Đón Tết sớm ở làng chài

Thứ Ba, 13/02/2018, 16:13
Với người đi biển, Tết chính là ngày trở về của những con tàu đầy ăm ắp cá, ngày chào đón những chàng thủy thủ da ngăm, tóc cháy, miệng cười rạng rỡ...


Ngư dân làng chài Hòn Rớ (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) bao đời nay đã quen với việc đón Tết sớm ở đất liền, để nhường ngày xuân cho hành trình đằng đẵng ngoài đại dương. Đón chúng tôi trên triền đê chắn sóng, trước mũi tàu lừng lững cập cảng, vợ chồng ngư phủ Huỳnh Phi Minh nở nụ cười hồn hậu.

Trên boong tàu, mùi cá tôm nồng nặc. Mâm cơm ngày cận Tết sum vầy, đầm ấm. Ông Minh cho biết, gia đình tranh thủ ăn Tết để ngày 28 ông sẽ đi biển.
Không khí mùa Tết nhộn nhịp ở làng chài.

Ở đây, quy luật ngày Tết không giống bất cứ nơi nào, bởi đặc thù nghề biển. Khoảng thời gian trước và sau Tết chính là mùa cá về trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Những người làm nghề biển phải tranh thủ ra khơi kiếm cá và năm nào cũng thế, thủy thủ đón giao thừa giữa đại dương mênh mông.

Ở đây cái Tết bắt đầu bằng tấm biểu ngữ viết câu khẩu hiệu quen thuộc "Đảo là nhà, biển cả là quê hương", được treo ngay trên con đường chính dẫn vào xóm. Ở làng chài này, trai tráng lớn lên lại ra Hoàng Sa - Trường Sa quẫy đạp trùng khơi. Khuôn mặt ai nấy rám nắng, bộn bề trăm nỗi lo toan, hiếm khi nào thấy họ quần áo tươm tất thư thả ngồi uống trà.

Chỉ có những ngày nghỉ biển, người ta mới thấy ngư dân diện được bộ đồ sạch đẹp, chân đeo đôi giày kín gót. Từ đầu làng đến chân đê, mùi mực nướng, cá nướng thơm đến "cháy mũi". Trẻ cầm xiên mực nô đùa, cười đến quên cả ăn. Cánh thanh niên ngồi túm lại nhai mực uống bia, họ tổng kết một năm đánh bắt đầy sóng gió và bàn phương án chuẩn bị cho phiên biển mới.

Bức tranh mùa xuân ở Hòn Rớ hiện lên trong nắng mai, thanh bình và no ấm. Vợ chồng ông Minh tranh thủ đi sang nhà này, nhà kia uống với nhau chén trà, ly bia, kể cho nhau nghe những phiên biển trúng đậm. Đó được mặc định là những lời chúc Tết, mang đậm hương sắc miền biển. Trong những câu chuyện về biển, họ lảng không nói về cái xấu, cái rủi ro mà toàn nói điều tốt lành, như cách họ chúc nhau năm mới ra khơi gặp nhiều may mắn.

Trong những ngày Tết, ngoài bữa cơm đoàn viên, gia đình đi biển nào cũng chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn đưa xuống thuyền để thực hiện nghi thức cúng biển. Những lão ngư cả đời ngấm mình trong sóng gió biển khơi được chọn đứng ra chủ trì buổi cúng thuyền. Họ mang lên mâm cúng những sản vật tốt nhất trong mùa vụ vừa qua, cùng các lễ vật truyền thống như bánh chưng, trái cây, rượu, gạo, cháo trắng, muối, trầu cau, nhang đèn...

Mâm cỗ có cả vị đất liền và vị của biển, họ muốn thông báo đến tổ tiên rằng, dù trong những ngày tàu về nhà đón Tết, họ vẫn không quên nghĩ về biển. Những hạt gạo, muối được rải khắp sàn tàu để "thần tàu" cùng chia vui.

Người làng biển biết rằng tàu của họ giờ đã có công suất lớn, chinh phục tới tận những vùng biển xa nhưng luôn bị các loại thiên tai và nhân tai rình rập. Nghi thức cúng thuyền là cách để họ trả ơn biển đã cho dân làng cơm no, áo ấm.
Những con tàu cập bến đón Tết sớm.

Đến sáng 30 Tết, gia đình các thuyền trưởng sẽ mang một con gà, bánh, trái cây, rượu và một chậu hoa cúc hay vạn thọ... ra thuyền để cúng. Làm lễ xong, chậu hoa được đặt ở mũi thuyền, một bàn gồm trái cây, bánh kẹo và lư hương, thêm mấy lon bia được đặt gần đó. Từ đêm Giao thừa đến hết ngày mùng 2 Tết, đại diện chủ tàu phải thường xuyên ra đây để thắp hương.

Trong tâm niệm bao đời nay của người đi biển, dù khó khăn, bận rộn, nhưng họ luôn thành tâm sắm sửa lễ vật để "Tết thuyền" lúc nào cũng đầy đủ. Người giàu thì heo, bò,... người nghèo cũng cố sắm sửa mâm lễ con gà, bánh, rượu... Vì thuyền không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn là "người bạn" của ngư dân trên suốt hải trình chinh phục đại dương.

Nguyễn Hoa
.
.
.