Đừng nên tạo một xã hội đồng phục

Thứ Hai, 06/10/2014, 16:00

Chúng ta hãy thử đầu tư chút thời gian, chừng một buổi chiều thôi, ngồi tập trung theo dõi một đề tài nào đó đang thu hút dư luận xã hội, bất kể nó thuộc thể loại “sang” hay ? “bình dân”, cao cấp hay rẻ tiền, mang tính học thuật hay đơn thuần là giải trí.

Trong một buổi chiều ấy, ta sẽ nhận thấy có rất nhiều tranh cãi gay gắt đối chọi nhau, với các dẫn chứng theo kiểu như “đây là nguồn tin riêng đáng tin cậy”, với các thể loại sự thật và các thể loại thuyết âm mưu như hỏa mù… xoay quanh đề tài mà ta đã chọn lựa. Và rồi, có thể ta sẽ vô cùng hoang mang, hoang mang vì không hiểu chân tướng sự việc là gì, và sự thật thực tế là như thế nào, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chính trị, lịch sử…

Sự thật lúc nào cũng bí ẩn như thế. Không có sự thật nào là 100% chân xác cả trong mắt của những người không phải là chủ nhân của sự kiện. Và tất nhiên, khi sự thật không đủ đầy, người ta sẽ phải có những tranh cãi trái chiều của nó.

Một xã hội dân sự văn minh là một xã hội chấp nhận tranh cãi trái chiều. Nhưng nên nhớ, đó phải là những tranh cãi dựa trên học thuật, thông tin, dữ kiện và quan điểm.

Còn ở Việt Nam ta thì sao? Đầy rẫy trên mạng xã hội là những lời nói mỉa mai, rủa xả hoặc là những lời nói cảm thông, bênh vực vô điều kiện đến mất cả lý trí khi cãi nhau về một sự kiện nào đó. Rất hiếm hoi mới có được vài ý kiến khách quan, dựa trên kiến thức, thông tin và khả năng lập luận chắc chắn, tinh tế.

Rõ ràng, đa số những cuộc cãi vã trên diễn đàn như trên đều không phải là quan điểm để tranh luận về thời cuộc, và hơn nữa, nó cứ na ná nhau, đồng dạng nhau, không một nổi bật nào cho thấy sự khác biệt để người đọc phải suy ngẫm thực sự.

Và điều đó cũng tương tự như hiệu ứng của vô vàn những sự kiện thu hút khác. Người Việt sợ nêu ra quan điểm riêng; người Việt sợ mình không đứng trong một tập thể nào đó; người Việt có một nhu cầu “cầu bầu” vô cùng lớn. Nói tóm lại, người Việt đang vô cùng “đồng phục”.

Thực tế, cuộc trưng bày cải cách ruộng đất đem lại thông tin ở một chiều nào đó của lịch sử và người tham quan tiếp thu thông tin ấy cần nhất là phải nhận thức được mình đang dựa lưng vào một lịch sử thế nào để từ đó xây dựng tương lai ra làm sao nhằm phát huy tối đa sức mạnh của dân tộc để Việt Nam hướng tới một xã hội dân sự văn minh thực thụ.

Vật phẩm trưng bày tại triển lãm về cải cách ruộng đất.

Nhưng không ai dám nói ra tiếng nói đó cả. Họ sợ sự chỉ trích từ cộng đồng. Họ sợ cả những nỗi sợ mơ hồ khác nữa. Và họ lặng lẽ xếp vào hàng dài những con người cùng nỗi sợ như mình, để từ đó càng tạo thêm vẻ đồng phục cho xã hội Việt Nam hôm nay.

Hãy thử nhìn vào những điều bình thường nhất của cuộc sống, ta sẽ càng thấy rõ hơn tính đồng phục của người Việt. Một xu hướng trang phục mới hợp thời trang lập tức sẽ được đám đông đổ xô vào mặc như nhau, đồng dạng nhau và không một ai dám mạnh dạn phá cách để mình trở thành khác biệt trong đám đông đang lẫn vào nhau như thế.

Đã đến lúc phải tư duy khác, phải thay đổi, phải chấp nhận đương đầu với các khó khăn mà khó khăn đơn giản nhất là chỉ trích từ cộng đồng. Không thể cứ cùng nhau sống trong một xã hội đồng phục mãi được mà phải tạo ra nhiều sắc thái cho xã hội ấy. Đơn giản, một xã hội đa sắc thái chính là một xã hội cho thấy sự sáng tạo được phát huy tối đa nhất trong khả năng có thể. Và càng đơn giản hơn, sự đa sắc bao giờ cũng hấp dẫn, thu hút, có vẻ đẹp lớn hơn là một đơn sắc đồng phục lẫn nhau, người với người chỉ có thể phân biệt bằng cái tên không hơn không kém…

H.Anh
.
.
.