Đưa di sản văn hóa phi vật thể vào du lịch

Thứ Năm, 01/11/2018, 12:21
Di sản văn hóa phi vật thể là vốn quý của quốc gia. Muốn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể cần đồng bộ nhiều giải pháp. Một trong những cách để nhiều người tiếp cận được các giá trị văn hóa phi vật thể là lồng ghép vào trong các sản phẩm du lịch.


Bởi như chúng ta đã biết, các giá trị văn hóa phi vật thể thường gắn liền với sinh hoạt của một vùng đất, một cộng đồng dân cư. Để khuếch trương các giá trị này, làm sao để nhiều người biết đến hơn, thì du lịch là một cách thức hiệu quả. Việc phát triển du lịch kết hợp với gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là cần thiết và đáng để xem xét, nhân rộng.

Đầu tháng 4 vừa qua, tour du lịch hằng ngày Hà Nội - Phú Thọ "Về miền đất Tổ Hùng Vương" được UBND tỉnh Phú Thọ bắt đầu triển khai. Cùng với đó, sản phẩm du lịch "Hát xoan làng cổ" được đưa vào trong hành trình tour mới này. 

Sự ra đời của tour du lịch không chỉ có ý nghĩa về du lịch mà còn góp phần quảng bá giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Đây là cách làm thiết thực để gìn giữ và phát triển một "đặc sản" văn hóa của Phú Thọ. 

Hát xoan được UNESCO xếp vào danh mục:  "Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại". Trăn trở với việc bảo vệ, giữ gìn, quảng bá văn hóa phi vật thể hát xoan, ngành văn hóa Phú Thọ đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, bảo vệ khẩn cấp di sản này. Các câu lạc bộ hát xoan liên tiếp được xây dựng, các trường học tại địa phương đã đưa hát xoan vào chương trình chính khóa và ngoại khóa. 

Nhiều lớp tổ chức tập huấn kỹ năng trình diễn cho các hạt nhân hát xoan được mở ra. Việc đưa hát xoan vào một sản phẩm du lịch giúp cho hát xoan đến với đông đảo người dân cũng như du khách trong và ngoài nước, qua đó du khách có thể trải nghiệm một cách ý nghĩa nhất đối với di sản hát xoan tại các di tích gốc.

Dân ca quan họ Bắc Ninh vô cùng hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Từ câu chuyện đưa di sản văn hóa phi vật thể hát xoan vào sản phẩm du dịch, có thể thấy rằng các giá trị văn hóa phi vật thể khác cũng có thể được bảo tồn, phát triển thông qua du lịch. Cả nước hiện có 257 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cần được bảo vệ. 

Danh mục các giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia được UNESCO công nhận của Việt Nam hiện nay là 12, có thể kể ra như  Nhã nhạc, Âm nhạc Cung đình triều Nguyễn,  Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên, Hát Ca Trù,  Dân ca Quan họ Bắc Ninh,  Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng,  Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ,  Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ,  Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Nghi lễ và Trò chơi Kéo co, Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt,  Hát Xoan Phú Thọ,  Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ. 

Với danh sách các giá trị phi vật thể đó, có thể thấy, những vốn liếng quý báu nhất trong văn hóa truyền thống của người Việt đã được tôn vinh, được xem như các giá trị hạt nhân của nhân loại. Bảo vệ một giá trị văn hóa phi vật thể, ngoài những cam kết của cộng đồng, chung tay nuôi dưỡng, giữ gìn...thì không gì tốt hơn là đưa các giá trị đó ngày càng đến được với nhiều người thưởng thức. 

Ở thành phố Huế xinh đẹp, hiện nay nhã nhạc cung đình Huế vẫn được biểu diễn hằng ngày ở Duyệt thị đường. Trong các dạ tiệc hoàng cung về đêm, nhã nhạc cũng được phục vụ khách du lịch có yêu cầu. Ngoài ra còn có những buổi biểu diễn phi lợi nhuận cả tiểu nhạc và đại nhạc tại sân điện Thái Hòa và Thế Miếu. Việc bán vé tham quan du lịch đã được tính toán để có thể trích tiền từ đây bù cho cát-xê biểu diễn của nghệ sĩ.

Hát xoan Phú Thọ được đưa vào tour du lịch để du khách có thể thưởng thức di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Cách đây 2 năm, một vở diễn mang tên "Tứ phủ" của đạo diễn trẻ Việt Tú, lấy cảm hững từ nghi lễ thờ Mẫu của người Việt đã gây được một tiếng vang lớn. Vở diễn được đưa vào kết hợp trong một chương trình du lịch. 

Đạo diễn trẻ cho hay, anh muốn khi du khách đến Hà Nội sẽ được xem một vở diễn nghệ thuật liên quan đến di sản được UNESCO công nhận. Vở diễn trên thực tế đã được rất nhiều khách du lịch lấy làm thích thú. Thậm chí, kênh truyền hình nổi tiếng CNN đã phát một phóng sự ngắn về chương trình "Tứ phủ", trong một chương trình đặc biệt về văn hóa Việt Nam. 

Sau hơn 400 buổi diễn liên tiếp, "Tứ phủ" nằm trong top 3 show diễn văn hóa phải xem khi đến Hà Nội. Thành công của vở diễn cho thấy danh hiệu di sản tầm quốc tế là rất quan trọng trong việc quảng bá văn hóa dân tộc. Các nhà sản xuất sản phẩm du lịch, các nghệ sĩ cần nhanh nhạy nắm bắt để không bỏ phí cơ hội quảng bá tuyệt vời này.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, những sản phẩm du lịch liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận chưa có nhiều. Chúng ta chưa có được nhiều hơn những chương trình nghệ thuật đặc sắc như "Tứ phủ".

