Đừng biến quy hoạch trung tâm Đà Lạt thành dự án địa ốc

Thứ Năm, 27/08/2020, 09:44
Đây là lần thứ hai trong vòng một năm qua, nhà chức trách địa phương công bố các phương án quy hoạch “vùng lõi” TP Đà Lạt để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.


Thêm một lần nữa, dư luận lại cho rằng, các phương án trên chỉ làm lợi cho doanh nghiệp bất động sản, áp đảo giá trị bảo tồn, gây thêm áp lực cho giao thông, cảnh quan môi trường vốn đã quá tải ở trung tâm Đà Lạt.

Số phận Dinh thự 110 năm tuổi

Triển lãm lần này, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Lâm Đồng đưa ra ba phương án kiến trúc về khu vực Dinh tỉnh trưởng để nhân dân lựa chọn. Phương án 1: Dinh tỉnh trưởng sẽ được nâng cao lên 28m so với vị trí hiện nay và thêm không gian vườn thực vật, không gian hội nghị, sự kiện, thương mại, nhà hàng; trong đó, không gian lưu trú được xem sẽ là công trình điểm nhấn. 

Phương án 2: Giữ lại những mảng xanh hiện hữu, di dời công trình Dinh tỉnh trưởng về phía Nam và xây các công trình kiến trúc mới, đồng thời mở ra 1 khu vườn theo phong cách Pháp. Phương án 3: Giữ lại 30% khoảng cây xanh Dinh tỉnh trưởng, xây dựng tòa nhà lớn bên cạnh, cao hơn 2 lần Dinh tỉnh trưởng, ngoài ra còn các khối nhà được làm bán hầm, phủ trên là cây xanh. 

Theo quy hoạch, khu vực này được mở rộng đến 19ha (bao gồm cả khu Hòa Bình), công trình được xây dựng cao 10 tầng (khối đế 3 tầng, khối tháp 7 tầng), chiều cao công trình 55m. Thực chất, sau khi quy hoạch, tổng thể Dinh tỉnh trưởng sẽ bị thay thế bằng một tổ hợp khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp tại một khu vực đắc địa nhất TP Đà Lạt.

Khu vực Đồi thị trưởng, nơi có Dinh tỉnh trưởng đang quy hoạch.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, dự án trên hướng đến nâng cao giá trị kiến trúc của Dinh tỉnh trưởng nhằm tạo một không gian công cộng, một địa chỉ văn hóa, một luồng sinh khí mới cho khu vực trung tâm TP Đà Lạt. 

Trong lần công bố quy hoạch tổng thể trung tâm TP Đà Lạt lần thứ nhất cách đây hơn một năm, nhà chức trách tỉnh Lâm Đồng tuyên bố phá bỏ khu dinh thự này để xây dựng những công trình hiện đại hơn. Tuy nhiên, ngay khi ý tưởng trên vừa đưa ra đã vấp phải sự chỉ trích quyết liệt của người dân và giới chuyên gia. 

Khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, giá trị kiến trúc, lịch sử và văn hóa của Dinh tỉnh trưởng gắn liền với sự hình thành, phát triển của thành phố này đã bị sức mạnh kinh tế của các doanh nghiệp đánh bại. Trước sự phản đối của dư luận, ngay sau đó cơ quan chức năng địa phương đành phải xoa dịu bằng cách tuyên bố giữ nguyên Dinh tỉnh trưởng nhưng di dời tới một vị trí “thích hợp hơn”.

Dinh tỉnh trưởng được xây dựng từ trước năm 1910, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của TP Đà Lạt. Đây từng là nơi sinh sống và làm việc của Thị trưởng Đà Lạt kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức trước kia. Do đó, người dân địa phương vẫn quen gọi là “Dinh tỉnh trưởng” hay “Đồi thị trưởng”. 

Dinh thự đặc biệt này nằm ở cuối đường Lý Tự Trọng, phường 1, TP Đà Lạt ngày nay, cách chợ Đà Lạt vài trăm mét. Dinh tỉnh trưởng tọa lạc trên đỉnh một quả đồi cao hơn 1.500 so với nước biển, nổi bật giữa trung tâm TP Đà Lạt. Từ Dinh tỉnh trưởng có thể hướng tầm mắt về mọi phía, bao quát toàn bộ cao nguyên Đà Lạt và huyện Lạc Dương với dãy Langbiang hùng vĩ mà không bị cả trở tầm nhìn, kể cả ngày nay khi nhiều công trình cao lớn đã được xây dựng tại Đà Lạt. 

Dinh tỉnh trưởng là một tổng thể kiến trúc đặc biệt, xây dựng hài hòa với không gian, diện tích sàn khoảng trên 1.500m2, sàn ốp gỗ, gồm 1 trệt, 2 lầu và mái ngói cách điệu. Toàn bộ tầng trệt được xây bằng đá chẻ, tường dày hơn 1m. Các phòng đều được bố trí trong một không gian hài hòa, thoáng đãng và tất cả đều có lò sưởi. Tổng thể kiến trúc vẫn còn khá nguyên vẹn sau hơn 110 năm người Pháp cho xây dựng.

Sau năm 1975, công trình này được UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp quản và giao cho nhiều đơn vị sử dụng làm cơ quan làm việc. Cũng có một thời gian dài, khu dinh thự đặc biệt trên bị bỏ hoang. Gần đây nhất, Dinh tỉnh trưởng được giao cho Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng sử dụng làm nơi trưng bày các hiện vật gắn liền với sự hình thành và phát triển của Đà Lạt.

