạm trổ mềm mại, tinh tế và hầu như không dùng đến đinh vít, thay vào đó dùng mộng để lắp ghép.
Nhằm vinh danh những người thợ làm mộc, vừa qua làng Phù Yên, Áng Phao, Hương Ngải đã được công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống”. Đó là niềm tự hào, là vinh dự cho những nghệ nhân nơi đây khi luôn năng động, sáng tạo, biết vận dụng kinh nghiệm từ người đi trước kết hợp khoa học kĩ thuật để phát triển nghề.
Ông Nguyễn Hữu Chất - làng Hương Ngải - yêu mến từng chi tiết trong ngôi nhà cổ của mình. |
Nâng tầm thương hiệu
Anh Nguyễn Chí Ba, con trai ông Điền tự tin chia sẻ rằng, hiện trong cả nước cũng có một số làm, nhưng “đẳng cấp” ấy thì khó đâu bì được người làng Phù Yên. “Chúng tôi nhận làm xa nhất đó là ở An Phú Đông (quận 9, TP Hồ Chí Minh) vào năm 2009. Khi đó, để dựng nhà cổ với 36 chân cột, gia đình phải thuê ba xe container đóng gỗ từ xưởng ở Trường Yên chuyển vào. Chúng tôi còn dựng cả nhà ở Đường Lâm nữa”, anh Ba bày tỏ.
Là người có tâm với nghề, nghệ nhân Nguyễn Quý Bình, làng Phù Yên cho rằng, ngày trước cả làng có 100% hộ theo nghề, nhưng đến nay làm nhà giả cổ chỉ còn 20%, còn lại các hộ chuyển làm đồ gia đụng. Ông Bình phân tích, làm nhà cổ là công việc vô cùng nặng nhọc, khi vận chuyển thì có khí rất xa, lắp ráp mất nhiều thời gian, nên các ông già tập trung làm những việc nhẹ nhàng hơn.
Để làm được ngôi nhà, phải cần đến “ba bên”, đó là bên thiết kế, “nhà thầu” là các nghệ nhân và gia chủ. Ban đầu, gia chủ sẽ gặp các nghệ nhân xin tư vấn. Sau đó sẽ thống nhất thuê kiến trúc sư thiết kế, đồng thời thống nhất cấu kiện chính, hình dáng ngôi nhà, kích thước, số cột, diện tích...
Sau cùng các nghệ nhân sẽ thực hiện thi công, đục, làm họa tiết và lắp ráp. Ngày nay những người thợ trẻ đời sau được học hỏi nhiều kinh nghiệm từ cha ông và cũng linh hoạt trong việc ứng dụng các công nghệ mới vào trong nghề, nâng tầm nghề của cha ông.
Nghệ nhân Nguyễn Chí Điền cho hay, để nâng tầm thương hiệu của nghề, người nghệ nhân phải dám nhận những công trình khó, đương đầu với thử thách. Hiện bố con ông Điền đang làm hai công trình tại chùa Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Đây là hai công trình phải tuân thủ khớp nối với mẫu cũ, hoa văn cũ đã có tuổi đời cả trăm năm mà nhà chùa yêu cầu phải… mười phân vẹn mười.
“Công trình thực hiện từ tháng 6-2017 đến nay. Chúng tôi đã huy động toàn lực, nhờ thêm cả những người thợ có tay nghề cao trợ giúp. Đến nay công trình đã đạt 80% tiến độ”, ông Điền nói.
Ông Nguyễn Chí Điền cần mẫn đục các họa tiết. |
Những ngôi nhà cổ được làm từ các loại gỗ như xoan, lim, mít, gỗ nhập từ châu Phi hoặc các loại gỗ khác do chủ nhà tự chọn và đặt làm. Từng loại gỗ khác nhau cũng khiến giá của ngôi nhà dao động từ bảy tám trăm triệu cho đến cả chục tỷ đồng.
Ông Vũ Văn Tuấn, trưởng thôn Cự Đà, Cự Khê (Thanh Oai - Hà Nội) là người đã nhờ thợ Phù Yên dựng ngôi nhà gỗ mít giữa làng Cự Đà đang bị đô thị hóa. Ca ngợi bàn tay người thợ, ông Tuấn thổ lộ: “Giá trị ngôi nhà chỉ nhìn là biết ngay. Ngoài giá trị của gỗ, phải kể đến công lao của những đôi bàn tay đục, đẽo. Tính tôi đã kỹ, những người thợ còn kỹ lưỡng hơn”.
Nghề dựng lại những ngôi nhà, những ký ức là vô cùng khó. Một khi nghề chọn người thì người đó hội tụ rất nhiều yếu tố về sức khỏe, kỹ thuật và cả đam mê. Theo thống kê của ông Vũ Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất), toàn xã có hơn 2.500 hộ, trong đó có 500 hộ làm nghề, có nhiều gia đình ba đến năm đời làm nghề. Hiện nay thu nhập bình quân của người thợ làm nhà cổ khoảng 300.000 đồng/ngày.
Cứ chiêm ngưỡng một số công trình mà người thợ Hương Ngải tham như, như phục dựng như Nhà Thái Học (Văn Miếu Quốc Tử Giám), nhà cổ Đường Lâm, thiết kế chùa Triệu Khánh, chùa Tổng, đình Đông Lao, chùa Hòe Nhai ở Hà Nội… sẽ thấy được trình độ của người thợ nơi đây.
Ước ao của những người thợ là đủ sức khỏe và đam mê để giữ nghề. Họ đã và đang góp phần nâng tầm giá trị của làng nghề Thủ đô, giá trị của một thứ nghề vất vả nhưng vinh quang, tạo dựng những nét tinh hoa cho hôm nay và mai sau.