Ở các địa phương có các giá trị văn hóa phi vật thể được công nhận, cũng có những hoạt động liên quan du lịch nhưng còn nhỏ lẻ, chưa quy mô, và thiếu một sự quan tâm đồng bộ của các cấp lãnh đạo địa phương. Một vài đơn vị tư nhân có nhanh nhạy đưa sản phẩm văn hóa phi vật thể vào công tác du lịch nhưng chưa tính toán kỹ càng, còn nặng tính vụ lợi thời vụ, thiếu ý tưởng. 

Một trong những nguyên nhân của việc làm còn kém cạnh đó, là vì kết hợp giữa du lịch và văn hóa chưa tốt. Người làm du lịch thì thiếu một sự hiểu biết thấu đáo, kỹ càng về di sản văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch giới thiệu cho khách tham quan. Người làm văn hóa thì còn thờ ơ, chưa xem trọng việc đưa văn hóa vào du lịch. 

Có nơi, cả hai bên kết hợp trên tình thần nhanh nhạy, nhưng cách làm lại "xổi" quá, muốn có lợi nhuận ngay, dẫn đến làm hỏng văn hóa. Đơn cử, một trung tâm văn hóa lớn, là cái nôi của nghệ thuật ca trù như Hà Nội, mà hiện nay chưa có một điểm biểu diễn ca trù nào thường xuyên, quen thuộc để khách tham quan đến xem. Quan họ thì cũng vẫn chỉ tập trung giới thiệu công chúng vào ngày Hội Lim 13 Tết hàng năm. Ví giặm cũng chưa được đưa vào sản phẩm du lịch nào.

Nói như vậy không có nghĩa là mọi giá trị văn hóa phi vật thể đều cần thiết, rốt ráo biến thành sản phẩm du lịch hay kết hợp vào trong các tour du lịch. Bởi văn hóa là khái niệm cao hơn thế, nhất là các giá trị đã được tổng kết, đánh giá, xếp hạng...Giá trị của các di sản văn hóa đã được kết tinh từ ngàn đời. Việc gìn giữ các giá trị di sản là để cho muôn đời con cháu mai sau. 

Vấn đề đưa các di sản kết hợp với du lịch, do đó luôn cần một sự thấu hiểu, truyền cảm hứng sâu sắc từ những nhà quản lý ở cả hai lĩnh vực. Ngành văn hóa không thể bỏ mặc cho du lịch muốn làm gì thì làm, như thế sẽ có những biến tướng nguy hiểm. Du lịch cần kết hợp chặt chẽ với văn hóa để không làm mai một những vẻ đẹp trường tồn trong các di sản văn hóa bao đời. 

Ở nhiều nước, việc ứng xử với các di sản văn hóa là hết sức nâng niu, coi trọng. Khi đưa các giá trị văn hóa phi vật thể vào trong du lịch, họ luôn có cách tính toán để làm sao phát huy được tối đa giá trị văn hóa đó trong giới thiệu con người, đất nước mình. Nói cách khác, đưa văn hóa vào du lịch là cần thiết, nhưng phải giám sát, không làm bằng mọi giá, không quá đề cao tính chất lợi nhuận, thương mại hóa.

Tín ngưỡng hầu đồng đi vào nhiều tác phẩm nghệ thuật phục vụ khách du lịch.

Phát triển du lịch dựa trên các sản phẩm có lồng ghép các giá trị văn hóa phi vật thể cần thiết phải chú trọng đến lợi ích của cộng đồng, nơi sản sinh, nuôi dưỡng những giá trị này. Làm sao phải để cộng đồng dân cư những vùng văn hóa này được hưởng lợi ích của du lịch. Chẳng hạn, các tour du lịch phải đưa về tận những miền quê,  nơi phát sinh ra loại hình nghệ thuật đó, như Phú Thọ đã làm với hát xoan. 

Những người dân đã được tham gia vào việc giới thiệu các giá trị văn hóa phi vật thể đẹp đẽ của cha ông với du khách, từ đây nuôi dưỡng lòng tự hào về di sản trong cộng đồng. Ngoài ra họ có thêm thu nhập từ các hoạt động du lịch, khuyến khích tạo công ăn việc làm, với điều kiện các hoạt động này tôn trọng các nguyên tắc đạo đức và trách nhiệm đối với di sản sống và những người có liên quan.

Thiết nghĩ gắn du lịch với các giá trị di sản phi vật thể với văn hóa là cần thiết, nhưng công tác này phải đề cao vấn đề đạo đức của toàn thể những người tham gia. Do đó, mọi hoạt động có liên quan đến du lịch, dù là Nhà nước hay tư nhân thực hiện đều phải tôn trọng nguyên tắc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và quyền, nguyện vọng, mong muốn của người dân. 

Cộng đồng gốc, nơi sản sinh văn hóa phi vật thể đó phải là những người thụ hưởng chính trong mọi hoạt động du lịch liên quan đến di sản của họ và phải đóng vai trò chính trong quản lý hoạt động này. Có như vậy, du lịch mới thực sự đóng góp trong việc lan tỏa các giá trị văn hóa đến với nhiều người, làm đẹp thêm hình ảnh văn hóa Việt.

Thu Dương
.
.
.