Phối cảnh Dinh tỉnh trưởng được giữ lại nhưng lọt thỏm trong các khối nhà mới.

Đừng vì mục tiêu phát triển bất động sản lấn át bảo tồn

Trong một lần tham gia đóng góp ý kiến quy hoạch tổng thể Đà Lạt và vùng phụ cấn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cách đây gần 10 năm, kiến trúc sư (KTS) Hoàng Đạo Kính từng nói: “Cũng may chúng ta chưa làm được gì nhiều cho Đà Lạt!..”. 

Ông ngụ ý trách móc, so với nhiều thành phố khác, Đà Lạt còn chậm phát triển. Nhưng, chính cái “chưa làm được gì nhiều cho Đà Lạt” ngày nay lại trở thành một ưu điểm đặc biệt của thành phố này. Theo ông Kính, hiếm có thành phố nào ở nước ta còn bảo tồn được những công trình kiến trúc nguyên vẹn như Đà Lạt. Bảo tồn khu vực trung tâm Đà Lạt là điều vị kiến trúc sư này muốn nhấn mạnh khi đóng góp ý kiến quy hoạch mở rộng Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Ông Võ Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết: “Tôi ở Đà Lạt suốt 45 năm qua. Với tôi, 2 công trình này (Dinh tỉnh trưởng và rạp chiếu phim) thấm sâu vào tâm tư tôi là ký ức, là hoài niệm”. Theo ông Trình, sau khi lấy ý kiến công khai và đón nhận các ý kiến đóng góp về các phương án còn phải tổng hợp ý kiến rồi mới đánh giá để chọn phương án nào. Phải hoàn thiện phương án rồi mới ra quyết định chọn phương án tối ưu và đưa ra đấu thầu công khai chọn nhà đầu tư. 

Ông Võ Ngọc Trình cũng bác bỏ thông tin cho rằng khu đồi Dinh tỉnh trưởng đã có nhà đầu tư là Công ty Đại Quang Minh. Theo lãnh đạo UBND TP Đà Lạt, doanh nghiệp này chỉ tài trợ về quy hoạch và thiết kế đô thị, việc đầu tư vào khu đồi Dinh phải qua thông qua đấu thầu công khai.

Dinh tỉnh trưởng gắn liền với lịch sử hơn 100 năm của thành phố Đà Lạt.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, liên quan đến quy hoạch trung tâm TP Đà Lạt, Hội KTS Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị, chuyên gia trong và ngoài nước đã từng lên tiếng: Khu Hòa Bình là phải làm quy hoạch bảo tồn và chỉnh trang chứ không phải là quy hoạch dự án địa ốc. Theo ông Sơn, một khu đô thị lịch sử không ai bảo tồn theo kiểu chen công trình cao tầng vào, đó là sự lấn át thô bạo. Một quy hoạch bảo tồn nghiêm túc không cho phép chặt cây và xây địa ốc 10 tầng.

Theo ông Sơn, với khu Hòa Bình cần quy hoạch chỉnh trang di sản cho đẹp hơn, biến nó thành điểm đến hấp dẫn như những khu đô thị lịch sử của các nước khác. “Cái gốc vấn đề là bản quy hoạch đó, quy hoạch chưa sửa thì kiến trúc làm gì cũng sai, vì quy hoạch này thể hiện một cách ứng xử đối với di sản quy hoạch kiến trúc, chỗ nào bảo tồn, chỗ nào chỉnh trang cần phải có sự cân nhắc. Còn ở đây người ta làm một đằng nhưng nói một nẻo, hoàn toàn là dự án địa ốc mà người ta cứ nói là bảo tồn!..”, KTS Ngô Viết Nam Sơn bày tỏ quan điểm.

Lịch sử 127 năm Đà Lạt là phải nhắc đến Dinh tỉnh trưởng xây dựng cách đây 110 năm. Không phải ngẫu nhiên mà Dinh được xây ở một vị trí cao nhất, đẹp nhất và khi đứng ở bất kỳ nơi đâu trong thành phố đều có thể nhìn thấy. Đà Lạt được mệnh danh là phố trong rừng - rừng trong phố, vì thế phát triển Đà Lạt phải song hành với bảo tồn những gì đang có, không thể phá bỏ hết cái cũ để xây dựng những khối kiến trúc đồ sộ.

Với người Đà Lạt, ai cũng biết trung tâm của thành phố này đang phải chịu những áp lực nặng nề, nhất là quá tải về giao thông, rác thải, tình trạng bê tông hóa đang chiếm lĩnh những không gian xanh cuối cùng. Việc dồn các công trình khổng lồ vào khu vực trên cho thấy các doanh nghiệp địa ốc muốn sở hữu những khu đất vàng hơn là yếu tố bảo tồn, chỉnh trang. 

Dẫu biết rằng, không thể khư khư giữ lấy quá khứ, nhưng phát triển kinh tế bền vững không thể tách rời những giá trị cốt lõi chuẩn mực. Bài toán kinh tế và bảo tồn phải đảm bảo sự hài hòa, nhất là đối với một đô thị đặc biệt và dễ tổn thương như Đà Lạt.

Khắc Lịch
.
.
.