Đừng để “bội thực” tiến sĩ
Dẫn chương trình là một chàng trai ngoài 30 tuổi, hoạt ngôn, chủ động dẫn người nghe đến các chủ đề mới mẻ khiến những người ngồi dưới đặc biệt hứng thú. Thậm chí, khi một số vị khách nước ngoài đặt câu hỏi, chàng trai này trả lời lưu loát bằng tiếng Anh khiến họ rất hài lòng.
Giờ giải lao, tôi gặp chàng trai và biết anh từng sống ở Pháp 7 năm để theo học đại học và lấy bằng tiến sĩ kinh tế. Hiện anh là Phó Giám đốc một doanh nghiệp, thường xuyên làm việc với đối tác nước ngoài và có thể trao đổi lưu loát tiếng Anh, tiếng Pháp. Thật ra, anh có nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài với thu nhập khá cao, song vẫn quyết định về nước làm việc vì như anh nói, anh luôn thấy lạc lõng nơi xứ người.
Minh họa: Lê Tâm |
Tôi tin anh nói thật và chắc chắn anh là một trong số ít những tiến sĩ có tài mà tôi được gặp. Bởi nhiều năm qua, người ta nói khá nhiều về các vị “tiến sĩ giấy”, nghĩa là họ coi mảnh bằng tiến sĩ như một thứ trang sức, một loại giấy tờ để khoe với thiên hạ về học hàm của mình và dùng mảnh bằng đó như một điều kiện để leo lên những nấc thang danh vọng.
Số liệu thống kê cách đây không lâu của Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, hiện chúng ta có khoảng 24.300 tiến sĩ, trong đó có hơn 9.000 tiến sĩ là giảng viên các trường đại học, cao đẳng. Như vậy, vẫn còn 15.000 tiến sĩ đang làm việc ngoài những nơi chuyên về nghiên cứu, giảng dạy và họ có thật sự phát huy năng lực, sở trường của mình trong việc phát triển đất nước?
Một số liệu điều tra của ngành giáo dục cũng khá thú vị: Nếu tính từ hàm Thứ trưởng trở lên, số người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản. Trong khi đó, Nhật Bản đã trở thành một cường quốc về kinh tế, đứng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực và luôn chú trọng đến sự phát triển của các ngành khoa học ứng dụng.
Cách đây không lâu, Hà Nội công bố “Chiến lược cán bộ công chức” với mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ. Để phù hợp với “lộ trình” đó thì tất cả cán bộ chủ chốt cấp phường, xã, thị trấn đều phải đạt trình độ đại học và trên đại học.
Tất nhiên, bằng cấp luôn có giá trị của nó, nhưng điều chúng ta cần vẫn là hiệu quả công việc, là những cải cách hành chính cần thiết và bộ máy chính quyền cấp cơ sở phải thật sự vững mạnh để có thể đảm bảo sự ổn định tại địa phương đó. Điều này thì còn phải bàn nhiều.
Trong khi bức tranh toàn cảnh về thực trạng các tiến sĩ ở Việt Nam còn nhiều màu xám thì Bộ Giáo dục - Đào tạo lại đưa ra dự thảo một đề án khiến nhiều người giật mình: Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030” đặt ra mục tiêu đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt 35%.
Để thực hiện mục tiêu này, Bộ sẽ chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ. Những con số khiến người ta choáng váng và đặt câu hỏi: Nếu đào tạo tiến sĩ mà không có chất lượng hoặc mang nặng hình thức thì chỉ “đốt” tiền. Chương trình mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ theo Đề án 911 đã “đẻ” ra đa phần “tiến sĩ giấy”. Dự án mới này phải chăng quá vội vàng và lặp lại con đường cũ?
Bởi rõ ràng, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, các trường đại học đang chuyển dần sang tự chủ và Đề án 911 còn chưa có tổng kết, đúc rút kinh nghiệm thì dự thảo Đề án trên là nóng vội, không bám sát thực tiễn.
Tất nhiên, việc đào tạo các tiến sĩ vẫn là cần thiết nhưng phải có khảo sát cụ thể để đào tạo có trọng tâm, trọng điểm. Trước hết, nguồn tuyển phải đúng, tránh kiểu chạy chọt, ưu tiên hàng đầu cho “con ông cháu cha” và những vị tiến sĩ đó phải say mê khoa học, có khát khao cống hiến. Chỉ có như thế, mảnh bằng tiến sĩ mới mang lại những ý nghĩa tích cực và tránh được những khoản lãng phí cho Nhà nước.